Giá trị
giáo dục của Phật giáo – một giá trị nhân bản sâu sắc
Đạo Phật đã ra đời trong
một thực tại đa diện, phồn tạp của nền văn minh Ấn Độ, xuất hiện để dung
hòa các trào lưu tư tưởng đối nghịch, để san bằng những ngăn cách xã
hội giữa các đẳng cấp. Rồi từ những căn bản đó, Phật giáo đã duỗi dài
nguyên lý vào cuộc sống con người khắp mọi nơi. Trong cội rễ sâu xa,
ngay từ khởi thủy tư tưởng giáo dục của triết lý Phật giáo đã mang trong
mình những giá trị nhân bản chung toàn nhân loại. Đặc trưng cơ bản nhất
đó là tính toàn vũ trụ, toàn diện, tổng hợp. Trong đó lòng Từ bi – Bình
đẳng – Vô ngã cùng sự hướng thiện mà đạo Phật muốn giáo dục con người
với mục đích “cứu khổ” là quan trọng nhất.
Theo Đạo Phật, chính
“chấp ngã” đã gây ra cho lịch sử loài người những cuộc chiến tranh núi
xương sông máu, chiến tranh tội ác và bạo lực đã và đang là điều nhức
nhối của toàn nhân loại. Trong tình hình này Phật Giáo kêu gọi mọi
người hãy dứt các việc làm ác mà hãy hành thiện, khuyên con người dang
rộng vòng tay ôm vũ trụ vào lòng và đừng bao giờ khép kín tâm tư lại.
Hãy phát triển nhân đạo và từ bi quên đi những cái ta ích kỷ, nhỏ hẹp để
được yêu vũ trụ rộng lớn.
Vì thế tính giáo
dục của Phật giáo đã đến với nhân loại với tinh thần khoan dung kêu gọi
mọi người nhường cơm xẻ áo, nhìn nhau bằng ánh mắt từ hòa, góp phần hình
thành nên nền đạo đức xã hội, để hòa điệu với cái “ta rộng lớn” của
toàn thể vũ trụ vô biên, Đức Phật đã từng dạy: Một hạnh phúc vĩnh cửu
chỉ sống mạnh trong một tâm hồn giải thoát và tâm hồn giải thoát chỉ có
thể thực hiện một khi cá nhân chịu nhường bước. Một bản ngã đứng tách
riêng ra ngoài là không thể tồn tại khỏe mạnh được. Đó là mục đích giáo
dục con người hoàn thiện cả về tài lẫn đức trong một xã hội văn minh.
Vì vậy nội dung giáo dục
của triết lý Phật giáo chẳng khác gì lời kêu gọi hòa bình – một nhu cầu
luôn cần cho mọi người, mọi nhà, và là tài sản quý báu nhất của nhân
loại. Đây là giá trị nhân đạo nhất và khác với mọi tôn giáo khác, trong
suốt lịch sử tồn tại và phát triển Phật giáo luôn xuất hiện và thâm nhập
vào các dân tộc như sứ giả của hòa bình và an lạc.
Giáo dục con
người sống có đạo đức và đạt được hạnh phúc
Phật giáo cho con người
là hơn cả vì có thể thực hiện được tất cả sự tốt đẹp để có thể sống hài
hòa. Để giáo dục đạo Phật đã đưa ra bốn chân lý kỳ diệu, với yếu tố biện
chứng, kết cấu chặt chẽ khi đưa ra lý thuyết “ngũ uẩn”, chỉ rõ căn
nguyên của khổ đau là do thâm, sân , si cùng với lý luận về thập nhị
nhân duyên, đồng thời khẳng định con đường diệt khổ đó là “trung đạo”,
“bát chính đạo”... chứa đựng sự lý đầy thuyết phục và hướng con người
đến nếp sống thiện lánh xa cái ác. Dạy con người sống cảm thông, hỷ xả
với nhau một cách hòa mục. Vị tha dạy con người sống vì người khác, bao
dung độ lượng đó là phương pháp giúp con người đạt được đức hạnh. Đây
là động lực nảy sinh mọi điều tốt lành.
Phật giáo khẳng định tất
cả mọi người đều có “Phật tính” sẽ đạt được nếu thực hành đúng theo giáo
lý trao dồi đạo đức trong cuộc sống của chính mình sẽ được hạnh phúc.
Từ đó ta thấy giá trị
tinh thần đạo đức toàn diện của giáo dục Phật giáo là trình bày sự thật
về những mối tương quan giữa sự vật hiện hữu trong cuộc đời để giúp con
người có được chính kiến hòng tạo lập cuộc sống của mình và chuyển đổi
hoàn cảnh, để có thể chinh phục và cảm hóa được mọi người xung quanh.
Xây dựng một xã
hội văn minh và tự do
Thế giới này đang sôi sục
chiến tranh, mọi bảng giá trị hầu như được con người quy chiếu bằng
thước đo đồng tiền. Thái độ “chấp thủ” của từng cá nhân ngày càng nhân
lên, thay vì “xả ly” họ lại tự trói mình bằng gông cùm trong hiện hữu.
Con người hiện đại ít nhiều đã tự đánh mất phẩm chất cao quý của mình để
chạy theo lợi nhuận.
Dù vậy, Đạo Phật đã dạy
một đời sống tốt đẹp không chỉ tạo bằng thức ăn ngon, áo mặc đẹp, mái
nhà xinh xắn, mà còn được sinh động bởi ý định trong sạch, một lòng từ
bi không giáo điều cũng không triết lí bác học. Mà đó là lòng kính trọng
phẩm giá quyền lợi của mọi người. Để hết chiến tranh, xây dựng xã hội
văn minh, con người phải hết tham lam, thù hận cố chấp. Muốn sống hòa
bình an lạc, con người phải có tình thương và hiểu biết. Hòa bình không
thể có được chỉ bằng cầu nguyện, ký tên, hay hội thảo kêu gọi suông mà
phải làm sao cho mọi người tỉnh thức và chuyển hóa. Những lời kêu gọi đó
hết sức có giá trị và nhắc nhở cảnh tỉnh nhân loại hãy đoàn kết góp
phần tích cực vào công cuộc giữ gìn hòa bình.
Mặt khác trong điều kiện
sản xuất chưa phát triển mạnh của xã hội, nhu cầu vật chất ngày càng
cao, nên cuộc sống con người gặp khó khăn, nên cái khổ vẫn là điều tất
yếu, đôi khi con người cảm thấy bi quan thất vọng. Do vậy, sự giải thích
cuộc đời con người chỉ quẩn quanh trong nổi khổ “nhân sinh là khổ” hết
sức có ý nghĩa. Việc đưa ra con đường diệt khổ, tự giải thoát mà không
chờ bất kỳ cứu nhân độ thế nào đã trở thành tự tưởng giáo dục đầy khích
lệ hấp dẫn, mang tính nhân văn sâu sắc.
Tư tưởng giáo dục này
cũng có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhằm
xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà trong đó
quần chúng nhân dân là hạt nhân cơ bản để xây dựng nên tòa lâu đài văn
minh của xã hội, đem lại hòa bình cho toàn thể nhân dân ta.