Dịch vụ ma chay thời hội nhập
Kỳ Quan
03/04/2010 00:38 (GMT+7)

Thời mở cửa hội nhập, các giá trị văn hóa truyền thống đang chịu sự tác động từ nhiều phía. Việc tổ chức đám tang cho người quá cố cũng chịu sự tác động đó.

Sẽ là bình thường, thậm chí đáng mừng, nếu như chúng ta tiếp thu tinh hoa của người để làm giàu thêm truyền thống văn hóa của mình. Thế nhưng...

Anh không chết đâu em!

Một buổi trưa nằm nghỉ, tôi chợt nghe 1 điệu nhạc quen quen, chơi bằng kèn tây, ban đầu nhỏ, sau to dần. Cuối cùng là 1 đám ma đang trên đường đưa quan tài đi chôn. Dẫn đầu là dàn nhạc tây cả chục người, đồng phục màu trắng, có người diễn xiếc, đang chơi bài nhạc “Anh không chết đâu em”.

Tôi thoáng nghĩ, chắc người chết là 1 thanh niên còn trẻ, bị tai nạn gì đó, bỏ lại người yêu hoặc vợ trẻ. Thế nhưng, khi đoàn đưa tang đến gần, tôi mới nhìn kỹ chân dung người quá cố, đó là cụ ông phải ngoài 70 tuổi. Đoàn đưa tang đi qua, tôi nghe dàn nhạc chuyển qua bài “Mùa xuân trên TPHCM”. Có dàn nhạc tây, đám ma rôm rả hơn, chủ nhà như cũng “nở mặt nở mày” dù phải tốn 3 – 4 triệu đồng. Điều đáng bàn là dàn nhạc phải chơi như thế nào, có nội dung gì...

Dàn nhạc tây chơi nhạc vui trong đám tang đã là khó nghe, các dạ nhạc lễ Nam Bộ chơi nhạc trẻ bằng các nhạc cụ truyền thống lại càng khó nghe gấp bội. Bây giờ các dạ nhạc phục vụ đám tang phải chơi được nhạc tân thì mới đắt khách. Thêm 1 dàn nhạc tân là thêm tốn kém, nên các dạ nhạc cứ “lấy cổ chơi tân” – hòa tấu nhạc trẻ bằng đàn cò, đàn kìm, trống lễ...
 

Đô la, Euro và tiền đồng đều có trong hành trang của người quá cố.

Ông Hai Lợi, chủ 1 dạ nhạc ở xã Mỹ Lệ – huyện Cần Đước – Long An cho biết, ông đã phải bỏ thời gian đi học chơi nhạc tân để duy trì dạ nhạc, nay thì ông khá đắt khách với tài chơi nhạc tân bằng đàn cò của mình. Theo nhạc sĩ Trịnh Hùng – nguyên Chủ tịch Hội VHNT Long An, nhạc lễ và nhạc tân đều có giá trị riêng của nó, mỗi thứ phù hợp với hoàn cảnh, không khí riêng.

Dù là nhạc sĩ tân nhạc, nhưng ông Trịnh Hùng luôn gay gắt phản đối chuyện đưa nhạc tân vào nhạc lễ phục vụ đám tang, nhất là khi nó được trình diễn 1 cách bát nháo, tùy tiện bằng các nhạc cụ truyền thống. Không chỉ chơi nhạc tân tùy tiện, ngày nay nhạc lễ cũng bị chơi cẩu thả, dễ dãi trong các dịp tang, tế. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – nguyên Giám đốc Sở VHTT Long An, hiện hầu hết các dạ nhạc ở Long An đều không nắm vững bài bản nhạc lễ.

Các dạ nhạc được thanh lập dễ dãi, mỗi xã 2 – 3 dạ nhạc, họ chỉ cần biết đờn bài vọng cổ, dăm ba điệu lý, đờn được tân nhạc là nhảy ra lập dạ nhạc. Thật hiếm gặp những dạ nhạc có thể chơi được các bài nhạc lễ mẫu mực như 2 bài xuân, 7 bài cò, các bài nam trên nền dây “hạ” như các bậc tiền bối đã khai sáng.

Ông Võ Trường Kỳ – nguyên Giám đốc Sở VHTT Long An – cho biết, cho đến hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa có qui định hướng dẫn nào về chuyên môn cho các ban nhạc lễ. Thời còn làm giám đốc sở, ông Kỳ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản qui định chặt chẽ hoạt động của các dạ nhạc, xây dựng quy phạm cho các dạ nhạc phục vụ “quan hôn tang tế”. Thế nhưng, cấp tỉnh không thể ra các qui định chế tài, vì vậy mà sự nỗ lực của ngành VHTT Long An chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, hướng dẫn, cuối cùng mọi chuyện vẫn như cũ.

Mở đĩa và tụng... nhép

Mới đây, khi đi viếng 1 đám tang, người viết chứng kiến tình huống không nhịn được cười. Thầy tụng đứng đọc kinh cúng cơm, gia đình con cái của người quá cố quỳ trước quan tài, thỉnh thoảng sụp lạy theo nhịp gỏ của thầy. Khi đang tụng, bất ngờ thầy làm rơi quyền kinh, phải cuối xuống đất nhặt, chiếc micro rời khỏi miệng.

Thế nhưng bài kinh vẫn được phát ra liên tục từ 2 chiếc loa. Thì ra không chỉ trên sân khấu ca nhạc mới có chuyện hát nhép. Nhiều gia đình vì tiết kiệm nên không rước thầy tụng, nhưng vẫn đảm bảo các bài kinh tụng cho người chết bằng đĩa CD.

Chỉ cần nhấn nút là lời kinh vang lên, kéo dài bất tận. Vì tụng kinh bằng đĩa, không tốn chi phí, nên các bài kinh kéo dài thoải mái. Chỉ tội cho con cháu phải quỳ tê chân, còn  khách ở xa tới viếng phải sốt ruột đợi hàng tiếng đồng hồ.

Ông Nguyễn Văn Đồng, một nghệ nhân chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian ở Long An cho biết, nhiều bài kinh tụng trong các đám tang cũng không giữ được cái hồn, sự gửi gấm của người xưa vào các bài kinh. Ở Long An các thầy  trong hệ thống Phật giáo đi tụng đám tang không nhận thù lao, họ rất có nghề, hành đạo chân chính, nhưng vì ít thầy, không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều “thầy tụng” không phải là sư sãi hành nghề cẩu thả, nặng về trục lợi, gây nhiều tai tiếng. Thủ đoạn thường thấy là các thầy yêu cầu tổ chức đám kéo dài, đến 3 – 4 ngày.

Đám để càng lâu, thầy tụng càng có thu nhập, rồi dạ nhạc cũng do thầy kêu và hưởng tiền “cò”. Nhiều thầy tụng có trong tay dạ nhạc, trại hòm, dịch vụ đạo tì. Khi có ai đó bệnh sắp chết, thầy đến tụng kinh sám hối và thầu “từ A đến Z” dịch vụ ma chay. Thầy tụng ngày nay có nhiều chiêu câu khách như mặc cà sa, đội từ lư, cầm thổ lư khi đi tụng (trong Phật giáo các trang phục này chỉ dành cho đại lễ). Họ còn múa may, vẽ vời tờ minh tinh, thuyết minh sanh... để tăng phần huyền bí, cao siêu.

Sự lạm dụng các dịch vụ ma chay đang ngày càng nặng, vượt quá sức chịu đựng của những người nghiêm túc. Họ không lên tiếng phản ứng, vì “nghĩa tử là nghĩa tận”. Thế nhưng, những cơ quan quản lý nhà nước chẳng lẽ cứ để tình trạng tùy tiện này mãi tung hoành!

( Theo Lao Động)

Các tin đã đăng: