Ước mơ của những đứa trẻ ở khu bãi rác giữa lòng thành phố
Hạnh Ý/Báo Giác Ngộ
31/12/2021 10:09 (GMT+7)

Ở khu bãi rác này có gần 1.500 hộ gia đình “đặc biệt” lấy rác làm nhà, dựng thành chòi để che mưa, che nắng, nơi mà hàng ngày, rất nhiều đứa trẻ chơi đùa bên cạnh rác thải và vẽ nên ước mơ tươi sáng về tương lai...

Bà và cháu

“Tui ở đậu đất này được vài năm, từng có suy nghĩ là ráng lượm ve chai kiếm tiền, để cho cháu ngoại đi học đàng hoàng hoặc kiếm chỗ trọ cho cháu ở kín đáo. Nhưng giờ sức khỏe tui yếu, tui chỉ cầu xin chủ đầu tư thực hiện dự án muộn để không lấy lại đất, cho bà cháu tui có chỗ ở. Bây giờ con bé 10 tuổi, ráng đến khi cháu 12 tuổi thì tui có nhắm mắt cũng đỡ lo hơn”, cô Nguyễn Thị Hồng Hoa, sống ở khu bãi rác chia sẻ khi được hỏi về điều gì cô ấp ủ mà vẫn chưa thực hiện được. 

Cô Hoa quê ở Tây Ninh, sau đó xuống TP.HCM mưu sinh, lập nghiệp. Trước đây cô có hộ khẩu thường trú ở phường 1, quận 8 nhưng sau này một mình nuôi cháu ngoại, nghèo khó rồi phải ra khu bãi rác sinh sống. “Nó mười tháng tuổi thì ba mẹ nó bị tai nạn qua đời. Hai bà cháu ôm nhau sống. Ngày nào bán vé số được, lượm ve chai được thì cho cháu ăn ngon chút, bù cho những ngày chẳng có gì để ăn!”, theo lời cô Hoa.

Tuyết Nhi và bà ngoại bên "tổ ấm" dựng lên từ rác - Ảnh: Ngọc Trân

Để có “căn nhà” mà cô Hoa gọi là tổ ấm này, hai bà cháu đã tận dụng mọi thứ nhặt được từ bãi rác, từ những tấm bạt, tấm phên, đến cái nệm, cái chăn, cái mền, tấm ván ép. Vì “nhà” làm từ rác nên trống trước, trống sau. Chúng tôi ghé thăm đúng lúc trời đổ mưa, 7 giờ đêm, hai bà cháu ngồi co ro chia nhau tô mì gói, bên cạnh là tiếng nước mưa nhiểu xuống lộp độp. Nước mưa rơi không chừa một chỗ nào trong nhà, kể cả chỗ ngủ. Cô Hoa kể, ở tuổi 57, sức khỏe đã hao hụt dần, đêm nào trước khi ngủ cô cũng đến trước bàn Phật thắp hương, niệm Phật. Cô cầu mong những điều ước nhỏ bé, gói trong hai chữ “thương cháu”. 

Biết bà ngoại cả đời hy sinh, Tuyết Nhi - cháu gái cô Hoa, ngoài việc hàng ngày phụ ngoại lượm ve chai, còn ấp ủ ước mơ học giỏi để làm ra tiền nuôi ngoại, ngoại muốn ăn gì cũng có tiền mua cho ngoại ăn. Trong căn chòi tạm bợ ấy, Tuyết Nhi vẫn chong đèn học bài, nắn nót từng con chữ, nuôi ước mơ làm bác sĩ, để cứu chữa cho những người nghèo có hoàn cảnh như bà cháu mình. 

Ước mong “nuôi chữ”

Những ngày đầu tháng 10-2021, khi thấy những cuốn tập bên cạnh những nhu yếu phẩm mà chúng tôi đem đến để trao cho người dân khu bãi rác, hai chị em Thúy Phượng và Trúc Ly đứng từ xa dõi theo. Bẽn lẽn một hồi, Trúc Ly rón rén đến gần chúng tôi: “Cô cho con tập để con đi học...!”. Ly nói tiếp: “Năm nay con vào lớp 1, nhưng con chưa biết mình được đi học như chị hay không nữa cô ơi vì nhiều lần ba mẹ hứa mua cho con tập nhưng chưa có tiền để mua”. Em dẫn chúng tôi vào căn nhà ở cuối con rạch, nước và rác lềnh bềnh, được bố mẹ em mướn với giá 850 ngàn đồng/ tháng. 

Chị Trịnh Thu Cúc, mẹ của Thúy Phượng và Trúc Ly quê tận Sóc Trăng, chị sinh năm 1972 nhưng đến giờ phút này chỉ có mỗi một tờ giấy “kiểm tra tạm thời có giá trị đến ngày 30-12-1988” để chứng minh nhân thân. “Giấy hết hạn lâu lắm rồi, ngoài 20 năm mà vẫn chưa làm lại được. Cái ăn giờ hai vợ chồng còn chưa lo đủ cho các con nên giấy tờ gì cũng chưa lo tới nổi...”, chị Cúc buồn thiu nhìn về phía căn “nhà” tạm bợ của mình.

Ba mẹ con chị Cúc bên ngôi nhà nước ngập, cập mé con rạch 

Thúy Phượng năm nay vào lớp 3, em hồn nhiên kể: “Tụi con thương mẹ nhiều, thương nhất lúc ba đi làm về cực, mà ba có nhậu say là chửi mẹ, có lần đánh mẹ. Mẹ có chửi lại, có đánh lại nhưng không làm lại ba”. Rồi cả hai đứa trẻ đồng thanh: “Tụi con bênh mẹ bằng cách ôm mẹ”. 

Đến đây thì chúng tôi phần nào hiểu lý do vì sao Thúy Phượng học lớp 3 ở lớp học tình thương, sáng học ở một nơi, chiều học ở một nơi để mót từng con chữ; và Trúc Ly dù mới đủ tuổi vào lớp một nhưng hào hứng với việc học. Hai đứa trẻ dường như đủ tinh tế để biết, đến trường và biết chữ là cánh cửa để giúp mẹ nhiều hơn, sau này làm ra được tiền để lo cho mẹ nên đứa nào cũng cố gắng.

Bé Thúy Phượng, khoảng 10 tuổi, bày tỏ sự lo lắng gia đình cho nghỉ ở lớp học tình thương để bán vé số - Ảnh: Nhã An

Khi hỏi về ước mơ của mình, chị Cúc rụt rè nói: “Ước có tiền để cơi nền nhà để mỗi ngày khỏi ngập. Có ngày nước ngập nửa nhà, vợ chồng con cái bì bõm lội nước. Với lại, có tiền mua tập vở cho con đi học, biết chữ là mừng dữ lắm rồi, không dám ước mơ gì thêm”. 

Khi Đại đức Thích Đồng Nguyện, Giám đốc Trung tâm Tham vấn Hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (quận Gò Vấp, TP.HCM) hỏi Thúy Phượng có chịu về chùa để thầy nuôi đi học không, phải thật lâu em mới trả lời: “Con và em con đi qua chùa thầy ở thì sẽ được đi học, con thích đi học, em con cũng vậy. Nhưng không có mẹ, con không muốn...”. 

Đôi vợ chồng và ước mơ đưa con đến trường 

“Ngày trước tôi có rất nhiều ước mơ, mơ thoát nghèo, mơ ngày nào cũng làm được nhiều tiền để vợ con được ở nhà khỏi đi bươn chải dầm mưa, dãi nắng. Nhưng giờ, ước mơ lớn nhất của tôi là làm sao cho con có giấy khai sanh để con được đến trường”, anh Trần Văn Thảo, người đàn ông trụ cột của gia đình đã òa khóc khi nói về đứa con gái nhiều thiệt thòi của mình. 

Anh Trần Văn Thảo năm nay 50 tuổi, làm nghề thợ hồ, sơn nước,… ai mướn gì làm nấy. Còn chị Đặng Thị Thanh Hải, 42 tuổi làm nghề lượm ve chai. 4 tháng TP.HCM giãn cách là bấy nhiêu ngày cả hai vợ chồng thất nghiệp, sống lay lắt nhờ vào tiền trợ cấp và quà cứu đói mạnh thường quân trao tặng.

Chị Đặng Thị Thanh Hải, 42 tuổi, ẳm đứa con nhỏ 18 tháng tuổi bên căn nhà xập xệ cạnh con rạch ở gần bãi rác - Ảnh: Ngọc Trân

Bé Kim Tiền là đứa con thứ bảy của chị Thanh Hải. Năm nay em đúng tuổi vào lớp một nhưng anh Thảo chạy đôn đáo suốt 5 năm liền vẫn không thể làm được giấy khai sinh cho con. Trong căn nhà mọi thứ đều luộm thuộm nhưng có một cái tủ còn vẹn nguyên, đó là nơi anh Thảo cất những xấp giấy tờ liên quan đến các con. “Tờ đơn xin nhận giấy chứng sinh này của bé Kim Tiền tôi đi sang Bệnh viện Từ Dũ rất nhiều lần và nhờ nhiều người giúp nhưng vẫn không được...”, anh Thảo vừa nói, vừa cho chúng tôi xem những nỗ lực anh “chạy chữ” cho con mình. 

Để con không mù chữ, mỗi ngày anh Thảo và vợ thay nhau dạy con nắn nót viết từng con chữ, biết chữ nào thì anh chị dạy con chữ đó, được nhiêu hay nhiêu. Nghe ba nói con nói ráng học sau này đi làm có tiền cho mẹ, bé Kim Tiền viết chữ nhiều thật nhiều. “Con muốn mình lớn nhanh thật nhanh như chị Hai, để đi làm có tiền cho mẹ. Mẹ con tóc bạc hết rồi...”. Em nói đoạn rồi kể tiếp: “Có những ngày em bệnh sổ mũi, sốt, mẹ cũng bệnh nhưng mẹ vẫn dẫn em, dẫn con đi lượm ve chai...”.

Những đứa trẻ vui chơi trên các đống rác vừa đổ xuống - Ảnh: Ngọc Trân

Với bé Kim Tiền, mọi ước mơ và mong muốn đều gắn liền với mẹ. Dù còn rất nhỏ, bản thân có bệnh về da, những mảng da xù xì và ngứa ngáy, nhiều đêm không ngủ được nhưng nhắc đến là em lờ đi, chỉ nghĩ đến mẹ chứ không nghĩ là sẽ chữa bệnh cho mình. “Thấy con hiếu thảo, mỗi lần như vậy là tôi xót xa, đau lắm. Mong muốn duy nhất là con nó được học, được chữa bệnh, để nó không khổ như đời của mẹ nó”, chị Hải chia sẻ. 

Anh Thảo nói hết dịch ai có mướn làm ngày làm 16, 17 tiếng anh cũng làm, chỉ mong sao con được đến trường và dành dụm đủ tiền để chữa bệnh cho con. Đôi vợ chồng nghèo sẵn sàng hy sinh tất cả cho con, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình anh Thảo, chị Hải, khi cái ăn còn phải vật lộn như thế kia, liệu họ có đủ sức để nuôi lớn ước mơ thay đổi cuộc đời cho con trẻ?

Bé An bất ngờ khi nhận được sữa và bánh - Ảnh: Nhã An

Anh Trần Quốc Đạt, tổ trưởng tổ 222A, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết: “Ở khu bãi rác này có gần 1.500 hộ dân ở trọ, ở đậu, đi làm thuê, lượm ve chai, phụ hồ, bán vé số, chưa tính hộ định cư và thường trú”.

Anh Lâm (ngụ quận 8) đến bãi rác ở xã Bình Hưng để nhặt những thứ có thể bán lại được kiếm tiền mưu sinh - Ảnh: Ngọc Trân

Câu chuyện của người bà, trải lòng của những cha mẹ và các con trẻ ở trên, chỉ là ba trong số cả nghìn hộ mà ngẫu nhiên phóng viên Giác Ngộ ghi nhận. Gần 1.500 hộ dân nơi đây, hơn lúc nào hết, họ cần được biết đến, cần sự sẻ chia để vơi bớt nhọc nhằn và để ước mơ biết chữ, thoát nghèo của những đứa trẻ nơi đây được chắp cánh.


GNO

Các tin đã đăng: