Đạo đức và vấn đề siêu việt thiện-ác trong đạo Phật.
MT
27/12/2021 15:20 (GMT+7)


Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, cũng là phạm trù cơ bản làm thước đo đời sống đạo đức của con người.

1. Khái niệm về đạo đức học ngày nay và về thiện ác.

Đạo 道:  đường, phương pháp, phương hướng, cái lẽ, cái cách cần noi theo.
Đức德: phẩm chất tốt đẹp, quy phạm mà con người phải tuân theo.
Đạo đức 道德;  E: morality;  F: morale (f) – thường để chỉ những yêu cầu, những nguyên tắc cuộc sống đặt ra, đòi hỏi mọi người tuân theo để được xem là tốt, là lành. Có thể nhận thấy rằng đạo đức không sinh ra từ đạo đức mà nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội.
 
Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, cũng là phạm trù cơ bản làm thước đo đời sống đạo đức của con người.
 
Cái Thiện (善;  E: good;  F: le bien)  là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ xã hội. Cái thiện phải được thể hiện qua việc góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội. Cái thiện làm cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên cao thượng hơn, tốt đẹp hơn và giàu tính nhân văn hơn.
 
Cái Ác (惡;  E: evil;  F: le mal)    là cái xấu xa cần phải tránh bỏ trong đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm mất đi cái văn minh, hạ thấp đi cuộc sống con người.
 
       Quan điểm về thiện và ác ngày nay được đánh giá tuỳ vào nó có thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của con người. 



 
2. Đạo đức trong đạo Phật và vấn đề siêu việt thiện ác.


        Từ ngữ đạo đức cũng như từ ngữ tôn giáo đều phát xuất từ phương Tây. Vì thế, trong đạo Phật khởi thủy dường như không nói đến các từ ngữ này. Tuy nhiên, nếu dựa vào khái niệm trên thì đạo Phật có thể tạm dùng  từ  đạo đức để chỉ giới  [Pali; Sanscrit: sila],  từ thiện  [Pali: kushala;  Sanscrit: kusala]  và  ác # bất thiện [Pali: akushala;  Sanscrit: akusala] (theo Buddhist Dictionary: Sanscrit/Pali – Vietnamese - English của Thiện Phúc).
 
       Giới của đạo Phật là nền tảng đưa tới tuệ nghiệp:  Giới – Định – Tuệ. Nghĩa là đạo đức của đạo Phật nhắm mục tiêu vươn xa là tuệ.  Với tuệ này thì thiện hay tốt lành không còn là mối bận tâm nữa; nói cách khác, tuệ là cách để kiện toàn đạo đức, thực hiện mục tiêu:
 
 “Không làm các điều ác,
Thành tựu mọi việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
 Ấy lời chư Phật dạy”
(Kinh Pháp Cú, Phẩm XIV, bài kệ 183).

       Theo đó, nội dung giới (đạo đức) của đạo Phật có thể chia làm 2 hướng chính ứng xử song hành là ngoại cảnh và nội tâm, trong đó lấy Duyên khởi nói lên tính tương đối (vô thường) và tính không thực thể (vô ngã) của vạn sự vạn vật làm nền tảng ứng xử xuyên suốt.
- Ứng xử với ngoại cảnh:  có thể dụng duyên khởi để vượt qua các bế tắt do cố chấp từ sự giao tiếp của 6 căn với 6 trần. Trong trường hợp này, nguyên lý đạo đức của đạo Phật có thể phát biểu như sau:
+ Thiện:  chỉ cho hành động tạo tác đem tới lợi ích cho mình và cho người [ở phạm vi hẹp hay phạm vi rộng (vi mô hay vĩ mô)], thậm chí mở rộng cho muôn loài.
+ Ác:  chỉ cho hành động tạo tác đem tới lợi ích cho mình mà hại người, hoặc  lợi ích cho người mà hại mình hoặc hại cả mình và người.
(Nội dung Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và trong Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147).
 
Sự việc đánh giá này hoàn toàn có tính tương đối, bởi lợi nào cũng ít nhiều kèm theo hại, hãy gắng sao lợi vượt trội hơn hại là tạm được. Cũng chính vì thế mà nhiều nhận định cho rằng ranh giới giữa thiện và ác lắm khi không rõ rệt, có thể dễ bị hiểu lầm. Thế giới là cả vô hạn chuỗi nhân quả giao thoa chằng chịt nhau. Kết quả tối ưu dần được nâng cao bởi tuệ theo thời gian rèn luyện tu học.
- Ứng xử với nội tâm:  sự thấu suốt  duyên khởi có thể soi sáng như sau.
+ Thiện:  có thể dụng duyên khởi để vượt qua các bế tắt do cố chấp nắm giữ sự kiện ngoại cảnh là thật có, đưa tới nội tâm thanh tịnh.
+ Ác:  do không thấu hiểu được Duyên khởi, cố chấp trên các hành vi nên dễ gây ra các nuối tiếc, các ray rứt, các ân hận …, nói chung được gọi là phiền não luôn làm cho nội tâm của chính mình loạn động.
 
Những giới luật không hàm chứa ý nghĩa của nội dung này đều có thể sửa đổi thích nghi,  nhất là các giới luật mang tính lịch sử giai đoạn.  Ví dụ như Bát Kỉnh Pháp có nhiều sơ hở về mặt nhận thức, không tương ưng với giáo lý cơ bản; đã có nhiều chứng minh về mặt lịch sử sự ra đời của BKP này, cho thấy nó không do chính đức Phật chế định.
 
Trong cả 2 trường hợp ứng xử ngoại cảnh và nội tâm, mọi cố chấp đều đưa tới hành động bất thiện. Bởi mọi cố chấp đều bắt nguồn từ sự không thấy biết ra thực tính duyên hợp (si), cố nắm giữ với lòng ưa thích mà dần đưa đến chiếm đoạt (tham) hay với lòng chê ghét mà dần đưa đến tâm loại trừ (sân).
 
Với nhận thức sâu sắc thực tính duyên hợp (tuệ), hành giả có thể phản xạ nhạy bén, ứng xử hài hòa trong mọi sự việc. Nói cách khác, hành giả chủ động về thiện-ác, hoặc hành giả đã siêu việt thiện-ác.
 
Có thể nói rằng đạo đức của đạo Phật, không chỉ quanh quẩn trong phạm trù thiện ác như các nền đạo đức khác, mà còn có một bước nhảy vọt để đi đến một đạo đức hoàn hảo.


Các tin đã đăng: