Phía sau tất cả
mọi loại ái dục là ý muốn có hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn được
hạnh phúc, dù mỗi người định nghĩa hạnh phúc một cách khác nhau và không
ai muốn đau khổ hay bất mãn một chút nào cả. Nếu xét kỹ, chúng ta sẽ
thấy mọi hành động của mình đều có động lực là ý muốn đạt hạnh phúc hay ý
định tránh đau khổ.
Nhưng có điều ngang trái là dù
chỉ muốn có hạnh phúc, cuộc đời của chúng ta vẫn đầy dẫy đau khổ và bất
mãn. Mọi của cải mà chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu công sức đề có được rồi
sẽ hư hoại, mất mát, hoặc không còn sức hấp dẫn nữa. Vợ hay chồng của
chúng ta có thể trở nên thù địch hoặc phân ly mãi mãi. Công việc mà
chúng ta đã tìm được sẽ trở thành gánh nặng làm tiêu hao thời giờ và sức
khỏe. Danh tiếng của chúng ta có thề bị bôi nhọ, da của chúng ta sẽ
nhăn nheo, trí lực sẽ giảm sút. Như vậy hạnh phúc mà chúng ta luôn ham
muốn sẽ tuột khỏi tầm tay. Hình như càng muốn được sung sướng chúng ta
càng chịu nhiều đau khổ, do đó cuộc đời giống như một cuộc chạy đua
triền miên mà lại vô mục đích; nỗ lực tìm hạnh phúc đưa chúng ta chạy
vòng quanh cho tới khi kiệt sức và tuyệt vọng.
Nhiều triết gia
và các vị thầy tôn giáo đã nói tới chu trình đầy phiền não này và đã dạy
chúng ta cách giải thoát hay chịu đựng những khó khăn của cuộc đời. Ðức
Phật đã cho chúng ta thấy sự đau khổ của luân hồi và dạy nhiều pháp môn
tự giải thoát. Ngài nói rằng nguồn gốc của đau khổ là ái dục sinh ra từ
vô minh. Giải thoát, hay Niết bàn, là giải trừ mọi ái dục trong tâm của
mình.
Vì các giác quan là cửa vào của ái dục nên muốn
thoát luân hồi đau khổ, chúng ta phải cảnh giác về hoạt động của những
giác quan này, không để cho chúng khống chế nội tâm. Ðể đạt giải thoát
chúng ta phải biết tự kiểm soát mình, hay tự chế. Hành giả phải canh
phòng cẫn thận cửa vào các giác quan, kiểm soát chặt chẽ những đối tượng
của chúng. Khi một hình ảnh gây ái dục xuất hiện, thí dụ một người nam
hay nữ hấp dẫn, hành giả phải cảnh giác với nguy cơ bị hình ảnh đó lôi
cuốn. Tập luyện với sự cảnh giác như vậy, chúng ta chiến đấu chống lại
khuynh hướng theo đuổi những đối tượng của ái dục, và do đó không đau
khổ và bất mãn, đồng thời học được cách nhận ra những tính chất xấu của
mọi đối tượng ái dục. Thí dụ, chúng ta có thể hóa giải tính hiếu sắc
bằng cách suy gẫm về những bộ phận dơ bẩn của cơ thể con người. Mục đích
của môn tập luyện này là tránh ái dục quấy rối tâm chúng ta và vì vậy
đạt được sự an tĩnh giữa cuộc đời đầy xao động.
So với đạo pháp
Mật giáo dùng lực của chính ái dục thì pháp môn cảnh giác này được coi
là kém hơn, nhưng không phải là không có giá trị, vì chúng ta nên biết
lúc nào cần phải tránh những vật gây rối tâm của mình. Tuy nhiên, nếu
chỉ biết trốn tránh như vậy thì cuộc tu tập của chúng ta sẽ không có kết
quả gì nhiều.
Lối tiếp cận của Mật giáo rất khác. Thay vì coi
sự sung sướng về ái dục là những gì cần phải tránh với bất cứ giá nào.
Mật giáo dạy rằng năng lực mạnh mẽ do ái dục sinh ra chính là nguồn lợi
quý báu của con đường tu tập tâm linh. Vì mục tiêu không là gì khác hơn
sự thực hiện tiềm năng cao nhất của chúng ta nên Mật giáo tìm cách
chuyển hóa mọi kinh nghiệm thành pháp tu tập để đạt đạo quả. Chính vì
cuộc sống gắn liền với ái dục nên chúng ta phải dùng năng lực dũng mãnh
của ái dục nếu muốn chuyền hóa cuộc đời của mình thành một cái gì siêu
diệu.
Luận lý của Mật giáo rất đơn giản: Kinh nghiệm ái
dục của con người có thể được dùng làm nguồn lợi để đạt kinh nghiệm về
"toàn thể" có tính cách an lạc tối thượng, tức giác ngộ. Những phẩm tính
ái dục của tâm khi được thăng hoa tất nhiên sẽ sản sinh một cái gì
tương tự chúng, chứ không đối nghịch với chúng. Ðiều này đúng cho những
trạng thái tốt hay sướng cũng như những trạng thái xấu hay khổ của tâm.
Cũng vậy, bất mãn không thể trở thành thỏa mãn, khổ đau không thể biến
thành hạnh phúc. Theo Mật giáo, người ta không thể nào đạt mục tiêu an
lạc trọn vẹn và phổ quát bằng cách làm cho mình khổ hơn, như vậy là trái
với cách vận hành của sự vật. Chỉ bằng cách trưởng dưỡng những kinh
nghiệm nhỏ về an tịnh và thòa mãn bây giờ thì mới có thể đạt mục tiêu an
lạc tối thượng trong tương lai. Cũng vậy, chỉ bằng cách khéo dùng lực
ái dục và tạo thói quen kinh nghiệm lạc thú chân thực thỉ mới có thể đạt
giác ngộ viên mãn có tính cách an lạc vĩnh cừu.
Tôn Giáo Và Sự Chối
Bỏ Lạc Thú
Kinh nghiệm lạc thú và đạo pháp tâm linh có vẻ là hai điều
đối nghịch nhau. Nhiều người cho rằng tôn giáo có nghĩa là chối bỏ mọi
lạc thú của cuộc đời, là nói "không" với ái dục, "không" với sự hồn
nhiên, "không" với sự tự do phát biểu. Như vậy, chúng ta không ngạc
nhiên khi có sự ác cảm với tôn giáo có tổ chức. Thay vì được coi là
đường lối thăng hóa những giới hạn của con người, tôn giáo bị coi là một
trong những hình thức áp chế nặng nề nhất. Nếu muốn được tự do, chúng
ta phải thấy tôn giáo có tổ chức chỉ là một loại mê tín không đáng chấp
giữ. Nói như vậy, nghe có vẻ khắc nghiệt, nhưng nhiều xã hội đã dùng tôn
giáo làm phương tiện đàn áp và kềm chế về mặt chính trị.
Quan niệm tôn
giáo như sự áp chế hay giới hạn nhân tính căn bản không phải chỉ là ý
kiến của các nhà phê bình mà còn của các tín đồ tôn giáo nữa. Nhiều
người nghĩ rằng muốn sống theo đạo lý thì phải chối bỏ nhân tính đơn sơ
của mình. Họ nghi ngờ lạc thú tới mức cho rằng đau khổ có giá trị thực
sự và người có tôn giáo không nên hưởng những thú vui. Mục tiêu của họ
là một hình thức an lạc lâu dài nào đó, nhưng họ chối bỏ mọi lạc thú
trong đời sống hàng ngày. Họ coi những lạc thú này là những chướng ngại
cho việc tu tập phát triển tâm linh và nếu vô tình kinh nghiệm một chút
lạc thú, họ sẽ cảm thấy không yên tâm. Họ không thể ăn một miếng
sô-cô-la mà không cảm thây tội lỗi và tham dục! Thay vì chấp nhận và
thưởng thức một kinh nghiệm như vậy theo tính chất thật của nó, họ tự
trách mình :"Trong khi bao nhiêu người trên thế giới đang đói khổ, mình
lại dám hưởng lạc thú như thế này!"
Thái độ của họ sai lầm. Không có
lý do gì để cảm thấy tội lỗi khi hưởng lạc thú, vì như vậy cũng sai lầm
như bám giữ vào những lạc thú thoảng qua mà tưởng rằng chúng sẽ làm cho
mình thỏa mãn vĩnh viễn. Sự thật đây cũng chỉ là một loại chấp thủ, một
hình thức tự giam mình vào một quan niệm chật hẹp về mình và mục tiêu
mà mình nhắm tới. Cảm giác tội lỗi như vậy là trái ngược với thái độ tâm
linh đích thực. Nếu biết chấp nhận hoàn cảnh của mình, bình thản khi
gặp điều tốt cũng như điều xấu, thì sự tự chối bỏ có thể có một giá trị
thực nào đó. Chúng ta có thể dùng sự tự chối bỏ để tăng cường hạnh xả ly
của mình hay để giúp mình hiểu điều gì là quan trọng thực sự trong đời,
nhưng chúng ta hiếm khi chối bỏ một cái gì với lý do chính đáng. Chúng
ta tự ép mình vào một trạng thái cực khổ vì cho rằng khổ hạnh là có giá
trị. Thật ra sự khổ không có giá trị nào cả. Tự sống khổ sẽ chỉ mang lại
một kết quả là phải chịu khổ nhiều hơn. Nếu biết cách hưởng thụ hạnh
phúc mà không bám giữ sự vật cũng không có mặc cảm tội lỗi, thì chúng ta
có thể gây tạo những mức kinh nghiệm hạnh phúc sâu xa hơn và rốt cuộc
đạt được hạnh phúc tối thượng của sự phát triển trọn vẹn tiềm năng nơi
con người của mình.
Nếu phương pháp tự kềm chế là sai
lầm thì phải làm sao để thực hiện tiềm năng vĩ đại của mình? Nói vắn
tắt thì thực hiện tối thượng là giữ cho tâm luôn luôn ở trong trạng thái
an vui càng nhiều càng tốt. Thay vì chạy theo thói quen bám giữ bất
mãn, mê muội, khốn khổ và mặc cảm tội lỗi, chúng ta nên cố gắng phát
triển nội tâm bằng cách hiểu biết mỗi lúc mỗi sâu xa hơn, điều khiển
những năng lực nơi tâm và thể xác của mình một cách khéo léo hơn, hưởng
những hình thức lạc thú mỗi lúc mỗi cao hơn và sống một cuộc sống tốt
đẹp hơn. Cách tiếp cận như vậy có nhiều ý nghĩa hơn là việc chối bỏ
những kinh nghiệm hàng ngày của mình. Ðó là luận lý của Mật giáo.
Ðức Phật & Ðạo
Vui Sống
Một số đoạn trong cuộc đời của Ðức Phật cho thấy cách tiếp
cận dùng những đối tượng gây ái dục là siêu đẳng so với cách tiếp cận tự
chối bỏ kiêng kỵ những đối tượng ái dục này. Khi Thái tử Sidhartha rời
bỏ cung điện và lối sống xa hoa vào năm 29 tuổi để bắt đầu đi tìm con
đường thoát khổ, ngài đã chấp nhận phương pháp khổ tu tự hành xác. Cũng
như một số người Ấn Ðộ thời đó cho tới ngày nay, ngài tìm cách diệt trừ
nguyên nhân của khổ đau bằng việc tự kiềm chế thân xác của mình. Ngài tự
chối bỏ thực phẩm và các nhu cầu khác tới mức rốt cuộc chỉ còn da bọc
xương. Sau 6 năm khổ tu như vậy, ngài hiểu ra phương pháp này không đưa
tới mục tiêu giải thoát mà chỉ làm cho mình suy nhược, không đủ sức dể
suy nghĩ hay thiền định.
Lúc đó, Ngài quyết định bỏ lối
tiếp cận cũng cứng nhắc này để đi theo con đường tốt hơn cho việc phát
triển tâm linh chân chính. Ngài thôi tuyệt thực, dùng bát cháo sữa do
một cô gái tên là Sujata dâng lên, kết quả là thân thể và tâm của ngài
lấy lại sức khoẻ, sáng suốt và an lạc. Sự phục hồi của thân tâm không
những làm tăng ý chí của ngài mà còn làm cho ngài có thêm khả năng đạt
đạo quả giác ngộ viên mãn. Chỉ trong một đêm ngồi thiền dưới cội bồ đề
mà ngài đạt giải thoát trọn vẹn, điều này cho thấy rõ thời gian đã chín
mùi để ngài tử bỏ pháp khổ hạnh trước đây của mình. Theo quan điểm Mật
giáo, những sự kiện này chứng minh rằng phương pháp dùng lạc thú và ái
dục sâu xa và hiệu quả hơn phương pháp ép xác khắc nghiệt.
Sau khi Ðức Phật
đã được mọi người biết tiếng là một Ðạo sư thành tựu tối thượng có khả
năng hướng dẫn mọi hạng người tu tập đạt giác ngộ và giải thoát, một vị
vua thỉnh cầu ngài dạy cách phát triển tâm linh thích hợp với người giữ
những nhiệm vụ xã hội quan trọng. Vị vua nói: "Tôi có bổn phận lãnh đạo
thần dân của mình, không thể bỏ bê họ được. Tôi không thể làm như ngài
là buông bỏ tất cả, đi vào rừng núi sống cuộc đời của một tu sĩ. Tôi
muốn biết cách nào dùng chính đời sống vương giả làm đạo pháp, vì vậy,
nếu ngài có phương pháp nào đề chuyển hóa các hoạt động hàng ngày của
tôi như một vị vua thành đạo tu tập thì xin ngài truyền dạy cho tôi."
Ðức Phật trả lời rằng
ngài có một phương pháp như vậy, đó là phép tu tập Mật giáo. Ngài nói
:"Với phương pháp này, một vị vua có thể tiếp tục thi hành những bổn
phận của mình mà cũng không cần phải bỏ tất cả mọi lạc thú vương giả
nào." Ngài bảo nhà vua rằng ông ta có thể tận hưởng mọi thú vui mà vẫn
tu tiến đạt giác ngộ.
Giáo lý mà Ðức Phật dạy nhà vua là Ðạo Pháp
Kalachakra, hay Vòng Thời Gian, dòng truyền thừa giáo lý này cũng như
các dòng giáo lý Mật giáo khác đã được duy trì không gián đoạn và vững
mạnh cho tới ngày nay. Ðã có vô số người Ấn Ðộ và Tây Tạng đạt giác ngộ
tối thượng bằng những phương pháp tu tập này, tuyệt đối không có lý do
gì để chúng ta không thể hưởng lợi ích như họ.
Ðạo Phật Trong Ðời Sống
Hiện Ðại
Mật giáo đặc biệt thích hợp với tâm tính của người Tây
Phương; là con đường tu tập nhanh nhất hơn tất cả, Mật giáo rất hấp dẫn
đối với tính ưa kết quả tức khắc của thế giới Âu Mỹ. Hơn nữa, tính chất
chính yếu của đạo pháp Mật giáo là chuyển hóa, mà nguyên lý chuyển hóa
năng lượng, ít nhất là về mặt vật chất, là điều người Tây phương hiểu
rất rõ. Sau cùng, trong khi cuộc bộc phát năng lượng hữu ích của thế kỷ
này được coi là chướng ngại lớn cho đa số các đạo pháp tu tập khác, thì
thực ra rất thuận lợi cho việc tu tập Mật giáo dùng ái dục làm nhiên
liệu thúc đẩy chúng ta tiến tới mục tiêu cao nhất. Có lẽ chỉ có phương
pháp của Mật giáo coi trọng kinh nghiệm trực tiếp hơn là sự chấp nhận mù
quáng mới có thể đánh thức chúng ta thoát vô minh và phiền não để thực
hiện trọn vẹn.
Ðể biết giá trị thật của Mật giáo, chúng ta cần
phãi hiểu rõ một số điểm quan trọng. Trước hết, động lực tu tập Mật giáo
phải hết sức trong sạch. Ðiểm này sẽ được xét kỹ ở chương 6; ở đây chỉ
cần nói là tuyệt đối không có cách gì để đạt ích lợi vô lượng của Mật
giáo nếu động lực của chúng ta là đạt lợi lộc cho riêng mình. Hạng người
độc nhất có thể đạt kết quả trong việc tu tập Mật giáo là người quan
tâm chính yếu tới lợi ích của người khác và thấy rằng Mật giáo là phương
pháp nhanh nhất và mạnh nhất để thành tựu mục tiêu vô vị kỷ này.
Thứ nhì là chúng
ta phải có kiên nhẫn và sự tự khắc kỷ để thực hành các pháp tu tập đúng
cách. Nhiều người cho rằng vì Mật giáo là phương pháp cao cấp nhất nên
không cần phải bận tâm với các pháp tu tập sơ khởi, cứ việc nhẩy ngay
vào những pháp thượng thừa; họ đã vừa sai lầm lại vừa kiêu ngạo mà lại
thực hành một cách nguy hiểm. Người nào không có tính kiên nhẫn và không
suy nghĩ chắc chắn thì không đủ đỉều kiện để được truyền dạy Mật giáo.
Sau hết, cần phải
biết phân biệt tinh túy của Mật giáo với hình thức văn hóa hiện tại của
nó. Ý tôi muốn nói một người nước khác không nên bắt chước hình thức
bên ngoài hay hành vi của một người Tây Tạng hay của một người thuộc một
chủng tộc nào khác. Thí dụ, học cách cầu nguyện bằng một ngôn ngữ ngoại
quốc, không phải là cách thực hiện tiềm năng con người tối thượng của
mình, còn gọi là giác ngộ chân tính; thay truyền thống văn hóa này bằng
một truyền thống văn hóa khác là một việc làm không có giá trị gì cả.
Những người chỉ biết tu tập bề ngoài như vậy là mê muội vì không biết
mình thực sự là gì, hay cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Tất nhiên,
trong thời đại chuyển biến này, khi giáo lý Mật giáo di chuyển từ Ðông
sang Tây, chúng ta nên học tiếng Tây Tạng và những thứ khác, nhưng phải
hiểu rằng Mật giáo là cái gì sâu xa hơn ngôn ngữ hay tập tục. Mật giáo
dạy chúng ta thoát khỏi mọi điều kiện giới hạn sự hiểu biết về tính chất
thật của mình và mục tiêu tối thượng mà mình có thể đạt. Nếu biết tinh
tấn và cương quyết học hỏi, thực hành những giáo lý đầy oai lực này,
chúng ta sẽ có thể làm cho đời sống của mình được trọn vẹn và đáng thỏa
mãn như mình đã mong ước.