Kinh doanh là dấn thân, thương trường là cõi Phật?
30/06/2010 12:43 (GMT+7)

Nghe chủ đề buổi thuyết trình "Văn hóa Phật giáo trong kinh doanh", những tưởng sẽ được doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ về cách thức áp dụng triết lý, văn hóa Phật giáo trong kinh doanh, hay chí ít là kinh nghiệm của bản thân bà -  vừa là Phật tử, vừa là doanh nhân. Nhưng bất ngờ, Phật tử Tạ Thị Ngọc Thảo lại chọn một cách tiếp cận hoàn toàn khác: "Chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể - tại sao không?"

Đối tượng cụ thể mà bà Tạ Thị Ngọc Thảo hướng đến trong Tuần văn hóa Phật giáo được tổ chức gần đây là chùa Huế, như bà tự nhận: Mong muốn được "khơi dậy tinh thần kinh doanh của một vùng đất văn hiến, đó là tỉnh Thừa Thiên - Huế". Bởi theo bà, Huế có quá nhiều lợi thế. Người Huế luôn tự hào và yêu quý nhất mực mảnh đất này, nhưng Huế còn nghèo quá, mà lý do cụ thể nhất là thu nhập bình quân đầu người thấp - 1.030 USD/ người và tỷ trọng nông nghiệp quá cao 14,5%

Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thị Ngọc Thảo sau buổi thuyết trình có phần gây tranh cãi này.

Phật muốn chúng sinh giàu có

- Vì sao bà lại chọn nói về đề tài "Chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể - tại sao không?"

- Nếu chỉ lo cho đời sống của chùa thì hiện nay hầu như các chùa đều có thể tự túc được, không phải trông cậy nhiều vào nguồn cúng dường.

Nhưng để phụng sự xã hội, nhất là các tăng ni dấn thân phụng sự xã hội, thì phải trông vào các nguồn khác, trong đó có nguồn cúng dường, nguồn doanh nghiệp tài trợ... Một trường hợp cụ thể trong hoạt động của giới tu hành hiện nay ở Huế là Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường - nơi khám chữa bệnh cho hơn 250 bệnh nhân nghèo mỗi ngày, thì nguồn thu để duy trì hoạt động luôn là vấn đề đau đầu.

Kinh tế phát triển thì không sao, nhưng khi kinh tế suy thoái như hiện nay thì nguồn cúng dường cho chùa bị giảm. Nguồn kinh phí cho công việc phúc lợi xã hội cũng đương nhiên phải giảm. Bác sĩ giám đốc rất lo sẽ đến lúc Tuệ Tĩnh đường phải đóng cửa. Nếu tình huống đó xảy ra thì trước mắt là 250 bệnh nhân nghèo không có nơi để khám bệnh.

Để những công trình phúc lợi, từ thiện của Phật giáo hoạt động được bền vững thì nhà chùa phải chủ động được nguồn tài chính, nghĩa là phải có hoạt động kinh doanh để lấy lãi nuôi những hoạt động phúc lợi này.

Khi đặt ra vấn đề kinh doanh với giới tu hành thì không chỉ Phật tử, cư sĩ, mà xã hội nói chung cũng dễ phản ứng, trong khi đó kinh doanh như thương gia Lương Văn Can định nghĩa là: "Sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình như phương tiện để giải quyết những vấn đề xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn", thì kinh doanh có gì là sai trái mà không được làm? Trong cách nhìn của tôi, đó cũng là một cách tu.

Nữ doanh nhân - Phật tử Tạ Thị Ngọc Thảo

Hơn nữa, trong giới luật có cấm con của Phật tích lũy tài sản, phát sinh lợi nhuận, nhưng con Phật có hai chúng, chúng xuất gia và chúng tại gia. Đức Phật lại rất ủng hộ sự giàu có của chúng sinh.

Trong kinh Phật có nói về y báo và chánh báo. Y báo là dựa vào cái mình nương tựa. Nếu bạn được nương tựa vào người chồng làm kinh doanh giàu có lương thiện, cha mẹ là người phúc đức, con của bạn là đứa trẻ thông minh đạo hạnh, thì người ngoài sẽ nhận ra ngay y báo bạn tốt. Bạn đã gieo phúc và bây giờ được nhận.

Còn chánh báo thì sao? Đức Phật nói trong khi người ta còn phải ở những căn nhà lụp xụp bên cạnh đống rác hôi hám, thì bạn được ở ngôi nhà khang trang, được thưởng thức những hoa thơm, trái ngọt, ăn những bữa cơm ngon, sống trong không khí trong lành. Đó cũng là do bạn là người trước đó đã gieo phúc rất nhiều và nay được nhận. Nói như thế để thấy quan điểm của Đức Phật là ủng hộ sự giàu có.

Với những người xuất gia, Đức Phật khuyên sống thanh bần, vì không muốn con Phật vướng vào những thường tình đó sẽ làm hạn chế sự phụng sự cho đạo pháp, cho chúng sinh. Nhưng những người con Phật có tóc và chúng sinh thì Phật luôn luôn ủng hộ họ giàu có.

Văn hóa Phật giáo trong kinh doanh là thế nào?

- Bà có nghĩ khi trình bày đề tài này tại Huế sẽ vấp phải những phản ứng không?

- Trình bày đề tài chùa làm kinh doanh nơi đất Huế, với tôi là sự thử thách, thậm chí tôi xem đây là một đề tài đột phá tư duy, nhưng không thể không nói. Tôi nghĩ, may mà bây giờ mưa thuận gió hòa, đời sống của tăng ni và của người dân chưa đến nỗi quá khó khăn.

Nhưng nếu có một biến cố đột biến xảy ra, chẳng hạn suy thoái kinh tế trầm trọng, thiên tai dịch họa ụp đến bất thường thì mọi chuyện đều thay đổi. Đến lúc này nếu chùa không có cơ sở kinh doanh để chủ động một nguồn thu, duy trì những công trình phúc lợi xã hội mà chùa đang điều hành, thì đời sống của hàng ngàn tăng ni và dân nghèo ở Huế có thể sẽ bị chao đảo.

Kinh doanh không hề là vấn đề xấu. Vấn đề là ta sử dụng đồng lợi nhuận đó như thế nào, có đủ sức điều khiển đồng tiền, làm chủ bản thân không? Cái đó thì không phải do tiền, đổ thừa cho đồng tiền là không đúng.

Hơn lúc nào hết, trong thời hội nhập hiện nay, chủ động được nguồn thu để làm từ thiện, bớt lệ thuộc vào nguồn cúng dường, thông qua đó tạo việc làm và cơ sở vật chất, thu hút nguồn năng lực trung và cao cấp, góp phần tăng GDP thì chính là văn hóa Phật giáo trong kinh doanh.

Trước khi trình bày đề tài "Chùa làm kinh doanh trong phạm vi có thể - tại sao không?" tôi rất lo, vì chỉ cần hai từ kinh doanh giữa Tuần lễ văn hóa Phật giáo thì đã là "nhạy cảm" rồi. Tôi đã thiền 2 tiếng trước buổi thuyết trình, vì tôi chuẩn bị một tinh thần giao lưu căng thẳng hơn. Ngay cả trong lúc trình bày tôi cũng thiền. Sau khi trình bày xong đến phần giao lưu tôi cũng thiền. Tôi hoàn toàn tỉnh thức trong mọi lời nói của mình.

Tôi cũng được biết, bài nói chuyện đó gây nhiều sự bàn cãi. Nhưng sau khi thầy Trừng, thầy của rất nhiều tăng ni ở đây. Thầy dạy ở Học viện Phật giáo, vốn là người rất khó tính mà thầy công nhận đây là một đề tài mới, cần thiết, thì tôi nhẹ người, vì đấy chính là tiếng nói phản hồi của Huế. Cũng có lẽ Đức Phật phù hộ nên Huế nhẹ nhàng đón nhận.

Tôi mới nhận ra rằng lúc này tôi nói là đúng thời cơ. Nói sớm thì không hay, nói chậm nữa thì qua mất cơ hội. Đưa đề tài này ra lúc này là rất hợp duyên.

- Vậy theo bà, những người không phải Phật tử của Huế có thể tiếp nhận điều gì từ buổi thuyết trình của bà?

- Tôi lại nghĩ những người chưa phải Phật tử, kể cả Phật tử cũng thấy rằng chùa chủ động kinh doanh là vấn đề cần thiết, nhưng họ không thích những người mặc áo lam lại trực tiếp đứng ra mua bán, đụng chạm với đồng tiền.

Nhưng con Phật có hai chúng, chúng xuất gia và cư sĩ tại gia. Bởi thế tôi mới đề xuất giải pháp, nếu trong hàng ngũ cư sĩ có những người có ý tưởng kinh doanh đứng ra thành lập một công ty với HĐQT là các nhà sư thì có làm sao đâu?

Những việc gì thật sự đụng đến tiền bạc thì giới cư sĩ làm, còn những việc phụng sự xã hội thì các thầy các sư làm được chứ. Rõ ràng ở đây, những người con Phật cả hai chúng xuất gia và tại gia đều biết rằng đồng lợi nhuận đó sẽ như nước Cam Lồ rưới vào những quãng đời bất hạnh.

Kinh doanh cũng là một cách dấn thân. lúc này, thương trường cũng là cõi Phật. Đó cũng là một cách tu, thậm chí tu như thế còn phiền nhiễu gấp mấy trong chùa, do đó thành quả cũng lớn hơn.

Muốn làm từ thiện hiệu quả nhà chùa cũng cần tự chủ được về tài chính. Ảnh minh họa

Luật nhân - quả luôn ứng nghiệm

- Vậy còn những doanh nhân không phải Phật tử, cũng không định kết hợp với nhà chùa làm kinh doanh, thì có thể áp dụng văn hóa Phật giáo như thế nào?

- Văn hóa dân tộc ta được xây dựng trên nền tảng văn hóa Phật giáo, nên tất cả những gì lợi cho mình, lợi cho người, đem niềm vui đến cho mình, đem niềm vui đến cho người, hoặc sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp mà có lợi cho người tiêu dùng; sự giàu có của mình góp thêm vào sự giàu có của đất nước, tiền bạc của số người giàu được chia sẻ lại cho số người còn người nghèo, để khoảng cách giàu nghèo rút ngắn lại, thì đó chính là văn hóa Phật giáo. Bất cứ doanh nghiệp nào áp dụng như thế thì giàu một cách bền vững, vì họ làm chủ "thụ dụng" (hưởng thụ và sử dụng đồng tiền mình làm ra).

Ngược lại, nếu sự giàu có của mình xâm phạm đến quyền lợi của người khác, đến môi trường, cào cấu vào thiên nhiên rồi trốn thuế, gian lận thương mại, rút ruột công trình để làm giàu cho mình, thì không có cách gì bền vững, không chóng thì chày sẽ đổ vỡ. Theo đúng thuyết nhân quả, gieo gì sẽ gặt nấy.

Là một doanh nhân, không cần phải là doanh nhân Phật tử, nếu ngay bây giờ không nghĩ đến chuyện gieo, nghĩ đến nhân duyên, coi chừng sẽ gặp ác báo. Vì thuyết nhân quả là quy luật khách quan do Đức Phật phát hiện ra, chứ không phải vấn đề tâm linh mơ hồ.

- Ngoài những "hậu quả" về mặt vật chất, còn những hậu quả về mặt tinh thần thì sao?

- Tôi xin kể một trường hợp cụ thể của một người bạn mà tôi không muốn nhắc tên. Người bạn này có một chuỗi nhà hàng chuyên bán thịt thú rừng, giàu có lắm vì họ mua thú rừng của người dân tộc với giá rất rẻ, rồi bán lại với giá rất đắt. Họ có hai người con, một trai, một gái, 18 tuổi và 19 tuổi. Vậy mà cả hai con liên tục ra đi, một người tháng trước xe đụng chết, người con còn lại tháng sau xe đụng chết. Hai vợ chồng nhận ra ngay vấn đề, dẹp ngay chuỗi hàng quán đó, tức thì sám hối. Đó là nhân quả đồng thời.

Tôi có đọc những lá thư của những người tử tù là cán bộ rất lớn bên Trung Quốc. Họ kể rằng khi chỉ một chữ ký của họ để uốn một con đường từ hướng Tây qua hướng Nam là họ có được cả chục triệu đô la, do đó họ không kềm lòng được. Họ cũng có ý trách luật pháp không giúp cho họ ngăn chặn việc làm giàu quá dễ dàng như vậy. Họ có nói giá luật pháp chặt chẽ hơn, họ được giám sát nghiêm ngặt hơn, giá họ không kiếm tiền dễ như thế, thì họ đâu đến nỗi?

Khi họ có được đồng tiền dễ dàng như vậy, thì vợ của họ theo trai, con của họ thấy tiền nhiều quá thì xài phí phạm, ăn chơi sa đọa, dẫn đến đứa thì nhiễm bệnh thời đại, đứa thì làm gái... Chính bản thân họ liên tục thấy cô đơn, họ mới đi tìm những người tình nhỏ ở Đài Loan.

Để giữ những người tình nhỏ đó họ phải dùng những đồng tiền tham nhũng kiếm được, cho đến một ngày những người tình nhỏ quỵt hết những đồng tiền đó, rồi  họ bị bắt, và bây giờ thì bị tử hình. Họ kết luận, những đồng tiền kiếm được không trong sạch làm cho lương tâm luôn bị day dứt, không bao giờ có được một giờ vui thật sự trong đời.

Họ ao ước nếu cuộc đời còn rộng tay với họ, nhà nước hãy cho họ đến một vùng nào đó xa xôi hiểm trở cũng được, để họ có điều kiện cày cuốc kiếm ra từng mẩu khoai, miếng ăn, để có thời gian họ sám hối. Nhưng một mưu cầu nhỏ nhoi như thế không còn kịp nữa vì vay thì phải trả, đó là luật nhân quả.

Vậy thì doanh nhân hãy kinh doanh theo văn hóa Phật giáo, hãy gieo những hạt giống tốt lành, để thu hoạch nhiều quả ngọt.

- Trên thế giới đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp, với họ mục tiêu quan trọng nhất là phụng sự xã hội, dường như giống triết lý của đạo Phật. Người Việt mình thường tự nhận là theo đạo Phật, nhưng trong kinh doanh lại chưa theo được văn hóa Phật giáo. Vì sao vậy?

- Tôi nghĩ rằng hiện nay một số doanh nhân đang gặp khủng hoảng về triết lý sống, vì vậy họ sống theo bản năng, nặng về phần xác, nhẹ về phần hồn. Đã thế pháp luật hiện nay chưa đủ chặt chẽ để buộc những người này phải sống, làm việc và kinh doanh theo pháp luật.

Quan sát xã hội tôi thấy không chỉ một số doanh nhân mà đại bộ phận người dân cũng gặp khủng hoảng về triết lý sống. Tại sao xã hội ta hiện nay có quá nhiều người bị khủng hoảng về triết lý sống? Đây là một câu hỏi lớn mà những người có trách nhiệm phải cùng tìm câu trả lời.

Khánh Linh (Tuần Việt Nam)

Các tin đã đăng: