Không hơn gì nhau câu nói
Hồ Anh Thái
31/03/2010 22:16 (GMT+7)

Trong đời sống, vẫn thường xuyên tự nhắc nhở mình theo triết lý Phật: thiên hạ có nói sai về ta, hiểu nhầm ta, ta cũng không việc gì phải đôi co, nói lại. Không hơn gì nhau câu nói.

Lối nghĩ ấy chuyển hóa thành lối sống thì cũng nhẹ người. Đời sống vì thế cũng thanh thản. Nhưng rồi xem ra mình cũng chưa phải là người đã giũ được bụi trần. Thành ra lối nghĩ ấy khiến nhiều phen bỏ qua được điều A thì điều B hệ quả lại phiền lòng, gây tức bực.

Cách đây khoảng dăm năm, một cô phóng viên đến phỏng vấn, tôi vốn cẩn thận, chỉ chấp nhận bằng văn bản. Tức là cô email cho tôi một chùm câu hỏi, tôi viết trả lời rồi email lại cho cô. Tưởng thế đã là an toàn, nhưng không. Cô đã cắt xén những câu trả lời của tôi theo hướng ý tứ bị sai lệch. Còn hơn thế, cô dựng hẳn cả một câu hỏi và đáp, trong đó tôi hùng hồn tuyên ngôn về việc mình được coi là “cấp tiến” như thế nào. Nói là hùng hồn thế thôi, đấy thực ra là một câu hỏi (của cô) và câu đáp (cái gọi là của tôi) thực sự ngô nghê, chả ra lý sự gì. Tôi đã định phản ứng thẳng với tòa soạn, rồi nghĩ cô đang đi làm hợp đồng cho báo. Mình gây động, chả may cô bị nghỉ việc. Rồi lại tự an ủi, đằng nào thì bài phỏng vấn cũng đã gây hiểu nhầm, ta làm sao đi gặp cho hết được mọi người mà thanh minh? Cũng chẳng việc gì phải nói lại, ai hơn gì ai câu nói.

Bài phỏng vấn sai lệch trên kia tưởng rằng xếp lại lâu rồi, nhưng gần đây, nhân một bài báo mạng đăng bài mới, thế là bài cũ thuộc diện “các bài liên quan” xuất hiện trở lại trong một đường link rất to tát là “những quan niệm về văn chương”. Có nghĩa là cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Anh tưởng cái sai ấy đã nằm yên dưới ba thước giấy thì nó vẫn có cơ một ngày được khai quật lại.

Cái không gian văn hóa xung quanh ta giờ đã đến độ nếu anh bị viết sai trên báo chí, anh không nói lại tức là điều ấy đúng. Để càng lâu mà không đính chính thì chứng tỏ nó càng đúng. A, cái lý đã dẫn hẳn đến chuyện đúng – sai, hơn – thua. Ừ thì cho họ đúng, cho họ hơn – lại là cái tâm niệm nhà Phật.

Từ những thông tin không chính xác, lại sinh ra một kiểu nhà bình luận, chỉ ngồi đọc tin tức trên báo chí rồi bình luận. Đủ mọi vấn đê,f chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… bình luận tất. Nhiều khi cái thông tin A sai lệch lại làm mồi cho bình luận B sai lệch theo mà không tự biết. Chuyện ở một hội nghị cây bút trẻ tổ chức ở miền Trung chẳng hạn. Mấy nhà văn nữ 8x ban đêm rủ nhau đi tắm ở bể bơi khách sạn, áo tắm một mảnh đàng hoàng nhưng họ tự đùa là tắm nuy. Thế cũng thành đề tài cho một nhà báo ưu tư một cách rất triết gia rằng các bạn viết bây giờ thiếu những lý tưởng thời đại mà trở nên dung tục tầm thường, chỉ biết khoe váy áo và đi tắm nuy. Rồi nhiều thông tin khác từ hội nghị trở thành miếng ngon cho bao nhiêu bữa tiệc bình luận. Người ở xa nghe thông tin sai lệch qua báo mà bình luận đã đành. Người trực tiếp có mặt cũng cố tình hiểu sai và thông tin sai.

Đến đây thì muốn tham khảo đồng nghiệp và độc giả: bạn sẽ làm gì, bạn có phản ứng bằng cách nói lại cho rõ, hay là tiếp tục giữ im lặng theo tinh thần không ai hơn gì nhau câu nói? Thậm chí tình hình đã đến chỗ không chỉ bóp méo mà còn mang tính đặt điều? Lại cũng im lặng mà rằng đời sống chủ yếu dựa trên nhầm lẫn và ngộ nhận?
Phần nhiều đồng nghiệp được hỏi đều trả lời: phải nói lại, phải lên báo chí công khai đính chính lại. Thế là đa số đều lao theo một cuộc ăn miếng trả miếng bất tận dẫn đến bất ổn cho tâm. Thế là khó mà tìm được sự bình yên cho chính mình.

Nhà văn viết sách tức là đã lắm lời, chẳng việc gì mà sách in ra rồi, lại còn xoen xoét trả lời phỏng vấn. Đấy là cái lý do cá nhân đưa ra để từ chối những cuộc hỏi đáp. Không muốn mỗi lời đều bị xáo xào khó nghe. Nhưng rồi tự nhiên ở đâu vẫn xuất hiện những bài phỏng vấn, mình trực tiếp trả lời hẳn hoi. Lạ lùng! Một cuộc giao lưu ra mắt sách, mình đối thoại với người dẫn chương trình trước hàng trăm người. Thế rồi có vài ba phóng viên ghi sai cuộc giao lưu ấy, tương hết cái sai ấy lên mặt báo, làm như họ đã đàng hoàng tay đôi phỏng vấn mình.

Lại nghĩ theo kiểu không việc gì phải nhảy chồm lên thông báo cho các tòa soạn, còn để đường cho mấy vị phỏng vấn ấy làm ăn. Bao nhiêu người thấp cổ bé họng bị đơm đặt bằng những bài phỏng vấn như vậy phải ngậm tăm rồi. Bao nhiêu người không thấp cổ không bé họng, nhưng không có khả năng diễn đạt bằng chữ cũng đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt rồi. Mình thuộc diện có tí chữ, chẳng việc gì mình phải tận dụng cái chữ ấy để thanh minh, tỏ ra đặc lợi hơn người.

Theo đúng tinh thần nhà Phật, hòn đất ném đi không việc gì hòn chì phải ném lại. Kể ra đã nhiều phần theo được tinh thần này. Chỉ còn một phần nhỏ chưa theo được, muốn ngộ lắm, mà khó lắm thay.

Theo: Hướng nào Hà Nội cũng sông

Các tin đã đăng: