Phật ở trong chùa chắc cũng thương dân nghèo khổ nhưng làm thế thì còn gì là mỹ quan giữa nơi thủ đô ngàn năm văn hiến nữa!
Non nửa buổi sáng tôi ngồi ở đối diện cổng
chùa Vĩnh Trù - một ngôi chùa cổ nằm trầm mặc trên phố Hàng Lược thì
mới thấy đủ chùa ấy đáng thương thế nào. Nói là trầm mặc là trước kia
thôi, chứ như giờ, trước cửa chùa ấy đã bị người ta kê bàn ghế ra, đặt
mấy chồng bát đĩa, tương ớt lên và biến thành quán bún sáng dã chiến.
Khách đến vội vã, cũng chẳng kịp ngẩng đầu mà biết nơi đình đền miếu
mạo là gì, cả quần ngủ, quần ngố, quần đùi cụt lủn cứ ngồi tuốt vào chỗ
ấy. Thế là cứ xì sụp mà ăn, mà húp. Giấy ăn cùng rác rưởi cứ thế phi
ra, nước nôi thì chan vãi lướt thướt. Cửa chùa sực mùi… dấm ớt. Nơi thâm
nghiêm biến thành cái chợ!
Buổi trưa thì đến lượt quán thịt chó. Cũng
tranh thủ khoảnh vỉa hè ngay trước cửa chùa, người ta kê bàn thành
hàng. Thịt chó phải có mắm tôm và rượu đế, cái thứ mà nhà Phật kiêng kỵ
ấy mà lại đem đến trước cửa chùa mà chồm hỗm ăn thì thật phải tội. Thế
mà người ta vẫn cứ ăn, đã bao năm rồi vẫn thế.
Buổi tối lại lượt ca khác, cổng chùa Vĩnh Trù bị biến thành quán lẩu gà đến tận đêm khuya.
Trước cửa chùa có tấm biển bằng đồng, chữ
in rõ to tướng: “Di tích lịch sử quốc gia, cấm xâm chiếm”. Bao năm nay,
tấm biển ấy như trêu ngươi Phật tử đến viếng chùa. Ông Vằng, một ông
lão ở cách cổng chùa mấy nhà thở dài não nuột: “Chẳng nhẽ lại bảo nhà
chùa nhổ quách tấm biển ấy đi. Biển chình ình ra đấy mà người ta vẫn
thản nhiên ăn uống thì phỏng ích gì. Trông ngứa mắt lắm!”.
Ông Vằng ngứa mắt và bao nhiêu người yêu
mến cảnh chùa cũng đều ngứa mắt. Cả phường cả quận chắc cũng ngứa mắt.
Ai mà chẳng nhìn rõ cảnh nhếch nhác, thiếu mĩ quan ấy. Nhưng sao bao
năm rồi vẫn thế?
Quán thịt chó gia truyền ngay cạnh cổng chùa Vĩnh Trù
Thầy Thích Nguyên Tâm, trụ trì chùa Vĩnh
Trù đã hơn 20 năm, từ thưở phố cổ Hà Nội yên ắng với những người thong
dong đi xe đạp. Thầy Tâm buồn buồn: “Dân nghèo sinh nhai kiếm miếng ăn
vốn chẳng phải là chuyện xấu xa. Cửa chùa thì cũng rộng lòng từ bi.
Nhưng Phật tử đến hương khói trông thấy quán hàng nhếch nhác chỗ cổng
vào thì tôi đây buồn lắm. Các bác trên phường cũng xuống nhắc nhở suốt,
mất bận thu cả bàn ghế lên ủy ban, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đuổi
đằng trước lại bày bán đằng sau, nào ai nói được”.
Cũng cảnh ngộ ấy, cửa chùa Huyền Thiên ở 54
Hàng Khoai bị biến thành bãi gửi xe lưu động. Khu vực này cách chợ
Đồng Xuân vài bước chân, ngày nào xe máy gửi cũng nườm nượp. Trước cửa
tam quan, người ta bày bát đĩa tàu ra ê hề bày bán. Chùa thì vốn đã cũ
nát, nay lại bị biến thành bãi xe, nói thì phải tội chứ mới nhác nhìn
qua cứ tưởng miếu hoang, phế tích. Mà đã lâu rồi, nhà chùa cũng không
đi cửa ấy nữa. Sự ra vào giờ dồn sang cửa ngách nằm sâu trong ngõ. Mà
con ngõ ấy nào có sạch sẽ gì cho cam. Dọc ngõ là san sát hàng bún chả,
quạt khói um tùm suốt ngày đêm. Chùa Huyền Thiên bị bủa vây dù nơi này
vẫn được mệnh danh là điểm văn hóa có cảnh quan độc đáo trong quần thể
các di tích nổi tiếng của khu phố cổ và thủ đô Hà Nội.
Cửa chùa Huyền Thiên bị biến thành bãi xe
Ẩn khuất đâu đó trong lòng phố cổ Hà Nội,
hàng chục ngôi chùa cổ đang có nguy cơ bị nuốt mất bởi hàng quán kinh
doanh lấn chiếm. Đình Thanh Hà ở số 10 Ngõ Gạch, đền Vọng Tiên ở 120 Hà
Bông, chùa Thái Cam ở 44 Hàng Vải… cũng đều nằm trong tình trạng ấy.
Dù TP Hà Nội đã gắng sức di dời những hộ dân sống tạm trong chùa đi nơi
khác sinh sống nhưng tình trạng lấn chiếm cửa chùa để kinh doanh tạo
nên cảnh nhếch nhác, nhiều lúc đến phản cảm thì vẫn còn đó.
Thầy Thích Nguyên Tâm thì vẫn bảo rằng:
“Gắng mà đuổi dân đi thì cũng không đặng, họ cũng vì miếng cơm, có
người phải nuôi cả gia đình trong chỗ hàng quán ấy. Để thế thì cũng
không đặng vì nhiều mắt nhìn vào không nổi. Bao năm rồi, thầy cũng
chẳng biết làm sao”.
Mấy chủ quán ở đó thấy tôi chụp ảnh thì cứ
nem nép, biết là sai rồi cũng chẳng cãi được nữa. Bất giác ngửa mặt
nhìn lên cổng chùa, cứ thấy tồi tội, nhưng cũng chỉ biết thở dài…
Theo Vũ Minh Tiến - Petrotimes.vn