Trong ta, mỗi người đều có một ý niệm về hạnh phúc. Ta nghĩ rằng hạnh
phúc là phải như thế này hay như thế kia. Nếu ta không được như thế này
hay như thế kia thì ta kết luận là ta không có hạnh phúc. Ta cho rằng
bị kẹt vào ý niệm về hạnh phúc của mình, và trong nhiều trường hợp, ý
niệm về hạnh phúc của mình là chướng ngại căn bản để mình đạt tới hạnh
phúc. Ví dụ mình ham muốn đậu được cái bằng cấp đó, và nghĩ rằng nếu
không có cái bằng cấp đó thì không bao giờ mình có hạnh phúc cả. Như vậy
tức là mình đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc. Trong khi mình đang
có vô số cơ hội để có hạnh phúc, mình đánh mất hết, chỉ vì mình đã tự
đóng khung cái hạnh phúc của mình vào trong cái ý niệm có bằng cấp kia.
Đó là một cái muốn, một thứ ái dục, ái dục về bằng cấp. Trong đời sống
tu hành cũng vậy. Là một ông thầy tu mình có thể nghĩ rằng muốn nói cho
thiên hạ nghe thì mình phải có một cái bằng cấp vì có bằng cấp thì thiên
hạ mới nể, thuyết pháp người ta mới nghe. Vì vậy cho nên mình phải xông
xáo ra đời vài ba năm để học và giật cho được bằng cấp đó. Mình đâu có
biết rằng vì ý niệm về bằng cấp mà sự nghiệp tu hành của mình có thể sẽ
bị hư hỏng. Tóm lại tất cả đều do ý niệm của mình mà ra, và ý niệm
thường rất dễ bị sai lạc.
Có một anh chàng nói: “Hạnh phúc của đời tôi là phải cưới cho được cô
này, nếu không cưới được cô ấy thà rằng chết còn hơn, hạnh phúc không
thể nào có được!”. Như vậy anh chàng đã cột đời của mình vào trong ý
niệm là phải cưới cho được cô kia. Cưới không được thì đời không còn có ý
nghĩa gì cả. Tại sao đời không có ý nghĩa gì nữa cả. Đời còn nhiều
nghĩa lắm chứ! Nhưng tại mình không thấy được tất cả những cái nghĩa
khác của cuộc đời mà chỉ thấy có một nghĩa đó mà thôi. Cái đó gọi là ý
niệm. Ý niệm đó ở trong trong đạo Bụt gọi là Tưởng, một cái Tưởng của
mình về hạnh phúc.
Muốn sử dụng vô số những điều kiện để có hạnh phúc, muốn đừng dẫm lên
những điều kiện của hạnh phúc mà đi, ta đừng nên bị ràng buộc vào một ý
niệm nào về hạnh phúc cả. Khi đã bị kẹt vào một ý niệm về hạnh phúc là
ta không còn cơ hội nào khác để có hạnh phúc nữa. Ý niệm hạnh phúc đó
gọi là dục tưởng.
Ý niệm về hạnh phúc
hay dục tưởng là đối tượng cần quán chiếu
Ý niệm về hạnh phúc có thể là một ý niệm cá nhân, mà cũng có thể là
một ý niệm có tính cách cộng đồng, gọi là tâm thức cộng đồng. Nếu ta hỏi
một người Mỹ bình thường phải có những điều kiện nào mới có hạnh phúc,
thì người ấy sẽ liệt kê những điều kiện tồi thiểu mà một người Mỹ phải
có để có thể gọi là một người có hạnh phúc. Trước hết là phải có một
trình độ học thức tương đương với BA hay BS, nghĩa là phải tốt nghiệp
Đại học cấp một. Kế đến là phải có công ăn việc làm, tương đương với
trình độ học vấn, lương đủ cao để có thể thuê một căn nhà, mua một chiếc
xe. Trong nhà phải có TV, tủ lạnh. Thiếu một trong những thứ ấy người
đó sẽ chưa có hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó gọi là ước lệ. Đó là ý niệm về
những điều kiện mà mình tin là cần thiết và là căn bản của hạnh phúc.
Nhưng nếu xét kỹ lại, ta thấy rằng rất nhiều người đang có những điều
kiện như vậy, nhưng không hạnh phúc gì cả. Họ có thể đang bị đau khổ
cùng cực. Ngay cả khi có nhiều hơn, trên cả những điều kiện đã đòi hỏi,
họ vẫn khổ đau vô cùng. Vậy thì ý niệm về hạnh phúc (dục tưởng) là một
điều cần phải được quán chiếu, cần phải tìm hiểu vì ta có thể chết vì
nó.
Đừng nói gì ngoài đời, ngay ở trong đạo, người đã tu rồi, cũng có thể
có một ý niệm về hạnh phúc. Ví dụ mình nghĩ là phải có một ngôi chùa
riêng để tự do sắp đặt theo ý mình, để không phải làm theo điều người
khác sai phái. Chừng nào làm trụ trì, làm viện chủ của một ngôi chùa rồi
thì mới có quyền, mình có thể bảo chú này, cô kia làm theo điều này,
điều nọ. Mình nghĩ: có một ngôi chùa riêng để làm chủ là điều kiện của
hạnh phúc. Nhưng than ôi, khi đã có một ngôi chùa riêng rồi mình mới
biết rằng cái ý niệm về hạnh phúc có thể không đúng chút nào. Thật ra có
một ngôi chùa, có một trung tâm tu học không phải là điều dỡ. Ta có thể
căn cứ vào điều kiện đó để tạo rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho
người. Nhưng không hẳn phải làm chủ một ngôi chùa mới có thể làm được
những điều đó. Nếu mình là một người có hạnh phúc, có khả năng hướng dẫn
tu học và tạo dựng hạnh phúc cho người, thì không có chùa mình vẫn làm
được việc đó như thường. Mình lại khỏi phải chăm sóc và lo lắng cho ngôi
chùa như một vị trụ trì. Nhiều khi không có chùa mình có thể tạo hạnh
phúc cho mình và cho người người gấp mười, gấp trăm lần khi mình có một
ngôi chùa! Được tấn phong là Thượng Tọa hay Hòa Thượng có phải là điều
kiện của hạnh phúc không? Có nhiều người rất đau khổ vì không gọi bằng
những danh từ đó. Khi được gọi bằng một danh từ khác họ thấy trong người
như có lửa đốt, như bị sốt rét.
Tại sao đáng lý mình được gọi bằng danh từ ấy mà người ta gọi mình
bằnh danh từ này? Khi có sốt rét, khi bị một ngọn lửa đốt cháy, mình
biết rằng mình đang bị một dục tưởng trấn ngự, dù đó là một cái danh rất
nhỏ. Vì vậy dục tưởng hay ý niệm về hạnh phúc là một đối tượng mà mọi
chúng ta cần phải quán chiếu. Khi quán chiếu và đập vỡ được cái dục
tưởng ấy rồi thì mình được giải thoát, và tự nhiên ta có vô số hạnh
phúc. Điều kiện hạnh phúc có mặt rất nhiều trong ta và chung quanh ta,
sở dĩ ta không sử dụng được chúng là vì ta đang kẹt vào trong cái gọi là
dục tưởng.
Trong hai câu cuối cùng của bài kệ Bụt nói cho vị Thiên giả, Dĩ bất
tri ái cố, Tắc vi tử phương tiện, Bụt dạy rất rõ rằng “vì chúng sinh
không biết bản chất của dục là gì (cố nghĩa là lý do), cho nên cái dục
ấy trở thành phương tiện của sự chết”. Phương tiện của sự chết tức là
công cụ của thần chết. Thần chết tiếng Phạn là Mara, tức là Ma vương. Ma
vương là biểu tượng cho con đường đi về đau khổ, chết chóc. Vì vậy chữ
chết ở đây còn có nghĩa là con đường lầm lạc, con đường tối tăm, con
đường tà ma. Nẻo chết là nẻo của phiền não, của sự đốt cháy, của sự vắng
mặt hạnh phúc, vắng mặt thanh tịnh, vắng mặt an lạc. Trong Tạp A Hàm
Biệt Dịch bài kệ đó rất hay:
Danh sắc trung sinh tưởng, Vị vị chân thật giả, Đương tri như tư
nhân, Thị danh thuộc tử kỉnh.
Danh sắc trung sinh tưởng nghĩa là từ trong phạm vi danh và sắc, đã phát
sinh ra những tri giác, những nhận thức. Danh và Sắc ở đây có nghĩa là
tinh thần và vật chất. Danh (nama) tức là những cảm thọ, tri giác, tâm
tư và nhận thức của chúng ta (Thọ, Tưởng, Hành, Thức); còn Sắc (rupa) là
thân thể, là sinh lý của chúng ta. Nói tóm lại, Danh tức là những yếu
tố làm ra con người thuộc về phương diện tinh thần, còn Sắc là các yếu
tố làm ra con người đứng về phương diện vật chất. Trong lãnh vực của
Danh và Sắc, ta đã làm phát sinh ra những tri giác, nghĩa là ta có những
tri giác về danh và về sắc.
Vị vi chân thật giả: chúng ta cho những tri giác đó chính xác, là
chân thực.
Đương tri như tư nhân: phải biết rằng người này.
Thị danh thuộc tử kỉnh: là những người đang đi trên con đường dẫn về cái
chết, kỉnh tức là con đường.
Bài kệ này tôi dịch là:
Những tri giác phát sinh từ danh và sắc, Người đời thường nhận lầm
chúng là những gì có thật, Kẻ nào đang kẹt vào tình trạng này, Là kẻ
đang đi trên con đường ma.
Con đường ma là con đường của khổ đau, của thiêu cháy. Ta phải học kỹ
bài kệ này, vì nó là mấu chốt của Kinh Samiddhi. Thầy Phật Âm
(Buddghosa) tác giả Thanh Tịnh Đạo Luận, sống vào thế kỷ thứ năm, đã
hiểu bài này một cách rất tỏ tường và đã giảng nghĩa bài này rất chính
xác. Cố nhiên là Thầy căn cứ trên văn bản tiếng Pali. Rất tiếc là bản
dịch của Pali Texts Society không phù hợp với các thấy của thầy Phật Âm.
Thầy Phật Âm nói: “Con người có nhiều nhận thức về năm uẩn, tức là về
Danh và Sắc. Người có trí thì thấy những đối tượng của tri giác đó
không thật, không có có ngã, mà chỉ là năm uẩn luôn luôn biến chuyển mà
thôi”. Như vậy cái thấy của thầy rất phù hợp với hai câu trong Biệt Dịch
Tạp A Hàm “Danh sắc trung sinh tưởng, Vị vi chân thật giả”, nghĩa là
trong lãnh vực của năm uẩn là Danh và Sắc, người ta có những nhận thức
sai lầm, cho nó là chân thật, vì vậy cho nên người ta đang đi trên con
đường khổ đau, đang đi trên con đường chết. Trong khi đó, bản Pali Texts
Society dịch là:
Men are alone of what is told by Names, Take up their stand on what
is so expressed, If this they have not rightly understood, They go their
ways under the yolk of Death.
Trong bản tiếng Pali, akkeyya sannino sattà có nghĩa là chúng sinh có
những tri giác về những cái được phát hiện ra. Vì vậy akkheyyàni này có
thể dịch là những cái được tuyên bố ra, những cái được nói ra. Nhưng
cũng có thể được dịch là những cái được phát hiện ra, được trình bày ra,
chỉ bày ra. Tiếng Anh là what is proclaimed, what has been proclaimed,
what has been shown, what has been expressed. Nghĩa chính của nó là “sự
biểu hiện ra”. Năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là phát hiện từ
Danh Sắc, mà Danh Sắc là phát hiện từ Thức (Thức này là viết hoa; còn
thức trong các danh từ như Tàng thức, Nhất Thiết Chủng thức thì không
viết hoa). Từ Thức mà phát sinh ra Danh Sắc, từ Danh Sắc mà phát sinh ra
năm uẩn. Sự biểu hiện đó, sự phát sinh đó được trình bày, được chỉ bày
ra. Khi dịch bản Pali ta có thể dịch đúng như trong bản Biệt Dịch Tạp A
Hàm. Bản dịch này rất hay, còn hay hơn ở Tạp A Hàm, và rất dễ hiểu. Vì
vậy từ bài kệ tiếng Pali, ta có thể dịch ra tiếng Anh như sau:
Men have notions of what that have been expressed, that have been
shown, they take up their stand on these perceptions, and that is why
they go their way under the yolk of Death.
Ta thấy ba bản văn, bản Pali và hai bản tiếng Hán, cùng mang một ý
như nhau: Khi ta có một cái ý niệm về hạnh phúc, ta có thể bị kẹt vào ý
niệm về hạnh phúc đó, và ta đi vào nẻo đường của khổ đau, là vì ta không
biết được bản chất của cái mà ta gọi là hạnh phúc. Chúng chỉ là đau khổ
trá hình mà thôi. Nhìn quanh ta thấy có vô khối người đang đi như vậy
vì họ không biết bản chất của đối tượng mà họ đang đi tìm hay đi theo.
Bài kệ này là câu trả lời căn bản của Bụt về vấn đề hạnh phúc.
Thường thì ta có một ý niệm về hạnh phúc và ta nắm lấy ý niệm đó mà
không biết rằng như vậy là ta đang đi trên con đường của khổ đau. Ngôn
ngữ của Kinh điển có khuynh hướng giải thích về những cái nguy hại,
những tính cách giả tạo của ái dục, khuyên ta xa lìa ái dục, rũ bỏ những
ảo tưởng, mà chưa có đủ những ngôn từ, những lời nói để giúp ta tìm
thấy cái hạnh phúc chân thật. Vì vậy trong khóa tu này ta phải thiết lập
lại sự thăng bằng. Phần nói về ái dục là phần khai thị bên phía tiêu
cực.
Phần trình bày về hạnh phúc chân thật là phần khai thị về phía tích
cực. Thầy Samiddhi đã trích dẫn lời của Bụt nói “trong ái dục vị ngọt
thì rất ít, mà vị cay đắng rất nhiều; cái lợi rất nhỏ mà cái hại rất
lớn; nó làm cho chúng ta bị đốt cháy, nó làm cho chúng ta đi theo con
đường của thần chết”, rồi thầy Samiddhi cũng nói “tới với Chánh Pháp,
sống với cái Pháp và Luật của Thế Tôn thì chúng ta có thể hạnh phúc
trong giây phút hiện tại, chúng ta xa lìa được những phiền não đốt cháy,
chúng ta có thể hiện pháp lạc trú, nghĩa là tìm thấy an lạc, hạnh phúc,
giải thoát ngay trong hiện tại”. Vì vậy trong Kinh Samiddhi ta thấy sự
diễn bày về phần tích cực của hạnh phúc tương đối nhiều hơn trong những
kinh khác. Kinh Samiddhi không những chỉ nói về các tai hại, quá hoạn
của ái dục, mà chỉ nói về các tai hại, quá hoạn của ái dục, mà còn nói
tới cái tự do, cái thênh thang của hạnh phúc chân thật. Trong danh từ
“quá hoạn”, quá có nghĩa là những cái lỗi lầm, tiếng Pháp gọi là les
defauts; hoạn là sự nguy hiểm, les dangers.
Theo nguồn Làng Mai