Phật dạy về đồng tiền hai mặt
09/10/2013 15:04 (GMT+7)

Trong một buổi chia sẻ những vấn đề thường gặp trong công việc kinh doanh của tổ chức và cách vận dụng giáo lý, tinh thần nhà Phật để giải quyết vấn đề đó, tôi nhận được một câu hỏi rất thú vị và ý nghĩa từ một em sinh viên của một trường Đại học Kinh tế về lợi ích cá nhân trong môi trường công việc, câu hỏi đó liên quan đến vấn đề thanh niên ngày nay thường quan tâm nhiều đến lợi ích cá nhân và việc quan tâm đó có ảnh hưởng đến sự phát triển của tổ chức hay không? Thiết nghĩ, vấn đề này chắc chắn không phải là điều mà chỉ mình em trăn trở, mà còn là điều trăn trở của không ít thanh niên thế hệ ngày nay.

Lợi ích cá nhân

Mọi vấn đề xảy ra và tồn tại trong cuộc sống đều có hai mặt, và lợi ích cá nhân cũng không nằm ngoài phạm trù đó. Con người chúng ta từ khi sinh ra ai cũng có nhu cầu về vật chất và tinh thần. Khi lớn lên, càng tiếp xúc với xã hội nhiều hơn nhu cầu lại tăng lên theo thời gian. Trong môi trường doanh nghiệp cũng vậy, nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng và không hề mâu thuẫn gì với mục tiêu phát triển doanh nghiệp bởi khi ta mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì ta sẽ được được thụ hưởng những giá trị đó do ta tạo ra giống như luật nhân quả nhà Phật mà thành.

Lợi ích cá nhân là phương tiện đưa giá trị con người hay tổ chức xuống dốc một cách nhanh nhất.

Văn hóa của một doanh nghiệp có tư duy và làm ăn chân thật không đòi hỏi nhân viên của họ phải luôn hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể mà ngược lại người ta vẫn có quyền khát khao lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, phải tận tụy, hết lòng hết sức vì công việc, vì những người mà ta có trách nhiệm phục vụ. Chế độ đãi ngộ và thu nhập của chúng ta ở đâu ra? Đó là từ ngân sách của tổ chức, đó là từ khách hàng và nói chính xác hơn là mồ hôi, là nước mắt của những đồng nghiệp đang cùng lao động. Khi nhận những lợi ích đó, chúng ta phải có trách nhiệm với những người đã trao cho chúng ta để chúng ta có đủ phương tiện để làm việc, tồn tại và làm giàu, ít nhất cũng phải tương xứng với giá trị của nó. Nếu sống vì lợi ích cá nhân thì hãy sống từ cái chân, thiện, mỹ trong trái tim tràn đầy nhân văn của mỗi con người.

Mặt trái của lợi ích cá nhân là khi còn tồn tại những người làm việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể, "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó đi ngược lại với văn hóa xây dựng tổ chức. Khi đó lợi ích cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy "Học cái tốt thì khó, ví như người leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như người trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu". Có những người cùng làm doanh nghiệp trong giai đoạn khởi sự thì rất đoàn kết, trước thách thức, khó khăn không chịu khuất phục, nhưng đến khi doanh nghiệp bắt đầu phát triển thì mất lập trường, vun vén lợi ích cho bản thân. Cho nên sự khắc nghiệt của thương trường không nguy hiểm bằng "bản ngã" vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy.

Vậy nên doanh nghiệp muốn phát triển thì cần biết hài hòa và điều tiết lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì văn hóa doanh nghiệp đó cần đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể.

Đồng tiền hai mặt

Tiền đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, không ai phủ nhận về điều này, tuy nhiên thực tế cho thấy là không phải bao giờ tiền bạc cũng có thể giúp chúng ta giải quyết được mọi vấn đề. Nhiều người thường đánh giá các mối quan hệ trong cuộc sống qua giá trị tiền bạc, hoặc đánh giá người khác qua số tiền kiếm được trong công việc. Những cách đánh giá như thế thường là không chính xác, và do đó rất dễ dẫn đến nhiều nhận thức, phán đoán sai lầm về sự việc cũng như con người.

Đối với nhiều người tiền bạc là một trong những động lực thúc đẩy sức làm việc. Một công việc nặng nhọc vẫn được nhiều người chấp nhận nếu như có thể giúp kiếm được một khoản tiền khá lớn và ngược lại, một công việc nhẹ nhàng và hợp với khả năng nhưng vẫn có thể bị từ chối nếu như tiền thù lao bị cho là quá ít. Cách tư duy này có vẻ như không có gì sai trái nhưng thực ra lại là chỗ sai lầm trong nhận thức của rất nhiều người.

Tiền tệ, đồng tiền nhiều khi cũng tệ.

Nếu như cuộc sống luôn diễn ra một cách bình lặng thì việc đồng nhất giá trị tiền lương với giá trị công việc cũng sẽ không có gì đáng nói. Tuy nhiên, cuộc sống không diễn ra bằng phẳng như chúng ta mong muốn, luôn có những thay đổi và biến cố lớn nhỏ xoay quanh ta. Và mỗi khi phải đối mặt với những biến cố lớn trong cuộc đời, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy tiền bạc không thể giúp ta giải quyết được tất cả.

Vì đồng tiền mà nhiều người đã khóa lại cánh cửa bước vào tương lai của mình, chắc chắn họ đã nhận ra rằng số tiền mà họ kiếm được hoàn toàn không thể mang lại cuộc sống tự do, hạnh phúc. Vì đồng tiền họ đã đánh mất nhân cách, lương tri, niềm tin của bạn bè, của xã hội, thậm chí sẵn sàng nhúng tay vào những việc làm phi pháp, phi đạo đức, chỉ để đổi lấy những mảnh giấy vô tri vô giác, và đổi lấy những sai lầm đó bằng chính cuộc đời mình, bởi vì tiền bạc mà họ kiếm được hoàn toàn không có chút giá trị thật nào cả.

Khi biết nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc sẽ giúp chúng ta không rơi vào sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Quả thật, chúng ta luôn cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống. Nhưng những nhu cầu đó luôn có giới hạn nhất định, và chúng ta cũng có thể học cách sống tri túc để giới hạn một cách hợp lý mọi nhu cầu của mình.

Nhận thức đúng về giá trị của tiền bạc, chúng ta sẽ sử dụng tiền kiếm được một cách hợp lý hơn, và sẽ không bao giờ bị cuốn hút theo tiền bạc đến nỗi quên đi những giá trị thật có khác trong cuộc sống.

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến

Chữ Tâm độc tự thế mà hay
Thành bại hơn thua bởi chữ này
Tuổi trẻ gắng gìn già cố giữ
Cuộc đời gắn trọn cả vào đây

Tinh thần nhà Phật có dạy "Có tu Tâm thì mới tu được nghiệp, Tâm có sáng thì nghiệp mới thành". Thực tế cho thấy có nhiều người đạt được kết quả kinh doanh nhưng lại không đạt được sự kính trọng của xã hội, vì giá trị cốt lõi mà họ xây dựng thiếu chữ Tâm. Những hành động của họ thiếu tính nhân văn thì làm sao được người khác yêu mến.

Chữ Tâm độc tự thế mà hay...

Người làm kinh doanh với tâm trong sáng, lợi mình lợi người, thấy được cái chân cái giả, thấy được những quy luật, những chuyển biến cuộc đời và ứng dụng cái thấy vào cuộc sống thường nhật thì người đó sẽ có nhiều niềm vui dù công việc có thăng có trầm.

Ngược lại, dù hiệu quả công việc rất tốt, sự nghiệp thành đạt nhưng nếu không tìm được những phút giây an bình nội tại, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì người đó vẫn là những người nghèo khổ nhất cuộc đời: nghèo tình thương, nghèo hạnh phúc, nghèo an lạc.

Kinh doanh theo tinh thần đạo Phật là phải biết giữ cho tâm luôn trong sáng, tự lợi - lợi tha, trong kinh doanh mà vừa làm lợi cho mình vừa làm lợi cho người thì đó mới là phương thức kinh doanh bền vững, hiệu quả. Bởi tính nhân quả là quy luật tồn tại khách quan của cuộc sống. Do đó khi đã hiểu và tin theo, chúng ta tự biết mình nên làm gì và không nên làm gì, như lời dạy của một vị thầy.

Phật nói "Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại". Nếu đánh mất hiện tại thì sẽ đánh mất cuộc sống! Nếu ta quá ưu tư về quá khứ, quá lo nghĩ về tương lai, để luôn đắm chìm trong sự bất an, ta sẽ không có hạnh phúc, dù là người có nhiều tiền, nhiều quyền, nhiều danh tiếng...

Theo Khả Anh - Ngôi sao

Các tin đã đăng: