Mấy ngày vừa qua, cư dân mạng phẫn nộ
trước clip 3 cô gái trẻ giẫm đạp chó con đến chết nhưng đó không phải là
hành động đầu tiên. Đoạn clip dài 20 phút ghi lại cảnh 3 cô gái liên
tiếp dẫm đạp lên chó con đang gây phẫn nộ trên cộng đồng mạng.
Cách đây vài giờ đồng hồ, một đoạn clip về 3 cô gái thản nhiên hành hạ
chú chó cưng được đưa lên facebook và ngay lập tức khiến cho cư dân mạng
bất bình, phẫn nộ.
|
Ba cô gái giẫm chết chó trong clip (ảnh được cắt từ mạng internet) |
Trong clip, ba cô gái đi chân trần,
mặc quần đùi, đi vòng quanh chú chó nhỏ, thay nhau dẫm lên đầu, lên bụng
chú, mặc kệ những tiếng kêu đau đớn.Khi chú chó cố gắng tháo chạy ra
cửa hay góc nhà thì lập tức bị túm và ném ngược lại giữa sàn nhà để tiếp
tục chịu đựng màn tra tấn kinh khủng ấy.
Đến cuối đoạn clip, mặc dù chú chó đã
ngừng thở, nhưng 3 cô này vẫn tiếp tục trò hành hạ của mình. Kết thúc
clip là hình ảnh chú chó nhỏ đáng thương nằm bất động trên nền nhà do
kiệt sức và đau đớn.
|
Hành động không thể chấp nhận được của ba cô gái trong clip |
Thái độ thản nhiên cười nói một cách
hả hê của 3 người này cũng đã vấp phải những phản đối gay gắt của người
xem. Hầu như ai xem được clip này đều tỏ thái độ bất bình và đều cho
rằng đây là điều không thể chấp nhận được, không có tính người.
Trong giáo lý nhà Phật, khi con người
chết đi thì thần thức mà ta thường gọi là linh hồn sẽ tùy duyên mà tái
sinh trong lục đạo luân hồi, đó là: cõi Trời, A tu la, Địa ngục, Ngạ
quỷ, Súc sinh, và Con người. Như vậy, căn cứ vào nghiệp lực khi ta gieo
trong cuộc đời mà sẽ được thọ sinh vào một trong các cõi giới tương
ứng.
Hay trong Kinh Lăng Nghiêm có nói
rằng: "Con dê trở lại biến làm người. Con dê mà có thể biến làm người
thì tất cả động vật khác cũng có thể biến làm người, cũng như là mình
cải đầu hoán diện, thay đổi bộ mặt thôi, mà mình không biết loài thú vật
đó là ai. Các vị có biết chăng những động vật dê, trâu, heo, gà,... đó
không chừng đều là bà con quyến thuộc, là họ hàng thân thích của mình?
Mối quan hệ đó, nói xa xôi như vậy, chớ nói gần hơn, thì chúng nó biết
đâu chính là cha mẹ mình kiếp trước, hay là cha mẹ không biết bao nhiêu
kiếp về trước! Nghĩ như vậy, thì nếu ăn thịt cha mẹ, thì thật là bất
hiếu..." Như vậy, con chó trong clip đó có thể là cha, là mẹ, là anh em
những người thân của ba hoặc một trong ba cô gái kia.
Theo lời Phật dạy, những hành động chúng ta làm trong cuộc sống này đều
chịu quả báo, luân hồi. Riêng về quả báo tuy nhiều song có thể tóm tắt
trong mười hai điểm:
1. Hiện báo: Ðây là
quả báo trong kiếp hiện tại; có nghĩa hiện thế gây nhân thì hiện đời
chịu quả. Quả báo này có tánh cách mau, ví như trồng loại cà, ớt hay
gieo giống lúa, chỉ trong vòng một mùa, một năm đã thu được kết quả.
Hiện báo còn gọi là Hoa báo, danh từ này hàm ý nghĩa mau lẹ, ảnh hưởng
không đợi đến thời kỳ sanh trái, mà đã phát lộ trong thời kết bông. Tục
ngữ có câu: "Ðời xưa trả báo thì chầy. Ðời nay trả báo một giây nhãn
tiền". Hai câu này chỉ cho tánh cách của Hiện báo hay Hoa báo.
2. Sanh báo: Sanh báo
là gây nhân kiếp này, đời kế sau mới chịu quả báo. Quả báo này có tánh
cách hơi lâu, ví như trồng mụn chuối con, hạ thổ năm nay, sang năm mới
có trái. Trong kinh có câu: "Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ
hưởng đời nay. Muốn rõ quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại".
Hai câu này có thể chỉ cho ảnh hưởng của sanh báo.
3. Hậu báo: Ðây là
nói sự gây nhân trong đời này, đến ba, bốn, trăm, ngàn hay vô lượng kiếp
sau mới thọ quả báo. Hậu báo có tánh cách lâu hơn, ví như trồng những
loại cây trong năm nay, đến năm, mười hay đôi ba mươi năm sau mới kết
quả.
4. Ðịnh báo: Ðịnh báo
là quả báo nhứt định phải chịu, không thể chuyển biến được, bởi sức
nghiệp đã quá thuần thục, trong mười phần thành tựu cả mười.
5. Bất định báo: Ðây
là nghiệp báo có thể chuyển biến sửa đổi được. Như có người trước đã tạo
nghiệp lành, đáng lẽ phải hưởng phú quý trọn đời. Nhưng trong lúc làm
quan, nếu kẻ ấy tham mê tài sắc, ăn của lót, cưỡng hiếp, hãm hại người,
thì phước lộc lần lần tiêu giảm, có thể bị tù ngục, ô danh, hoặc chết
bất đắc kỳ tử. Và như kẻ kiếp trước kém nhân lành, nên đời này thân phận
nghèo khổ, hèn hạ. Song nếu người ấy biết xét lẽ nhân quả tội phước,
gắng sửa đổi tâm tánh, hết sức làm việc phước thiện, thì tội chướng lần
tiêu giảm, phước đức lần tăng thêm, có thể trong hiện tại chính mình hay
con cháu sẽ tiến đến cảnh vinh quang.
6. Cộng báo: Cộng báo
là quả báo chung. Những việc do việc tự mình giết, bảo người giết, hoặc
tùy hỷ sự giết của nghiệp sát sanh từ nhiều kiếp về trước...đều chịu
quả báo chung.
7. Biệt báo: Ðây cũng gọi Bất cộng báo, là quả báo riêng của mỗi cá loại trong loài người hay loài vật.
8. Cận tử báo: Cận tử
báo là quả báo lúc sắp chết. Con người khi già yếu sắp chết, những
nghiệp thiện ác từ kiếp này hoặc kiếp trước dồn lại, ảnh hưởng mạnh mẽ
hơn lúc bình thường. Nếu là nghiệp thiện thì khiến cho người ấy vui vẻ
hòa nhã hiền lương, mắt tai không lờ lãng, khi lâm chung xả báo an lành.
Như thuộc về nghiệp ác, thì kẻ đó trở nên nóng nảy, ưa buồn giận khó
khăn, tâm trí lờ lẫn, lúc sắp chết đau yếu mê man. Trong đời kẻ tu thiện
thì ít, làm ác lại nhiều, nên đa số người đến lúc lớn tuổi thường đổi
tánh; những vị không hiểu lý này cho là "già hay sanh tật".
9. Thục vị thục báo: Ðiều
này là trạng thái của nghiệp báo lúc chưa thuần thục và đã thuần thục.
Việc nhân quả rất phức tạp, tùy theo thế lực mạnh yếu mà đến trước hoặc
sau. Cho nên các đệ tử của ta chớ nên thờ ơ, phải gắng chuyên tu cho đạo
nghiệp được tinh thuần. Vì biết đâu, có kẻ tuy đời nay yên ổn hưởng lạc
làm lành, nhưng nghiệp ác những kiếp về trước đã sắp đến thời kỳ thuần
thục!
10. Chuyển báo: Chuyển
báo là những biến trạng khổ vui, do sức tu thiện hay làm ác của đương
nhơn. Biến trạng này là sự dồn dập để chuyển đổi những quả báo sắp đến.
11. Thế gian báo: Ðây
là những quả báo khổ vui trong ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc. Nguyên nhân
chánh của sự lưu trệ trong tam giới, là vì khi gây nhân chúng sanh còn
chấp ngã. Chẳng những thế gian và ngoại đạo mà các vị tu theo chánh
giáo, nếu chưa dứt hết tâm chấp ngã, còn tham nhiễm lục trần, cũng vẫn
còn ở trong vòng luân hồi sáu nẻo. Tuy nhiên, những sở hành theo Phật
pháp đều gây nhân duyên đắc độ về sau, nhưng kiếp tương lai trong khi
tu, điểm chánh yếu của sự giải thoát vẫn là điều kiện dứt ngã chấp.
12. Xuất thế gian báo:
Thế gian báo là quả báo thuộc lục phàm. Trái lại, xuất thế gian báo là
quả báo của tứ thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Quả báo tứ
thánh do bởi khi tu lìa ngã chấp mà được thành tựu. Trong hạnh vô ngã
này, hàng nhị thừa hãy còn hẹp, song Bồ Tát thừa thì rất rộng rãi nhiệm
mầu.
Tóm lại, sự lý nhân quả thật vô lượng,
chuyển biến chập chồng, có thể gọi là khó bàn khó nghĩ. Nhưng về Nhân
không ngoài sự hơn kém của nghiệp thân, ngữ, ý qua ba hạnh Phước, Phi
phước và Bất động. Về Quả lại tổng quát trong mười hai điều trên. Nếu
nắm được mấy điểm chính yếu như đã kể mà suy rộng ra, về vấn đề này,
người học Phật có thể hiểu quán xuyến tất cả.
Từ Hậu