Soi tỏ "Phật giáo với hiện đại"
20/11/2013 17:35 (GMT+7)

Ngược dòng lịch sử, ta hãy chứng rõ nhân loại lúc sơ khai vẫn êm đềm thân mật với chuỗi ngày thanh thản - Thời gian qua... lòng người thêm khôn ngoan vị kỷ đã thúc dục người ta theo dục vọng phân chia ranh giới

Với chân lý tuyệt đối, ta không còn đặt bút hoặc nói phê gì nữa, vì đã ra ngoài hạn lượng của không gian và thời gian - nước này hay nước nọ, chẳng qua là sự phân chia cố định của người, quá khứ hay vị lai chỉ là giả tưởng, không thật có.  Như vậy đâu còn nói đến hiện đại đâu còn nói đến  “Phật giáo với hiện đại”.

Nhưng xét ra, với hiện tượng sai biệt của vũ trụ, thì cõi đời là tương đối, tương đối trong định luật luân chuyển... nhân loại đã quay cuồng đưa theo cuộc thiên diễn đào thải mà hoán cải - ngược dòng lịch sử. Ngược dòng lịch sử, ta hãy chứng rõ nhân loại lúc sơ khai vẫn êm đềm thân mật với chuỗi ngày thanh thản - Thời gian qua... lòng người thêm khôn ngoan vị kỷ đã thúc dục người ta theo dục vọng phân chia ranh giới.  

Thế là... mạnh được yếu thua, khôn nhờ dại chịu đã là chơn lý tuyệt đích của bọn tham lợi ích kỷ, đành chôn ta trí dưới mồ tranh đấu!

Chúng ta ngó vào hiện tượng thế giới trước cuộc binh lửa tàn khốc ngày nay; Tàu, Nhật, Anh, Pháp v.v. trước rừng đạn mưa bom, một thời gian chưa bao lâu đã giết hại vô số sanh linh, máu chảy thành sông, xương chất đầy núi, và vô số lương dân đương phải lưu ly thất sở, đói rét khôn cùng, và các liên quốc trong hoàn cầu còn phải chịu ảnh hưởng là khác.

... Vì tình thế bức bách, nghiêm trọng, với những biến thái gây ra bởi binh lửa, nhơn loại trong thế giới ngày nay, như những cô hồn chưa được ngộ duyên, đương còn vất vưởng ở trần gian không nơi nương tựa.

Binh khí càng tăng, súng đạn càng nhiều, nhơn loại càng đảo điên đề thán... và có lẽ... rồi đây...  Ôi !  Ngày tương lai của nhơn loại đương ở trong khoản mịt mù, người ta không biết đường nào mà xu hướng !

Hiện trạng nhơn loại ngày nay sống trong cảnh mịt mù vừa bức bách và khủng khiếp.

 ... Đến như các bạn thanh niên mới để bước lên đường với bầu nhiệt huyết với tấm lòng non, họ coi đời như buổi sớm tinh sương, đầy hứa hẹn rực rỡ... đời đáng yêu.  Họ sẵn sàng đón tiếp tất cả cái yêu, cái đẹp của đời riêng tặng, lòng hân hoan tưởng như cuộc đời sẽ dễ dàng như ý.
 
Ngày lại ngày, dẫn bước đi trước tình thế biểu diễn của thời đại, và dư vị chua cay của mẫu đời, đã hãi hùng xô ngã cả một lầu mộng tưởng với chí cương quyết của tuổi thanh niên.  Đời họ bấy giờ ảm đạm như buổi chiều thu sương lam để lại !  Lòng họ xe dần, và kết cuộc chỉ là những chiếc lá cuốn đi theo trận cuồng phong, nếu không phải mượn chén thuốc hay giòng sông cuộc đổ duyên sanh.  Đồng số phận hẩm hiu, còn có kẻ tâm hồn đã nhuộm hẳn tư tưởng giang hồ phiêu bạt của những tác phẩm ròng lãng mạn.  

Họ tự hào là lý tưởng siêu nhân, họ lê gót ra đi tận chân trời xa thẳm.  Ôi! Họ đã ngộ nhận hay vô tâm bị phần đông văn gia lãng mạn chọn hẳn ngày xanh, phú mặc ngày mai cho sóng đời dào dạt, lôi cuốn.  Là văn sĩ làm tiền - đây tôi muốn nói một số văn sĩ làm tiền - Tiền là mục đích duy nhất - vì thời đại xô xát phần đông văn sĩ - nhất là văn sĩ - cũng đâm ra hoài nghi và chán nản, họ không còn quan tâm đến văn hóa, học thuật là gì nữa; có lẽ họ nghĩ; hiện đại chỉ lá phá hoại nên họ chỉ một mặt xây dựng lâu đài thơ mộng cho các bạn thiếu niên mới bước lên đường, không một ánh sáng, không một lý tưởng.  

Họ chỉ ca ngợi tình thương, khiêu khích nhục dục, họ cần gì kiến thiết đời sống của bao nhiêu người chung quanh.  Họ chưa từng hoặc không thèm quan tâm đến dấu hỏi (?), cần phải giải quyết để cứu vãn hiện trạng nhơn sanh dù đã dĩ nhiên là nhiệm vụ của văn gia cần phải giải quyết.

Đồng với các tác phẩm văn chương lãng mạn, thi thơ lại tài bồi nên tòa lầu mộng ảo, họ cố dùng âm điệu để khêu gợi bản năng dục vọng của con người, khiến người phải say theo thơ, mơ với mộng, cái mộng càng mỹ miều xa hẳn thực tại...  Tôi muốn đưa các bạn đến chốn bùn lầy, hay nơi tha ma chiến trường, đồng với chiếc lá vàng mà phần đông thi sĩ than sau cơn gió lốc, biết bao đầu người rơi rụng, không người để tâm, không chút than vãn.  Văn gia hay thi sĩ hiện đại phần đông như đã quên hẳn nhiệm vụ thực tại của mình ở đời thực tế.

Hiện nay văn hóa học thuật đã đi ngoài khuôn khổ, gieo lý tưởng để tìm hạnh phúc chăng, mất hẳn ngọn đuốc sáng cho phần tương lai dân trí! Các nhà chủ trương chỉ theo chỗ xu hướng của thời đại để làm tăng trưởng cái bản ngã quá tham lam dục vọng của thanh niên.  Thật hoàn toàn đen tối!

Sống trong loài người, trong đau khổ, trong cơn phập phồng lo sợ của thời kỳ quốc tế nghiêm trọng này, chưa mấy ai đã quan tâm đến những lý tưởng để vạch hẳn con đường sáng cho tương lai.  

Có chăng chỉ là những lý tưởng tranh đấu, làm cho phần đông quần chúng đã khờ dại đem thân đến đoạn đầu đài !  Nếu tôi nói không sai; quần chúng ngày nay đã lưỡng lự như những anh chàng ngơ ngác đứng giữa ngã tư, chẳng biết nên lùi hay nên tiến, nên để bước vào ngã đường nào.

Trước cảnh tượng quá nguy ngập của hiện đại, nếu không phải là nhiệm vụ của bao nhiêu thanh niên trí thức, nhựa sống tràn đầy, nhiệt huyết vị tha sôi nổi, thì không còn ý nghĩa gì đáng sống.

Nay ta cứ phẳng lặng sống bình yên, bỏ phú mặc giòng đời trôi chảy ?  Không !  Ta không bao giờ có những tư tưởng chết ấy.  Lúc nào cũng còn đeo đuổi phụng sự một lý tưởng.  Cái lý tưởng để ngự chế con tim, để vạch rõ con đường tươi sáng ngày mai, để mưu hạnh phúc vĩnh viễn cho bao người chờ đợi.

Lý tưởng ấy là gì? Là duy trì văn hóa.

Vì văn hóa là lợi khí để cải tạo đời sống của xã hội loài người, có thể đưa nhân loại đến chỗ văn minh tuyệt đỉnh, nếu văn hóa được hoàn toàn thiện mỹ.  Trái lại, văn hóa cũng là lợi khí giết người, đưa nhơn loại đến chỗ tàn khốc nguy hại nhất, bởi văn hóa dở dang, gieo mầm tranh đấu.

Sau cuộc thất bại lớn lao, thống chế Pétain đã giác ngộ dân Pháp bằng lời thiết tha về luân lý, đạo đức, duy trì văn hóa.  Dân Pháp ngày nay như đã tỉnh giấc mơ màng của cuộc phiếm du đầy xa xuôi, mộng ảo và đã bắt đầu ngó lại những chỗ bùn lầy, đã cùng nhau hô hào phải cần lao trong công cuộc kiến thiết.

Nhưng giờ đây, ta hãy tạm gác vấn đề xa xuôi của cái phạm vi rộng lớn ấy, nghĩa là tôi muốn nói - chưa nói đến các nước khác - ở nước Việt Nam ta ngày nay, như muốn duy trì văn hóa nào.  Ở nước ta về văn hóa Khổng, Mạnh tổ truyền từ đời trước, đến nay thì đã lu mờ không còn thích hợp nữa; còn văn hóa Âu Tây thì mới truyền vào, chưa nói đến sau này có thích hợp cùng không, hiện giờ thì người ta chưa thể đi sâu vào trong đó được.  Vả chăng văn hóa Âu Tây cũng chưa phải là hoàn toàn đưa nhơn loại đến chỗ hạnh phúc toàn thiện toàn mỹ.

Đến đây tôi không còn ngần ngại gì mà không nói rõ:  Giữa lúc nhơn loại sống hoài nghi, đau khổ, vì tư tưởng chán đời tuyệt vọng mà đâm ra bê tha trụy lạc này, không có phương pháp gì cứu vãn bằng là  “Duy trì văn hóa Phật giáo”.

Phật giáo là một nền giáo lý do đức Thích Ca sau khi Ngài đã giác ngộ chân lý mà lập ra, Ngài biết đời vì sao mà khổ, Ngài biết đến nguồn gốc mê muội của chúng sinh, và Ngài chỉ bày những phương pháp giải thoát một cách triệt để; thật là một nền giáo lý chứa đầy triết lý cao thâm và có thể làm mô phạm cho sự tiến bộ của khoa học, tưởng không có văn hóa nào bằng; lại là một nền giáo lý đủ có luân lý đạo đức rất thuần túy mà ngày nay trên thế giới thảy đều công nhận.  Văn hóa Phật giáo dạy người khiến cho cõi lòng tự chủ, phá hoại được sự khiển chuyển của bản năng dục vọng.

Văn hóa Phật giáo không phải là cổ hủ, mà cũng không phải cách tân một cách sai lầm - chỉ là lối thuyết pháp của Phật tùy theo căn cơ chúng sinh, nên dù mấy ngàn năm về trước, cũng như cả ngàn năm về sau khi nào cũng thích hợp cả.  Dù sự tiến bộ của nhơn loại đến đâu, đúng theo chơn lý thì đều hiệp với Phật giáo cả.

“Tất cả học thuật, chánh trị, ngôn ngữ ở đời đều là Phật giáo”, tôi nhắc lại lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa.

Nếu chúng ta nhận thức đứng đắn cái phạm vi rộng rãi thuần túy của Phật giáo, thì không còn hoài nghi dụ dự gì mà chẳng đem tất cả đời sống mình để phụng sự Phật giáo.

Giữa tình trạng quốc tế nghiêm trọng, chỉ có duy trì văn hóa Phật giáo mới là con đường tươi sáng vị tha của ngày mai, nhơn loại cần tiến bước. 

Giữa thời đại phá hoại, chỉ có văn hóa Phật giáo mới đủ có phương pháp kiến thiết lại đời sống - một đời sống đầy đủ tinh thần hoạt động - cải tạo tự tâm đến chỗ hoàn toàn thiện mỹ.

Giữa lúc nhơn loại tối tăm điên đảo, chỉ có công hạnh tự giác, giác tha của Phật giáo, mới có thể cứu vãn một cách rốt ráo, chiếu xuống ngọn đuốc quang minh cho nhân loại soi chung.

Giữa lúc nhơn loại buồn đau khổ sở, sợ sệt lo âu, chỉ có đạo đức Phật giáo mới làm cho con người được tự chủ, an ủy được những tấm lòng đau thương làm cằn cỗi.
 Ảnh minh họa
Căn cứ vào nền văn hóa Phật giáo, ta tin chắc rằng, ta có thể gây dựng cho tương lai một xã hội hòa nhã, vui tươi, ở đấy mọi người đã bỏ hết bản ngã nhỏ nhen, những nỗi tham, sân tệ hại :  Biết nhẫn nhục, nhu hòa, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, sống trong làn không khí vi diệu của Hương quốc.

Vậy xin các nhà học giả trong nước, các bạn thanh niên trí thức, chớ ngại ngùng lo sợ gì nữa, duy trì văn hóa Phật giáo là duy trì văn hóa nước nhà, duy trì văn hóa thế giới; khuếch trương văn hóa Phật giáo là khuếch trương văn hóa đại đồng của nhơn loại.

Một tương lai rực rỡ, một sự nghiệp vĩ đại đương đợi chúng ta, chúng ta nên đem hết lòng vị tha cứu khổ, chịu khó mà tham tầm, để am hiểu giáo lý, để thực hành với những công cuộc kiến thiết chung, noi theo gương từ bi của Phật Tổ.

Tôi xin dâng hết lòng thành để mong mỏi và cầu nguyện...

Phật dạy: “Tâm chúng sinh càng tham sân ích kỷ chừng nào, thì chiến tranh và tai họa càng xảy ra chừng nấy”.

Thiền sư Thích Mật Thể (1913-1961)

Theo Phatgiao.org

Các tin đã đăng: