Người thiện thì không khổ
Nguyễn Thế Đăng
20/06/2010 00:07 (GMT+7)

1. Một thí dụ

Giả dụ tôi đang đi trên đường, thấy người kia rớt cái bóp, tôi lượm lên.


- Nếu ý định, động cơ của tôi là trả lại cái bóp, tôi cúi xuống nhặt cái bóp mà không lo sợ gì cả, lại còn thấy vui vui. Nhưng thình lình người ấy quay lại, cho là tôi định lấy cái bóp hay tôi đã móc túi, người ấy la mắng tôi, tát tai tôi. Tôi có đau, có gặp phiền phức, nhưng không khổ. Cuối cùng thì cái bóp ấy cũng được trả về chủ nhân của nó.


Ý định, động cơ là thiện. Dù có khó khăn, trắc trở trong khi thực hành ý định, động cơ ấy, nhưng ý định vẫn thành, có kết quả tốt. Tôi có bị hiểu lầm, bị đau nhưng tôi vui vì việc thiện đã hoàn thành.


- Nếu ý định, động cơ của tôi là muốn lấy luôn cái bóp, tôi vừa làm vừa lo sợ, khổ sở bắt đầu ngay với hành động này. Người đó quay lại và la mắng, tát tai tôi. Cái bóp vẫn được trả về với người sở hữu nó, nhưng việc bị la mắng, bị tát tai gây cho tôi khổ vì tôi không có một cái gì để nương dựa, chống đỡ cho sự nhục nhã, đau đớn của mình. Ý định, động cơ là bất thiện, kết quả là khổ đau từ tâm đến thân.


Trường hợp trên là một cái tôi làm thiện, làm đúng thì dẫu có bị va chạm nặng nề cũng không sao. Trường hợp này là một cái tôi làm điều bất thiện, điều không đúng thì cũng cùng một sự va chạm ấy làm nó tổn thương và khổ đau nặng nề. Một cái tôi làm thiện làm đúng thì mạnh mẽ hơn, khó vỡ hơn một cái tôi làm điều bất thiện điều không đúng.


- Nếu tôi có ý định, có động cơ là muốn lấy luôn cái bóp, khi làm tôi lo sợ, nhưng rồi tôi thành công, người ấy không biết gì cả. Tôi lấy số tiền trong bóp, khoảng nửa tháng lương, mua cho gia đình một bữa ăn ngon, cho con một món đồ chơi. Khi ăn ngon, khi thấy con vui vẻ với món đồ chơi, tôi chợt thấy khó chịu. Biết đâu số tiền ấy người kia dùng cho việc chữa bệnh cho người thân đang nằm bệnh viện? Ít nhất, con của người ấy mất một món đồ chơi. Đồ chơi con tôi đang chơi phải là của con người kia. Tôi đã kéo cả gia đình mình vào một điều bất thiện, không đúng. Từ một động cơ ý định bất thiện đã dẫn đến một kết quả không đúng, không hợp lý. Sự ‘không phải’ này làm tôi khó chịu, phiền não.


- Nếu ý định, động cơ của tôi là trả lại cái bóp, công việc suôn sẻ, người ấy vui mừng cám ơn và tôi cũng hạnh phúc. Đây là một ý định thiện, kết quả là cái thiện ấy được thành tựu và kèm với nó là cái đúng, cái hợp lý, cái phải là như vậy, nhờ thế mà cái thiện ấy càng rộng lớn thêm. Tôi vui vẻ vì được hưởng thụ thành quả của cái thiện, cái đúng và cả cái đẹp nữa (hành động đẹp).

Chúng ta có thể nhớ lại, suy nghĩ lại về tất cả những hành động trong đời mình để nhận thấy sự thật này: một hành động bắt đầu bằng động cơ, ý định thiện, thực hiện một cách thiện và kết quả là cái thiện được thành tựu thì đó là hạnh phúc cho mình và cho người. Hơn thế nữa, cái thiện, cái tốt còn đi liền với cái đúng và cái đẹp. Kết quả là hạnh phúc càng lớn rộng hơn, sâu sắc hơn vì chúng ta đã hưởng thụ được một hành động Chân Thiện Mỹ.


Ngược lại, một hành động xấu ác, từ ý định cho đến lúc thực hiện được sẽ đưa đến kết quả là khó chịu, phiền não khổ đau. Chúng ta khổ đau vì chúng ta đã xâm phạm, hủy hoại chính thiện căn trong tâm chúng ta, chính một phần làm nên tâm hồn chúng ta. Sự khổ đau ấy càng lớn, càng sâu sắc, kéo dài vì khi xâm phạm cái tốt, cái thiện nơi chúng ta, chúng ta cũng đã đồng thời xâm phạm cái đúng và cái đẹp nơi chúng ta. Cảm thấy mất mát một cái gì nơi mình đó là một phần của sự hối hận, của khổ đau. Phá hoại cái thiện, cái đúng và cái đẹp trong chúng ta phải là sự khổ đau, vì ba cái đó là những tiềm năng cho tâm chúng ta để có được một đời sống hạnh phúc.


Ở trên chúng ta chỉ mới nói đến quá trình tâm lý của chính mình mà không nói đến những luật lệ của xã hội như luật pháp và nhất là định luật phổ quát nhân quả. Nhưng chúng ta có thể tư duy thêm một chút về luật nhân quả. Luật nhân quả không thể thấy ở cấp độ giác quan. Ở cấp độ giác quan chúng ta chỉ thấy nhân quả của vật lý. Nhưng chỉ một ít suy nghĩ, chúng ta có thể thấy rằng nếu không có luật nhân quả thì không xã hội nào có thể tồn tại, không có một học thuyết nào về con người có thể đứng vững. Chẳng hạn, pháp luật là cái giữ gìn trật tự xã hội. Nhưng pháp luật phải y cứ vào luật nhân quả, làm tốt thiện thì được tưởng thưởng, làm xấu ác thì phải bị trừng phạt.

Tôi gieo nhân gì thì xã hội bắt tôi phải chịu quả ấy. Chẳng lẽ nguyên nhân là việc xấu ác phạm tội mà kết quả là được thưởng sao? Pháp luật là sự thực thi luật nhân quả ở cấp độ con người xã hội. Sự xét xử cũng y cứ vào luật nhân quả. Tìm kiếm nguyên nhân phạm tội, động cơ hay ý định là vô tình hay cố ý.

Kết quả đã thực hiện nghiêm trọng, tai hại đến mức nào. Sự xử tội là việc xem xét một quá trình nhân quả ở tâm và thân người phạm tội, mặc dù sự tái lập quá trình đó chỉ giới hạn trong một thời gian và không gian hữu hạn, với sự hữu hạn của các giác quan có thể thấy nghe và ý thức có thể tưởng tượng ra. Tóm lại, mọi thái độ hợp lý của con người trong xã hội đều y cứ vào luật nhân quả. Cảm thức về sự vận hành của luật nhân quả có vẻ như đã được cài đặt vào số phận con người, để nó có thể xây dựng chính mình và xây dựng xã hội.

2. Tại sao chúng ta khổ


Có người sinh ra ở thôn quê và họ cũng chẳng cực khổ gì, nhưng họ có mặc cảm với hai chữ ‘thôn quê’. Khi ngồi với nhau, có ai đó nhắc đến ‘thôn quê’, dù có ca ngợi nó, họ đều cảm thấy khó chịu. Họ khổ vì mặc cảm của họ, mặc dù có rất nhiều người lại rất hãnh diện vì tuổi nhỏ đã ở thôn quê. Ở Việt Nam hầu hết các người nổi tiếng trong thế kỷ 20 đều hãnh diện vì quê hương nông thôn của mình.


Trong báo chí, chúng ta thấy có em học sinh, vì tự ái, tức giận, rồi cầm dao đâm bạn. Khi ở cơ quan thẩm vấn, em đã không ngờ mình có thể là kẻ giết người. Thậm chí em và những người chung quanh, chỉ một giờ trước đó, không ai có thể ngờ và nghĩ đến một chuyện như vậy. Tự ái, tức giận đã làm cho một học trò phải khổ cả đời.


Chúng ta không thể kể hết những thứ gì là nguyên nhân khổ đau dẫn đến kết quả khổ đau. Mặc cảm, tự ái, tức giận, đố kỵ, ghen tuông, kiêu căng, tham lam, mê mờ… Tất cả những cái ấy chúng ta có thể gồm vào hai chữ phiền não. Phiền não là những cái làm tâm chúng ta loạn động, không kiểm soát được, làm khổ sở, đau đớn, làm méo mó, bóp thắt và dẫn đến những hành động sai lầm làm cái khổ càng lớn hơn.

Những phiền não ấy thường núp kín trong tâm, nhưng khi có duyên, có hoàn cảnh, chúng bùng lên chiếm đoạt cuộc đời chúng ta, và chúng ta có khổ đau, từ tâm đến thân. Phiền não là những cái tiêu cực đối với tâm, phiền não chính là cái bất thiện. Và ngược lại, tâm không có những phiền não tiêu cực, độc hại, tâm không có bệnh, đó là thiện, đó là hạnh phúc.


Chúng ta khổ đau vì có quá nhiều phiền não, và phiền não là bất thiện, là độc hại. Chúng ta sẽ bớt khổ đau khi chúng ta có ít phiền não, có ít những cái bất thiện làm độc hại tâm. Trạng thái không có khổ đau, dù hoàn cảnh có như thế nào, là trạng thái của tâm hoàn toàn lành mạnh, trạng thái không có cái bất thiện và trạng thái không có cái bất thiện này được gọi là cái thiện rốt ráo.


Khi đạo Phật được nói là đạo diệt khổ, có nghĩa là đạo Phật là con đường diệt những phiền não, diệt những bất thiện. Đó là con đường tích cực để đi đến chỗ hết mọi khổ đau, cho mình và cho người. Và khi không có khổ đau, đó là cái thiện rốt ráo, cái hạnh phúc tự tại không do duyên, không do hoàn cảnh để hiện hữu.


Khổ đau không đến từ hoàn cảnh, mà đến từ tâm, đến từ những phiền não, những bất thiện, những vết thương của tâm:

Nếu tay không vết thương
Có thể cầm thuốc độc
Không vết thương, không bị nguy hại
Xấu ác không thể hại người không có lầm lỗi
(Kinh Pháp Cú, phẩm Ác, 9)

Thấy rõ như vậy, chúng ta đi đến một kết luận cụ thể: bất cứ khi nào cảm thấy khổ, chúng ta biết ngay là trong tâm ta đang có cái bất thiện, cái xấu ác đang trỗi dậy do sự kích thích của hoàn cảnh bên ngoài. Sự tự chữa lành vết thương này là công việc đối với chính tâm ta, nếu chúng ta thật sự muốn có hạnh phúc.


Ngay cả những nhân vật điển hình trong tiểu thuyết thế giới thế kỷ 20, phần nhiều những nhân vật đó đều khổ đau, không lối thoát. Khi thấy họ khổ, chúng ta cũng phải đi đến kết luận rằng: họ đang có cái xấu ác, cái bất thiện trong tâm. Cái xấu ác, cái bất thiện này là tà kiến, ác kiến. Cái tà kiến, ác kiến này chính là hư vô chủ nghĩa. Chủ nghĩa hư vô đoạn kiến và ngày nay còn được cháy bùng thêm bởi sự dư dả vật chất là bi kịch tâm hồn của con người hiện đại, không chỉ trong tiểu thuyết, mà ở đời thường, trên khắp thế giới. Chúng ta cần nhớ lại điều thiện thứ mười trong Thập Thiện là phải xa lìa tà kiến, ác kiến.
Trong quan kiến về đời sống, khuynh tả (đoạn kiến) hay khuynh hữu (thường kiến) là sự khởi đầu cho việc đánh mất nền tảng của hạnh phúc.

3. Không khổ đau là hạnh phúc


Nếu phiền não, bất thiện là khổ đau thì ngược lại, không phiền não, thiện là hạnh phúc. Một ý tưởng thiện (một động cơ, ý định thiện) được phát ra thành hành động qua lời nói thiện (khẩu) và qua việc làm thiện (thân), thì dù thành công hay không thành công về mặt xã hội (điều này còn tùy thuộc vào cộng nghiệp xã hội), ít nhất nó cũng là một quá trình nhân quả của hạnh phúc cho người có ý, khẩu, thân như vậy. Một ý khẩu thân tương tục trong cái thiện đương nhiên là một thân tâm tương tục hạnh phúc.


Chữ thiện và những chữ đồng nghĩa với nó được nói đến nhiều trong kinh Pháp Cú. Bất cứ câu nào trong kinh Pháp Cú đều nói về cái thiện này và phương cách để thực hiện cái thiện này, cái thiện của không phiền não, cái thiện của hạnh phúc:

Tâm khó thấy, vi tế
Theo các dục quay cuồng
Người thiện trí hộ tâm
Hộ tâm, hạnh phúc đến.
(phẩm Tâm, 4)

Nay vui, mai sau vui
Hai trạng thái đều vui
Hành thiện, rất hoan hỷ
Hành động đều thanh tịnh.
(Song Yếu, 16)

Đây hạnh phúc, sau hạnh phúc
Hai trạng thái đều hạnh phúc
Hành thiện có hạnh phúc
Về sau hạnh phúc hơn.
(Song Yếu, 18)

Đạo Phật là con đường của hạnh phúc. Hạnh phúc bằng cách chuyển hóa tâm thức phiền não thành trí huệ không phiền não, chuyển hóa tâm bất thiện thành tâm thiện, chuyển hóa khổ đau thành an lạc.


Người ta không thể chuyển hóa xã hội mà không chuyển hóa con người. Nếu số vốn, tư bản của chúng ta chỉ là phiền não, bất thiện và khổ đau, sự đầu tư của chúng ta cho một xã hội hạnh phúc là điều không thể, dù ở mặt bên ngoài xã hội đó có đầy dẫy của cải. Nếu trong chúng ta có nhiều vết thương phiền não, bất thiện và khổ đau, sự cầm nắm của cải lại càng thêm nguy hại vì sự cầm nắm ấy sẽ làm tăng thêm vết thương, thêm nhiễm độc. Cái không có gì là độc hại sẽ là độc hại đối với một bàn tay có nhiều vết thương.

Thật ra không có cái gì là độc hại cả, chỉ có vết thương nơi bên trong mình sẵn sàng cho nhiễm trùng nhiễm độc mới là vấn đề. Một trái cây tốt lành nhất được người khác trao tặng mình cũng sẽ trở thành đau đớn, gây nhiễm trùng khi cầm lấy, nếu bàn tay mình có vết thương. Để mọi cái không trở thành độc hại mà trở thành hạnh phúc vật chất và tinh thần, điều kiện tiên quyết là bàn tay chúng ta không có vết thương, nghĩa là tâm chúng ta không có phiền não, bất thiện và khổ đau.

VHPG số 89 năm 2009

Các tin đã đăng: