Tâm lý đố kỵ của con người
06/11/2014 06:50 (GMT+7)

    Đối với nhiều người, hạnh phúc của bản thân họ không phải đến tự bản thân họ mà đến từ người khác, đến theo cách so sánh với người khác. Một người kiếm được nghìn đô một tháng thấy hạnh phúc không phải vì số tiền đó đem đến niềm vui cho họ, mà vì nhiều người xung quanh không có số tiền như thế. Nhưng họ sẽ cảm thấy kém hạnh phúc hơn khi có những người kiếm được nhiều tiền hơn.

    Và người ta so sánh cả những thứ khác, như việc lấy vợ chẳng hạn: Người hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn khi mình lấy được vợ đẹp hơn, giàu hơn, hay sớm hơn người khác, mà không phải hạnh phúc vì tự họ cảm nhận được.

     Nhiều người cảm nhận hạnh phúc như thế, và tệ hơn là họ cũng nghĩ người khác cảm nhận theo cách của họ. Rồi từ đó, tự họ nghĩ rằng những người không có những thứ như mình sẽ không hạnh phúc, không vui vẻ bằng mình! Và từ đấy, họ lại tỏ ra thương hại những người mà họ cho là không hạnh phúc bằng họ. Một kiểu khóc mướn thương vay! Chính sự thương hại đó lại làm tăng thêm cảm xúc hạnh phúc và vui vẻ của họ.

     Sự thật là con chim sẻ tung tăng giữa trời tự do sẽ có niềm vui riêng của con chim sẻ. Và con họa mi yên vị trong lồng son cũng có niềm vui riêng của nó. Tại sao con họa mi cứ phải thương hại con chim sẻ phải tự kiếm ăn? Trong khi có thể con chim sẻ cũng đang thương hại cho con họa mi vì cuộc đời tù túng?

     Bản chất của con người là muốn được ngưỡng mộ, được khen và hơn người khác. Bởi vì thế giới tôn vinh những cái hơn người. Thế nên bạn giỏi hơn người khác, giàu hơn người khác hoặc đẹp trai/xinh gái hơn người khác thì tất nhiên, bạn đều có quyền kiêu ngạo. Nhưng tuyệt nhiên, đừng nhìn người khác bằng ánh mắt thương hại. Bởi chưa chắc họ đã để cái hơn người của bạn vào mắt, chưa chắc họ đã ít hạnh phúc hơn bạn.

     Hạnh phúc là trạng thái tâm lý, vậy nên, nếu họ không bằng bạn, nhưng họ hài lòng với cuộc sống của mình, không ghen tỵ, đố kị và luôn chăm chăm săm soi vào những người hơn họ như bạn, thì hẳn nhiên là họ đang rất hạnh phúc đấy. Đồng ý rằng việc so sánh với xung quanh giúp con người ta có nỗ lực hơn, không tự huyễn hoặc bản thân rằng mình rất tốt, rất giỏi rồi mà không cần nỗ lực tiếp. Nhưng cái gì cũng cần có mức độ thôi bạn ạ.

     Thử nghĩ thế này nhé. Nếu bạn học dốt hơn đứa hàng xóm, bạn luôn bị bố mẹ, bạn bè đem ra so sánh với nó. Và bạn cực kỳ ghét nó, luôn cô gắng để vượt qua nó. Thế nhưng, bạn có nghĩ đến việc cả đời này bạn không vượt qua được nó thì sao? Chẳng nhẽ bạn cứ sống hết đời trong ghen tỵ và thất vọng vì mình kém nó sao? Bạn cũng không thể biến mình thành thông minh hơn nó, chẳng nhẽ lại than trách bố mẹ sinh ra mình không thông minh bằng?

    Bất cứ ai, không giỏi mặt này thì cũng sẽ giỏi mặt khác, và kể cả chẳng giỏi bất cứ mặt nào thì cũng không liên quan gì đến hạnh phúc cả. Biết đâu bạn không giỏi gì cả nhưng có gia đình hòa thuận, bố mẹ, bạn bè, người yêu quan tâm, công việc yêu thích, thế thì tuyệt quá đi chứ. Thế nên dù bạn có không bằng bất cứ ai, bạn vẫn có thể hạnh phúc cơ mà.

    Vậy nên, thử vứt quách cái thứ tâm lý nhỏ nhen, đố kỵ ấy đi. Nhìn đời bằng con mắt bao dung hơn, rộng lượng hơn thì mở cửa ra, hạnh phúc đã ùa vào rồi đấy.

    Trước kia tôi cũng đố kị đủ thứ với đủ người. Từ con bé hàng xóm được nhiều đứa quý hơn do nó cởi mở, dẻo miệng còn tôi thì lầm lỳ ít nói. Từ con bé cùng lớp xinh xắn được một đám con trai theo sau nịnh bợ, thầy cô yêu quý, luôn được tham gia thi múa hát các kiểu còn tôi thì gầy còm xấu xí nên chẳng ai để tâm đến… Nhưng gần đây tôi mới biết, khi đó chúng nó cũng đố kỵ với tôi vậy thôi. Đố kỵ tôi học giỏi hơn, đố kỵ tôi chẳng bao giờ bị bố mẹ đánh… Đấy, quanh cái vòng luẩn quẩn của so sánh, đố kỵ ấy chẳng có ai thật sự hạnh phúc cả.

    Sống biết cuộc sống của mình thôi, nhìn chăm chăm vào cuộc sống của người khác để khó chịu khi người ta hơn mình, vui mừng khấp khởi khi người ta khó khăn làm gì. Mệt mỏi ra.

    Hạnh phúc giản dị lắm. Nó luôn  bên cạnh ta, chỉ cần  quay mặt sang sẽ thấy. Nhưng đáng tiếc, chúng ta lại luôn nhìn về phía trước.

Hoonzuco  

Theo Ngôi Sao

Các tin đã đăng: