Nói
đến tiêu chuẩn về hạnh phúc thì không thể có một chuẩn mực đồng
nhất từ nhiều quan điểm của các học thuyết và tôn giáo. Bởi lẽ,
một nền học thuyết, dù của ai, cũng đều có nền tảng và cơ sở
riêng biệt của nó để đưa ra một mức chuẩn hạnh phúc. Đó không chỉ
là sự khác nhau trong quan điểm nhận thức mà thực chất còn là sự
khác biệt mang đặc thù về quan điểm nhận thức và nhất là những
hành động và phương châm sống được biểu hiện cụ thể trong quá
trình thực hiện các quan điểm hạnh phúc giữa các học thuyết và tôn
giáo. Ở đây chúng tôi không đi sâu vào lãnh vực so sánh, đối chiếu mà
chỉ thuần túy trình bày về một đời sống lý tưởng bao gồm những
tiêu chuẩn và những điều kiện cũng như các mặt đối lập để cấu
thành một đời sống lý tưởng hoặc phá hủy đời sống lý tưởng ấy.
Trong
một nhu cầu cảm thọ hạnh phúc chung nhất của toàn nhân loại, Đạo
Phật đã đưa ra mười tiêu chuẩn để xác nhận một đời sống được gọi
là lý tưởng và hạnh phúc trong sự tuyệt đối có thể đạt được từ
cuộc sống vốn tương đối, đó là : tài sản, khả lạc, khả hỷ, khả ý,
dung sắc… không bệnh… có giới đức… có phạm hạnh… là người thiện
chí cho bạn bè… nhiều kiến thức… có trí tuệ… thông các pháp… và
thiên giới…
Điều quan yếu trong mười tiêu chuẩn này là các yếu tố "khả lạc, khả hỷ, khả ý" đi sau các tiêu chuẩn.
1. Tiêu chuẩn về tài sản khả lạc, khả hỷ, khả ý :
Tài
sản ở đây tức là sự sở hữu về đời sống vật chất được xây dựng
trên cơ sở do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh bàn
tay cất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng phép và thu hoạch đúng
phép (Tăng III.A.iv, 281) – một thứ tài sản sở hữu quyền có được
từ một cuộc sống chánh nghiệp và chánh mạng. Đó chính là điểm cụ
thể và đặc sắc mà Phật giáo đã dạy cho con người trong việc mưu
cầu đời sống hạnh phúc cho mình, gia đình mình và quốc gia mình.
Dù cho có làm một nhà đại phú sản, nhưng nếu sở hữu quyền này không
được tạo ra từ sự nỗ lực làm ăn hợp pháp của mình thì đấy cũng
chỉ là những tài sản phi pháp không đáng có mà kinh Phật thường ví với
năm thứ tài sản dễ bị hư mất bởi : nhà nước tịch thu, hỏa hoạn,
thiêu đốt, lũ lụt cuốn trôi, kẻ xấu cướp đoạt, và con cái phá
hoại. Những thứ tài sản này mặc dù là sở hữu quyền của một sở hữu
chủ nào đó nhưng vẫn không thể là một thứ tài sản khả lạc, khả
hỷ và khả ý được – đúng hơn là những tài sản mà người có phải
thắc thỏm lo âu bởi bất kỳ một truy tố hoặc kiểm soát nào.
Nếu
như sự tháo vát tinh cần và sáng suốt trong làm ăn hợp pháp đem
lại sự phú hữu cho đời sống vật chất của con người, thì thái độ
"thụ động và không hăng hái" chính là kẻ thù nguy hại nhất để phá
hủy tất cả những thứ ấy. Một cuộc sống đầy đủ và giàu sang không
thể là một cuộc sống của thụ động và lười biếng. Người ta cần
phải nỗ lực phấn đấu hết mình để vươn lên trong làm ăn, mới là
nhân tố quyết định thành công trong cuộc sống.
2. Tiêu chuẩn về dung sắc, khả lạc, khả hỷ và khả ý :
Mặc
dù chủ trương xem trọng đạo đức luân lý nhân bản, nhưng đạo Phật
vẫn không xem thường yếu tố ngoại hình của con người, mà yếu tố
này có được từ sự thực hành đạo đức trong quá khứ hay ở hiện tại.
Dung sắc của con người không phải tự dưng mà có – sự khác biệt
về màu da, về chiều kích, về thân thể con người giữa các giống
người trên toàn cầu đều có nguyên nhân xa và gần của nó. Gần là
do di truyền gen của tổ tiên cha mẹ, mà xa là do đời sống đạo đức
hoặc phi đạo đức ở quá khứ đã âm thầm quyết định sự khác biệt về
dung sắc và thân thể của con người với con người, mà ảnh hưởng
của gen di truyền thực chất chỉ là kết quả từ những hành vi thiện
nghiệp hoặc bất thiện nghiệp đã chiêu cảm. Sự tương xứng giữa một
nhân gieo ở quá khứ và quả kết tựu ở hiện tại trong luật nhân quả
Phật giáo không phải là một định mệnh. Nó chỉ là sự đồng dạng hoặc
đồng tính chất của nguyên nhân và kết quả mà thôi.
Khi
sanh ra đã có một dung sắc kiều diễm khả ái, khả lạc, khả hỷ….
mà ở một người có cuộc sống quá khứ khác nhau về nghiệp nhân
không thể có được – phần lớn là do gieo nhân bố thí hoặc bảo vệ
vô điều kiện dung sắc cho người khác… ở quá khứ, và gần là ở hiện
tại biết chăm sóc thẩm mỹ chính mình bằng các phương pháp luyện
tập thích hợp. Do đó Đức Phật đã nói kẻ thù của dung sắc khả lạc,
khả hỷ, khả ý là "không trang sức,không tô điểm và không biết bố thí".
3. Tiêu chuẩn về một thân thể không bệnh khả lạc, khả ý :
Thân
thể không bệnh là một thân thể tráng kiện, không hoặc rất ít khi
bị thời tiết làm mệt hay khó chịu, đau đớn. Hạnh phúc khó có thể
toàn diện ở một con người dù là giàu có, nếu có một thân thể
nhược yếu hoặc luôn bệnh tật. Tâm lý thông thường nhưng cũng là
phổ biến là mọi người đều thích có một cuộc sống ít bệnh hơn là
giàu mà ốm yếu. Bệnh tật và ốm yếu làm con người đau khổ, phiền
muộn ; và nỗi hân hoan hạnh phúc thường có ở người tráng kiện.
Tuy nhiên, Đức Phật cũng dạy chúng ta không nên quá cực đoan mong mỏi
thân thể khôngbệnh hoạn, vì điều đó sẽ dễ sanh ở chúng ta một tâm
lý kiêu ngạo. Hãy cứ trau dồi có phương pháp về thể lực, đừng
mong mỏi gì cả, thân thể ta vẫn tráng kiện như thường. Cũng nên
biết tôn trọng sự sống của con người và các loài động vật bằng
cách bảo vệ hoà bình và bảo vệ môi sinh công cộng. Không vô cớ
xâm đoạt hoặc đả thương một ai, nếu người đó là con người
tốt,đúng nghĩa. Phải thực hiện bằng một cuộc sống "hoạt động thân
thể thích hợp, và tôn trọng sự sống của kẻ khác" sẽ là những
nhân tố quyết định và duy trì một thân thể tráng kiện.
4. Tiêu chuẩn về nếp sống có giới đức – khả lạc, khả hỷ :
Nếu
như ở ba tiêu chuẩn đầu chỉ đề cập đến một cuộc sống đầy đủ tiện
nghi và vật chất, tráng kiện về thân thể, đẹp đẽ và khả ái về
ngoại hình thì đến tiêu chuẩn thứ tư này đề cao về đời sống tinh
thần theo chiều đạo đức hướng thượng của con người. Thật vậy, mỗi
con người mà ở nó đầy dẫy những thói hư tật xấu như trộm cướp,
giết chóc, tà hạnh trong các dục hạ liệt , lừa gạt man trá và
rượu chè hoặc sử dụng các chất kích thích không tốt… không thể là
một mẫu người lý tưởng cho xã hội, mặc dù ở nó có đẹp đẽ, khoẻ
mạnh và giàu có, nhưng chỉ có thể là một mẫu người mà xã hội loài
người lên án, xa lánh hoặc cần thiết phải cải tạo để nó khắc
phục.
Hoàn
cảnh môi trường và điều kiện sống rất dễ tác động đến hành vi và
ý tưởng con người. Nếu như lập trường ta không vững mà lại
thường xuyên giao hữu thân cận với các ác hữu hoặc những người có
đời sống đạo đức sa sút, sẽ dễ tập tành cho chúng ta những thói
hư tật xấu. Cần phải trau dồi tư cách con người chính mình bằng
các hành vi thực tiễn có ích cho xã hội hoặc thân cận học hỏi những
tấm gương đạo đức cao cả của các bậc tiền bối, của các vĩ nhân,
của những con người đã hoàn thiện nhân cách. Hãy nên nhớ :"Ác bằng hữu, môi trường sống bất thiện là hai chướng ngại vật cho giới đức".
5. Tiêu chuẩn về nếp sống phạm hạnh – khả lạc, khả ý :
Phạm
hạnh là kết tinh của nếp sống đạo đức với những hành vi thiện
ích. Phạm hạnh là kết quả của một đời sống thuần thiện. Phạm hạnh
là nếp sống có được sau nếp sống giới đức. Người có phạm hạnh là
người đã toàn hảo về giới. Nhưng có điều giới ở đây được đề cập
với phạm vi rộng hơn – người gọi là phạm hạnh là người không có
các nếp sống đồi trụy, sa đọa như tham lam, trộm cướp, giết chóc,
tà hạnh, điêu ngoa, gian trá, đam mê rượu và các độc tố kích
thích, và còn là người đã hoàn toàn đoạn tận sức sống của ái luyến.
Ở con người phạm hạnh, tình thương không núp dưới chiêu bài hẹp hòi
của tình ái nam nữ, của tình yêu bản thân, gia đình, mà là một thứ
tình cảm từ bi vô duyên (vì toàn thể) – một thứ tình thương vô
kỷ, vị tha đầy chất Trí và Dũng.
Sống
buông thả và say đắm ngũ dục hạ liệt sẽ phá hủy sự kết tinh của
phạm hạnh. Luôn biết sống tiết chế trong ăn uống, ngủ nghỉ, không
tham cầu hưởng thọ và phòng giữ tâm ý và các quan năng cảm giác –
không để chúng rong ruổi các đối tượng (sáu trần) mà phải luôn
sống trong chánh niệm, tỉnh thức để phạm hạnh được trọn vẹn. Tiêu
chuẩn đời sống lý tưởng này đã vượt ngoài phạm vi con người nhân
bản, đi vào lãnh vực con người siêu phạm – Thánh nhân tuyệt dục.
6.Tiêu chuẩn về người thiện chí cho bạn bè – khả lạc, khả hỷ, khả ý :
Nếu
như ở tiêu chuẩn 4, đời sống hạnh phúc lý tưởng có được của con
người là lo trau giồi nhân cách và xa lánh những bạn bè, những
môi trường có đời sống đạo đức thấp kém để tránh ảnh hưởng không
tốt có thể đem lại, thì ở tiêu chuẩn 6 này, Đức Phật dạy con
người lý tưởng còn là con người sau khi hoàn thiện chính mình rồi
còn hoàn thiện cho tha nhân và bạn bè . Hoàn thiện cho chính mình thôi
chưa đủ, chỉ là lý tưởng của một chủ nghĩa cá nhân hoàn thiện
–chưa phải là mục đích cuối cùng của cuộc sống . Con người sống
không chỉ là một mình, thế nên hoàn thiện nhân cách cũng cần nên
có mặt với sự toàn diện cho toàn nhân loại . Nguyên tắc này vô
cùng có lợi cho xã hội được thiết chế trên một tinh thần mang
tính nhân bản cộng đồng . Nó là mẫu xã hội lý tưởng của một cộng
đồng nhân loại lý tưởng nếu như ai cũng sống với tinh thần tương
thân tương trợ để cùng toàn thiện . Nhưng dù sao tác dụng ít ỏi
mấy đi nữa của lối sống lý tưởng này vẫn là một điều cần thiết
cho bất kỳ một ai đang hiện hữu và sống trong một cộng đồng nhân
loại chưa hoàn thiện với nhiều phần tử được hợp thức hoá chiếu cố
và nâng đỡ .
Hãy
buông xả những tâm lý, xấu xa ra khỏi con người của mình, hãy là
yếu tố cho nhau, hoàn thiện cho nhau với những đức tính thẳng
thắn trung thực không lừa dối.. và chia sẻ để cùng nhau tiến hoá .
7.Tiêu chuẩn về nhiều kiến thức khả lạc, khả ý :
Phật
giáo luôn dạy con người phải hoàn thiện chính mình trên cơ sở
học hỏi và trau dồi kiến thức . Xã hội chung quanh ta luôn phát
triển với nhiều phát minh khoa học hiện đại . Con người xã hội
phải hoà mình trong nhịp tiến chung của toàn cầu để nắm bắt hàng nguồn
thông tin kiến thức . Không luôn luôn trau giồi học hỏi thêm mà
chỉ biết thoả mãn với những gì đạt được, được xem là một sự thối
bộ, trong ý nghĩa tuyệt đối . Những thành quả đạt được của ngày
hôm nay sẽ là lạc hậu nếu như chúng ta chỉ biết an phận mãi mãi
tại đó . Tiềm năng tri thức con người là vô hạn, biết khai thác
đúng lúc, đúng mức, ta sẽ trở thành toàn trí như các bậc A La
Hán, Bồ tát và Phật đã toàn tri . Có một tấm gương rất đáng để
chúng ta học hỏi là các vị Thánh Thanh văn, A la hán vẫn còn phải
trau giồi học hỏi thêm hạnh Bồ tát để thành Bồ tát trong tương
lai và các Bồ tát luôn phấn đấu để thành Phật –bậc tuệ giác viên
mãn, ngay cả bản thân Đức Phật luôn sống với sự giáo hoá chúng
sanh và làm lợi ích cho sanh loại . Các vị A la hán không an phận
ở Hoá thành mà phải vươn tới Bảo sở, và tất cả chúng ta cũng
không thể an phận với sự an phận của một gã cùng tử tha phương
cầu thực, đặng chút ít cho là đủ, mà phải là "ông trưởng giả giàu
có" . Do đó, "không học hỏi, không tu tập luôn luôn sẽ làm trở
ngại cho kiến thức và tu chứng", mà không một ai được quyền dừng
lại, nếu muốn có một đời sống lý tưởng nhất .
8.Tiêu chuẩn về trí tuệ khả lạc, khả hỷ, khả ý :
Theo
đạo Phật, hạnh phúc không chỉ đơn thuần một chiều ở của cải vật
chất, hưởng thụ vật chất mà còn là tinh thần, trau giồi tinh
thần, nhưng là tính trau giồi tinh thần, nhưng là tinh thần của
thẩm mỹ đạo đức . Một con người toàn diện, lý tưởng phải là người
trước nhất trọn vẹn về thẩm mỹ đạo đức tinh thần; và sau là giàu
có về đời sống vật chất có thể bỏ qua nhưng yếu tố đầy đủ thẩm
mỹ đạo đức tinh thần là không thể thiếu ở một con người toàn diện
. Thật ra, theo đạo Phật trí tuệ của con người là kết quả của quá
trình tu tập sau khi nghe và tư duy kiểm nghiệm (văn-tư-tu) hoặc nó
còn là kết quả đạt được do tu tập thiền định, gạn lọc tâm ý- bỏ
những tâm ý xấu, bất thiện ra khỏi con người, chỉ để lại những
tâm ý tốt, tiện lợi cho đời sống tâm linh . Do đó trí tuệ cũng
chính là kết quả kết tinh của giới –định –tuệ . Trong chiều kích
tuyệt đối, trí tuệ là những gì siêu tuyệt hơn nhiều so với kiến
thức . Một con người có đầy đủ kiến thức cũng đã là một người
giàu có về tinh thần trong cuộc sống, nhưng người có trí tuệ hẳn
sẽ là một người giàu có về tinh thần, nhưng lại giàu có hơn tất
cả hệ thống kiến thức . Kiến thức đứng về mặt thế gian nhiều hơn,
và trí tuệ thuộc về siêu thế . tuy nhiên, để có được trí tuệ này
cũng đâu có khó khăn gì như đã nói . Hoặc ta có thể nói đơn giản
mà súc tích :"Khéo nghe, biết hỏi và khéo tu tập là thức ăn cho
trí tuệ".
9.Tiêu chuẩn về rõ biết thực tướng các pháp - khả lạc, khả ý :
Pháp
(Dhamma) trong ý nghĩa chung nhất của thuật ngữ Phật giáo bao
gồm sáu phạm trù (giáo pháp, chân lý, quy luật, khái niệm, hiện
tượng và sự vật) . Nhưng pháp trong tiêu chuẩn ở đây là chỉ chung cho
mọi sự vật hiện tượng từ những phạm trù, hoặc khái niệm về vật
chất cho đến các phạm trù tâm lý của một hữu thể con người . Rõ biết
được thật tướng các pháp là rõ biết được bản chất sự biến thiên
không ngừng của các hiện tượng tâm lý –vật lý . Tất cả mọi sự vật
hiện tượng hiện hữu tuỳ thuộc nhân duyên, và tác động, chi phối
qua lại lẫn nhau, không có vật tâm nào tồn tại một cách độc lập
đơn điệu . Chúng tương sinh tương duyên theo một quy luật chung
nhất :"Cái này có, cái kia có; cái này sanh, cái kia sanh . Cái
này không, cái kia không; cái này diệt, cái kia diệt". Đó là quy
luật tác hưởng nhân duyên đa chiều . Ngoài ra, đạo Phật còn dạy
rõ một sự vật dù là tâm lý hay vật lý, từ lúc đó nhân duyên hình
thành đến lúc đó nhân diệt hoại diệt, theo một chu kỳ diễn tiến :
sanh- trụ-dị –diệt (vật thể), sanh- lão-bệnh- tử (con người),
thành- trụ- hoại- không (thế giới và các tinh cầu) . Tuy nhiên có
một điều khác biệt giữa nhân sinh quan và thế giới quan Phật
giáo trong quan niệm này so với các học thuyết và tôn giáo khác ở
chỗ là Đức Phật khẳng định :"Các pháp không tự sanh ra, không tự
mất đi, hay đúng hơn là không một pháp nào là mất tuyệt hẳn mà
chỉ chuyển biến sang một dạng thức vật chất hoặc tâm lý khác mà
thôi".
Sự
tan rã một hợp thể vật chất ở đây chính là nhân duyên để hội tụ
một hợp thể vật chất mới ở một nơi khác . Con người tâm vật lý
tan rã hợp thể ở đây không phải là mất hẳn mà là tiếp tục một
cuộc tái sanh ở một hợp thể ngũ uẩn khác . Nhưng có điểm giống là
dù hình dạng trước hay đã chuyển đổi ở dạng thức sau, nó vẫn
theo tiến trình chung là sinh trụ dị diệt mà trong đó tất cả chỉ
là một hợp thể nhân duyên luôn biến động : vô thường, vô ngã . Nắm
rõ về quy luật vận hành biến thiên của thế giới khách quan của khách
thể và của thế giới chủ thể nhận thức là con người, chúng ta sẽ
sống an lạc, khả hỷ khả ý hơn . Do đó, Đức Phật dạy :"Không chú
tâm, không quán sát là chướng ngại vật cho rõ biết thực tướng các
pháp".
10.Tiêu chuẩn về đời sống thiên giới khả lạc, khả hỷ, khả ý :
Thiên
giới là thế giới mà ở đó nếp sống thẩm mỹ đạo đức và nhu cầu về
nó cao hơn hẳn con người . Tại đó, sự cảm thọ hạnh phúc và nhu
cầu sinh hoạt vật chất rất sung mãn . Kinh Nikàya thường đề cập
đến rất nhiều về họ với nhiều cuộc tiếp xúc giữa họ và Phật hay
các Thánh đệ tử tại nước cổ Aᮠthời Phật . Sự hiện diện của họ
chẳng đem lại sự ngạc nhiên từ chúng đệ tử đã giác ngộ so với óc
tò mò muốn khám phá tìm hiểu của con người hôm nay, và nhất là các
khoa học gia .
Thông
thường, chúng ta cần tu tập học pháp 10 thiện nghiệp ở phạm vi
bản thân như : không sát sinh, không cướp đoạt sở hữu quyền,
không quan hệ tình dục bất chính, không nói sai sự thật, không nói lời
ác độc, không nói lời chia rẽ, không nói lời phù phiếm, không tham
lam, không giận dữ nóng nảy và không tà kiến . Mười thiện nghiệp
này là điều kiện cơ bản để tái sanh về thiên giới . Ngoài ra,
chúng ta cần thực hiện 10 thiện pháp này ở phạm vi có ích cho tha
nhân, xã hội như : bảo vệ hoà bình, tôn trọng sự sống; bố thí sở
hữu vật trong tinh thần giúp đỡ tự nguyện; tôn trọng hạnh phúc
gia đình người khác; nói năng vì lợi ích cho đa số một cách chánh
đáng; ngôn ngữ hoà nhã tự ái; ngôn ngữ mang tính đoàn kết, hợp
quần, ngôn ngữ trung thực, không điêu ngoa; thực hành hạnh hỷ xả,
độ lượng; đời sống từ bi trong trí dũng, không hận thù ân oán;
đem đến chánh kiến giải thoát cho cộng đồng .
Ngoài
ra, chúng ta cũng có thể phát triển thuần túy về thiền chỉ và
thiền quán, trau dồi phạm hạnh, phát triển tu tập về tứ thiền :
ly tham dục, tâm định tĩnh, xả hỷ lạc, xả niệm lạc, sau đó an trú
tâm từ không hạn lượng với tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm . Nhân tố
thiền định này quyết định một đời sống tương lai ở thiên giới .
Tuỳ theo nhân tố tu tập mà kết quả của các thiên giới sẽ khác
nhau, dĩ nhiên đời sống tinh thần và vật chất cũng sẽ khác nhau .
Đó là những thành quả trong tương lai và ngay hiện tại người có đời
sống đạo đức và giới đức như đã được kể sẽ là một con người
mang tính thiên giới ở nhân gian; và không chỉ là một thiên giới nhân
gian mà đích thực là một tịnh độ nhân gian khả lạc, khả hỷ, khả ý
.
Nói
chung, điều kiện của thiên giới là chánh hạnh, chánh nghiệp,
chánh tinh tấn trong một sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong quá
trình hoàn thiện nhân cách trong cuộc sống .
Đó
là một mẫu về cuộc sống hạnh phúc, khả lạc, khả hỷ, khả ý mà đức
Phật đã đề ra theo kinh điển Nikàya . Vấn đề không có gì là khó
thực hiện, và đòi hỏi ở tâm quyết đạt được và tự phấn đấu trau
dồi trong tinh tấn không thôi nghỉ . Một cuộc sống đạo đức, có
thể nói là tiêu chuẩn nhất mà không một ai không mong muốn để
vươn tới , Mục đích của cuộc sống là hạnh phúc và hưởng thọ hạnh
phúc, nhưng hạnh phúc ở đây là một thứ hạnh phúc có được từ một
cuộc sống do không ngừng trau dồi phạm hạnh và tự hoàn thiện nhân
cách . Cuộc sống lý tưởng về mười tiêu chuẩn mà Đức Phật đã vạch
ra cho con người là thực tiễn, là thiết yếu, là có thể tự thực hiện
để đạt được chứ không là một chủ nghĩa không tưởng của lý tưởng
ảo tưởng bất thật .
Vươn
tới tiêu chuẩn này, một con người sẽ đúng và xứng đáng với nghĩa
con người về hai mặt, một là trở thành một con người toàn diện
về vật lý như thân thể cường tráng (tiêu chuẩn 2), dung sắc đẹp đẽ,
hài hoà dễ mến (tiêu chuẩn 2); hai là trở thành một con người giàu có
về tài sản, đời sống vật chất sung mãn hợp pháp (tiêu chuẩn 1);
trọn vẹn về nhân cách về nếp sống đạo đức (tiêu chuẩn 4) . Xa hơn
nữa là một con người với cốt cách đạo đức siêu phàm (tiêu chuẩn
5); là người biết học và học rộng nghe nhiều, phong phú kiến thức
(tiêu chuẩn 7) thực sự có trí tuệ ,một thứ lý trí do tu tập văn
tư tu, do tu tập thiền định (tiêu chuẩn 8), là người rõ được bản
chất mọi sự vật hiện tượng từ tâm vật lý đến tâm sinh lý từ vũ
trụ cho đến con người (tiêu chuẩn 9) , biết xây dựng thiên giới
và tịnh độ tại nhân gian (tiêu chuẩn 10), và còn là một mẫu người
lý tưởng có ích cho bạn bè cho tha nhân, cho xã hội hướng đến để
cùng thực hiện cùng toàn thiện (tiêu chuẩn 6).
Source: Tư Tưởng Phật giáo (I), do Thích Nhật Từ biên tập, in lại trong Nguyệt san Giác Ngộ số 47 và 48