Ngay cả khi cuộc đời chúng ta tựu trung
khá hạnh phúc và thành công, ta vẫn thấy mình phải đối phó với bao nhiêu
vấn đề đòi hỏi ta chú ý, cản trở sự an ổn tâm trí vốn làm cho đời sống
được vui vẻ.
Có những lúc các vấn đề tràn ngập ta, nhất là khi
ta không thể đối mặt với những lỗi lầm thất bại do chính mình gây nên.
Khi ấy ta có thể có những cảm xúc bất an nặng nề tưởng chừng không thể
chịu đựng.
Thỉnh thoảng chúng ta có thể linh cảm sắp gặp rắc rối
và có thể xoay xở tránh điều tệ nhất xảy ra. Những lúc khác ta lại thấy
mình bỗng dưng rơi vào tình thế khó khăn, mà ta cố phấn đấu để thoát,
như nhờ bạn bẻ giúp đỡ. Hoặc ta cũng có thể cố thoát khỏi toàn thể vấn
đề bằng cách cố tìm lối tránh né quanh co hơn là giải quyết một cách
trực tiếp.
Những người gặp may đôi khi có thể thoát khỏi khó
khăn rắc rối nhờ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, song phần đông
chúng ta không có được quyền lựa chọn ấy. Đôi khi ta gặp những rắc rối
mà ta không thể tránh được.
Dường như không có cách nào để đề
phòng rắc rối khỏi xảy ra. Đã đành rằng có nhiều việc xảy ra trên đời
vượt ngoài tầm ta kiểm soát, nhưng ngay cả tình huống gay cấn nhất xảy
đến cũng không thành vấn đề nếu ta không bị lôi cuốn theo những phản ứng
thuộc cảm xúc (như giận dữ, lo buồn – ND).
Thông thường, vấn đề
có ra là do phản ứng nội tâm ta trước một tình huống. Khi không tự biết
mình một cách rõ ràng, thì chúng ta giống như những người xa lạ đối với
các giác quan, tư tưởng, và cảm giác của mình, và thật khó mà kiểm soát
những phản ứng của mình. Thế là những vấn đề cứ tái diễn trong đời ta
bởi vì ta đã không học cách ứng xử với chúng một cách hữu hiệu.
Chúng ta có thể quay sang người khác nhờ họ giúp
đỡ, dẫn ta qua khỏi cơn hiểm nghèo. Nhưng dù bạn bè có tốt bụng đến đâu
họ cũng không có được những giải đáp mà ta cần đến.
Chúng ta nên
tập nương tựa chính mình để ứng xử với những rắc rối mình gặp, bằng cách
để ý cái kiểu phản ứng của ta, và ý thức những động lực nào trong tâm
có thể dẫn đến rắc rối. Khi nhận ra được phẩm chất của cảm xúc trong ta,
thấy rõ hậu quả của những hành động ta, ta mới khám phá rằng chính cái
sự thiếu tỉnh thức của mình đã góp phần tạo ra vấn đề.
Bài tập: Ứng xử với rắc rối
Tập
nhận ra cách mình ứng phó với những khó khăn là bước đầu để tăng trưởng
sự tỉnh thức. Hãy nhớ lại vài bao lần những lúc bạn bị đảo lộn bởi một
tình huống mà bạn hầu như không chịu nổi. Hãy lần lượt xét từng sự cố:
Nó khởi lên ra sao? Ai khác là người trong cuộc? Bạn đã làm gì? Làm thế
nào mà cuối cùng bạn ra khỏi ngõ bí? Nỗi khó khăn ấy bạn có gặp lại
không?
Những câu hỏi này giúp bạn gẫm lại và thấy được
nguyên nhân và rắc rối xảy ra, để nghĩ đến những cách thức mới đối phó
với những tình huống tương tự. Khi khởi sự thấy rõ cách phản ứng của bạn
trước những vấn đề, thì bạn có thể làm cố vấn cho chính mình và biết
cách tránh để cho những rắc rối ấy xảy ra. |
Làm việc với năng lượng cảm xúc
Có
ý thức về cách phản ứng của ta vào những lúc gặp khó khăn sẽ giúp cho
ta điều chỉnh lại năng lượng cảm xúc mình. Khi buồn khổ thất vọng, xuống
tinh thần, bạn nên ngồi yên lại mà ngắm nhìn nỗi đau đớn bạn đang trải
nghiệm. Đừng cố giải thích, phê phán cảm giác của mình, chỉ xem nó nằm ở
đâu và quan sát nó thật kỹ.
Sự bối rối căng thẳng, xuống tinh
thần, tất cả đều chứa một nguồn năng lượng mà ta có thể sử dụng để giúp
ta hoặc để hại ta. Khi có thể bình tĩnh đối diện với những khó khăn mình
gặp phải mà không cố thoát ra, không cố dằn ép, tác động gì trên những
cảm xúc của mình thì ta có thể thấy một cái gì ta chưa từng thấy trước
kia. Ta có thể thấy rất rõ chỉ có một điều đơn giản là ta không muốn có
nỗi đau đớn này nữa. Khi ấy ta sẽ khám phá trong ta cái động lực muốn
thay đổi những thói quen đã đưa ta đến những rắc rối này.
Ta có
thể sử dụng năng lượng của những cảm xúc mình để đối phó một cách khéo
léo với những rắc rối, khám phá một lần nữa sự tương tác giữa tâm trí và
cảm giác, khiến cho năng lượng trong ta tuôn chảy theo những chiều
hướng tích cực hơn. Những cảm xúc trong ta kỳ thực cũng chỉ là năng
lượng, chúng chỉ trở thành nỗi đau đớn khi chúng ta bám víu vào chúng và
đồng hóa chúng với những gì có thái độ xấu xa tiêu cực. Nhưng ta có thể
chuyển năng lượng này thành những cảm giác tích cực vì rốt cuộc chính
ta là kẻ quyết định những phản ứng kia. Tùy ta chọn lựa: Ta có thể ở lại
trong những cảm xúc tiêu cực, hoặc vận dụng năng lượng dành cho những
cảm xúc ấy để ứng xử một cách lành mạnh hơn với những rắc rối của ta.
Bài tập: Thâm nhập
vấn đề
Khi gặp những trở ngại trong nội tâm, hoặc
khó khăn trong công việc hay trong tương quan với người, hãy dành vài
phút để nhắm mắt ngồi yên lặng. Rồi từ từ mở mắt, cố quán tưởng vần đề
trước mặt, cảm nhận nó một cách trọn vẹn. Rồi lại từ từ nhắm mắt lần
nữa. Đi sâu vào cảm giác của bạn cho đến khi nó tan biến, bạn sẽ thấy
trở lại thoải mái thư giãn.
Khi ấy nên chầm chậm mở mắt ra, không
nhìn một vật gì đặc biệt, hãy quán tưởng các khía cạnh của vấn đề mà có
lẽ bạn đã bỏ sót. Lại nhắm mắt, chìm trong những cảm giác ấy cho đến
khi chúng tan loãng. Bạn cũng sẽ thấy mình hoàn toàn đổi mới.
Lập
lại cách làm như trên vài lần nữa, cho đến khi cảm giác bực bội của bạn
hoàn toàn biến mất. Khi xong xuôi, hãy từ từ mở mắt ra, thở đều và nhẹ.
Hãy để cho hơi thở, sự tỉnh thức, ánh sáng bạn thấy xung quanh hòa lẫn
vào nhau và trở nên quân bình. Khi ấy bạn sẽ cảm thấy một sự trong sáng
cởi mở. Hãy duy trì, khai triển cảm thức ấy bằng cách tiếp tục thở nhẹ,
làm quân bình hơi vào và hơi ra. Thân bạn khi ấy trở nên tỉnh táo, tâm ý
tập trung, và sự tỉnh giác lan tràn.
Hãy nhìn ngày hôm nay như
thể là ngày đầu tiên trong cuộc đời bạn mới bắt đầu. Đừng đưa vào cuộc
đời mới ấy một sự phản kháng nào cả. Bạn đang bắt đầu lại mọi sự, không
có vấn đề, trở ngại nào cả trong quá khứ lẫn tương lai. Trong cuộc đời
mới ấy, mọi kinh nghiệm đều sống động với một phẩm chất phong phú. Bạn
hoàn toàn bắt liên lạc được với bất cứ gì xảy đến vào mỗi lúc, với một ý
thức rõ ràng, tỉnh giác trước mọi sự đang diễn tiến trong bạn và xung
quanh bạn. |
Tài nguyên nội tâm
Tính
sáng sủa mà ta có được lúc vận dụng năng lượng mình một cách tích cực
không những chỉ nâng ta lên khỏi những khó khăn hiện tại mà còn dạy cho
ta hiểu biết về chính mình, chuyển hóa những phản ứng tai hại thành ra
những kênh dẫn đường cho lối ứng xử có hiệu quả. Một khi đã hiểu được
những thói quen xấu của mình, ta sẽ thêm tin tưởng vào khả năng ta để tự
đối phó với những vấn đề gặp phải. Khi nội tâm ta sáng suốt, quân bình,
thì ta có được khả năng sử dụng tài nguyên năng lượng mình để đối phó
với mọi sự xảy đến, không cần người khác giúp đỡ.
Khả năng ấy sẽ ở
lại trong ta giúp ta chấp nhận và đối mặt bất cứ việc gì khởi lên trong
đời mình. Ta phát triển những tài năng quan trọng như làm thế nào để
cảm nhận những cảm giác của mình một cách chính xác, và làm thế nào để
ứng xử với chúng một cách cấp thời. Thấy được sự cải tiến mà việc này
mang lại cho cuộc đời ta, cho những quan hệ của ta với người khác và cho
công việc của ta, là một thỏa mãn lớn lao. Ta dần dần tăng trưởng ý
thức tự trọng giá trị của mình, chính điều này có thể giảm thiểu những
nỗi lo âu sợ hãi thường đưa đến rối ren cho ta.
Khi có được ý
thức mạnh mẽ rằng mình có thể đo lường mức độ cơn bão tố thì ta có thể
nhìn xa hơn hiện tại và có một tổng quan về đời mình. Ta thấy mỗi ngày
sẽ mang lại một kinh nghiệm mới. Những rắc rối không còn có vẻ nan giải
bất tận như trước, vì ta biết mình có thể đối phó bất cứ vấn đề gì khởi
lên, ta sẽ có sự phấn chấn để vượt qua chúng một cách tài tình, bảo đảm.
Khi toàn thể con người của ta đã có được thái độ tự túc tự cường thì ta
sẽ thấy đời mình ít gặp rắc rối hơn. Mặc dù vẫn còn những áp lực từ bên
ngoài để đối phó, chúng ta đã có thể kiểm soát cách phản ứng của mình
và vận dụng năng lượng mình theo chiều hướng lành mạnh.
Khám phá sức mạnh và phẩm cách
Chúng ta có được tiềm
năng dồi dào khôn xiết để sống và hành động tích cực. Tự thâm tâm ta vẫn
có một năng lực và phẩm giá có thể nâng đỡ ta, đem lại sức mạnh cho
cuộc đời ta và gợi cảm hứng cho những người xung quanh ta. Khi có được
niềm tin phát xuất từ sức mạnh bên trong ta, thì toàn thể môi trường tự
có được quân bình, ánh sáng, và trở nên vui tươi. Sự chuyển hóa này có
được là nhờ ta biết cách ứng xử với những xung đột mà tất cả chúng ta
không ai tránh khỏi. Nhờ khám phá ra sức mạnh này trong chính mình, ta
có thêm khả năng để tìm ra ý nghĩa và sự hài lòng trong cuộc sống.
Thực
sự là tất cả điều đó đều tùy thuộc nơi ta. Nhờ mở lòng ra với những cơ
hội tốt do những rắc rối mang lại cho mình để tăng trưởng sự tự tri, ta
có thể thay đổi tính chất cuộc đời mình và giúp những quanh ta cũng thay
đổi đời họ. Chúng ta vẫn biết sẽ luôn luôn còn có những khó khăn phải
đương đầu, những vấn đề phải giải quyết, song nhờ biết nhận trách nhiệm,
bây giờ ta có thể ứng xử với chúng. Nhờ làm việc trên chính mình, nhờ
biết mình rõ hơn, rồi nhờ san sẻ sự tiến bộ của ta với người khác, mà ta
tạo được một nền tảng sẽ chuyển hóa phẩm chất đời mình và đóng góp cho
niềm an lạc của những người chung quanh.
Thích Nữ Trí Hải (dịch)
PTVN