Tìm hiểu tư tưởng giáo dục của từ "Khất sĩ"
Bhikkhu Giác Nhường
15/06/2010 01:27 (GMT+7)


Khái niệm và mục đích giáo dục Phật giáo

Khi nói đến vấn đề giáo dục Phật giáo, tức là đang đề cập đến quá trình giáo dục của Phật giáo. Có thể nói quá trình đó đòi hỏi phải xác định rõ ràng về mục đích giáo dục, phương pháp giáo dục và nội dung giáo dục v.v... đối tượng tham gia thực hiện quá trình giáo dục ấy chính là Thầy và Trò. Từ góc độ giáo dục học Phật giáo, người viết xin trình bày vài quan điểm về tư tưởng giáo dục của từ "Khất sĩ".

Có thể nói rằng, đối tượng giáo dục Phật giáo là chúng sanh trong đó con người là đối tượng trung tâm. Chính vì thế giáo dục Phật giáo cần nghiên cứu đến vấn đề đời sống con người và các vấn đề liên quan đến đời sống của con người. Hoặc nói khác, đó chính là nghiên cứu thuộc tính duyên sinh của bản chất con người.

Giáo dục của Phật giáo là quá trình chuyển hóa khổ đau tìm đến tiến trình của hạnh phúc và an lạc trong cuộc sống. Đó chính là quá trình chuyển hóa của Vô minh thành Trí tuệ trong cuộc sống của con người. Nói tóm lại, mục đích giáo dục của Phật giáo là giải thoát viên mãn. Để đạt được mục đích giáo dục này thì cần thực hiện mục tiêu là làm sao để biết được sự Khổ và chuyển hóa hiện tượng Khổ ấy; phương pháp đưa đến hạnh phúc và thực hiện phương pháp ấy để đạt được hạnh phúc.

Ý nghĩa và tư tưởng giáo dục của từ "Khất Sĩ"

Khất sĩ là một trong ba nghĩa của Tỳ Khưu, trong kinh Pháp Hoa nghĩa sớ, quyển một có ghi rằng “Tỳ khưu gọi là Khất sĩ, trên thì xin giáo pháp của Như lai để nuôi dưỡng tinh thần, dưới thì khất thực của bá tánh để nuôi tự thân”. Tổ sư Minh Đăng Quang dạy “... ‘Khất’ có nghĩa là xin, lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí” (1).

Khất sĩ là vai trò qua trọng trong giáo dục, luôn hướng về chư Phật, Bồ tát, thánh hiền và chư thiện tri thức để cầu học hỏi những điều chánh đạo. Hướng về tất cả chúng sanh xin được chia sẽ những điều tốt lành, những kinh nghiệm hóa giải phiền não, thực hiện con đường đạo đức và hạnh phúc trong cuộc sống.

Khất sĩ đối với việc truyền trì Phật pháp là vô cùng quan trọng vì trong đó thể hiện vai trò và trách nhiệm của cả người Thầy và Trò trong phương diện giáo dục. "Nội tu ngoại truyền" là hai phương diện vô cùng trong quan trọng trong công tác giáo dục của Phật giáo, hai phương diện này liên quan mật thiết với nhau. Đây chính là ý nghĩa Giáo dục Phật giáo trong từ Khất sĩ.

Vai trò Thầy và Trò trong từ "Khất sĩ"

“Khất sĩ ” từ phương diện người Trò

"Khất sĩ là học trò nghèo đi xin ăn để tập cho đời theo gương bố thí giúp đỡ lẫn nhau, kẻ vật chất người tinh thần để được sống" (2). Học trò Khất sĩ luôn học tập cho mình phẩm chất đạo đức, hoàn mỹ nhân cách và cuộc sống tự tại, cuối cùng là giải thoát viên mãn. Thầy giáo, phương pháp giáo dục và cơ cấu giáo dục đều nhằm mục tiêu triển khai và phát huy các tính chất giáo dục và tác dụng của giáo dục.

Nhưng trong quá trình tu học đó trò Khất sĩ luôn luôn đống vai trò chủ thể, chủ động. Tất cả các hoạt động của dạy và học đều đề cao tính chủ động, tích cực của người học trò. Hay nói cách khác trò Khất sĩ luôn luôn phải thể hiện tính chủ động tự giác, vì đó chính là tính quan trọng trong giáo dục.

"Khất sĩ là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy , nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành,...Tạm xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chúc lãng xao, không màng khổ nhọc"(3)

Đã là người thì ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có ưu điểm, vì thế học trò Khất sĩ cần phải giúp đỡ lẫn nhau, học tập lẫn nhau, vận dụng "Kiến hòa đồng giải" vào cuộc sống. Đây là hình thức giáo dục "hòa hợp" của Phật giáo. Nhờ vậy mà có được loại hình “Phản quan tự kỷ” để tự bổ túc và sửa đổi cho mình những điểm khuyết.

Tự học bổ khuyết là phương pháp tự hoàn mỹ nhân cách và phẩm đức của người học trò Khất sĩ. Vì thế mà Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rằng "Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy" (4)

“Khất sĩ ” từ phương diện người Thầy

"Khất sĩ cũng như ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dù dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhất là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời" (5). "Khất sĩ chư Tăng phải đi, đi khất thực khắp nơi để cứu độ, khuyên tiếp dẫn những người cho họ đi theo, ấy là dẫn..."(6).

Thầy Khất sĩ thực hiện công tác giáo dục, thuyết pháp giảng kinh, hóa duyên độ chúng tất cả vì mục đích là truyền và trì con đường hạnh phúc, con đường giải thoát khổ đau. Thực thi giáo dục Phật giáo là người trong công tác giáo dục kể cả người dạy và người học đều tự xem và bổ khuyết chính mình.

Việc tự kiểm thảo và tu tập chính bản thân mình là tính chất vô cùng quan trọng, bất luận là Thầy hay Trò đều cần có năng lực kiểm thảo của tự thân. Vì chính những cử chỉ hành vi của bản thân là bài học vô giá cho mọi người. Thầy Khất sĩ luôn lấy "Lợi tha làm tự lợi" vì thế quá trình giáo dục cần phải thực hiện một cách Khế lý, Khế cơ và Khế thời. Chỉ có như vậy mới thực hiện một cách tích cực trong công tác giáo giáo dục.

Tóm lại

Từ góc độ giáo dục học thì từ "Khất sĩ" bao hàm nhiều ý nghĩa trong quá trình giáo dục. Vai trò của người Thầy và Trò thể hiện rất rõ và vô cùng quan trọng trong tiến trình tu học và giáo hóa. Vì mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong xã hội đều là "Khất sĩ", tức là ai ai cũng cần có sự nương tựa nhau, trao đổi nhau, hổ trợ và tương tác lẫn nhau để tồn tại và pháp triển, tất cả sự vật hiện tượng đều là thuộc tính của Duyên sinh. Với quan điểm này, thì từ "Khất sĩ" bao hàm ý nghĩa của quá trình giáo dục, hoằng pháp lợi sanh và xây dựng tiến trình giải thoát.

Chú thích:

(1) (3) (4) (5) Chơn lý, Tập I, trang 278, 274, 273, 294.

(2) Minh Đăng Quang pháp giáo, trang 35.

(6) Bồ Tát giáo, trang 72.

Tài liệu kham khảo

- Ban biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, NXB Tôn giáo, năm 2006.

- Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Tập I, NXB Tôn giáo, năm 2004.

- Tổ sư Minh Đăng Quang, Bồ Tát giáo, bản năm 1962.

- Soạn giả Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo, bản năm 1960.

- Cưu Ma La Thập dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, quyển 9, (Đại Tạng Kinh bản chữ Hán).

- Nam Hoài Cẩn, Nam Hoài Cẩn Tuyển Tập, NXB Đại học Phục Đán, năm1996 (bản chữ Hán)

Theo: Vô Ưu, số 37

Các tin đã đăng: