QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VÀ
HÔN NHÂN
Với Phật Giáo, hôn nhân
được coi là một vấn đề riêng tư, cá nhân và không phải là một bổn phận tôn
giáo.
Hôn nhân là một tập quán
xã hội, một sự xây dựng tạo nên bởi con người cho sự sung sướng và hạnh phúc
của mình, để phân biệt xã hội loài người với đời sống loài vật, và để duy trì
trật tự và hòa hợp trong tiến trình sinh sôi nẩy nở. Tuy kinh sách Phật Giáo
không đề cập đến vấn đề một vợ một chồng hay đa thê, người cư sĩ Phật Giáo vẫn
được khuyên dạy là nên giới hạn một vợ mà thôi. Đức Phật không đặt để luật lệ
về đời sống vợ chồng nhưng Ngài đã cho các lời khuyên cần thiết về hạnh phúc
lứa đôi. Suy luận rộng ra qua những bài pháp của Ngài, là nên khéo léo, trung
thành với người vợ và không nên đam mê nhục dục, chạy theo đàn bà. Đức Phật
nhận định một trong những nguyên chính làm con người suy sụp là do dan díu với
người đàn bà khác (Kinh Parabhava). Người đàn ông biết rõ những nỗi khó khăn,
gian nan và đau khổ mà mình sẽ phải chịu đựng với chỉ một vợ và một mái gia
đình. Những điều đau khổ ấy còn sẽ được nhân lên khi phải đối đầu với tai ương
hoạn nạn. Hiểu biết bản chất yếu đuối của con người, Đức Phật khuyên dạy tín đồ
qua một trong các giới không được gian dâm hay đồi bại về nhục dục.
Quan điểm Phật Giáo về
hôn nhân rất phóng khoáng: với Phật Giáo, hôn nhân là một vấn đề hoàn toàn
riêng tư và cá nhân, và không phải là một bổn phận đạo giáo. Không có luật lệ
tôn giáo trong Phật Giáo bắt buộc một người phải lấy vợ lấy chồng, giữ độc thân
hay sống một cuộc đời hoàn toàn trong trắng. Cũng không chỗ nào nói người Phật
Tử bắt buộc phải sanh con, hay phải hạn chế số con. Phật Giáo cho cá nhân tự do
quyết định tất cả những vấn đề thuộc hôn nhân. Có thể hỏi tại sao các Thầy Tu
lại không lập gia đình vì không có luật lệ nào chống lại hôn nhân cả. Lý do rõ
ràng là để phục vụ nhân loại nên các nhà sư đã chọn đường lối sống trong đó gồm
có sống độc thân. Những ai từ bỏ cuộc đời trần tục tự nguyện sống cuộc đời
không vợ con để tránh những ràng buộc thế gian hầu duy trì được an lạc nội tâm,
và hiến trọn đời mình phục vụ người khác đạt được giải thoát tinh thần. Mặc dù
các nhà sư Phật Giáo không chủ tọa các lễ hôn phối nhưng các nhà họ vẫn hướng
dẫn các nghi thức tôn giáo để cầu phước cho các cặp vợ chồng.
LY DỊ
Ly thân hay ly dị không
bị cấm trong Phật Giáo, tuy sự cần thiết phải ly dị sẽ rất hiếm xảy ra nếu
những huấn thị của Đức Phật được triệt để thi hành. Vợ chồng phải được tự do xa
nhau nếu họ thực sự không thể cùng nhau chung sống được. Xa nhau tốt hơn là
phải cùng nhau chung sống một cuộc đời kéo dài khổ sở. Đi xa hơn nữa, Đức Phật
khuyên các người già không nên lấy vợ trẻ vì già và trẻ không cân xứng sẽ tạo
nên những khó khăn quá mức, bất hòa và suy vi (Kinh Parabhava).
Xã hội lớn mạnh nhờ hệ
thống liên hệ bằng những tương quan xoắn xuýt nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi
mối quan hệ là cả tấm lòng cam kết để hỗ trợ và bảo vệ nhau trong một nhóm hay
cộng đồng. Hôn nhân là một phần rất quan trọng trong mạng lưới chặt chẽ của
những quan hệ hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phải bắt
nguồn và phát triển từ sự hiểu biết chứ không phải từ sự sôi nổi tùy hứng, từ
lòng trung thành thực sự chứ không phải từ lòng ham mê bồng bột. Xây dựng hôn
nhân sẽ tạo một căn bản tốt đẹp cho sự phát triển văn hóa, kết hợp hài hòa của
hai cá nhân được chăm sóc tránh khỏi bị cô đơn, tước đoạt và sợ hãi. Trong hôn
nhân, người phối ngẫu phát triển vai trò bổ sung sức mạnh và tinh thần can đảm
cho nhau, và mỗi người đồng thể hiện tinh thần nâng đỡ và cảm kích tài đức của
nhau. Không nên có tư tưởng người đàn ông hơn người đàn bà hay người đàn bà hơn
người đàn ông - người này bổ túc cho người kia, một sự hùn hạp bình đẳng cùng
đem lại đức tính dịu dàng, khoan dung, điềm tĩnh và hy sinh cho nhau.
PHƯƠNG PHÁP HẠN CHẾ SANH
ĐẺ, PHÁ THAI VÀ TỰ TỬ
Mặc dù con người có tự
do kế hoạch hóa gia đình cho thích nghi với mình, nhưng không thể nào bào chữa
cho việc phá thai được.
Người Phật Tử không có
lý do nào để chống lại phương pháp hạn chế sinh đẻ. Họ được tự do sử dụng bất
cứ biện pháp nào cổ xưa hay tân tiến để ngừa thai. Những ai chống lại hạn chế
sinh đẻ nói rằng điều này đi ngược lại luật của Thượng Đế đã đặt ra, phải hiểu
rằng quan điểm của họ về vấn đề này không hợp lý. Việc được làm trong phương
pháp hạn chế sinh đẻ là ngăn chận sự hình thành một kiếp sống của một chúng
sanh. Không có giết chóc và không có hành động tạo nghiệp. Nhưng nếu có bất cứ
một hành động nào để phá thai thì hành động này sai quấy vì đã lấy đi hay phá
hoại một mạng sống dù nhìn thấy được hay không nhìn thấy được. Cho nên việc phá
thai không thể nào bào chữa được.
Theo lời Phật dạy phải
hội đủ năm điều kiện hiện hữu mới tạo thành một hành động sát sanh, đó
là:
1. Một chúng sinh,
2. Biết hay nhận thức đó
là một chúng sinh,
3. Có ý giết,
4. Cố gắng giết,
và
5. Hậu quả là cái chết
Khi một người đàn bà
mang thai, có một chúng sinh trong dạ con, và việc này hoàn thành điều kiện đầu
tiên. Sau một vài tháng, người đàn bà đó biết có một mạng sống mới trong mình,
và đó điều kiện thứ hai hoàn tất. Nay vì lý do này hay lý do khác, người đó
không muốn có cái bào thai trong mình. Bà ta bắt đầu tìm đến một nhà phá thai
làm công việc phá thai, và như vậy điều kiện thứ ba hoàn tất. Điều kiện thứ tư
cho thấy cuối cùng, bào thai bị giết vì hành động này. Vậy tất cả các điều kiện
đều hiện hữu. Như vậy, bà đã vi phạm giới thứ nhất "Không Sát Sanh",
vì việc này tương đương với việc giết một chúng sanh. Theo Phật Giáo, không một
lý do nào có thể nói là ta được quyền lấy đi mạng sống của người khác.
Trong một số trường hợp,
người ta cảm thấy bắt buộc phải làm như vậy vì sự thuận tiện cho chính mình.
Nhưng họ không thể biện minh cho hành động phá thai và dù thế nào đi nữa, họ
cũng phải đối đầu với hậu quả của nghiệp xấu. Tại một vài quốc gia, phá thai
được hợp pháp hóa, nhưng việc này chỉ để tránh một số khó khăn. Nguyên tắc đạo
lý không bao giờ đầu hàng cho lạc thú của con người mà luôn đứng về phúc lợi
của toàn thể nhân loại.
TỰ TỬ
Hủy bỏ mạng sống của
chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều sai trái về mặt luân lý và tinh
thần. Hủy hoại mạng sống của mình vì dao động hay thất vọng chỉ gây thêm nhiều
đau khổ. Tự tử là một phương cách hèn nhát để chấm dứt những khó khăn đời sống
của mình. Một người không thể tự tử nếu có được tâm thanh tịnh và bình tĩnh.
Nếu ta từ bỏ thế giới này với một tâm bối rối và bất mãn, thì điều chắc khó cho
ta được tái sanh vào hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Tự tử là một hành động bất thiện
hay vụng về vì bị tác động bởi một tâm đầy tham sân si. Những ai tự tử không
biết làm sao đương đầu với khó khăn, làm sao đối mặt với những sự thật của đời
sống, và làm thế nào để sử dụng tâm ý đúng cách. Những người như vậy không thể
hiểu được bản chất cuộc sống và những điều kiện trên cõi đời này.
Một số người hy sinh
mạng sống của mình cho điều mà họ nghĩ là một sự nghiệp tốt đẹp và cao thượng.
Họ hủy bỏ đời mình bằng các phương pháp như tự cống hiến tính mệnh, tự bắn, hay
tuyệt thực. Những hành động như vậy được coi như gan dạ và can đảm. Tuy nhiên
theo quan điểm Phật Giáo, những hành động như vậy không phải để được tha thứ.
Đức Phật nhấn mạnh rõ ràng rằng các đầu óc muốn tự kết liễu mạng sống của mình
sẽ đưa đến bao khổ đau hơn nữa.
TẠI SAO DÂN SỐ TRÊN THẾ
GIỚI LẠI GIA TĂNG?
Thật không có lý do nào
để nghĩ rằng chỉ trong khoảng thời gian này mà dân số trên thế giới mới gia
tăng.
Nếu Phật Tử không tin
vào linh hồn được Thượng Đế tạo ra thì sao họ có thể giải thích về dân số gia
tăng trên thế giới này? Đó là một câu hỏi rất thường được nhiều người nêu ra
hiện nay. Người hỏi câu này thường chấp nhận rằng chỉ có một thế giới có chúng
sinh hiện hữu. Ta phải nhận rằng đó là một điều hoàn toàn tự nhiên mà dân số
tăng tại những nơi có điều kiện khí hậu tốt, có cơ sở y khoa, thực phẩm và
những phương tiện phòng ngừa về sinh sản và bảo vệ chúng sinh.
Ta cũng nên nhận thức
rằng không có lý do nào để cho rằng chỉ trong thời gian này dân số trên thế
giới mới gia tăng. Không có cách nào để so sánh với bất cứ giai đoạn nào của
lịch sử cổ xưa. Có nhiều nền văn minh rộng lớn đã hiện hữu và mất đi tại Trung
Á, Trung Đông, Phi Châu và Mỹ Châu thời cổ. Không còn lưu lại mảy may nào về những
bản kiểm kê về các nền văn minh đó. Dân số, cũng như mọi thứ khác trong vũ trụ,
cũng chịu ảnh hưởng theo chu kỳ lên xuống. Trong những chu kỳ nhân số tăng vọt,
ta dễ có khuynh hướng lý luận chống lại thuyết tái sanh trên thế giới này hay
thế giới khác. Với vài nghìn năm qua, không có bằng chứng nào cho thấy số người
tại nơi nào đó trên thế giới nhiều hơn ngày nay nhưng con số của các chúng sinh
hiện hữu trong nhiều hệ thống trên thế giới khác thật ra không đếm được. Nếu
con số của nhân loại có thể so sánh với một hạt cát thì con số chúng sanh trong
vũ trụ sẽ giống như số hạt cát nơi tất cả các bờ biển trên thế giới. Khi đủ
nhân duyên, khi được hỗ trợ bởi thiện nghiệp, một phần ít của con số chúng sinh
không đếm được tái sanh làm người. Sự tiến bộ của y khoa nhất là vào thế kỷ thứ
19 và 20, giúp cho con người sống lâu hơn và khoẻ mạnh hơn.
Đó là một yếu tố góp
phần cho dân số gia tăng. Dân số có thể tăng thêm nhiều hơn nữa trừ phi người ý
thức có biện pháp kiểm soát. Vì lý do đó, công trạng hay trách nhiệm về sự gia
tăng dân số phải quy về cơ sở y khoa và những hoàn cảnh thuận tiện ngày nay.
Công trạng này hay trách nhiệm không thể quy về một tôn giáo đặc biệt nào hay
bất cứ một nguồn gốc bên ngoài nào cả. Có những người tin rằng tất cả những sự
bất hạnh diễn ra để phá hủy mạng sống con người đều do Thượng Đế tạo ra để giảm
thiểu dân số trên thế giới. Thay vì mang quá nhiều đau khổ đến cho những sinh
vật do chính Thượng Đế tạo ra, tại sao Thượng Đế không thể kiểm soát dân số?
Tại sao Thượng Đế còn tạo càng ngày càng nhiều người tại những quốc gia đông
dân mà mà lại thiếu thốn thực phẩm, quần áo, và những nhu cầu căn bản cần
thiết? Những ai tin tưởng Thượng Đế tạo mọi thứ không thể trả lời thỏa đáng câu
hỏi ấy. Nghèo khổ, bất hạnh, chiến tranh, đói, bệnh, nạn thiếu thực phẩm không
phải do ý muốn của Thượng Đế hay do ý thích của ma quỷ nào đó, nhưng do các
nguyên nhân không mấy khó để có thể tìm ra được.
SINH LÝ VÀ TÔN
GIÁO
"Phần dưới của
chúng ta vẫn còn là thú vật" (Gandhi)
Sự đòi hỏi sinh lý là
động lực mạnh nhất trong bản chất con người. Cho nên ảnh hưởng sâu rộng về sức
mạnh dục tính cần phải có biện pháp kiềm chế ngay trong cuộc sống bình thường.
Trường hợp của người sống hướng về tinh thần, bất cứ ai muốn kiểm soát hoàn
toàn tâm ý mình thì một biện pháp mạnh mẽ rộng lớn của kỷ luật tự giác rất cần
thiết. Một năng lực mạnh mẽ như vậy trong bản tính của con nguời chỉ có thể bị
khuất phục nếu người có chí biết kiểm soát tư tưởng và thực hành việc tập trung
tâm ý của mình. Sự kiềm chế sức mạnh dục tính khiến sức mạnh tinh thần phát
triển. Nếu ta kiểm soát được sức mạnh dục tính, ta sẽ có thể kiểm soát nhiều
hơn nữa trên toàn thể bản chất của mình, trên những xúc cảm nhỏ nhặt hơn.
Độc thân là một trong
những điều cần thiết cho những ai muốn phát triển tinh thần đến mức toàn hảo.
Tuy nhiên, không bắt buộc mỗi hay mọi người phải độc thân để hành trì Phật đạo.
Lời khuyên của Đức Phật là giữ độc thân thì thích hợp hơn cho một người muốn
trau dồi để đạt thành quả tinh thần. Với người cư sĩ bình thường, giới luật là
không tà dâm. Mặc dù sự đồi trụy của sức mạnh nhục dục không phải đều cùng một
loại như vậy nhưng người đồi trụy lúc nào cũng bị đau khổ bởi những phản ứng
xấu cả về vật chất hoặc tinh thần hay cả hai.
Một cư sĩ Phật Tử cần
phải tập kiểm soát bản năng sinh lý mình ở một mức độ nào đó. Sự đòi hỏi về xác
thịt phải được kiểm soát đúng cách nếu không con người sẽ có tư cách xấu hơn là
con vật khi bị đam mê bởi ái dục. Hãy xét đến thái độ tính dục của cái mà ta
gọi là " thấp hơn thú vật" . Cái nào mới thực sự là thấp hơn- loài
vật hay loài người? Loài nào có thái độ về tính dục qua hành động bình thường
và tự nhiên? Còn loài nào thi đua về đủ mọi kiểu cách bất bình thường và đồi
trụy? Loài vật thường tỏ ra một sinh vật cao hơn, và con người là kẻ thấp hơn.
Và tại sao lại như vậy? Đơn giản là vì con người với khả năng tinh thần nếu
được sử dụng đúng sẽ giúp cho họ điều khiển những thôi thúc thể xác của mình,
nhưng lại đi dùng sức mạnh tinh thần này vào tác phong đáng trách và làm cho họ
càng lệ thuộc vào những đòi hỏi ấy. Con người như vậy xem như còn thấp hơn con
vật.
Tổ tiên chúng ta coi nhẹ
phần đòi hỏi sinh lý này. Cha ông chúng ta hiểu cái đó đã đủ mạnh không cần
phải dùng đến kích thích nào nữa. Nhưng ngày nay chúng ta đã làm nổ tung nó
bằng cả ngàn hình thức quảng cáo, tuyên truyền, triển lãm đầy kích động và khêu
gợi; và chúng ta đã trang bị cho sức mạnh dục tính bằng chủ trương nói rằng sự
kìm hãm sinh lý là nguy hiểm và có thể gây nên những xáo trộn tinh thần.
Tuy nhiên, sự kìm hãm
tức là sự kiểm soát tính năng là nguyên tắc đầu tiên của bất cứ nền văn minh
nào. Trong xã hội văn minh tiên tiến hiện nay, chúng ta đã làm ô nhiễm bầu
không khí giới tính bao quanh chúng ta - mức thôi thúc của thân tâm muốn được
thỏa mãn tình dục thật là to lớn.
Hậu quả của việc khai
thác tình dục này do những kẻ lợi dụng ẩn nấp trong xã hội tiên tiến, thanh
thiếu niên ngày nay phát huy mạnh mẽ thái độ đối với tình dục làm thành một mối
lo ngại chung. Một thiếu nữ ngây thơ không dám tự do để đi đây đi đó mà không bị
quấy rầy. Mặt khác phái nữ phải ăn mặc sao để đừng khơi động bản chất thú tính
ẩn tàng nơi đám thanh thiếu niên.
Con người là con vật duy
nhất không có thời gian ngưng hoạt động giới tính theo tự nhiên để thân xác có
thể hồi phục sinh khí. Bất hạnh thay ngành khai thác thương mại về bản tính đa
dâm nơi con người đã khiến nhân loại hiện đại bị đặt trước những chướng ngại
tiếp diễn không ngừng của sự kích thích tình dục từ mọi phía. Nhiều chứng loạn
thần kinh trong đời sống ngày nay đều có dấu vết do tình trạng mất quân bình
của những chuyện tình. Người ta muốn đàn ông chỉ nên có một vợ, nhưng đàn bà
lại được khuyến khích bằng mọi cách để có thể được tự mình trở nên "quyến
rữ" không phải chỉ cho chồng, nhưng để kích thích nơi mỗi người đàn ông sự
đam mê mà xã hội cấm người đó tham đắm vào. Nhiều xã hội cố gắng bắt buộc chế
độ một vợ một chồng. Như vậy, một người đàn ông với nhiều nhược điểm vẫn có thể
là một người đạo đức, có nghĩa là người đó vẫn trung thành với một vợ theo luật
định. Sự nguy hiểm nơi đây nằm trong sự kiện là người biết suy nghĩ thừa thông
minh để hiểu rằng những luật lệ ấy chỉ là nhân tạo và không có căn cứ nào trên
nguyên tắc tiên nghiệm, phổ thông có giá trị nào cả; những luật lệ ấy có khả
năng rơi vào cách suy tư lầm lẫn giống như tất cả những luật lệ luân thường đạo
lý khác .
Tình dục nên chỉ cho
nhau ở nơi chốn thích hợp trong đời sống bình thường của con người nhưng chẳng
nên kiềm chế mất sức khỏe mà cũng chẳng nên thái quá không lành mạnh. Nó lúc
nào cũng phải được ý chí kiểm soát, và được xem như lành mạnh nếu nó được đặt
trong bối cảnh thích hợp.
Không nên coi sinh lý
như một chất liệu quan trọng nhất cho hạnh phúc của đời sống lứa đôi. Những ai
quá tham đắm có thể trở nên nô lệ cho nhục dục mà cuối cùng làm hại đến tình
yêu và sự tương kính trong hôn nhân. Như trong mọi thứ, ta nên điều độ và có lý
trí trong việc đòi hỏi sinh lý của mình, cân nhắc tình cảm thân thiết và tính
khí lẫn nhau.
Hôn nhân là một cam kết
giữa người đàn ông và người đàn bà đi vào cuộc sống chung. Kiên nhẫn, khoan
dung và hiểu biết là ba phẩm hạnh chính phải được phát triển và nuôi dưỡng bởi
hai người. Trong khi tình yêu là mối ràng buộc hai người với nhau thì phần vật
chất cần thiết để gia đình được hạnh phúc nên do người đàn ông lo lắng để vợ
chồng chia sẻ. Tiêu chuẩn cho một cặp hôn phối tốt đẹp phải là "của chúng
ta" chứ không phải là "của anh" hay "của em". Cặp vợ
chồng tốt đẹp phải "mở rộng" con tim đối với nhau, và phải kìm hãm sự
vui chơi "bí mật". ôm giấu mãi bí mật cho riêng mình có thể dẫn đến
nghi kỵ và nghi kỵ là yếu tố có thể phá hoại tình yêu của người hôn phối. Nghi
kỵ nuôi dưỡng hờn ghen, hờn ghen tạo sân hận, sân hận làm tăng lòng oán ghét,
oán ghét biến thành thù địch và thù địch là nguyên nhân của khổ đau không thể
tả kể cả đổ máu, tự tử và chí đến giết người.