Lời giới thiệu trên trang mạng "Mảnh Đất Giác Ngộ" ("Terre d' Eveil"): Walpola
Rahula là một vị Đại sư Tích Lan rất nổi tiếng, trong một
dịp ghé Pháp đã có nhã ý trả lời một cuộc phỏng vấn do một ngôi chùa ở
Bourget (ngoại ô phía bắc Paris) tổ chức vào ngày 27 tháng 7
năm 1994.
Cuộc phỏng vấn xem như bình thường này dường như tiềm ẩn một sự
nghịch lý nào đó vì đã phản ảnh một hương vị [thiền học]
toát ra từ phong thái của các vị thầy Nhật Bản - là những
người chủ trương một sự hiểu biết trực nhận - thế nhưng Walpola
Rahula thì lại là một vị thầy tu tập theo Phật Giáo Theravada.
Phải chăng điều này cho thấy là trí tuệ của Ngài Walpola
Rahula đã vượt lên trên tất cả các học phái [của Phật Giáo
nói chung]? Người thực hiện cuộc phỏng vấn này là Thierry
Truillet.
(Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của bài phỏng vấn này trên nhiều trang mạng Phật Giáo như:
http://www.vipassana.fr/Textes/WalpolaRahulaLaVeriteNeRelevePasDeLaMemoire.htm
http://www.buddhaline.net/La-verite-ne-releve-pas-de-la
http://www.buddhachannel.tv/portail/spip.php?article1953&lang=fr)
Sự Thật không hiển lộ từ Trí Nhớ cũng không phát sinh từ Kiến Thức mà từ sự Hìểu Biết
- Ngài cảm thấy thế nào về sự phát triển của Phật Giáo ở phương Tây?
Tôi
nghĩ rằng xưa nay số người theo Phật Giáo chưa bao giờ
đông đảo, kể cả ở các quốc gia mang truyền thống Phật Giáo như
Ấn Độ và Tích Lan. Ngay cả ở Ấn Độ vào thời kỳ của Đức Phật,
nhiều người trong số các đệ tử của Ngài cũng không [đủ
sức] hiểu được giáo huấn của Ngài. Ngày nay cũng chẳng
khác gì hơn. Không sao có thể đạt được sự hiểu biết sự thật bằng
một phép luyện tập nào cả. Việc luyện tập [đơn thuần] không đủ
sức mang lại việc đó. Theo kinh sách Phật Giáo thì một
người nào đó dù từ trước chưa bao giờ có dịp diện kiến
với Đức Phật, tức có nghĩa là chưa bao giờ [may mắn được] luyện
tập, [thế nhưng chỉ cần] nghe Ngài thuyết giảng cũng có thể hiểu
biết (thấu triệt/nắm bắt) được sự thật (xin
lưu ý là Walpora Rahula cố ý không nêu lên các thuật
ngữ đặc thù và chuyên biệt trong Phật Giáo như "quán thấy", "cảm
nhận bằng trực giác", "giác ngộ"..., có thể là vì lý do các
thuật ngữ này đã bị lạm dụng và trở thành quá công thức và
quy ước hay chăng. Do đó Ngài chỉ sử dụng các
chữ thật đơn giản như " hiểu biết sự thật"... để
chỉ sự Quán Thấy hay sự Giác Ngộ...).
- Vậy
thì Ngài nghĩ thế nào về các phương pháp đã
được đem ra giảng dạy nhằm mang lại sự thực hiện ấy, chẳng
hạn như các phép thiền định vipassana (sự quán thấy sâu xa) và samatha (sự chú tâm)?
Chăng phải đấy cũng chính là các kỹ thuật luyện tập, kết
hợp giữa các tư thế của thân xác và các phép
luyện tập tâm thần...
Tất cả các thứ ấy chỉ ích lợi cho những kẻ không biết làm gì khác hơn!
- Vậy theo Ngài thì phải bước theo con đường nào bây giờ?
Chẳng có con đường nào cả. Một khi nêu lên một con đường hay một kỹ thuật nào đó, thì mọi sự sẽ chấm dứt ở đấy (sự thăng tiến sẽ dừng lại và "con đường" chỉ là một sự bế tắc).
Phép thiền định vipassana [tự nó] không hàm chứa một kỹ
thuật nào cả. [Đó chỉ là cách mà] bạn phải luôn ý thức về tất
cả các hành động (trên thân xác và trong tâm thức) mình thế thôi. Không phải là chỉ trong một hay hai giờ (trong lúc ngồi thiền), mà suốt đời mình, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.
(Thông thường chúng ta luôn sống "bên ngoài"
con người của mình. do đó chỉ khi nào tự mình nhận thức được
sự xao lãng thật kinh hoàng ấy trong cuộc sống của chính mình
thì khi ấy mình mới có thể hiểu được vipassana và
sức mạnh của nó. Một cách cụ thể là lứa tuổi còn trẻ
thì say mê các trò chơi điện tử, nghe nhạc triền miên, nhắn tin liên
tục trên máy điện thoại di động; các bà các cô thì tâm
sự hết chuyện này sang chuyện khác, hoặc xem phim
Hàn Quốc, Hồng Kông tràng giang đại hải; các bậc nam nhi thì
xem chuyện nhảm nhí, tò mò hay chính trị trên mạng; các bậc
lão thành và điềm đạm hơn thì trong lòng luôn tức
bực về đủ mọi thứ, từ gia đình, con cháu, đến hận
thù chính trị, hoặc hoạch định những chuyện tương lai hay những ước mơ
chính trị... Những người trong trường hợp ấy dù có
luyện tập vipassana thì cũng chỉ mất thêm thì giờ mà
thôi)
- Câu
hỏi của tôi cũng có ý gợi lên một thắc mắc là
giữa sự hiểu biết của người Đông Phương và người Tây Phương
phải chăng cũng có một sự khác biệt nào đó?
Không có một sự khác biệt nào cả. Đối với giáo huấn của Đức Phật, [thì] kinh sutra (của Phật Giáo Theravada và Đại Thừa), kinh tantra (của Tan-tra Thừa/Kim Cương Thừa)..., hoặc [các kinh] không phải là tantra cũng thế. Tất cả đều nhất loạt xuất hiện sau Đức Phật (sau
khi Đức Phật tịch diệt thì giáo huấn của Ngài cũng chỉ được
truyền khẩu và khoảng năm trăm năm sau mới được ghi chép
lại bằng chữ viết). Kim Cương Thừa, Đại
Thừa,Tiểu Thừa, Theravada, v.v., đều xuất hiện sau [thời
đại] của Đức Phật. Tất cả đều được triển khai sau này bởi
các vị thầy Phật Giáo, tương tự như những gì mà các vị cố đạo đã
triển khai cho Ki-tô Giáo. Không sao tránh khỏi sai lầm
đối với những lời giáo huấn nguyên thủy.
-
Câu trả lời của Ngài phải chăng cũng có nghĩa
là bất cứ ai một khi đã bước vào con đường tu tập Phật Giáo
thì đều rơi vào sai lầm...
Sai lầm là vì bám víu vào hình thức. Nếu bạn cứ khư khư nắm chặt sự thật trong lòng bàn tay mình (quyết tâm tu theo một tông phái, hay học phái nào đó chẳng hạn), thì mọi sự đều chấm dứt [ở đấy] (tất cả đều dừng lại không còn thăng tiến được nữa).
Tôi nghĩ rằng điều ấy có thể nói lên được bản chất của sự
thật. [Bởi vì] sự thật không phải là một thứ gì đó mà người ta có thể
tìm thấy được nó (sự
thật nằm bên trong tâm thức, có sẵn trong tâm
thức, và chỉ có thể hiển hiện trong tâm thức, có
nghĩa là không thể tìm thấy nó ở bên ngoài tâm thức). Sự thật không thể diễn tả được bằng ngôn từ (từ
xưa đến nay chưa hề có một vị Thầy đích thật nào nói lên
là mình đã đạt được "giác ngộ" cả, kể cả Long Thụ, Thế Thân,
Vô Trước, Bồ-đề Đạt-ma, Tịch Thiên, Đạo Nguyên... và cả Đức
Đạt-lai Lạt-ma hôm nay).
- Thế
nhưng cũng phải vượt qua nhiều giai đoạn thì
mới có thể giúp cho tri thức đạt được sự thực
hiện ấy...
Các kiếp sống nào? Các giai đoạn nào? (sự
hiểu biết/giác ngộ/sự thật vượt ra ngoài/lên
trên các kích thước của không gian và thời gian).
Đức Phật có nói: chẳng có con đường nào cả. Một người Bà-la-môn
có một người con gái thật xinh đẹp đề nghị với Đức Phật hãy
cưới người con gái ấy. Đức Phật khước từ và tuyên bố
rằng Ngài không thích chạm ngay cả vào bàn chân của
người con gái ấy. Người Bà-la-môn bèn hỏi là do đâu mà Ngài đã
đạt được cấp bậc hiểu biết ấy. Đức Phật trả lời: không phải nhờ
vào sự luyện tập, cũng không phải nhờ vào một phương
pháp nào hay một vật nào cả, mà bằng cách không có những
thứ ấy (đó
là tánh không của mọi hiện tượng, sự tu tập cũng chỉ là một
hiện tượng, phát sinh từ sự kết hợp của muôn
nghìn hiện tượng khác). Điều ấy có nghĩa là bạn tu tập, thế nhưng bạn không nô lệ cho sự tu tập (nô lệ cho sự tu tập cũng có nghĩa là bám víu vào một hiện tượng cấu hợp, biến động và vô thường).
- Ngài nghĩ thế nào về cái tôi (cái ngã) và
các thứ xúc cảm bấn loạn [khác]? Nếu một người
nào đó không được hướng dẫn đúng đắn thì làm thế nào có thể
đạt được sự thật ấy?
Đối
với Phật Giáo, không phải kiến thức hay trí nhớ là điều
quan trọng, mà là sự hiểu biết, và cũng không phải là thứ hiểu biết
dựa vào trí nhớ ("trí
nhớ" là kết quả phát sinh từ sự vận hành liên tục của tri
thức. Dưới một góc nhìn khác thì "trí nhớ" cũng có thể xem
là "kiến thức" bởi vì nó là kết quả mang lại từ sự hội
nhập và tiêu hóa của tri thức về những gì mà nó tiếp nhận được từ
bên ngoài. Sự khác biệt duy nhất là trí nhớ
mang tính cách xưa cũ/quá khứ/nghiệp và kiến thức
thì tương đối mới hơn, phát sinh từ trí nhớ liên kết với hiện tại và
hướng vào tương lai. Tóm lại trí nhớ và kiến thức
cũng chỉ là các kết quả mang lại từ sự vận hành
chung của tri thức, và cả hai mang cùng một bản chất như nhau. Trí
nhớ cũng như kiến thức sẽ tạo ra các thể dạng xúc
xảm và tư duy đủ loại. Sự "hiểu biết" trái lại
là một thể dạng cảm nhận sâu kín, tàng ẩn phía sau trí nhớ
và cả kiến thức, sự "hiểu biết" đó mang tính cách "độc lập"
vượt lên trên sự vận hành thô thiển của tri thức thông
thường). Kiến thức về Đạo Pháp (Dharma) là trí nhớ, và chẳng là gì cả (không có giá trị gì). Đấy chỉ là một hình thức quá trình (quá trình ở đây có nghĩa là sự vận hành của tri thức).
Hiểu biết sự thật không phải là [một hình thức/thể
dạng] trí nhớ (memory). Người ta không thể nào "quên" sự
thật, và bên trong sự thật không có gì để mà "nhớ" lại cả (sự
thật không phải là một hình thức ký ức
(souvenir), mà mang tính cách toàn diện, đầy đủ,
không có trước, không có sau, không trên cũng không dưới, nói
cách khác là không liên hệ gì đến bản chất hay các đặc
tính không gian và thời gian để mà có thể quên
hay nhớ lại, hoặc là để tìm kiếm nó. Một khi đạt được sự
thật thì tri thức/tâm thức tha hồ tung hoành, không đông,
không tây, không quá khứ cũng chẳng tương lai). Sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã khẳng định về điều này: ấy là sự quán thấy (vision)
[thế thôi], chẳng có gì khác cả. Nếu bạn trông thấy một
cánh hoa, thì [cũng có nghĩa là] bạn trông thấy nó, chỉ [đơn
giản] có thế. Điều ấy chẳng có gì tai hại cả. Thế nhưng tất cả
mọi thứ sẽ xảy ra sau đó, khi bạn [tiếp tục] suy nghĩ về
chuyện ấy (sự
bám víu sẽ làm phát sinh ra "trí nhớ" và "kiến thức", đưa
đến các hình thức xúc cảm đủ loại, và "cái tôi" tất sẽ hiện
ra phía sau các xúc cảm ấy để mà nhớ và làm phát sinh ra
kiến thức, đưa đến kết quả là hành động. Ngài Walpola Rahula
trả lời về "cái ngã" và các "xúc cảm bấn loạn"
nêu lên trong câu hỏi trên đây một cách thật
ngắn gọn nhưng vô cùng khéo léo và rõ ràng). Tôi vẫn
thường hay sử dụng các kỹ thuật của Kim Cương Thừa (Vajrayana)
giúp tri thức hiện tại thực hiện thể dạng không-nắm-bắt
các kinh nghiệm cảm nhận. Có một số vị thầy giảng dạy về
các kỹ thuật này giúp chúng ta hiểu rằng bên trong sự thật ấy không có
gì thêm vào đấy cả.
- Thế
thì đấy cũng lại là một con đường. Vậy Ngài
khuyên những người muốn đạt được sự thật ấy thì phải làm thế
nào?
Chẳng có lời khuyên nào cả, nếu không thì đấy cũng chỉ là con đường (câu trả lời thật siêu phàm: "không có con đường nào cả" cũng chính là "một con đường"!).
- Các vị thầy giảng dạy Đạo Pháp sắp họp nhau ở Karma Ling (một tu viện Phật Giáo Tây Tạng ở một vùng núi non thuộc đông nam nước Pháp, gần biên giới Thụy Sĩ) nhằm
hình dung một số các đường hướng [tu tập] có
thể cho cả Phật Giáo Tây Phương sau này. Nhiều người [Tây
Phương] bước theo con đường Đạo Pháp tỏ ra rất quan tâm đến
vấn đề này...
Tình trạng này cũng chẳng mới lạ gì. Trong quá khứ các vị đại bồ-tát, các vị Thanh Văn (Sravaka/các bậc nhờ nghe giảng Pháp mà giác ngộ) và các vị Bích Chi Phật (Pratyeka/còn
gọi là Duyên Giác Phật, Độc Giác Phật..., là
các vị tự tu tập một mình và đạt được giác ngộ), v.v.
cũng đã từng thảo luận và tranh biện với nhau [nhằm tìm hiểu]
xem sự thật là gì. Nếu tôi nhớ không lầm thì có tất cả
ba mươi hai cách định nghĩa [về sự thật]. Mỗi vị đưa ra cách
định nghĩa riêng của mình. Sau cùng, thay cho lời kết luận vị
đại bồ-tát (Đức Phật)
đã giữ một sự yên lặng thật mênh mông, bởi vì mỗi khi có một ngôn từ
được thốt ra, thì [tức khắc] một thể dạng nhị nguyên
(duality) sẽ hiển hiện (một
khi chủ thể hiện ra - dù là phía sau một ngôn từ, tư duy
hay hành động trên thân xác - thì tức khắc trong
cùng thời điểm ấy cũng sẽ hiện ra một đối tượng liên hệ
trực tiếp và mật thiết với chủ thể ấy và sẽ làm phát sinh ra
một hiện tượng khác, tương kết và buộc chặt chủ
thể ấy vào sự chuyển động chung của thế giới hiện tượng). Câu chuyện vừa kể chẳng phải là tuyệt vời hay sao!
- Sự
phát triển của Phật Giáo ở Á Châu thật hết sức
chậm. Ở thế giới Tây Phương hiện nay, quá trình ấy thật vô
cùng nhanh chóng. Do đó sự thắc mắc của những vị thầy giảng
dạy Đạo Pháp sẽ là: những gì cần phải làm và
không nên làm? Những thứ sai lầm nào cần phải tránh?
Theo như lời Ngài vừa nói thì mọi chuyện đều có thể xảy ra được...
Ở
phương Tây, Phật Giáo chưa [hoàn toàn] được thiết lập
[một cách vững chắc]. Điều mà tôi muốn nói thuộc lãnh vực tổ chức,
không liên hệ gì đến sự thật. Ở nơi này (tức là thế giới Tây Phương) các tiến bộ vật chất và kỹ thuật được phát triển rất cao, thế nhưng sự hiểu biết về tâm thức (nội tâm con người) thì chỉ là con số không. Triết gia nổi tiếng của quý vị là Descartes có nói: "Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu" (Je pense, donc je suis/ I think therefore I am). Câu nói đó không lô-gic (hợp lý) chút nào. Đối với Phật Giáo thì không hề có cái tôi cũng chẳng có một tư duy nào cả, chỉ có hành động mà thôi (thuật
ngữ "hành động" trong Phật Giáo mang ý nghĩa
rất rộng, đó là sự vận hành của tâm thức xuyên qua sự tương tác giữa
trí nhớ/nghiệp và ngoại cảnh. Sự tương tác đó làm
phát sinh ra xúc cảm, tư duy, ngôn từ và các
động tác trên thân xác. Độc giả có thể xem thêm các lời giải
thích về câu phát biểu trên đây của triết gia và khoa học
gia Descartes trong phần ghi chú của người dịch
dưới đây), nhưng [tuyệt nhiên] không hề có ai
ở phía sau [các hành động ấy] cả. Nước chảy, nhưng chẳng có ai [điều
khiển] khiến cho dòng nước ấy chảy cả (dòng
nước tùy thuộc vào độ nghiêng của lòng suối và các chướng
ngại ở đáy con suối mà chảy, chẳng có ai điều khiển nó cả.
Tương tự như thế, trí nhớ/nghiệp tự nó luân lưu
trong tâm thức không có "cái tôi" nào xui dục,
thôi thúc hay nhắc nhở trí nhớ/nghiệp cả. Trí nhớ tự nó nhớ lấy nó,
nghiệp tự nó trở thành quả, mỗi khi các thứ ấy tiếp
xúc và tương tác với ngoại cảnh, xuyên qua ngũ
giác của một cá thể. Trí nhớ tự nó tương tác với ngoại cảnh
tạo ra "kiến thức" và đưa đến "hành động", nghiệp tự nó
tương tác với các cơ duyên thuộc ngoại cảnh để mang lại hậu
quả/kết quả và cũng đưa đến "hành động". Tóm lại
là sự vận hành của trí nhớ và của nghiệp chỉ là hai cách
nói hay hai góc nhìn khác nhau của một quá trình vận hành
duy nhất của tri thức nhằm đưa đến "hành động", và "hành
động" thì như đã được nói đến trên đây là xúc cảm, tư duy,
tác ý, ngôn từ và các động tác trên cơ thể).
***
Ghi chú của trang mạng "Mảnh đất Giác Ngộ"
về tiểu sử của Ngài Walpola Rahula
Ngài Walpola Rahula là một nhà sư Tích Lan, mất ngày 18 tháng 9 năm 1997 ở Colombo lúc 91 tuổi (có lẽ 90 tuổi thì đúng hơn, bởi vì ông sinh ngày 9 tháng 5 năm
1907). Sự uyên bác của Ngài vượt xa hơn lãnh vực của Phật Giáo Theravada, còn gọi là "Phật Giáo của người xưa" (Thera có nghĩa là "người đi trước", " người xưa", "người lớn tuổi", vada là "giáo lý"),
là một tông phái Phật Giáo mà Ngài tu tập. [Thế nhưng] Ngài
cũng đã từng nghiên cứu các kinh sách bằng tiếng Hán và
cả tiếng Tây Tạng của Đại Thừa Phật Giáo.
Là
một trong số những người tiên phong mang giáo huấn của
Đức Phật vào thế giới Tây Phương, Walpola Rahula đã từng sống 25 năm
trên đất Pháp và giảng dạy ở đại học Sorbonne vào thập niên
1950. Ngài là một trong số những người đã góp phần vào
việc quảng bá Đạo Pháp trong thế giới Tây Phương. Quyển sách "Giáo Huấn của Đức Phật" (L'Enseignement du Bouddha)
của Ngài đã được dịch ra 14 thứ tiếng và là một trong số các
quyển sách đầu tiên về Phật Giáo [ở Pháp trong thời cận đại] và
mặc dù đã được xuất bản từ năm 1961, thế nhưng đến nay
vẫn còn là một quyển sách thật căn bản.
Vài lời ghi chú của người dịch
Câu hỏi thứ nhất trong
buổi phỏng vấn có ý nêu lên tình trạng phát triển
nhanh chóng của Phật Giáo trong thế giới Tây Phương,
thế nhưng cách đặt câu hỏi lại rất khéo, không trực tiếp nêu
lên sự kiện này mà chỉ muốn biết về "cảm nghĩ" của Ngài
Walpola Rahula về sự phát triển ấy. Câu trả lời cũng thật khéo
bằng cách cho biết là không nên chờ đợi một sự phát
triển "rầm rộ" của Phật Giáo. Ngài cho biết là ngay cả vào
thời kỳ Đức Phật còn tại thế nhiều đệ tử của Ngài cũng không
hiểu được thấu đáo và sâu sắc giáo huấn của Ngài là
gì. Thật vậy vào thời bấy giờ Phật Giáo cũng chỉ phát
triển trong thung lũng sông Hằng, và truyền thống tín ngưỡng của toàn
thể bán lục địa Ấn độ là đạo Bà-la-môn.
Phật Giáo là một "tín
ngưỡng" rất khó, ngay cả ngày nay người ta cũng không
biết là phải nên nhìn Phật Giáo như một tôn giáo,
một triết học, một khoa học hay đơn giản như là một lối sống,
và cũng có thể là tất cả các thứ ấy. Các tông phái, học phái,
chi phái chỉ là các phương tiện giúp người tu tập
"đến gần" với Giáo Huấn của Đức Phật mà thôi. Trong thế giới
Tây Phương rất nhiều học giả và triết gia nhìn Phật Giáo
qua các công trình nghiên cứu của họ, tức là dưới góc cạnh "kiến
thức", trong khi đó thì nhiều người khác "bình dị" hơn
thì lại nhìn Phật Giáo qua góc cạnh ứng dụng, nhằm tìm một
phương tiện làm vơi đi các thể dạng bấn loạn và khổ
đau trong nội tâm mình. Thế nhưng cả hai chiều hướng đó không
thể giúp quán nhận được "sự thật".
Nếu nhìn vào thế giới
Đông Phương thì dù là trong một nước có truyền thống
Phật Giáo lâu đời đi nữa, cũng không có nghĩa là
tất cả những người "theo Phật Giáo" đều hiểu được Phật Giáo là
gì! Lòng mộ đạo, việc tu tập, sự hăng say đôi khi cũng chỉ có thể
xem là "trí nhớ" hay thuộc lãnh vực "trí nhớ" (xin mạn
phép nhắc lại là "trí nhớ" ở đây mang ý nghĩa thật rộng, tức
là sự vận hành của tri thức và cũng là một thành
phần của tri thức), giúp người tu tập bước vào "con
đường" thế thôi. Bởi vì một khi đã bước được vào con đường mà cứ dậm
chân tại chỗ với chuông mõ, hương đèn và sự thành tín
đơn thuần, thì chỉ là một sự bế tắc đúng như nhận
xét của Ngài Walpola Rahula. Mặt khác nếu "kiến thức" giúp các
học giả và những người say mê lý thuyết "trông thấy" con
đường, thế nhưng nếu cứ loanh quanh tìm kiếm hoa thơn cỏ lạ ở
hai bên đường, thì cũng lại là một hình thức bế tắc
khác. Trong khi đó "sự thật" chỉ có thể hiện ra ở thật xa nơi
cuối "con đường" mà thôi. Nhà sư Walpola Rahula gọi hai xu
hướng đó là "trí nhớ" và "kiến thức". Một khi đã rơì vào bất
cứ một hình thức tu tập nào chẳng hạn như nhờ vào "trí nhớ"
(kỹ thuật) hay "kiến thức" (lý thuyết) thì đấy cũng sẽ là một sự
"chấm dứt", không còn ra thoát hay thăng tiến được nữa.
Điểm đáng lưu tâm thứ hai
trong bài phỏng vấn là hương vị Thiền Học tàng ẩn
phía sau nội dung của những câu trả lời của nhà sư
Walpola Rahula, mặc dù chính Ngài lại là một vị đại tăng tu
hành theo Phật Giáo Theravada, một tông phái Phật Giáo chủ
trương một sự tu tập kiên trì, nhẫn nhục giúp mình
đạt được thể dạng A-la-Hán mà thôi, tức là một thể dạng
giải thoát khỏi vòng luân hồi. Hơn nữa Walpola Rahula còn cho biết
là Ngài thường sử dụng các kỹ thuật của Phật Giáo
Tây Tạng để thực hiện thể dạng không-nắm-bắt các
kinh nghiệm cảm nhận xảy ra trên thân xác cũng như trong tâm thức
mình. Các sự kiện trên đây cho thấy ở một cấc bậc tu tập
nào đó, cứu cánh của tất cả các phép tu tập dù là
thuộc một tông phái Phật Giáo nào, cũng đều gặp nhau ở một
điểm duy nhất là sự quán thấy sự thật, tức là sự Giác Ngộ. Tất
cả mọi hình thức tu tập, các tông phái và học phái
đều là phương tiện. Nếu dừng lại ở phương tiện thì tất
sẽ là sự bế tắc, mọi sự cũng sẽ chấm dứt ở đấy, đúng như lời phát
biểu trên đây của Walpola Rahula.
Điểm đáng lưu tâm thứ ba
là câu phát biểu nổi tiếng trong thế giới Tây Phương
của nhà toán học, vật lý học và triết gia người
Pháp là René Descartes (1596-1650): "Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu".
Tư tưởng của ông đã tạo ra các tác động không nhỏ góp phần
làm chuyển hướng cơ cấu tư tưởng và có thể là cả nền
văn minh và khoa học của lục địa Âu Châu, xuyên qua nhiều triết
gia, khoa học gia và các tư tưởng gia, đã chịu ảnh hưởng từ
các tư tưởng ông sau này, có thể kể ra vài vị như:
Pascal, Spinoza (thế kỷ XVII), Liebnitz (thế kỷ
XVII-XVIII), Kant (thế kỷ XVIII), Kierkegaard, Nietzsche, (thế kỷ
XIX), Husserl, Bergson (thế kỷ XIX-XX), Merleau-Ponty,
Sartre (thế kỷ XX), v.v. Thế nhưng nếu một người tu
tập Phật Giáo đọc câu ấy của Descartes thì rất có thể sẽ khó
tránh khỏi mỉm cười vì tính cách thật hời hợt và nông cạn của
câu phát biểu này. Thật vậy trên phương diện "hiểu
biết" thì Tây Phương và Đông Phương hướng vào hai lãnh vực
khác nhau: một đằng là vật chất với phương pháp tiếp cận là sự
lý luận, và một đằng là tâm linh với phương pháp tiếp cận là
sự cảm nhận các thể dạng tâm thần sâu kín của tâm
thức. Tuy rằng lãnh vực thứ hai không đưa đến các tiến bộ
kỹ thuật và khoa học, thế nhưng có thể mang lại cho con người một
sự giải thoát đích thật. Người phương Đông phải ý
thức được ưu thế ấy nhằm bảo toàn và phát huy sự lợi
ích của nó hầu mang lại cho mỗi người chúng ta một cuộc sống
nội tâm phong phú và an bình, một con tim biết mở rộng hướng
vào tình thương và sự sống của tất cả chúng sinh.
Trí nhớ và kiến thức chỉ đưa đến sự tính toán, và sự tính
toán thì chỉ là một hình thức "lý luận" dựa vào vật chất, các thứ
lợi lộc và sự được thua mà thôi.
Rất nhiều học giả cũng
như các nhà sư danh tiếng Phật Giáo, từ Thiền Học,
Phật Giáo Theravada đến Kim Cương Thừa, đã từng bình
luận về câu phát biểu trên đây của René Descartes, vì đối với
họ câu nói ấy thật hết sức hời hợt. Trong một quyển sách của
Buddhadasa (1906-1993) một nhà sư rất thông thái và
nổi tiếng của Thái Lan, nhà sư này cũng đã từng nêu lên
và phê bình câu phát biểu này (The Handbook for Mankind/Quyển Sách cho Nhân Loại,
Hoang Phong chuyển ngữ, nhà xuất bản Phương Đông,
2012, chương VI, tr.132-134) và người chuyển ngữ quyển sách
cũng đã mượn dịp này để giải thích thêm về câu phát biểu của
Descartes. Tuy nhiên cũng xin mạn phép trở lại vấn đề
này thêm một lần nữa để giải thích quan điểm của
Walpola Rahula trong bài phỏng vấn trên đây, khi ông nói rằng "Đối
với Phật Giáo thì không có cái tôi, cũng chẳng
có một tư duy nào cả, mà chỉ có hành động mà thôi, và tuyệt
nhiên không hề có ai ở phía sau các hành động ấy".
Lần đầu tiên René Descartes nêu lên câu phát biểu nổi tiếng của ông bằng tiếng La Tinh năm 1634: "Cogito, ergo sum". Sau
đó ông lại tiếp tục khai triển và giải thích thêm quan điểm
này và đến năm 1641 thì bất ngờ ông đã sửa câu này lại như
sau: "Ego sum, ego existo" có nghĩa là "Tôi đang như thế này [tức là] tôi hiện hữu". Có
thể Decartes đã nhận thấy chỗ sơ hở trong định đề do
ông nêu lên trước đây, thế nhưng những gì đã sai thì dù có cố
tránh né thì căn bản vẫn là sai. Nếu chúng ta đặt ngược định đề của Descartes thì chỗ sai sẽ hiện ra ngay: "Trước
khi tôi biết suy nghĩ, khi tôi không suy nghĩ
và sau khi tôi không còn khả năng suy nghĩ được nữa, thì tôi có
hiện hữu hay không?". Một đứa hài nhi, một
đứa bé còn bồng trên tay, một người bị hôn
mê/coma, hoặc hoàn toàn mất trí và trở nên ngớ ngẩn không còn
biết mình là ai thì có hiện hữu hay không? Một người điên
loạn chỉ thấy trong tâm trí mình toàn là ma quỷ,
đâm chém, máu me và chỉ biết la hét thì có đủ sức để nghĩ
rằng: "Tôi như thế này [tức là] tôi hiện hữu hay không? Quả
thật định đề do Decartes nêu lên quá ư ngây thơ
và ấu trỉ, thế nhưng tiếc thay nó đã ảnh hưởng
lớn lao đến nền tư tưởng, khoa học và văn hóa cận đại của Tây
Phương, cũng có thể là cả tín ngưỡng nữa. Các điều vừa nêu
lên sẽ giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu
phát biểu sau đây của Walpola Rahula: "Nếu bạn cứ khư
khư nắm chặt sự thật trong lòng bàn tay mình thì mọi sự sẽ
chấm dứt ở đấy". Theo Phật Giáo thì sự
chấm dứt ấy không phải chỉ đơn giản là một sự dừng lại mà là
một sự bế tắc, làm phát sinh ra vô số các hậu quả liên hệ.
Nhà sư Buddhadhasa sau khi nêu lên câu phát biểu của Descartes đã giải thích như sau: "Các
triết gia thuộc thời kỳ khoa học của chúng ta đã không tỏ ra
tiến bộ chút nào cả về chủ đề này: bởi vì đã từ hàng nghìn năm họ
vẫn cứ nghĩ rằng tư duy là cơ sở để xác định một cái
tôi cá thể; theo họ "cái tôi" chính là người suy nghĩ. Như
chúng ta đã thấy, đối với Đức Phật thì giác cảm
cũng như sự cảm nhận không phải là những thứ đã tạo ra "cái tôi".
Ngài cũng phủ nhận luôn cả tư duy - tức là các dạng thể suy nghĩ
của tâm thức - dưới hình thức một cái ngã, bởi
vì sự sinh hoạt (Walpola Rahula gọi sự "sinh hoạt" này là "hành động") phát hiện dưới hình thức tư duy chỉ là một quá trình hoàn toàn mang tính cách tự nhiên".
Các lời giải thích trên đây của nhà sư
Buddhadhasa giúp chúng ta hiểu dễ dàng hơn câu phát biểu của nhà sư
Walpola Rahula: "Đối với Phật Giáo thì không có cái tôi, cũng chẳng có tư duy nào cả, mà chỉ có hành động mà thôi".
Bures-Sur-Yvette, 02.05.15
Hoang Phong chuyển ngữ