Đạo Phật có phải là một cái gì xa cách, đối lập và hủy diệt
đời sống không?
Phần đông chúng ta khi đứng ở ngoài mà nhìn đạo Phật, nghe
nói những danh từ mà không thực hiểu ý nghĩa như xuất gia (bỏ nhà), xuất
thế (ra khỏi đời), Niết bàn tịch diệt… rồi nhìn thấy những vị đại diện
cho đạo Phật ở thế gian là những vị Tăng, các vị ăn mặc khác với đời,
sinh hoạt khác với đời… thì chúng ta dễ hiểu đạo Phật là một cái gì xa
cách với đời sống, thậm chí đạo Phật là một cái gì đối lập với đời sống,
hủy diệt đời sống.
Đạo Phật có phải là một cái gì xa cách, đối lập và hủy diệt đời sống
không?
Sau khi có 60 đệ tử đạt đến trạng thái tịch diệt gọi là Niết bàn, đức
Phật cho các ngài đi truyền bá giáo pháp và nói với các vị ấy như sau: “Cũng
như Như Lai, các con đã thoát khỏi mọi sự trói buộc dầu ở cảnh người
hay cảnh trời. Hãy ra đi, các Tỳ khưu, đem hạnh phúc đến cho nhiều
người.
Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư
Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này các Tỳ khưu, hãy hoằng
dương chánh pháp, hoàn hảo ở đoạn đầu, hoàn hảo ở chặng giữa, hoàn hảo ở
đoạn cuối, hoàn hảo trong cả hai, ý nghĩa và văn tự.
Hãy công bố đời sống thiêng liêng và cao thượng, vừa toàn thiện
vừa trong sạch”.
Qua lời nhắn nhủ về việc truyền bá đạo Phật, chúng ta cũng thấy đức
Phật dùng những ngôn từ tích cực, “thoát khỏi mọi trói buộc khổ đau”
, “đem lại sự tốt đẹp” , “đem hạnh phúc đến”, “lợi
ích cho số đông” , “hoàn hảo ở chặng đầu, chặng giữa và chặng
cuối”, và nhất là “Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao
thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch”.
Đạo Phât không gì khác hơn là cái đời sống thiêng liêng cao thượng,
toàn thiện và trong sạch này. Niết bàn không gì khác hơn là “đời sống
thiêng liêng cao thượng, tịch diệt mọi ràng buộc khổ đau” đó.
Bởi thế, chúng ta thấy đức Phật và các đệ tử A La Hán, một khi đã đạt
đến Niết bàn, các vị có chết đi mất đâu, mà trái lại, các vị sống, sống
toàn hảo, luôn luôn mỉm cười, luôn luôn từ hòa vui vẻ, luôn luôn sống
cái đời sống đích thực nhất, tích cực nhất.
Và khi thân xác này rời rã, các vị an vui từ bỏ xác thân, không tùy
thuộc vào hình tướng, không tùy thuộc vào sự có mặt hay không có mặt của
vũ trụ này.
Còn chúng sinh chúng ta, luôn luôn sống trong lo sầu phiền não, luôn
luôn đảo điên khổ sở, luôn luôn chập chờn giữa hy vọng và thất vọng,
luôn luôn buồn phiền cho tới chết. Chúng ta không thể lìa bỏ phiền não,
lìa bỏ khổ đau, vì phiền não và khổ đau là chính chúng ta; cái mà chúng
ta tự gọi là mình, là cái ta, chỉ là một khối khổ uẩn, bỏ nó chúng ta
không còn gì để sống.
Chúng ta sợ phải lìa bỏ phiền não và khổ đau, vì phiền não và khổ đau
là cái tạo thành chính chúng ta. Bỏ đi cái cuộn chỉ rối rắm không lối
thoát ấy, chúng ta không muốn, vì chúng ta sợ mất chính mình.
Đạo Phật kêu gọi sự lìa bỏ phiền não và khổ đau, nghĩa là lìa bỏ ta
và cái của ta, để sống đời sống thiêng liêng cao thượng, nên chúng ta sợ
đạo Phật, cho nó là yếm thế, chán đời.
Đạo Phật kêu gọi diệt khổ, kêu gọi ta phải lìa bỏ cuộc đời phiền não
không xứng đáng ta đang ôm ấp , cho nên để ôm giữ khối khỗ uẩn của mình,
chúng ta cho đạo Phật là bi quan, trốn đời.
Nhưng cũng vì sợ phải lìa bỏ phiền não khổ đau đã tạo ra chính chúng
ta, bởi thế để duy trì cái ta của mình, mà phiền não tiếp nối phiền não,
khổ đau tiếp nối khổ đau, triền miên không dứt.
Giữa hai đời sống, đời sống tạo bởi những mắt xích phiền não không
bao giờ toại nguyện nối nhau của chúng ta và đời sống diệt tận gốc khổ
đau và phiền não, đời sống thiêng liêng cao thượng của đạo Phật: cái gì
cũng tích cực, thuần túy chân thật và cái gì là tiêu cực, giả tạo, chúng
ta hẳn phải thấy rõ.
*
Trong thực chất, đạo Phật nhắm đến kinh nghiệm thực sự về đời sống và
đạo Phật chính là kinh nghiệm chân thật về đời sống. Kinh nhiệm đó có
thể là Khổ, Vô thường, Vô ngã và Niết bàn tịch tịnh của Nam tông hay
Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Bắc tông.
Cái mà tất cả mọi tông phái Phật giáo dầu ở Nam tông hay Bắc tông
nhắm đến là thực tướng của vạn pháp, nghĩa là cái kinh nghiệm thật sự về
toàn bộ đời sống.
Đức Phật không nói ngài tạo ra chân lý, mà nói Ngài chứng ngộ chân
lý. Nói theo sự diễn tả của ĐĐ Narada Thera trong cuốn Đức Phật và Phật
pháp, thì “đạo sĩ Cô Đàm, lúc ấy 35 tuổi, tiêu diệt mọi ô nhiễm,
chấm dứt mọi tiến trình tham ái, và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp,
đã trở thành một vị Phật”.
Đạo Phật không chống đối với đời sống. Chống đối lại đời sống, chối
bỏ đời sống, đó là con đường khổ hạnh mà đức Phật đã từ bỏ trước khi
giác ngộ. Đạo Phật “tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình
tham ái” về một đời sống giả tạo, để cho đời sống chân thực hiện
bày.
Chúng ta thấy đời sống chân thực đó giản dị và trang nghiêm biết bao
nhiêu, thanh tịnh và an bình biết bao nhiêu, như trong đoạn mở đầu của
kinh Kim Cang đã diễn tả.
Chúng ta cũng thấy một khi mọi tham ái ô nhiễm trói buộc đã bị tận
diệt, cái thực tướng của vạn pháp, khuôn mặt thực của đời sống hiện ra
rực rỡ biết bao nhiêu, như sau khi giác ngộ, trong tuần lễ thứ nhì của
49 ngày sau khi đạt đến Niết bàn, đức Phật đã “đứng một khoảng xa để
nhìn cây Bồ đề trọn một tuần không nháy mắt” (Đức Phật và Phật
pháp, Chương 4).
Chính nhờ tận diệt mọi nhiễm ô mà các vị Thiền sư đã chứng ngộ được “đời
sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện vừa trong sạch”.
Với chúng sinh khô khát trong sa mạc đời, các Ngài chỉ dạy cho cái
thấy của các Ngài: toàn pháp giới là nước. Với chúng sinh đói trong cuộc
đời không thực phầm cho tâm hồn, các Ngài nói: toàn thể pháp giới đều
là cơm. Trong Thiền tông, các Ngài hay dùng từ ngữ “tự thọ dụng”.
Quả thật, nếu đạo Phật không có “cái đời sống thiêng liêng cao
thượng vừa toàn thiện vừa trong sạch” đó, thì khi phủ nhận cái đời
sống thường tục giả tạo này, đạo Phật chỉ là một triết lý đoạn diệt. Mà
đạo Phật thực sự thì luôn luôn rời bỏ chấp đoạn lẫn chấp thường.
*
Đạo Phật chính là sự sống, sự sống đích thật. Một ví dụ để chúng ta
thấy đạo Phật không phải gần với sự đoạn diệt đời sống, gần với cái
chết, mà trái lại gần với sự sống hơn, đối với người bình thường đó là
công việc thiền định.
Chúng ta đều thấy trong những cấp bậc thiền định, càng đi vào thiền
định sâu hơn, người ta càng chứng nghiệm một đời sống bao la rộng rãi
hơn, một sự sống sinh động hơn, một sự sống tràn đầy năng lực hơn.
Măc dầu đó chưa phải là cái đời sống thiêng liêng cao thượng là Niết
bàn, Niết bàn thì không còn một dụng công tìm kiếm gì vế Giới, Định, Huệ
nào nữa cả.
Thế nhưng người bình thường chỉ nhìn thấy người ngồi thiền định lúc
đó y như chết, bất động, hầu như không còn thở, cho rằng tu hành là “gần
với cái chết”, đâu biết rằng, khi đó, người ấy đang sống mãnh liệt
nhất, sung mãn nhất.
Chúng ta có thể nói thêm rằng: Niết bàn không phải là sự tịch diệt
đơn thuần, mà trái lại, Niết bàn là trái tim thuần khiết của đời sống,
hay nói theo Bắc tông, khuôn mặt thật của đời sống sanh tử khổ đau chính
là Niết bàn.
Đến một lúc nào, chúng ta sẽ tự hỏi có thể nào đời sống này nằm ngoài
đạo Phật, có thể nào đời sống có thể sống được mà không cần có đạo Phật
?
Và đến một lúc nào, chúng ta hẳn phải tin chắc rằng, nếu không có đạo
Phật, thì lấy cái gì cứu vớt đời sống phiền não khổ đau bế tắc này ra
khỏi nhiễm ô ràng buộc để trả lại cho đời sống cái nguyên trạng của nó,
với tất cả sự thuần khiết, rực rỡ, trang nghiêm và trong suốt vốn là của
nó?
Uống một tách trà, để thưởng thức được hương vị của nó, chúng ta cũng
cần có một ít giới nào đó, một ít định nào đó. Không ai có thể thưởng
thức một tách trà khi vừa ăn phở vừa nói chuyện tầm phào, hay bụng đã no
vì một thức uống khác và đầu óc thì đang loạn xạ.
Quả thật, phải có một ít “điều thân”, một ít “điều tâm” nào đó để
thực sự thưởng thức chỉ một tách trà. Một nhà nghệ sĩ, có thể trong đời
sống thường nhật rất phóng tứng, nhưng khi sáng tác, cầm cây bút vẽ, cầm
cây viết, người ấy không thể không ở trong một trạng thái giới định huệ
nào đó.
Một nhà khoa học, không có giới định huệ, không thể nào phát minh
được gì cả. Mặc dầu những giới định huệ này chỉ là những giới định huệ
hạn hẹp, nông cạn mà đạo Phật gọi là giới định huệ thế gian.
Nhìn trong mọi mặt của đời sống, chúng ta thấy những nguyên lý của
đạo Phật chính là những nguyên lý của đời sống.
Ví dụ năm 1995, năm Đại hội đồng Liên hiệp quốc kêu gọi là năm của
lòng Khoan dung. Khoan dung là một yếu tố nằm trong Bốn vô lượng tâm Từ
Bi Hỷ Xả của Phật giáo và đã được một phần lớn Phật tử sống theo từ hơn
2500 năm nay.
Thế mà trên con đường đi của nhân loại cái nguyên lý “Hận thù không
thể xóa bỏ hận thù, chỉ có tình thương mới chấm dứt hận thù” nhân loại
vẫn còn phải học, vẫn phải mãi mãi hướng theo để sống cho ra con người.
Tất cả những sự tiến bộ mà con người có được đều dựa trên nguyên lý
Phật giáo. Chúng ta có thể nói rằng đạo Phật là khoa học về đời sống
hạnh phúc, đời sống an lạc. Đạo Phật là khoa học làm cho con người có
bản chất người hơn, nhân bản hơn, nghĩa là an vui hơn và làm cho con
người toàn diện hơn và hoàn thiện hơn, nghĩa là hết phiền não và hạnh
phúc hơn.
Cho nên người thành thực nghiêm túc ắt phải tự hỏi không có đạo Phật
làm sao có thể sống cho ra một con người với tất cả ý nghĩa phong phú
của nó.
Ấy là chưa nói đến “cái đời sống thiêng liêng cao thượng, toàn
thiện và trong sạch” chính là cái định mệnh tất yếu mà mỗi người
phải thực hiện, nếu không muốn mãi mãi làm bạn với bất toại nguyện,
phiền não, khổ đau, hoại diệt và hèn kém. Người ấy ắt có thể mường tượng
được điều mà đạo Phật khẳng định: Đời sống chỉ đáng sống khi nằm trong
giới- định – huệ, đời sống chân thực viên mãn, hạnh phúc viên mãn chỉ có
thể đạt được trong sự tròn đủ của Giới Định Huệ và sự thành tựu tròn đủ
Giới Định Huệ chính là đời sống đó.
*
Đạo Phật không chống đối lại cuộc đời, không lật đổ đời sống, mà trái
lại, đạo Phật “dựng đứng lại” cuộc đời bị ngã đổ, làm “chánh” lại cuộc
đời bị vặn xoắn cong queo bởi phiền não, nhiễm ô.
Chữ “Chính” này nằm trong cụm từ Bát chính đạo. Tám con đường (bát
đạo) này bao gồm toàn bộ đời sống và Tám chánh đạo có nghĩa là làm chánh
lại toàn bộ đời sống.
Sự soi sáng cho thế giới tối tăm, sự dựng đứng lại cho đời sống bị
ngã đổ là ý nghĩa chữ Pháp trong Tam Bảo : Phật Pháp Tăng. “Pháp” mang
một tầm vóc vũ trụ (pháp giới), bao trùm cả ba cõi.
Pháp là những nguyên lý của đời sống vũ trụ và là ý nghĩa của toàn
bộ đời sống. Khi dùng chữ Pháp để chỉ tất cả những giáo lý của mình, đạo
Phật không tự giới hạn mình như một triết lý, một tôn giáo, một đường
lối thực hành tâm linh, mà đạo Phật chính là đời sống đích thực của toàn
bộ ba cõi.
Không có sự soi sáng của Pháp, không có sự dựng đứng lại của Pháp
thì tất cả đời sống nằm trong tối tăm, ngã đổ, đảo điên và “rối như
một cuộn chỉ”.
Có thể nói Pháp của đạo Phật là ánh sáng đem lại sự sáng tỏ cho đời
sống, là sự sống thật của chính đời sống. Không có đạo Phật thì thế
giới sẽ ngả nghiêng không có xương sống, không có đạo Phật thì cũng
không có ý nghĩa của thế giới, vì đời sống vẫn nẳm trong bóng tối của vô
minh.
Cho nên có thể kết luận, đạo Phật không chối bỏ, không từ bỏ đời
sống. Trái lại, một nguyện vọng sâu xa nhất của đạo Phật là vĩnh viễn
thường trụ ở đời, không phải cho chính mình, mà đem lại ánh sáng, ý
nghĩa và sự sống chân thật cho chính cuộc đời.
Và chúng ta hãy lập lại một lần nữa lời dặn dò của đức Phật, lời dặn
dò không chỉ có ý nghĩa với riêng một thời đại nào, mà có ý nghĩa vĩnh
viễn ngày nào còn có chúng sanh và thế giới, lời dặn dò phải được lập đi
lập lại mãi suốt mọi thời gian, suốt mọi chu kỳ lịch sử:
“Hãy ra đi, các Tỳ khưu, đem lại sự tốt đẹp cho mọi người, đem
hạnh phúc đền cho mọi người. Vì lòng từ bi, hãy dem lại sự tốt đẹp, lợi
ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi
một ngả.
Này các Tỳ khưu, ãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu,
toàn hảo ở chặng giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai, ý
nghĩa và văn tự.
Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện cừa
trong sạch. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo
pháp siêu việt.
Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được như vậy, là các con
đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo: Tuần báo Giác Ngộ