“Mẹ ơi sống để làm gì?”
Anh Quang sinh năm 1971, xuất thân trong một gia đình có truyền thống
kinh doanh. Từ bé, anh Quang được bố mẹ chăm sóc chu đáo và rất chú
trọng vào việc học của con. Anh là học sinh chuyên toán trong suốt thời
học sinh và học tại toàn những trường nổi tiếng ở Hà Nội như Thăng Long
(cấp I), Trưng Vương (cấp II), Hà Nội-Amxtecdam (cấp III) và tất nhiên
thầy cô dạy anh cũng đều là những giáo viên giỏi thời đó.
Việc đỗ đại học điểm cao đi nước ngoài đối với anh cũng là việc...
đương nhiên. Năm 1989, anh sang Hungary học Khoa Điện tử - Viễn thông
của Đại học Bách khoa Budapest.
Cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ đối với những cô bé, cậu bé được
chăm sóc “tận răng”, không dễ dàng. Sự thiếu thốn về tình cảm, cú shock
về văn hóa, về ngôn ngữ... đều là những trải nghiệm mới mẻ và gây stress
không nhỏ lên những thanh niên mới lớn. Đó là chưa kể đến sự choáng
ngợp trước một tự do... vô cùng tận, đến mức đờ đẫn vì không biết phải
làm gì với nó.
Các bạn thử tưởng tượng một cuộc sống đối lập hoàn toàn khi còn ở
Việt Nam mới hình dung được sự choáng ngợp đó. Khi ở nhà, trước một hành
động nào của anh Quang đều được bắt đầu bằng một câu mệnh lệnh hay nhẹ
hơn là nhắc nhở của bố mẹ: Con chuẩn bị đi học đi; Con ơi đến giờ ăn
trưa rồi; Không được đọc truyện nữa, phải tập trung học bài, sắp thi
rồi; Đến giờ đi ngủ rồi; ... Hơn nữa, cuộc sống của một học sinh chuyên
toán trong những năm đó thực sự là một hành trình đơn điệu, một sự sắp
đặt sẵn, một sự chuyển dịch từ buổi học này sang buổi học khác, từ kỳ
thi này sang kỳ thi khác, gần như không hề có nghỉ hè. Tự do duy nhất
của họ là được sử dụng tư duy của mình như một trò chơi. Và đồ chơi của
tư duy là mấy bài toán đố.
Một chú “robot” “ngố” được thả ra trong một thế giới tự do như
Hungary (không khác gì phương Tây, khác nhiều so với môi trường Liên Xô
cũ), hiển nhiên là một trải nghiệm không dễ dàng. Thực tế, có một số bạn
không biết phản ứng thế nào trước cuộc sống mới, đã vùi đầu vào game và
TV, một số khác lao vào các cuộc chơi thâu đêm với các sinh viên nước
ngoài, chuyện học hành bị bê trễ là chuyện đương nhiên. Khá nhiều học
sinh Việt Nam sang du học ở Đông Âu thời gian đó bỏ học nửa chừng.
Phản ứng trước stress của anh Quang, diễn ra một cách rất bản năng.
Anh “chui” vào nơi quen thuộc nhất và tìm chỗ nương tựa chính trong tư
duy của mình. Bây giờ, ngẫm lại thấy đây thực ra là giải pháp tích cực
so với nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh. Lần đầu tiên trong đời, câu hỏi:
Sống để làm gì? xuất hiện trong đầu anh. Anh truyền trăn trở của mình
sang một người bạn cùng phòng và nhân một dịp... thuận lợi, chiếc máy
điện thoại đút xu trong ký túc xá bị hỏng, sinh viên có thể gọi ra nước
ngoài thả phanh, bạn anh đã gọi điện về Việt Nam, hỏi mẹ: Mẹ ơi, sống để
làm gì? Bà mẹ là một giáo viên cấp III, ngớ người ra một lúc không thể
trả lời được, buột miệng: sống để làm việc chứ để làm gì?
Từ câu trả lời của mẹ bạn, anh Quang ngẫm ra một điều, thế hệ đi
trước, đã bỏ sót một điều thực sự quan trọng là chưa truyền lại cho thế
hệ sau: Cách sống.
Anh Quang cũng đi tìm câu trả lời ở nhiều người đáng tuổi cha chú
khác, những người đang làm luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học nhưng họ
đều không thể đưa ra cho anh câu trả lời thỏa đáng.
Để giải quyết những vấn đề của cuộc sống như tiền, học hành, tình yêu
và không thỏa mãn với những giải pháp tạm thời, từ trong vô thức anh
Quang bắt đầu hành trình tự khám phá. Vượt qua nhiều trắc trở gian nan
gần 20, tới nay anh Quang sẵn sàng chia sẻ những trải nhiệm của mình.
Học, mưu sinh, trăn trở về cuộc sống
Cuộc sống mấy năm ở xứ người của anh Quang diễn ra theo một hành
trình tuần tự. Những ngày trong tuần đi học, thứ Bẩy và Chủ Nhật đánh xe
đến các chợ tỉnh xa bán hàng quần áo của Việt Nam, Trung Quốc và Thổ
Nhĩ Kỳ nhập sang. Việc buôn bán thời đó của các du học sinh là một trào
lưu gần như không thể cưỡng lại được.
Dù vướng bận vào việc mưu sinh nhưng anh Quang vẫn duy trì được ở mức
học khá và kiếm được những khoản tiền không nhỏ để mua tới... 3 cái xe
ôtô. Anh lần đầu tiên cảm nhận được sự sung sướng, tự do và tự hào từ
chính những đồng tiền mà mình kiếm được.
Trong những thời gian rỗi, anh Quang vẫn không ngừng suy tư về cuộc
sống. Không tìm được lời giải đáp từ những thế hệ đi trước, anh Quang
bắt đầu nghiên cứu về phân tâm học và kinh dịch. Kiến thức thu nhận được
không những không giúp anh trả lời được câu hỏi của mình mà ngược lại
“giúp” anh phát hiện ra rằng: con người có quá nhiều vấn đề với những
định kiến, mặc cảm, với cái ngã... của chính bản thân mình.
Bằng sự quan sát, anh Quang nhận thấy những người xung quanh sống vì
ba thứ: tiền, danh vọng hoặc quyền lực. Anh cố thử nhập vai vào 3 loại
người đó và loại nào cũng thấy không ổn.
Mình có hỏi: Quang làm thế nào để có thể nhập vai thử nghiệm được? Và
nhận được câu trả lời: Có gì đâu, nếu là vai vì tiền thì cứ hùng hục đi
kiếm càng nhiều tiền càng tốt, nhưng chỉ được vài tuần là thấy không ổn
và dừng lại. Điều duy nhất sung sướng mà vai diễn này đem lại là có
tiền gửi về cho bố mẹ.
Trong khi đó, danh sách những thắc mắc ngày càng dài hơn, sau mục
đích cuộc sống là đến hạnh phúc là gì, thiện-ác là gì, chiến tranh-hòa
bình là gì, tại sao phải sống tốt? Tại sao thiện lại thắng ác...
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1995, anh Quang có một quyết định
trái với những suy nghĩ thông thường của cộng đồng người Việt ở Hungary
những năm đó - quyết định về nước.
Việc kiếm tiền ở Hungary những năm đó còn tương đối dễ dàng. Cách
thông thường nhất và dễ nhất để kiếm tiền là đi chợ. Tức là bạn mua hàng
và đi bán ở các chợ của Hungary. Rất nhiều người Việt Nam đã kiếm được
nhiều tiền bằng cách đó. Cuộc sống của phần lớn người Việt quanh quẩn
trong vòng quay bán và mua. Cả năm chỉ có khoảng thời gian được nghỉ
ngơi duy nhất là từ Noel cho đến hết Tết dương lịch. Đó là những ngày
chợ không họp. Tiền có, nhưng cuộc sống tinh thần rất nghèo nàn, con
người không được sống trong một xã hội thật sự, mà chỉ trong một góc méo
mó của cuộc sống. Sống tiếp tục ở đây, anh mãi mãi chỉ là một công dân
hạng 2.
Sẵn có những trăn trở về cuộc sống, muốn được sống đúng với những sở
trường của mình, cộng với sự ảnh hưởng của kinh dịch phân tích về sự
phát triển của nền kinh tế châu Á và sự đi xuống của châu Âu trong thời
gian tới, anh Quang đã về nước trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Cả một
năm trước khi về Việt Nam, anh chỉ làm hai việc là giải quyết... hàng
tồn và đi du lịch.
Tóm lại, quãng thời gian 7 năm ở bên Hungary của anh Quang là quãng
thời gian tìm hiểu cuộc sống bằng phương pháp khoa học. Đối với bất kỳ
vấn đề nào anh Quang cũng đem ra phân tích mổ xẻ, dùng các phương pháp
khác nhau để tiếp cận, tìm cách để đo lường... và kết quả là thắc mắc
vẫn còn đó mà đầu thì đau.
Về Việt Nam để tiếp tục cuộc hành trình tìm ý nghĩa cuộc sống
Khi về đến Việt Nam, anh đi làm cho một số công ty nước ngoài với mức
lương không hề tồi. Trong quá trình làm việc, anh không ngừng tìm hiểu
cuộc sống theo cách của mình. Anh cảm nhận thấy, có thể do nguyên nhân
chủ quan hoặc khách quan, đa phần người Việt Nam sống như... cỏ dại. Có
thể “cỏ dại” theo hướng bất chấp, phá bỏ mọi luật lệ để giải quyết những
vấn đề trước mắt, nhưng phá bỏ xong, bước tiếp theo phải làm gì, họ
không hề biết, hoặc không cần biết. Loại người thứ hai, không có chính
kiến, sống theo người khác, những con người không có bộ mặt riêng của
mình. Cả hai loại người này đều không phải là hình mẫu mà anh muốn hướng
tới.
Khát khao tìm hiểu cuộc sống đã thôi thúc anh phải dấn thân. Với suy
nghĩ, muốn tìm hiểu rõ bản chất của người Việt Nam, phải được sống trong
chính cái nôi đã nuôi dưỡng và nhào nặn nên con người Việt Nam, năm
2000, anh đã quyết định vào làm cho một cơ quan của nhà nước. Anh tham
gia vào dự án online banking của Ngân hàng Tiết kiệm Nhà nước trực thuộc
VNPT.
Trong suốt quá trình 5 năm làm việc tại đây, anh nhận thấy rõ sự khác
biệt trong tư duy của người Việt và của người châu Âu. Người phương Tây
sống lý trí, tuân thủ theo một hệ giá trị tự đặt ra cho mình, có mục
đích rõ ràng. Khi giải quyết vấn đề bao giờ họ cũng đặt ra bài toán tổng
thể. Vậy nên, khi vấn đề được giải quyết, mọi việc liên quan đều chạy
trơn tru, không có mâu thuẫn. Người Việt Nam, sống rất cảm tính, bao giờ
cũng giải quyết các sự việc trong một tình huống cụ thể nào đó. Và hệ
lụy là các trục trặc sẽ xảy ra thường xuyên. Chỉ vì vấn đề mới chỉ được
giải quyết trong tình huống cụ thể này, khi vượt ra khỏi biên giới đó
thì... chưa được tính đến.
Đặc biệt, đối người Việt Nam, hệ giá trị của họ rất “linh hoạt”, khi
sống ở môi trường này thì họ thế này, khi sang môi trường khác họ có thể
trở thành một con người hoàn toàn khác. Mình phì cười hỏi, thế có phải
thói đạo đức giả không? Anh Quang trả lời: không dám khẳng định, chỉ nêu
lên hiện tượng.
Công cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của anh Quang đi vào bế tắc. Anh
vỡ ra nhiều điều, nhưng hoàn toàn không thể trả lời được nỗi day rứt
của bản thân về việc thực chất mình sống để làm gì?
Bước ngoặt về nhận thức xảy ra sau khi anh Quang đọc cuốn khoa học
luận, môn khoa học nghiên cứu về chính bản thân khoa học. Anh ngộ ra một
điều, bản chất của khoa học là sự phản biện. Khoa học mang lại sự hiểu
biết chứ không phải bình an. Công cụ mà người phương Tây dùng để phản
biện là tư duy. Tư duy phản biện là quá trình liên tục đặt ra câu hỏi và
trả lời để tìm chân lý... gần đúng với tự nhiên. Trong khi cuộc sống
chính là tự nhiên. Vậy có gì ở đây không ổn giữa vấn đề anh đã đặt ra và
phương pháp anh đang sử dụng để tìm lời giải đáp. Hơn nữa, khi óc liên
tục phản biện, thì tâm hồn không thể bình an.
Vậy là, câu trả lời chưa có, lại xuất hiện thêm một câu hỏi khác,
phải dùng cách nào để tiếp cận được với câu trả lời về mục đích của cuộc
sống?
Tiếp cận thế giới bằng niềm tin
Khi đó, một sự kiện hoàn toàn tình cờ đã đưa chân anh Quang đến với
những buổi giảng đạo trong nhà Thờ. Anh phát hiện ra một thế giới hoàn
toàn mới, với những con người cũng hoàn toàn mới mẻ.
Những con chiên theo đạo thiên chúa có đức tin. Họ không cần tìm
hiểu, phân tích,... không hành động theo điều mà lý trí bảo là đúng, mà
hành động theo niềm tin. Những bài phát biểu của những con chiên, nhờ
ánh sáng của niềm tin, còn thuyết phục hơn cả những bài giảng của các
giáo sư. Lần đầu tiên anh Quang hiểu thế nào là một lời nói có năng
quyền.
Anh bắt đầu cảm nhận được một phương pháp tiếp cận mới với thế giới
bên ngoài. Con có thể tìm thấy sự bình an trong chính niềm tin của mình.
Tuy nhiên, đạo Thiên chúa có nhiều điểm mà anh thấy không hợp lý. Mặc
dù, nhờ nó anh hiểu sâu sắc về niềm tin cũng như các quyền năng của nó,
nhưng cách thức để có được niềm tin theo như chúa dạy là cứ... tin ở tôi
đi, có điều gì phi lý. Niềm tin phải xuất phát từ sâu thẳm bên trong
mỗi cá nhân con người chứ không phải đến từ bên ngoài.
Khi con người trở về với cội nguồn, mọi vấn đề được giải đáp
Cuối cùng cơ duyên đã cho anh Quang đến với thiền và đạo Phật. Trước
đây, anh có định kiến rằng, đạo Phật là một đạo yếm thế, diệt dục và
trốn tránh trách nhiệm trước cuộc sống. Nhưng khi thực sự nghiên cứu đạo
Phật anh đã phát hiện ra những điều ngược lại.
Anh Quang đến với thiền. Trong giai đoạn đầu của thiền, anh cảm thấy
mình khác đi từng ngày. Anh cảm thấy mình có thể nhận thức được thế giới
bằng một cách hoàn toàn mới mẻ và trực tiếp, không nhất thiết phải
thông qua tư duy.
Trong một lần ngồi thiền, anh Quang ngộ ra một điều đơn giản, mục
đích của cuộc sống - điều bấy lâu nay đi tìm - thực sự không tồn tại.
Tất cả những điều anh trăn trở bấy lâu nay là do bị rơi vào cái bẫy của
tư duy. Lần đầu tiên anh ý thức rõ, tư duy chỉ là một phần của con người
anh, chứ không phải là chính bản thân anh. Câu triết lý của Descartes
"Tôi tư duy là tôi tồn tại" là phiến diện. Không có nó, cuộc sống vẫn tự
vận hành theo theo một con đường đúng đắn nhất.
Nghiên cứu thêm đạo Phật, kết hợp với ngồi thiền, anh Quang còn ngộ
ra thêm nhiều điều nữa. Anh cảm nhận được hạnh phúc đích thực, hạnh phúc
đến từ bên trong không điều kiện. Thông thường, khi con người ta đạt
được điều gì có, có thêm được điều gì đó thì xuất hiện một cảm giác được
gọi là hạnh phúc. Đó là những hạnh phúc có điều kiện và ngắn ngủi. Sau
khi thiền, anh có thể cảm nhận được một thứ hạnh phúc khác, một thứ hạnh
phúc vô điều kiện đến từ bên trong, từ chính sự tồn tại và nó nhiều đến
nỗi có thể ví như lạc vào một siêu thị hạnh phúc. Không cần có thêm
điều gì, không cần đạt được điều gì, tập trung vào hiện tại, bạn sẽ cảm
nhận được hạnh phúc. Ví dụ là khi tỉnh ngủ, thấy một ngày mới bắt đầu,
thoáng nghe thấy tiếng chim hót, ánh mặt trời... là đã thấy hạnh phúc.
Và còn rất nhiều khái niệm khác nữa mà anh Quang đã ngộ ra.
Anh Quang cảm nhận được, con người còn có một phương pháp tiếp cận
cuộc sống khác rất bản năng, thông qua vô thức. Và nhờ có thiền con
người có thể đánh thức và sử dụng được vô thức của mình.
Theo anh Quang, để bước đi được vững chãi, con người phải đứng trên
hai chân. Dựa trên ý thức và vô thức. Ý thức đây chính là sự tư duy mà
con người hiện đại đã quá quen thuộc. Có điều, con người đừng để tư duy
dẫn dắt mình, mà phải biết làm chủ tư duy. Làm chủ ở đây có nghĩa là chỉ
tư duy khi cần tư duy, chứ không nên nghĩ ngợi miên man chẳng để làm gì
mà lại rất hại cho sức khỏe cũng như che lấp mất những ý nghĩ minh
triết đến từ vô thức. Để tiếp cận thế giới nhờ vào vô thức, hãy thiền.
Mọi câu hỏi đã được trả lời, mọi thắc mắc đã được giải đáp và dự án
online banking cũng kết thúc, anh Quang quyết định kết thúc công cuộc
tìm hiểu cuộc sống của mình để bước vào một giai đoạn mới – giai đoạn
dấn thân vào cuộc sống. Đó là năm 2005, đánh dấu mốc kết thúc hành
trình15 năm đi tìm ý nghĩa cuộc sống của anh Quang.
Dấn thân bằng nghiệp doanh nhân
Anh Quang cho biết, tuy bản chất cuộc sống là không có mục đích,
nhưng mỗi con người cần phải có một chỗ để tập trung năng lượng sống của
mình. “Chỗ đó” phải phù hợp với năng lực bẩm sinh cũng như khả năng
hiện tại của mình.
Anh đã chọn cho mình con đường đi là một doanh nhân với hai lý do: để
đạt được sự tự do về tài chính; thứ 2 anh cho rằng đây là môi trường
phải đối mặt với nhiều thử thách và cho con người nhiều cơ hội được trải
nghiệm.
Giai đoạn đầu, sau khi rời khỏi môi trường nhà nước, anh Quang tham
gia vào rất nhiều các hoạt động đầu tư. Anh đưa ra ý tưởng, đầu tư và
kêu gọi cùng đầu tư và sau đó để... người khác làm. Phần lớn các dự án
này đều lỗ hoặc đọng vốn. Duy chỉ có dự án đầu tư xây dựng resort An lạc
trên diện tích 26ha tại Hòa Bình là đang phát triển tốt.
Rút kinh nghiệm, đầu năm 2010, anh Quang không chỉ là người đầu tư mà
còn là người triển khai trực tiếp dự xây dựng mạng Tri thức thuế TANET.
Đây là mạng chuyên sâu về thuế được phát triển bởi đội ngũ chuyên gia
cao cấp về thuế và công nghệ thông tin. Anh Quang cho biết, TANET là
viết tắt của Tax Agent Network – Mạng Đại lý thuế và có sứ mệnh trở
thành công cụ không thể thiếu đối với những người tư vấn thuế.
Hiện tại, TANET đang phục vụ cho hơn 40 doanh nghiệp và hàng nghìn cá
nhân, đem lại một nguồn thu không nhỏ, đủ để anh và gia đình sống một
cuộc sống thoải mái về tài chính.
Mục tiêu trong tương lai, khách hàng của TANET sẽ là 400.000 doanh
nghiệp và 10 triệu người Việt Nam. Theo anh Quang, đây là mục tiêu khả
thi vì anh là người đi đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực này, và nếu nhìn
sang các nước phát triển để học tập thì có thể thấy những mạng chuyên
sâu về thuế là rất cần thiết.
Nhưng doanh nhân chưa phải là đích đến cuối cùng của anh Quang. Với
mong muốn sửa chữa khuyết điểm của thế hệ cha ông mình, trang bị cho mỗi
thanh niên trong hành trang vào đời có được sự nhìn nhận sáng rõ về
tương lai, anh sẽ mở một Trường Thiền và Kinh doanh tại khu resort An
Lạc, với mục đích cung cấp cho thế hệ trẻ một thế giới quan đúng, một
phương pháp hữu hiệu, để họ tạo dựng nên tương lai của mình theo cách
của họ.
Và đó cũng là cách để những trăn trở của anh trong 20 năm qua không trôi đi một cách vô ích.
Kết luận
Con đường trở thành doanh nhân của anh Quang là con đường dài gần 20
năm với nhiều gập ghềnh; anh Quang đã cố gắng giải quyết những vấn đề
cuộc sống qua nhiều phương pháp khoa học, niềm tin, thiền,… Tới nay, anh
Quang hoàn toàn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình.
Anh Quang muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt những bạn trẻ đang bắt
đầu hành trình tìm kiếm hạnh phúc và thành công. Anh Quang tin rằng
những trải nghiệm, những bài học phải trả bằng thời gian, công sức và
tiền bạc sẽ giúp các bạn trẻ rất nhiều trong cuộc sống.
Anh Quang cho rằng: Trở thành doanh nhân là mục tiêu đáng quý và nên theo đuổi!
Theo: hoclamgiau.vn