Võ Sĩ Và Người Ăn Trộm
Người có tri kiến sai lầm về việc hành thiền cũng giống như một
người ăn trộm mướn luật sư cứu anh ta khi bị bắt quả tang. Nhưng sau đó
lại tiếp tục tái phạm lần nữa. Hoặc giống như người võ sĩ sau khi
thượng đài bị nhiều vết thương, chữa trị vết thương xong lại đi đấu võ
lần nữa và lại mang thương tích. Mặc dầu cứ mỗi lần đấu võ là mỗi lần
bị thương, anh võ sĩ vẫn cứ muốn thượng đài.
Mục đích của việc hành thiền không phải chỉ để tạo được một ít yên
tĩnh trong một thời gian ngắn, tạm thời chấm dứt mọi đau khổ, khó khăn,
nhưng là để nhổ tận gốc rễ nguyên nhân đã khiến chúng ta bất an.
Trộm Và Kẻ Giết Người
Nếu đời sống thế tục thuận lợi cho việc hành thiền thì Đức Phật
đâu có khuyến khích chúng ta đi tu làm gì. Thân và tâm chúng ta như
những băng đảng cướp của, giết người. Chúng luôn luôn kéo chúng ta đến
hầm lửa tham lam, sân hận, si mê. Đời sống thế tục có rất nhiều khó
khăn trở ngại. Ngũ dục luôn luôn lôi cuốn. Chúng mời gọi ta đến căn nhà
ái dục với một giọng nói ngọt ngào thân thiện, "Đến đây, hãy đến đây
người bạn thân mến" và khi bạn đến gần thì cửa mở và súng nổ.
175. Rễ Cây
Chúng ta hãy lấy ví dụ về một cội cây để hiểu rõ sự bảo vệ và duy
trì Phật Pháp bằng cách hành thiền. Cây gồm có rễ, thân, cành và lá.
Các bộ phận lá, thân, cành đều tùy thuộc vào rễ bởi vì rễ đã hút chất
bổ, chuyển đến các cơ phận trên. Cây nhờ rễ để duy trì sự sống. Chúng
ta cũng vậy, hành động và lời nói của ta là thân, lá, cành, và tâm là
rễ. Rễ hấp thụ chất bổ để nuôi dưỡng toàn thể thân cây, giúp cho cây
đơm hoa, kết trái.
Hành thiền là luyện tâm trong sạch, là giúp cho rễ trí tuệ tăng
trưởng để nuôi cho cành lá thân khẩu. Tâm tốt hay xấu, có chánh kiến
hay tà kiến, đều thể hiện qua lời nói và hành động. Bởi thế, việc bảo
vệ và duy trì Phật giáo bằng cách thực hành giáo pháp thật vô cùng quan
trọng.
Theo: Chỉ là một cội cây thôi
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana