ĐĐ Thích Nhật Từ: Sau khi được bổ nhiệm là giám
đốc khoa học của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán từ ngày 9-3-2011, được
biết đây là mùa hè đầu tiên, GS làm việc tại Việt Nam. Với cương vị
này, trách nhiệm và chiến lược của GS trong việc phát triển toán học
tại nước nhà ra sao? Những khó khăn nếu có?
NBC: Chào thầy Thích Nhật Từ. Vâng thưa thầy, hè năm
nay Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã có những hoạt động khoa
học đầu tiên. Bên cạnh việc cùng nhau tìm hiểu một số vấn đề toán học
ít được nghiên cứu ở Việt Nam, chúng tôi cố gắng tạo ra một nếp làm
việc cho những hoạt động khoa học khác của VIASM sau này. Tất nhiên là
vạn sự khởi đầu nan, nhưng tôi rất hy vọng VIASM sẽ là một nguồn sức
sống mới cho toán học Việt Nam.
- GS có phải là Phật tử? Việc tìm hiểu về đạo Phật của GS thế nào?
Gia đình tôi theo Phật nhưng tôi không phải là phật tử theo nghĩa
toàn vẹn nhất, mặc dù có lẽ văn hóa Phật giáo có thấm sâu vào con người
tôi như nhiều người Việt nam khác.
GS Ngô Bảo Châu: "Văn hóa Phật giáo có thấm sâu vào con người tôi".
- Đạo Phật đã ảnh hưởng thế nào đối với cuộc sống của GS?
Có lẽ đó là sự nhận thức sâu sắc về giá trị của cuộc sống của con
người cũng như của mọi sinh linh từ đó dẫn đến sự trân trọng cuộc sống
của người khác và của chính mình.
Có lẽ đó còn là một thái độ tương đối bình thản trước mọi biến cố của
cuộc sống. Thường thì người ta đạt được sự bình thản này sau khi một
phần lớn của đời mình đã trôi qua, văn hóa Phật giáo có thể giúp ta
bình thản ngay cả khi một phần lớn của cuộc đời có lẽ còn ở phía trước.
Có lẽ sự nhận thức về tính vô thường của thế giới và của cả con người
đã giúp tôi rất nhiều để có một sự cân bằng trong cuộc sống. Một bên
ta không thể buông xuôi trách nhiệm với xã hội, với những người thân
thiết, với bản thân mình, một bên ta vẫn hiểu rằng cái quan trọng ngày
hôm nay, ngày mai có thể sẽ không còn quan trọng nữa.
- Giáo sư đã từng đọc kinh Phật? Nếu có thì đó là kinh gì? Ảnh hưởng của bài kinh đó đối với cuộc sống của giáo sư thế nào?
Tôi được đọc kinh Phật mỗi lần đến thăm bà ngoại tôi. Ngoại tôi tụng
kinh hàng ngày. Khi còn là sinh viên tôi có đọc một số sách về lịch sử
Phật giáo.
Trải nghiệm quan trọng nhất của tôi với Phật giáo là lần đi thăm di
tích Ajanta bên Ấn độ. Đó là những hang đá nơi những người tu hành đã
sống từ thế kỷ thứ sáu. Những bức bích họa rất lớn trên vách hang miêu
tả cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni đã làm tôi xúc động đến ứa nước mắt.
- Là một nhà khoa học toán, giáo sư đánh giá thế nào về các điều minh triết Phật dạy về con người và vũ trụ?
Triết lý Phật giáo cho con người một nhân sinh quan rộng rãi, giải
phóng nhiều định kiến. Đấy là một tố chất cơ bản của nhà khoa học.
Có những nhà khoa học có uy tín đi tìm những điểm chung giữa triết lý
tôn giáo trong đó có Phật giáo và Cơ đốc giáo và khoa học hiện đại. Cá
nhân tôi thấy những cố gắng này có phần khiên cưỡng.
- Khi tự đặt cho mình biệt hiệu “Hòa thượng
Thích Học Toán” hẳn giáo sư đã thể hiện phần nào thiện cảm với Phật
giáo, cụ thể hơn là tu sĩ Phật giáo? Ý tưởng của việc chơi chữ này là
gì?
Công việc nghiên cứu khoa học có nhiều điểm chung với cuộc sống của
những nhà tu hành. Nghiên cứu khoa học cơ bản cũng có tính thoát ly
khỏi cuộc sống trần tục. Tôi chọn biệt danh “Hòa thượng Thích Học Toán”
để cho trò chuyện toán học trên blog được thân thiện hơn, để câu
chuyện toán học thoát ra khỏi hình thức phổ biến khoa học. Sau khi một
số Phật tử có nhắn với tôi không nên đùa với chức danh Hòa thượng, tôi
cũng không dùng nó nữa. Tôi cũng không có ý tạo thêm những sự bực bội
không cần thiết.
- Gần đây, Giáo sư đặt trang blog cá nhân
(thichhoctoan.wordpress.com) ở chế độ riêng tư, một hình thức của đóng
cửa đối với độc giả quý mến giáo sư? Đâu là lý do cho việc này?
Sau sự kiện giải thưởng Fields, blog của tôi có khá nhiều người đọc.
Tôi nhận ra rằng cách viết hài hước mà tôi chọn cho blog cũ nay không
còn phù hợp nữa. Tôi vẫn giữ ý định mở lại một trang blog mới và viết
lại nhiều bài theo một phong cách nghiêm túc và có hệ thống hơn.
GS Ngô Bảo Châu từng đóng cửa blog cá nhân,
nhưng ông đã vừa mở lại blog để tiếp tục chia sẻ những bài viết với mọi người.
- Là người sống và làm việc tại Pháp, trung tâm
của văn minh châu Âu và hiện nay giảng dạy tại đại học Chicago, Hoa Kỳ,
giáo sư có suy nghĩ gì về mô hình giáo dục đại học Việt Nam trong xu
thế toàn cầu hóa?
Có một khoảng cách khá lớn về chất lượng giữa giáo dục đại học ở Việt
Nam và ở các nước phát triển. Vì dư luận xã hội đã quá tiêu cực với
chất lượng giáo dục cho nên tôi thấy không cần phân tích thêm. Cái cần
và khó hơn nhiều là tìm ra giải pháp. Có lẽ giải pháp tốt nhất là để
cho mỗi ngôi trường, mỗi người thầy tìm ra giải pháp riêng cho mình.
Nói cách khác là trường đại học và các giáo sư đại học cần được chủ
động hơn trong chương trình và qui chế tuyển sinh. Bên cạnh đó, cơ quan
quản lý cần làm thêm nhiều điều tra để so sách chất lượng đào tạo và
nghiên cứu khoa học giữa các trường để dựa vào đó mà có chính sách đầu
tư hỗ trợ. Những thông tin này cũng cần được công bố rộng rãi để học
sinh sinh viên cũng như phụ huynh có thông tin chính xác hơn cho việc
chọn trường học.
Việc nới quản lý từ trung ương để tăng tính chủ động cho những người
trực tiếp làm công việc đào tạo và nghiên cứu có thể dẫn đến bất cập ở
chỗ này chỗ khác, nhưng tôi tin vào khả năng tự điều chỉnh của cuộc
sống. Sự tự điều chỉnh sẽ nhanh hơn nếu thông tin được rộng đường.
- Toán học có thể giúp gì cho việc quy hoạch đô thị Việt Nam? Kinh nghiệm của Pháp và Mỹ trong lãnh vực này thế nào?
Ở nước ta, việc quy hoạch giao thông trong các đô thị vẫn dựa nhiều
vào cảm tính, nên hay thay đổi. Những hệ thống có độ phức tạp cao như
giao thông đô thị thực ra rất cần được thử nghiệm và thiết kế dựa trên
những mô hình toán học.
- Là người lập gia đình và có con ở tuổi đôi
mươi, đâu là bí quyết duy trì “hạnh phúc gia đình” của giáo sư sau gần
20 năm chung sống?
Thưa thầy, cuộc sống gia đình nào cũng có lúc sóng gió. Để sống với
nhau, mỗi người cần hiểu những người mình yêu để mà sống vui với chính
con người họ. Mỗi gia đình còn có một động lực rất lớn để tồn tại đó là
con cái và việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái.
- Tháng bảy trong Phật giáo là mùa báo hiếu công
ân sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, Gs có
thể chia sẻ vài kỷ niệm đẹp mà hai đấng sinh thành đã dành cho GS thời
trẻ?
Cha mẹ tôi luôn dành hết cho tôi mọi sự yêu thương, ưu tiên việc nuôi
dưỡng giáo dục tôi hơn tất cả. Vợ chồng tôi cũng cố gắng làm như vậy
với các con, nhưng chắc chắn là không thể được như ông bà.
Khi còn nhỏ, mẹ tôi dậy tôi rằng xấu nhất là nói dối. Bây giờ tôi vẫn tin và cũng dậy các con tôi như thế.
- Với vai trò làm cha của ba đứa con hiếu thảo và thành công, xin GS chia sẻ kinh nghiệm làm cha của mình?
Tôi không nghĩ các con tôi đặc biệt thành công hoặc là mình là một
người bố kiểu mẫu để có thể tự tin chia sẻ kinh nghiệm với người khác.
Công việc bận rộn không cho tôi có nhiều thời gian để gần gũi với con
cái như tôi mong muốn mà thời gian là cái mà trẻ nhỏ cần nhất ở cha mẹ.
Có lẽ người lớn nên bớt thời gian xem TV, lướt web, tụ tập bạn bè để
có thêm thời gian chơi với con, học với con, cùng đọc sách với con.
Những cái đó có ích cho trẻ hơn là việc bỏ tiền ra cho con đi học thêm
hay những khóa rèn luyện “kỹ năng sống”.
- Theo GS, hạnh phúc là gì? Và đâu là cách thức giáo sư giữ gìn và phát triển hạnh phúc có được?
Đối với tôi, cái hạnh phúc lớn nhất là cảm giác mình đang sống. Cảm
giác đó bao gồm cả vị ngọt và vị đắng. Nó xuất phát quan hệ với những
người thân thiết, bạn bè, công việc và xã hội, từ miếng cơm ta ăn, từ
miếng nước ta uống, từ không khí ta đang thở.
Để có hạnh phúc, có lẽ không có cách nào khác là yêu cuộc sống như
chính nó. Để bất hạnh, có lẽ không có cách nào tốt hơn là đi đuổi theo
những ảo ảnh.
- Theo GS, “để sống một cuộc sống có ý nghĩa,” người ta phải làm gì?
NBC: Tôi e mình không đủ thông tuệ để trả lời câu
hỏi này của thầy một cách đầy đủ. Phần nhỏ của câu trả lời mà tôi biết
là để sống một cuộc sống có ý nghĩa, ta nên tránh làm những việc vô
nghĩa.
Theo Thích Nhật Từ - Đất Việt