Chúng
ta không cần đi đâu xa, ở ngay tại nhà nhìn qua trang báo hằng ngày cũng đủ cho
chúng ta thấy những tệ nạn xã hội hiện nay như thế nào. Rượu chè, cướp bóc, cờ
bạc, mãi dâm... xảy ra thường xuyên, nếu ta có thời giờ bỏ ra vài năm hay cả
cuộc đời để thống kê những sự kiện ấy cũng không thể nào hết được, vì thế mà
các nhà báo chí không thất nghiệp, nay tường thuật tệ nạn này, mai báo cáo tệ
hại khác. Ðề cập đến vấn đề này các nhà lãnh đạo, các nhà giáo dục, các nhà Tôn
giáo... rất quan tâm, và đã đề xuất biết bao những biện pháp để ngăn chận,
phòng ngừa, tất nhiên, dù ít hay nhiều cũng gặt hái một số kjết quả nhất định
nào đó, nhưng trên thực tế như chúng ta trông thấy, những tệ nạn xã hội ngày
càng gia tăng khắp mọi nơi trên thế giới. Như vậy, nguyên nhân nào, động lực
nào thúc đẩy chúng xuất hiện? Ðây là chủ đề tôi sẽ trình bày trong bài viết này.
Ðối với vấn đề, hẳn nhiên, mỗi chúng
ta đều có những quan điểm, cách lập luận khác nhau, tùy theo cách nhìn của mình
đối với cuộc sống, lẽ tất nhiên tôi không dám bàn luận quan điểm của quí vị là
đúng hay không đúng. Ở đây tôi chỉ không đưa ra một quan điểm mới mẻ nào mà chỉ
dựa vào những lời dạy của đức Phật để rút ra những kinh nghiệm trong vấn đề xây
dựng một xã hội lành mạnh, có đạo đức mà thôi.
1. Tinh thần xây dựng đời sống lành
mạnh có đạo đức cho người xuất gia.
Trong hầu hết các kinh tạng Pàli,
thuộc hệ tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo Ðại thừa, đức Phật
luôn luôn khuyên các vị đệ tử của Ngài hãy sống trong tinh thần giới luật, lấy
giới luật làm thầy, vì nó là nền tảng để xây dựng một nếp sống cộng đồng hài
hòa lành mạnh, có đạo đức, và nó cũng là nấc thang đầu tiên để cho người xuất
gia tiến sâu vào con đường tuệ giác. Chúng ta hãy lắng nghe lờqi dặn dò tâm
huyết của đức Phật trước khi Ngài nhập Niết Bàn:
"Các thầy Tỷ kheo sau khi ta
diệt độ, các thầy phải trân trọng, tôn kính tịnh giới, như người mù tối mà được
mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả
của các thầy. Nếu ta ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy". (Kinh Di
giáo, bản dịch của T.T Thích Trí Quang).
Người giữ giới luật được đức Phật ví
như người mù mắt được sáng lại, người nghèo mà được vàng ngọc. Phải chăng đức
Phật quá thổi phồng, để cao giới luật? Thưa không, Ngài không bao giờ có ý định
lừa dối hay gạt gẫm chúng ta. Cuộc sống và lời dạy của Ngài đã chứng minh điều
đó, sở dĩ Ngài dạy như thế, vì Ngài muốn chúng ta giảm bớt khổ đau trong cuộc
sống để được sự bình an như Ngài. Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta phải tự
giác tuân thủ một số nguyên tắc, đó là giới luật.
Hơn nữa, mục đích cuối cùng của con
người là mưu cầu hạnh phúc và bình an. Người ta chạy vạy, hì hục làm suốt ngày
cũng chỉ để đổi lấy chén cơm, manh áo hay nói cho cùng là đổi lấy những phút
giây hạnh phúc khi ăn và mặc. Lẻ trộm rình mò suốt đêm để đánh cắp một cái gì
đó, rồi bán đi, lấy tiền, cuối cùng cũng chỉ để mua những phút giây hạnh phúc
bằng bữa nhậu, điếu thuốc phiện, hay một đêm hoan lạc... Nói cho cùng, chúng ta
là những người đi tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ở đâu? Có ở trong những cái
vật chất ấy không? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc không phải ở trong những thứ ấy mà
hạnh phúc ở ngay trong thái độ cư xử của chúng ta đối với sự vật ấy có đúng hay
không đúng. Chẳng hạn như con dao, chúng ta sử dụng nó ở góc độ làm các thức
ăn, thì nó đem lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc, ngược lại, chúng ta sử dụng
con dao ấy để giết người hay làm việc bất thiện, chúng mang lại cho chúng ta
nổi đau khổ và bất an. Mọi sự kiện trên đời cũng tương tợ như thế.
Là người xuất gia cũng không ngoài
mục đích trên, nhưng hạnh phúc của người xuất gia là loại hạnh phúc vĩnh cửu
trong sự thanh tịnh và giải thoát, không còn các cấu nhiễm thế gian, nhưng muốn
được giải thoát giác ngộ, hành giả không thể không hành trì giới, định, tuệ,
tiến trình này có thể nói là con đường độc nhất để đi đến Niết Bàn. Vì vậy cho
nên đức Phật dạy các Tỷ kheo muốn được giải thoát giác ngộ phải thực hành 250
giới. Tỷ kheo ni có 348 giới. Ðó là nguyên tắc để xây dựng một đời sống xuất
gia với ý hướng cầu giải thoát.
Tinh thần giới luật theo kinh tạng
Pàli, giới luật được đức Phật qui định rất đơn giản, không chi li và hệ thống
như những bộ luật về sau này, nói thế không có nghĩa là thiếu sót, mà chúng ta
phải hiểu rằng, đó là tinh thần cốt lõi của giới luật, nó bao trùm lên cả mọi
điều răn cấm của Luật tạng. Trong bài kinh "Ðại kinh xóm ngựa" -
Mahassapuracuttom, Trung Bộ X, được đức Phật trình bày những nguyên tắc sống để
trở thành một vị Tỷ kheo đầy đủ phạm hạnh:
"Sa môn! Sa môn! Này các Tỷ
kheo, dân chúng biết các ngươi là vậy, và nếu các ngươi có bị hỏi "Các
ngươi là ai?". Các ngươi phải tự nhận "Chúng tôi là Sa môn". Này
các Tỷ kheo, các ngươi đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thời
này các Tỷ kheo, các ngươi phải tự tu tập như sau: "Chúng ta sẽ thọ trì và
thực hành những pháp tác thành Sa môn. Như vậy danh xưng này của chúng ta mới
chơn chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật" và những cúng
dường chúng ta thọ hưởng, y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bịnh
có kết quả lớn, có lợi ích lớn cho chúng ta, và chúng ta xuất gia không thành
vô dụng, có kết quả, có thành tích".
Cũng trong bài kinh này, đức Phật
lần lượt trình bày 7 nguyên tắc tác thành một vị Sa môn như sau:
1. Biết tàm quí (Biết hổ thẹn những
việc làm sai của mình)
2. Thân hành thanh tịnh (mọi hành động thuộc về thân phải được trong sạch).
3. Khẩu hành thanh tịnh. (Lời nói ngay thẳng chân thật).
4. Ý hành thanh tịnh. (Suy nghĩ trong sáng)
5. Mạng sống thanh tịnh. (Các nghề nghiệp phải chính đáng trong sạch)
6. Hộ trì các căn. (Gìn giữ sáu căn không cho sáu trần khuấy nhiễu).
7. Chú tâm cảnh giác. (An trú tâm lại một chỗ không cho loạn động). (Sách đã
dẫn).
Qua bài này chúng ta nhận thấy:
- Bảy nguyên tắc tác thành vị Sa môn
là tinh thần giới luật đầu tiên của Phật giáo. Từ những nguyên tắc này về sau
Ðức Phật hay các vị Ðại đệ tử Phật xây dựng và hình thành luật tạng Phật giáo
một cách chi tiết và hệ thống.
- Bảy nguyên tắc trên là nền tảng để
xây dựng đời sống Phạm hạnh cho người xuất gia có chí hướng cầu giải thoát giác
ngộ. Vì một vị xuất gia thành tựu những nguyên tắc này thì danh xưng Sa môn của
vị ấy mới chơn chánh, như thật, và vị ấy xuất gia không thành kẻ vô dụng, vị ấy
có kết quả lớn, có lợi ích lớn trong đời sống phạm hạnh như đã được đức Phật
khẳng định. Ngược lại, người xuất gia không thực hành những nguyên tắc này thì
danh xưng Sa môn của vị ấy không chơn chánh, không như thật, mặc dù vị ấy có
hình thức là người xuất gia, vị ấy sẽ trở thành kẻ vô dụng. Như vậy vị ấy không
gặt hái được gì trong đời sống xuất gia.
2. Tinh thần xây dựng đời sống lành
mạnh, có đạo đức cho người tại gia.
Ðức Phật xây dựng đời sống xuất gia
là như vậy, còn đối với đời sống của người tại gia còn nhiều ràng buộc gia đình
thì đức Phật xây dựng như thế nào?
Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta chỉ
cần rút ra nguyên tắc đầu tiên là biết tàm quí trong bảy nguyên tắc trên đã làm
tôn chỉ cho người tại gia thực hiện. Nguyên tắc này khá quan trọng trong việc
xây dựng một xã hội lành mạnh, sống có đạo đức.
Theo đức Phật, nguồn gốc sâu xa của
mọi tệ nạn xã hội là con người đã đánh mất đức tính tàm quí, tức là không còn
biết hổ thẹn đối với hành vi sai lầm của mình. Như vậy, khi con người không còn
biết hổ thẹn thì người ấy có thể làm bất cứ điều ác nào.
Hình ảnh đức Phật dạy tôn giả La Hầu
La, khi Tôn giả vừa 7 tuổi, tạ tại rừng Am-ba-la (rừng xoài) thật cảm động.
Ngài khuyên La Hầu La khi làm một thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiập nào, nếu
thân, khẩu, ý nghiệp ấy đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai thì thân nghiệp
ấy, khẩu nghiệp ấy, ý nghiệp ấy là bất thiện. La Hầu La chớ nên làm, nếu đã lỡ
làm thì phải biết hổ thẹn, sám hối đối với nghiệp ấy. Ngài còn thận trọng hơn
nữa, khuyên La Hầu La không nên nói láo, dù nói để mà chơi. Ðức Phật quả là nhà
giáo dục vĩ đại, không những Ngài chỉ khuyên dạy những người ở lứa tuổi trưởng
thành có sự hiểu biết, mà Ngài còn quan tâm chăm sóc đến tuổi trẻ, giáo dục và
xây dựng chúng khi còn tuổi ấu thơ. Ngài quan niệm rằng, tâm hồn của tuổi ấu
thơ giống như tờ giấy trắng, nếu như tờ giấy ấy dư, được nhà họa sĩ tài hoa vẽ
lên ấy những bông hoa tươi đẹp, thì nó sẽ tô điểm cho cuộc đời thêm sắc. Ngược
lại, tờ giấy ấy nếu kẻ bất tài vô dụng bôi lên đó những vết mực đen vô nghĩa
thì nó trở thành cái vô dụng và làm xấu xã hội.
Ở đây tôi muốn nói, những người cha,
người mẹ, người thầy... có trách nhiệm lớn trong việc giáo dục những người con
cháu của mình. Hầu hết những em bé hư hỏng đều phát xuất từ sự thiếu giáo dục
của cha, mẹ, hay không có cha mẹ để giáo dục, hoặc phương pháp giáo dục không
có hiệu năng. Chúng ta khong nên trách đứa con hư hỏng mà chúng ta hãy tự trách
mình thiếu tinh thần trách nhiệm giáo dục đối với chúng. Ðức Phật đã làm người
thầy đầy đủ trách nhiệm, đáng kính, tùy theo từng lứa tuổi sự hiểu biết từng
người mà Ngài có những lời dạy khác nhau, rất thiết thực và hữu hiệu.
Ðối với tuổi trẻ, bằng mọi hình thức
Ngài ngăn chận những mầm mống phát sinh hành vi bất thiện, như Ngài đã dạy La
Hầu La "Là Sa môn hạnh của những người nào biết mà nói láo là không biết
tàm quí" (Trung Bộ I, Kinh Giáo Giới La Hầu La ở rừng Am ba la số 61).
Ðức tính hổ thẹn rất cần thiết cho
những ai muốn trở thành con người tốt, con người có đời sống lành mạnh có đạo
đức, nó là nền mống cơ bản để xây dựng một xã hội lành mạnh. Thiết nghĩ, những
tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, tuổi trẻ tiến sâu vào con đường sa đọa, vì
con người đã đánh mất đức tính hổ thẹn hay xem thường đức tính này. Ðó là nguồn
gốc sâu xa xuất hiện mọi tệ nạn xã hội.
Là con người không làm sao tránh
khỏi những sai lầm, nhưng cái quan trọng, khi chúng ta phạm phải sai lầm, chúng
ta có biết phục thiện hay không, chúng ta có biết hổ thẹn và sửa đổi những sai
lầm ấy không. Thái độ phục thiện hay không phục thiện để phân biệt giữa người
ngu và kẻ trí, giữa người thiện và người bất thiện, giữa người làm tồi bại xã
hội và người xây dựng xã hội.
Trong kinh Giáo giới La Hầu La, đức
Phật dùng hình ảnh con voi lâm trận để ví dụ cho hai hạng người trên. Ví dụ
một, khi con voi lâm trận, ra chiến trường, nó dùng hai chân trước, hai chân
sau, phần thân trước, phần thân sau, dùng đầu, tai, ngà, đuôi... nhưng nó bảo
vệ cái vòi của nó. Ví dụ hai, khi con voi lâm trận, ra chiến trường, nó dùng
hai chân trước, hai chân sau, phần thân trước, phần thân sau, dùng đầu, tai,
ngà, đuôi... và nó dùng luôn cả cái vòi của nó. Ở ví dụ một, ta thấy con voi
thứ nhất không quăng bỏ mạng sống của nó, vì nó biết bảo vệ cái vòi, dụ cho
người biết tàm quí. Ở ví dụ hai, ta thấy con voi thứ hai đã quăng bỏ mạng sống
của nó, vì nó không biết bảo vệ cái vòi, dụ cho người không biết tàm quí.
Qua ví dụ trên, ta càng thấy rõ hơn
tầm mức quan trọng khi con người đã đánh mất đức tính tàm quí, nó là nguyên
nhân sâu xa của mọi tội phạm. Vì vậy cho nên đức Phật đã đi đến kết luận:
"Cũng vậy này La Hầu La, đối với những ai biết mà nói láo, không biết tàm
quí, thời ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà người ấy không làm"
(sách đã dẫn).
Thật đúng vậy, thưa các bạn, các bạn
thử dành một vài phút để cho tâm hồn thật lắng đọng, rồi chiêm nghiệm cuộc sống
chính mình. Các bạn sẽ thấy một hành vi xấu xa mà các bạn còn mang theo, vì các
bạn đã đánh mát đức tính hổ thẹn đối với tật xấu ấy, và mặc nhiên thừa nhận
chúng như là một sự kiện thường tình. Kìa bạn hãy nhìn xem: đứa con hay cháu
của bạn có thói xấu hay ăn vụng. Bạn còn nhớ không lần đầu tiên chúng ta ăn
vụng với đôi mắt láo liêng, tò vò lén lút sợ hãi, nếu bạn không kịp thời giáo
dục chúng, lần thứ hai, ba và nhiều lần sau, bạn sẽ thấy gì trên đôi mắt của
cậu bé ấy? Tất nhiên là biểu lộ không chút gì sợ hãi hay lén lút. Chúng ăn vụng
một cách tự nhiên và xem như chuyện ấy được mọi người thừa nhận.
Từ chuyện này chúng ta có thể suy ra
mọi hành vi khác cũng bắt nguồn tương tự như vậy.
Cuối cùng, tôi xin mượn lời dạy của
đức Phật từ trong kinh Di giáo để thay lời kết thúc bài viết này:
"Sự hổ thẹn là phục sức tốt đẹp
nhất trong mọi thứ phục sức, như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự
mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết
hổ thẹn, sĩ nhục, đừng bao giờ quên đức tính ấy, dầu chỉ tạm thời mà thôi. Mất
hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hỏ thẹn thì không
khác chi cầm thú" (Kinh Di giáo)
Qua lời Phật dạy, ta thấy đức tính hổ thẹn là
nền tảng để xây dựng một nếp sống lành mạnh, có đạo đức. Cho dù là người tại
gia hay người xuất gia cũng cần có đức tính ấy. Mất đức tính ấy là nguyên nhân
sâu xa của mọi tệ nạn xã hội. Chúng ta là người Phật tử, là những người muốn
xây dựng xã hội lành mạnh, hãy cố gắng gìn giữ đức tính ấy trong mỗi người, vì
nó là vũ khí sắc bén nhất để ngăn chận mọi hành vi sai lầm, đồng thời nó cũng
là thứ trang phục đẹp nhất trong mọi thứ trang phục./.