Nhiều
người tìm đến cõi Phật để trốn tránh cuộc đời muộn phiền, đau khổ. Còn
Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tú thì tìm gì trong thế giới đó, để một chút an
lòng cho hiện tại, để hóa giải cho số kiếp đa đoan của mình, để tìm
thấy lẽ sống an nhiên.
“Cuộc sống tổng không đổi, những điều mình được hay mất, có mà không
có. Nên mình không thể cứ ào ào lên, mà hưởng hết danh vọng, phú quý ở
đời, phải biết dừng lại, để phúc phận cho con cháu”.
1. Bà ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật. Trong ánh
nến mờ ảo, trong bộ quần áo nâu sồng, tôi vẫn nhận ra bà, một nhan sắc
rực rỡ của làng điện ảnh Việt xưa. Bà ngồi đó, những ngón tay lần tràng
hạt, chậm rãi, an nhiên... Ngày nào cũng vậy, Thanh Tú cũng tụng kinh
sám hối, để nghiệp của mình không quá nặng và để cho đời các con được
nhẹ nhõm. Bà vẫn tự nói với mình rằng, có lẽ kiếp trước bà đã phạm một
lỗi nào đó. Và kiếp này, bà phải trả nghiệp. Thế nên, bà Thanh Tú không
ân hận về những quyết định đã qua. Danh vọng ư? Nhan sắc ư? Vinh hoa ư?
Tình yêu ư? Bà đã từng có tất cả đấy thôi. Từng hạnh phúc và đau đớn.
Nhưng cuộc đời, cũng chỉ là phù du mà thôi. Có đấy, rồi lại không đấy.
Tôi nhớ có lần khi tôi xem một đoạn ngắn trong phim Ngọc Viễn Đông
của đạo diễn Cường Ngô, mà tiếc nuối một người nghệ sĩ ở tuổi xế chiều.
Khi những vinh quang qua đi, họ phải đối diện với tuổi già và những
đấu tranh vật vã trong tâm hồn họ. “Tình yêu của ta là nghệ thuật; kẻ
thù của ta là thời gian”. Bởi với người nghệ sĩ, họ khó chấp nhận được
quy luật nghiệt ngã của thời gian... Nhưng với Thanh Tú, bà đón nhận
tuổi già và sự cô đơn như một lẽ thường trong cuộc đời. Đến rồi đi.
Không phải đến bây giờ, khi bà đã chạm tuổi lục tuần mà ngay từ khi 32
tuổi, thời của đỉnh cao nhan sắc và rực rỡ thành công, Thanh Tú đã
quyết định dừng lại.
Thời đó, bà xuất hiện như một ngọn lửa bùng cháy trên sân khấu và
điện ảnh nước nhà. Đó là những năm 70 của thế kỷ trước, thời của những
vở kịch kinh điển, Âm mưu và Tình yêu mà Thanh Tú vào
vai quận chúa Minfo, người xem phải đặt vé trước 4 tháng ở Nhà hát Lớn.
Đến bây giờ, sau hơn 40 năm xa rời ánh đèn sân khấu, Thanh Tú vẫn nhớ
như in từng lời thoại. Bà diễn như lên đồng. Và tôi đã gặp cái say, cái
điên như lên đồng của bà trên sân khấu của 40 năm về trước khi bà diễn
cho tôi xem đoạn độc thoại dài hơn 4 trang giấy của quận chúa Minfo.
Mắt bà rưng rưng...
Đó là thời của nàng Tanhia trong vở kịch cùng tên lừng lẫy với suất diễn kỷ lục, 1.200 đêm. Thời của một cô Nhu trong bộ phim Sao Tháng Tám
đã đưa Thanh Tú lên đỉnh cao khi bà giành giải thưởng nữ diễn viên
chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977...
Thế nhưng, chính trên đỉnh cao đó, Thanh
Tú đã dừng lại. Chỉ Thanh Tú hiểu vì sao bà biến mất trên sân khấu, vì
sao bà im lặng. Tôi hỏi Thanh Tú, bà có bao giờ ân hận vì quyết định
của mình không. Bà chỉ cười: “Con người ta ở đời, để từ bỏ được danh vọng thực khó khăn. Ngày đó, cô cảm thấy cuộc đời mình như được trải thảm đỏ. Liên miên đi diễn. Được chào đón, được tung hô. Nhưng
khi đạt đến đỉnh cao, cô chợt ngộ ra rằng, danh vọng cũng chỉ đến thế,
diễn của cô chỉ đến thế. Cô không bao giờ có thể vượt qua được cái
bóng của chính mình. Thế nên cô không ào ào đi theo hào quang nữa. Cuộc đời mình đã được hưởng quá nhiều rồi”.
NSƯT Thanh Tú trong vai cô Nhu, phim "Sao Tháng Tám" ->
Tôi nhớ, ở Nhà hát Kịch Hà Nội có treo một ảnh chân dung của Thanh
Tú, phía dưới ghi dòng chữ trân trọng: “Chị ngồi đây - bao dung, độ
lượng - không một lời nhắc tới thời vàng son”. Bạn bè trân quý, nuối
tiếc. Và trong thẳm sâu, tôi nghĩ bà phải tự đấu tranh với chính mình.
Nhưng Thanh Tú là người quyết liệt. Và mọi thứ phải đến tận cùng. Phải
tuyệt đối. Bà kiên quyết từ chối tất cả những lời mời. Có lẽ, ngay từ
lúc đó, bà đã hiểu, những hư vô của cuộc đời. Dường như cái không khí
của nhà chùa, tư tưởng của Phật giáo trong những câu chuyện của mẹ (từ
nhỏ bà đã theo mẹ lên chùa) thấm vào bà, thành một lối sống. Và cũng từ
đó, Thanh Tú trở nên lặng lẽ. Bà không xuất hiện trong các sự kiện ồn
ào. Không bon chen danh lợi. Nhiều Liên hoan phim mời bà tham dự, bà
nhất mực từ chối. Bà nói, mình đã thuộc về quá khứ rồi.
Thanh Tú không có ý thức lưu giữ lại thời vàng son của mình. Trong
căn nhà nhỏ ở Triệu Việt Vương, có một gian tầng một của bà treo vài
bức ảnh ngày xưa. Và rất nhiều những chân dung của bà do các họa sĩ
thời đó mê và vẽ tặng như Lê Chúc, Diệp Minh Châu. Nhưng bà không giữ
lại. Mình đâu phải là vĩ nhân. Bà nói, thế hệ của bà đã gần đi qua. Và
bà chỉ muốn mọi người nhớ đến những vai diễn một thời. Mà nhớ hay quên
cũng đâu có quan trọng, bởi tất cả cũng trở về cát bụi mà thôi. Rồi
cũng bị lãng quên trong dòng thời gian vô thủy vô chung. “Cuộc sống, suy cho cùng tổng không đổi. Trong cái được đã có cái mất. Mình được nhiều thì con cái mình sau này sẽ mất nhiều. Danh vọng của mình đã cao rồi. Thế nên biết dừng lại để phúc phận cho con cháu”...
2. Bà Thanh Tú nhớ, ngày mẹ còn bế bà trên tay, có
một thầy tử vi nhìn bà và nói rằng: “Trông con gái thế này mà toàn đi
làm lẽ. Và sẽ đi theo nghề xướng ca vô loại”. Nhà Thanh Tú nền nếp, trí
thức Hà Nội. Mẹ sợ con đa đoan, đã cho bà đi học nghề kiến trúc nối
nghiệp gia đình. Thế rồi nhan sắc. Thế rồi tài năng. Thế rồi căn
nghiệp. Mọi thứ cứ đến và cuốn bà đi. Bà nói, bà sinh ra để làm diễn
viên. 17 năm rực rỡ, bản năng và đầy khát vọng, Thanh Tú đã để lại một
khoảng sáng trên bầu trời nghệ thuật. Rồi bà yêu và lấy chồng. Và như
một nỗi buồn định phận, cả hai lần lấy chồng, bà đều làm vợ thứ, đạo
diễn Phạm Kỳ Nam và đạo diễn L. C. Việt. Cả hai cuộc hôn nhân, bà đều
nếm trải đủ hạnh phúc và cũng đủ đau đớn.
Yêu, bản năng yêu trong bà mãnh liệt, bước qua những định kiến, những
thị phi, cả sự ngăn cản của gia đình. Bà Thanh Tú chỉ đi theo sự mách
bảo của trái tim, một trái tim yêu mạnh mẽ, quyết liệt. Nhưng có lẽ, đó
cũng là nguyên nhân của sự đổ vỡ khi đối với bà mọi thứ phải tuyệt
đối. Yêu ai, Thanh Tú đặt cả cuộc đời mình lên đó, như đánh một canh
bạc mà phần thua lại thuộc về bà. Cuộc hôn nhân thứ hai tan vỡ. Bà bị
phản bội. Đau đớn. Tuyệt vọng. Thanh Tú thề sẽ không bao giờ yêu và lấy
chồng. Lúc đó bà mới 40 tuổi.
Nhưng
điều gì đã mang lại cho Thanh Tú sự bình thản trước những tham, sân, si
của cuộc đời? Bà nói, có lẽ là may mắn lớn nhất trong cuộc đời khi bà
có mối duyên gặp gỡ sư thầy Thích Thanh Quyết ở chùa Phúc Khánh. Bà đã
được giác ngộ. Phật giáo đã cứu chuộc cuộc đời bà khỏi bể khổ. Thanh Tú
ngộ ra những lẽ đời, lý giải được cội rễ của những đau khổ mà mình
phải gánh chịu. Thế nên bà thấy nhẹ nhõm. 24 năm đi lễ chùa, tìm đến
cõi Phật, dường như bà đã đủ thấm hiểu và để tâm mình bình thản trước
thời cuộc. Nhưng bà không xa lánh trần tục. Vẫn những bộn bề lo toan.
Vẫn nỗi cô đơn lẻ bóng. Nhưng bà tìm được lối thoát trong cả những khổ
đau ấy. Bà kể, năm ngoái, có một biến cố lớn trong cuộc sống của bà và
con gái. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người bạn thân thiết của bà, đã phải
thốt lên: “Sao Thanh Tú không phát điên”. Nhưng Thanh Tú đã buông bỏ để
tìm lối thoát bằng từ bi hỷ xả.
20 năm vắng bóng, Thanh Tú trở lại màn ảnh. Bà nhớ nghề quá. Công
việc dạy và làm đạo diễn, đôi khi khiến bà mệt mỏi. Bà đã kỳ vọng nhưng
rồi lại thất vọng khi các lứa diễn viên mà bà đào tạo cứ mai một dần.
Vì cơm áo gạo tiền, vì những hư danh. Nó khác xa với thế hệ bà, một thế
hệ làm nghề, coi nghề diễn như một cuộc chơi sang trọng. Đam mê và tận
hiến. Thanh Tú đã trở lại, những vai bà già trong các bộ phim truyền
hình Bà nội không ăn bánh pizza và Lời thú tội của Eva
đáo để, cá tính. Thanh Tú diễn mà như không. Bà đi diễn để thấy mình
không bị tụt hậu, không lạc thời. Nhưng dường như, nó không khỏa lấp
được khoảng trống trong tâm hồn bà.
Những ngày Tết đang đến gần. Trong bà không còn có nhiều ý niệm về
ngày Tết. Gần 20 cái Tết chỉ có một mình, bà đã quen với nỗi cô đơn.
Giờ, bà thường lên chùa, làm công quả ở nơi cửa Phật. Đôi khi cuộc sống
không còn thuộc về mình nữa. Thỉnh thoảng buồn quá, bà lại đi lên chùa
Vân ở Tam Đảo, xa xôi và heo hút. Bà thích sự thanh tịnh của nơi thâm
sơn cùng cốc ấy. Và thiền. Nhưng tôi biết, trong thẳm sâu tâm hồn người
phụ nữ này vẫn chưa thoát khỏi những gánh nặng trần gian. Bà vẫn còn
đó những nỗi lo về các con. Đôi khi bà giật mình, nghiệp chướng
chăng... Hay vì đời bà đã nhận được quá nhiều.
Và ở đâu đó, trong sâu thẳm cuộc đời Thanh Tú vẫn còn một góc ẩn ức.
Buồn. Bà trút nó vào thơ. Hình như với thơ thì bà không thể giấu được
mình. Một Thanh Tú của nỗi cô đơn trong hành trình Đến và Đi của sự
sống. Một Thanh Tú của tiếc nuối, hoài niệm. Một Thanh Tú muốn buông bỏ
mà nỗi đời sao vẫn còn trĩu nặng...
Thu chưa qua, sao đã lạnh về/ Mình bỗng nhớ, phải rồi đông đến/ Nhớ
Mẹ, lưng tròn nóng hổi khẽ tiếng rên/ Con bất hiếu, duyên đời lạnh
ngắt/ Thế là mẹ đi/ Nhớ con, tay nhỏ xíu ôm ti mẹ ấm/ Mẹ khóc, con
cười, nước mắt lạnh, nóng môi con/ Giá buốt lần hồi chờ cửa/ Con vui
thế/ Lớn rồi con nhé/ Nhớ anh như nỗi nhớ đông hè/ Lạnh lùng, cháy
bỏng, cho em hết/ Nhớ đêm chăn lạnh đợi anh về/ Nỗi nhớ có bao giờ như
thế...
Theo Khánh Linh - ANTG