Khi tình là dây oan
Trên Nguyệt san Giác Ngộ vừa qua, có số
chuyên đề “Đạo nghĩa vợ chồng” với những kiến giải về nhân duyên, về bổn phận
vợ chồng, nguyên tắc ứng xử và quan trọng nhất là “đạo” vợ chồng. Có ở đâu trên
thế giới này, hôn nhân được xem là “đạo”? Thế nhưng lần giở các trang báo hôm
nay, chúng ta không khỏi rùng mình khi thấy một thực tế đau lòng khác: hàng
loạt án mạng xảy ra khi vợ chồng đối xử tàn nhẫn với nhau, thậm chí giết nhau
như kẻ thù, quên đi lý do vì sao họ đã đến với nhau, quên đi “duyên” đưa họ
đến. Chỉ còn chăng là lòng thù hận. Có nơi nào trên thế giới này lại xảy ra
nhiều án mạng gia đình như thế chăng? Hãy đọc thử trang báo hôm nay.
Chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc
sống nhưng vì vợ chồng đều thiếu kiềm chế nên bi kịch đã xảy ra, để
lại nỗi đau cho người mẹ già và đứa con thơ dại...
Đấy là chuyện của Phan Thị Thùy Trang (SN 1991) ở
TX. Phước Long trong khi cãi nhau với chồng đã đâm chết anh ta.
Đánh dã man người vợ trước mặt con gái 4 tuổi, cử
nhân có 2 bằng đại học Nguyễn Tiến Thịnh còn ra ngoài quan hệ với bồ, rồi về
nhà bắt vợ xem và làm theo nếu không sẽ chọc mù mắt.
Đó là nội dung trong đơn của chị Lê Thị Lý (SN
1981, trú tại đường Lạc Long Quân, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh
Vĩnh Phúc) gửi cơ quan công an và các đoàn thể tổ chức địa phương để tố cáo
những hành động bạo hành của chồng là Nguyễn Tiến Thịnh (SN 1980, cùng trú tại
địa chỉ trên).
Rạng sáng 13-11, Cao Anh Tú đã dùng kéo đâm vợ
mình là Hoàng Thị Tú Oanh (SN 1975) nhiều nhát, rồi nhảy từ tầng 2 xuống đất tự
tử. Hậu quả, chị Oanh phải vào bệnh viện cấp cứu; Tú bị gãy 6 xương sườn, chùn
cột sống.
Theo điều tra ban đầu, hai người lấy nhau từ năm
2000 và đã có 2 con. Thời gian gần đây, Tú cho rằng mình bị vợ “cắm sừng” nên
sau khi đi uống rượu về đã gây ra sự việc trên. (Báo Người Lao Động ngày
15-11-2011).
“Có duyên mà không nợ thì gặp nhau cũng chẳng thể
chung sống. Có nợ mà không duyên thì cũng chẳng thể thành vợ chồng. Duyên nợ
tác thành vợ chồng hay nói đúng hơn là nghiệp lực đóng vai trò quan trọng trong
việc thúc đẩy hai người đến với nhau để trở thành vợ chồng”. (HT. Thích Trí
Quảng - Hạnh phúc gia đình). Như vậy thì đã rõ, không chỉ đến với nhau
vì duyên mà có khi cuộc sống chung biến thành địa ngục cho cả hai. Có phải
chăng hôn nhân là quá trình biến hai kẻ đồng sàng trở thành dị mộng. Có thật
đáng buồn như vậy chăng? Chúng ta tự hỏi: Về mặt không gian, tình trạng mất
hạnh phúc hôn nhân trên đất nước ta như vậy đáng báo động chưa? Về mặt thời
gian, trong lịch sử có giai đoạn nào mà nền tảng gia đình chao đảo và những giá
trị luân lý bị đảo lộn như vậy chưa?
Ði tìm nguyên nhân
bạo hành gia đình
Về mặt không gian, ở các nước, tình trạng mất bình
đẳng giới vẫn hiện diện, nhưng cách ứng xử do bị ràng buộc bởi những quy định
chặt chẽ nên việc bộc lộ bạo lực ở rất nhiều nước không còn mạnh mẽ. Chúng ta
không nói đến các bộ tộc bán khai hay những vùng xa xôi ở Trung Đông hay châu
Phi. Còn ở Việt Nam thì sao, theo thống kê thì 66% các vụ ly hôn ở Việt Nam
liên quan đến bạo hành gia đình. Thống kê của UNODC thì trong 5 năm, từ 2000 -
2005, có 186.954 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, hành vi đánh đập, ngược đãi
chiếm 53,1% trong các nguyên nhân dẫn tới ly hôn. Năm 2005, có tới hơn 39.700
vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo hành trong tổng số gần 65.000 vụ án về hôn nhân
và gia đình, chiếm tỷ lệ 60,3%. Năm ngoái, đã có 88.591 vụ ly hôn tại Việt Nam
trong tổng dân 87 triệu người, tăng đáng kể so với 79.769 trường hợp vào năm
2009 và 65.351 trường hợp vào năm 2008. Đó là không nói đến tình trạng “gượng
gạo sống chung vì con”. Thật sự có bao nhiêu gia đình hạnh phúc?
Thống kê năm trước, ở ĐBSCL có 1.319 ca nhập viện
do bạo hành gia đình, trong đó khoảng 1.000 ca tự tử, và 30 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, vì không có số liệu cho các vùng khác, chắc chắn sẽ nhiều hơn, nhất
là vùng nông thôn, vùng núi phía Bắc. Cũng theo thống kê thì 5% phụ nữ thường
xuyên bị chồng đánh đập; 82% hộ dân nông thôn và 80% hộ ở thành phố có xảy ra
bạo lực, lại còn có tình trạng 9-10% trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình
là nam giới và thủ phạm chính là người vợ (!) Có đủ hình thức bạo hành, từ bạo
hành thể xác: những hành vi tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân; bạo hành
tình dục; bạo hành xã hội khi ngăn không cho vợ (hoặc chồng) tiếp xúc với gia
đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng.
Còn có dạng bạo hành tinh thần: khủng bố, hăm dọa… như gã Thịnh vừa nêu trên
hoặc kết hợp tất cả mọi hình thức. Tóm lại, làm sao cho cuộc sống người bạn đời
mình thành địa ngục thì mới thỏa dạ. Nhiều trường hợp hành vi bạo lực dẫn đến thương
tật suốt đời, thậm chí tử vong.
Bạo lực gia đình thường là nguyên nhân khởi phát
gây ra những thương tổn tinh thần, thậm chí đến cả con cái sau này, vì trẻ em
là đối tượng rất nhạy cảm. Những trẻ gái sống trong môi trường bạo lực, khi
trưởng thành khó đặt niềm tin vào những người đàn ông khác và thường gặp trắc
trở vì lớn lên trong niềm hoài nghi quá mức với đối tượng khác giới, lý do bắt
nguồn từ việc chứng kiến hành vi bạo lực của cha đối với mẹ hoặc với bản thân
mình. Các trẻ trai về sau này có thể bắt chước các hành vi bạo lực với người vợ
trong tương lai. Có người cho nguyên nhân chính là vì rượu, nhất là bạo hành
thân thể, thường là khi người nam say rượu, nhưng rượu thực ra chỉ là cái cớ
cho những lấn cấn, vướng mắc vốn tồn tại từ trước. Bạo hành được nhận thấy có
tỷ lệ cao ở các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như kinh tế khó khăn,
trình độ văn hóa thấp, người chồng không có việc làm…
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giàu có hay
được học hành đầy đủ là bảo đảm chắc chắn gia đình hòa thuận. Vì trường hợp
trên, gã chồng có đến 2 bằng đại học (!) Ở những gia đình như vậy, bạo hành xảy
ra với hình thức rất khó lường. Phật đã nhìn thấy trong 8 nguyên nhân làm suy
yếu gia đình thì nguyên nhân gần gũi và trực tiếp là “trong gia đình khởi lên
kẻ phá hoại gia đình, người ấy phân tán, phá hoại làm tổn hại (vikirati
vidhamati viddhamseti)”, một người chồng không biết trang nghiêm tự thân, không
biết sống bảo hộ bản thân, bảo hộ gia đình và tài sản, dạng đàn ông “đình đám
hý viện, đam mê các loại rượu, du hành đường phố phi thời, đam mê cờ bạc, giao
du ác hữu, quen thói lười biếng… (trích theo Chúc Phú, Đạo nghĩa vợ chồng
theo quan điểm Phật giáo).Vậy thì ở đâu cũng có dạng đàn ông, làm chồng như
thế! Còn về lịch sử thì trong thời Pháp thuộc, Tú Xương đã phê phán:
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Nhưng cũng chưa đến nỗi “con đâm bố, vợ giết
chồng…”. Thế thì thời này quả là đáng báo động, vì với Tú Xương thì vợ ông vẫn
tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam muôn đời:
Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm
con với một chồng…
Vì hình ảnh của bà là hình ảnh con cò:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Hình ảnh hết sức cảm động, gợi lên những đức tính
chung thủy, dịu dàng, hy sinh hạnh phúc cá nhân vì chồng vì con…
Nhưng khi trai không chịu vợ, gái cũng chẳng chịu
chồng tăng lên, duyên xưa hóa thành nợ cả thì ta có thể lý giải vì sao tình
trạng ly hôn tăng vọt. Theo kết quả nghiên cứu khoa học mới công bố về tình
trạng ly hôn của thanh niên trên địa bàn TP.HCM của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc
Tài (Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP.HCM), hiện nay cứ bình quân
2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao
và năm sau luôn tăng hơn năm trước. Cũng theo khảo sát này, 43,4% cảm thấy cuộc
sống của mình thoải mái, tự do hơn sau khi ly hôn. Theo một kết quả nghiên cứu
được công bố năm 2008 của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn TP.HCM), tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh và chiếm 31%-40%, nghĩa là
cứ ba cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn.
Từ đó, báo cáo kết luận: Tuổi thọ hôn nhân ở Việt Nam càng ngày
càng giảm.
Khi tế bào gia đình
bị tổn hại
“Kết quả của hôn nhân phải là hoa trái hạnh phúc.
Muốn giữ gìn hạnh phúc, quan hệ hôn nhân phải vững bền”. (Chúc Phú, bđd). Tác
giả bài viết cũng nhắc lại theo kinh Tăng Chi thì quan hệ hôn nhân bền
vững đòi hỏi bốn sự tương đồng: tương đồng về nhận thức, về niềm tin, về chuẩn
mực đạo đức, và lòng thí xả, vị tha. Thế nhưng có dễ tìm được sự tương đồng ấy
hôm nay chăng khi xã hội đang phải đối đầu với sự tha hóa về lý tưởng, sự suy
thoái về luân lý, sự đổ vỡ niềm tin… Khi không có sự tương đồng thì những bổn
phận cũng bị xao lãng hoặc xem nhẹ. Chồng không ra chồng, vợ không còn ra vợ
thì làm sao đem lại an lạc cho cha mẹ, vợ con, bạn bè thân hữu, người làm công
khi bản thân mình không an lạc?
Đức Phật gọi sự phối hợp tốt đẹp của hai người là
sự phối hợp của vị chư thiên nam và chư thiên nữ: “Này các Tỳ kheo, có bốn loại
sống chung này. Thế nào là bốn? Đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ; đê tiện
nam sống chung với thiên nữ; thiên nam sống chung với đê tiện nữ; thiên nam
sống chung với thiên nữ”. Vậy thì trong những vụ án nêu trên, chúng ta sẽ nhìn
rõ đâu là đê tiện nam, thiên nam… Bất hạnh thay, đê tiện nam hay nữ thời này
lại lộng hành khắp nơi, gây nên bao thảm họa.
Phải xây dựng lại từ đâu?
Quốc gia và thế giới phải lấy tiểu gia đình làm tế
bào gốc, làm một đơn vị văn hóa, kinh tế xã hội và thực hiện trên nền tảng
“tương kính như tân”. Ngày xưa đã có lúc dân ta đề cao chữ “trinh” trong quan
hệ sao cho “trai trinh với vợ, gái trinh với chồng” nghĩa là sự chung thủy,
trong sáng trong quan hệ phải được đề cao chứ không phải chữ “trinh” cụ thể và
hạ đẳng theo cách hiểu hiện nay, chữ trinh ấy không thể “vá” hay tân trang mà
là sự trong sáng đến từ tận đáy tâm hồn. Tiểu gia đình đã là tế bào quốc gia,
làm nền cho sinh hoạt quốc dân; văn hóa, vận mệnh quốc gia đều bắt nguồn từ
quan hệ sinh hoạt tiểu gia đình.
Hôn nhân là yếu tố thứ nhất của sinh hoạt xã hội,
để thế hệ trẻ phát triển, xã hội (gia đình) cũng được bền vững, kiện khang đều
từ quan hệ gia đình hay hôn nhân. Phải giáo dục lại thái độ, nhận thức đối với
hôn nhân: bình quyền nhưng có sự ràng buộc tình cảm, tự do luyến ái nhưng trên
nền tảng đạo đức Việt Nam,
có trách nhiệm với hạnh phúc chính mình và người phối ngẫu cũng như con cái và
gia đình lớn của cả đôi bên.
Giáo dục tình yêu và hôn nhân phải được bắt đầu
ngay trong gia đình, nơi sinh ra và cảm nhận mọi nguồn hạnh phúc. Hãy “Biến
cuộc đời thành những tối tân hôn/ Và đêm ơi xin cứ dài vô tận” (Thơ Nguyên
Sa). Ấy là đêm của tình yêu, khi thiên nam gặp thiên nữ chứ không phải đêm của
ác mộng, của bạo lực và hận thù!
Mong sao!