Điều gì đã khiến một giáo sư ngành luật viết sách về Phật giáo?
14/07/2010 10:45 (GMT+7)


Chân dung Toni Bernhard

Nhưng nếu tôi được nói: "Và cuốn sách ấy sẽ viết về chứng bệnh mãn tính", thì chắc chắn tôi sẽ nói: "Xin lỗi, đấy không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi". Đây là bài học về sự vô thường. Như Joseph Goldstein thường nói: "Mọi thứ đều có thể xảy ra tại bất cứ thời điểm nào".

Vào năm 2001, chồng tôi và tôi đã có một chuyến du lịch đến Pari với sự sắp đặt sẵn. Vào ngày thứ hai ở Pari, tôi đã bị bệnh và lúc đầu các bác sĩ chẩn đoán là tôi bị nhiễm khuẩn cấp tính. Nhưng bệnh vẫn kéo dài tháng này qua tháng khác và các triệu chứng của bệnh vẫn không thuyên giảm. Tôi trở thành một người mang bệnh mãn tính. Cũng từ đó mà một lãnh vực chuyên môn mới đã vô tình len lỏi phát triển ở trong tôi.

Trước khi tôi bị bệnh, tôi đã là một thành viên năng nổ của cộng đồng Phật giáo ở Bắc California. Tôi thực tập thiền tọa hai lần mỗi ngày, và chồng tôi đã cùng với tôi dẫn dắt một nhóm tu thiền Vipassana ở Davis. Tôi cũng thường tham dự các khóa tu thiền.

Một trong những khóa tu đó đã được hướng dẫn bởi Cố Ni sư Ayya Khema. Ni sư đã nói với chúng tôi rằng: "Những dòng tư tưởng phát sinh trong chúng ta, chúng có tính tùy hứng và không tin tưởng được. Hầu hết những tư tưởng đó là rác rưởi, thế nhưng chúng ta vẫn tin tưởng chúng". Tôi khắc ghi trong tâm những lời của Ni sư đã dạy. Trước khi tôi bị bệnh, tôi đã bắt đầu quen dần với việc theo dõi những dòng tư tưởng sinh khởi rồi biến mất mà không tin tưởng vào chúng. Nhưng khi tôi phải nằm trên giường bệnh suốt ngày thì đột nhiên những dòng tư tưởng của tôi dường như là những thứ gì đó chứ không phải là rác rưởi nữa, và tôi tin vào mọi ý tưởng ấy: "Tôi sẽ không bao giờ đi ra khỏi cái giường này", "Tôi sẽ không bao giờ cảm thấy vui vẻ được nữa", "Tôi đã tàn phá cuộc sống của chồng tôi"…

Tôi rất bối rối, có lúc tôi giận chính mình vì đã bỏ quên Phật pháp và có lúc tôi lại giận Phật pháp vì đã ruồng bỏ tôi. Nhưng dù cho tôi giận gì đi nữa thì Phật pháp vẫn tồn tại trong sâu thẳm của tâm hồn tôi. Sự tức giận, sự đổ lỗi, sợ hãi, thất vọng đã nảy sinh, nhưng chúng chỉ là những gợn sóng trong tâm tôi mà thôi. Tôi đã được Sylvia Boorstein khích lệ. Sylvia Boorstein nhắc nhở tôi rằng, bệnh tật chỉ là bệnh tật mà thôi, nó không phải là khuyết điểm thuộc về cá nhân tôi. Từ từ nhưng chắc chắn, tôi bắt đầu tìm lại con đường của tôi trong những pháp hành mà tôi đã được học với tư cách là một người Phật tử thuần thành. Không lâu sau đó, tôi đã tu tập không phải chỉ để đối trị với bệnh tật mà còn để nuôi dưỡng tâm hỷ xả, dù cho bước ngoặt ngoài ý muốn đã đến với cuộc sống của tôi. Tôi nghĩ, có lẽ Đức Phật đang dạy tôi cách để sống với bệnh tật!

Thế rồi một hôm tôi cầm đến cái máy tính xách tay (Tôi gọi nó là máy tính để giường), mở một tài liệu mới có tựa đề "Làm sao để sống với bệnh tật". Tôi nhìn vào những con chữ trên màn hình khoảng chừng một phút và nghĩ: "Một ý tưởng hay! Một cuốn sách mà tôi có thể vận dụng những lời Phật dạy và chuyên môn của tôi để giúp những người đang mắc chứng bệnh mãn tính khác. Nhưng, thật là tệ! Tôi quá yếu, không đủ sức để viết. Tôi nhấn nút "lưu" và đóng tài liệu lại.

Sau đó tôi nhớ đến Marianne. Vào năm 1999, tôi đã tham dự khóa tu 10 ngày tại Trung tâm thiền Spirit Rock. Để giúp cho khóa tu diễn ra suôn sẻ, mỗi một người tham dự khóa tu đều đã thực hành "thiền chấp tác". Chúng tôi cố gắng giữ yên lặng lúc làm việc càng nhiều chừng nào càng quý chừng ấy. Công việc của tôi là làm vệ sinh những cái khay từ các bàn ăn trong trai đường sau bữa ngọ trai và trút thức ăn thừa vào các thùng chứa. Người cộng sự với tôi lúc ấy là một người phụ nữ khoảng bằng tuổi tôi có tên là Marianne. Cô ấy có vẻ yếu hơn tôi, nhưng chúng tôi đã chia đều công việc, thỉnh thoảng chỉ nói thầm với nhau: "Cái thùng chứa này có đủ lớn để chứa thêm mớ rau sống này không?". Trong thiền đường, tôi để ý thấy cô ấy ngồi cùng với một người thanh niên, có lẽ là con trai của cô. Tôi nhớ đến ý nghĩ rằng, thật là quý khi họ có thể cùng tham dự khóa tu! Cô ta có khuôn mặt đằm thắm, có nụ cười dịu hiền và tôi thường nhìn về phía cô ta để quan sát sau mỗi bữa ngọ trai.

Bên cạnh những công việc ở trai đường, chúng tôi còn đi đến một căn nhà nhỏ, nơi các vị giáo thọ sư thọ trai, để bưng những cái khay đựng thức ăn về lại nhà bếp. Vào ngày thứ bảy của khóa tu, tôi ngạc nhiên khi có một người phụ nữ khác đi theo sau Marianne. Ba chúng tôi làm vệ sinh những cái bàn ăn ở trong trai đường, thế rồi người phụ nữ mới đi theo tôi khi tôi bắt đầu đi đến phòng ăn của các vị giáo thọ sư. Cô ấy hỏi: "Bạn có biết gì về Marianne không?"

Khi thấy tôi lắc đầu, cô ấy nói với tôi: "Cô ấy rất yếu. Cô chỉ còn sống được vài tuần nữa thôi". Rồi người phụ nữ đó quay người và đi trở lại trai đường.

Tôi tiếp tục đi về phía phòng ăn của các giáo thọ sư, nhưng tôi thật sự bị choáng bởi điều phát hiện bất ngờ này. Sau đó, tôi đã đến gặp một trong các vị giáo thọ. Với nỗi đau buồn của mình, tôi đã phá vỡ không gian yên lặng. Tôi hỏi vị giáo thọ:

- Cô có biết Marianne không?

Đáp lại câu hỏi của tôi, cô giáo thọ nói:

- Marianne đang ở đây với con trai của cô ấy. Đấy là những thông tin mà chúng tôi có được khi mọi người điền vào tờ đơn tham dự khóa tu. Ở dưới phần câu hỏi rằng: "Có điều gì mà các vị giáo thọ nên biết về người tham gia khóa tu?", Marianne đã viết: "Tôi chỉ còn sống hai tuần nữa thôi, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự thực hành của tôi".

Ngày hôm sau, vị trí của Marianne và con trai của cô ấy ở trong thiền đường đã bỏ trống.

Được tạo nguồn cảm hứng bởi người phụ nữ mà tôi được biết chỉ vỏn vẹn trong vòng mấy ngày, tôi bắt đầu viết sách "Làm sao để sống với bệnh tật". Tôi diễn tả những phương pháp tu tập truyền thống của đạo Phật, chẳng hạn như Từ bi, Bố thí và thọ nhận. Rồi tôi minh họa mỗi pháp hành bằng những ví dụ từ chính kinh nghiệm cá nhân, khiến cho cuốn sách càng có tính riêng tư hơn. Tôi đã viết về những pháp tu mang tính sáng tạo trong Phật giáo mà tôi đã tự sáng chế dựa trên kinh nghiệm cá nhân để khắc phục nhiều vấn đề khó khăn mà tôi và chồng tôi đang gặp phải, chẳng hạn như đối trị với những triệu chứng gay gắt của cơn bệnh, lo sợ về thời tiết trong tương lai, đối diện với điều kiện sống bị cách ly người thân, đối mặt với sự hiểu lầm của người khác, và giải quyết vấn đề của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một lần nữa, tôi đã sử dụng kinh nghiệm cá nhân để chỉ cho người đọc thấy biện pháp để giải quyết những vấn đề này.

Cuốn sách được viết một cách chậm chạp và vô cùng khó khăn. Tôi đã viết nó khi tôi nằm trên giường bệnh, đặt máy tính xách tay trên bụng, những tờ giấy ghi chú, phác thảo thì trải trên mền, máy in được đặt trong tầm tay. Có đôi khi tôi đặt hết tâm trí của mình vào một chương và tôi đã viết nó quá lâu. Hậu quả của việc này là sự trầm trọng của những triệu chứng đau nhức, điều này đã khiến cho tôi không thể nào viết được một chữ trong vài ngày, và thậm chí là vài tuần sau đó.

Cũng có một vài thời gian khi quá ốm yếu, tôi không còn đủ sức để nghĩ về việc kết nối các chương của cuốn sách lại với nhau. Thế là kế hoạch viết sách bị dừng lại trong vài tháng. Vì thân thể quá suy nhược nên đôi khi nó đã tác động đến trạng thái tinh thần của tôi, trong những giây phút đen tối nhất, tôi đã nghĩ đến việc ném bỏ tất cả những gì mà tôi đã viết, tuyệt vọng vì không thể nào hoàn thành được nó.

Nhưng những trạng thái tâm lý ấy đến rồi lại đi. Và cuối cùng, tôi đã thúc ép bản thân, nhất định phải viết xong cuốn sách với hy vọng là nó sẽ chỉ con đường cho mọi người có thể sống tốt hơn và sống trong niềm hỷ xả, dù cho họ có bị rơi vào những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Những lời Pháp nhũ của Đức Phật đã tạo nguồn cảm hứng và xoa dịu nỗi đau của tôi trong suốt thời gian bệnh tật. Ngài đã dạy cho tôi biết làm sao để sống với bệnh tật.   (Theo Shambhalasun.com)

Toni Bernhard - Minh Nguyên dịch

Các tin đã đăng: