KHÁI QUÁT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DUY THỨC HỌC VÔ VI Y TẠI ẤN ĐỘ
Tính chất “hỗn hợp” của Duy thức học Vô vi y
Tư tưởng Duy thức học Vô vi y [1] được đề xuất trong các tác phẩm nổi tiếng của Di-lặc và Thế Thân vào thời kỳ phát triển của Duy thức học căn bản Du-già hành phái Phật giáo Ấn Độ như: Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận, Biện Trung Biên Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Phật Tính Luận… Tư tưởng Duy thức học Vô vi y cùng với tư tưởng Duy thức học Hữu vi y thể hiện trong các trước tác Du-già Sư Địa Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Duy Thức Tam Thập Tụng, tạo thành cấu trúc tư tưởng hoàn chỉnh của Duy thức học Du-già hành phái. Khái niệm “Vô vi y” (无为依, asamskrta – āśraya) trong Duy thức Vô vi y thể hiện rõ tính giới hạn của nó trong hệ thống tư tưởng Duy thức (唯识, vijñāna – mātra). Ở đây, “Vô vi y” chủ yếu chỉ ý nghĩa của nó ở phương diện bản thể luận, nghĩa là xem tâm tính chân như mang đặc tính Vô vi là sở y căn bản của tất cả các pháp tồn tại. Trong khi đó, từ góc độ Thức cảnh luận (识境论) và Duyên khởi luận (缘起论), cũng gọi là Phát sinh luận (发生轮) mà nói, “Duy thức” chỉ tính Duy tâm (唯心性), còn gọi là tính Duy thức (唯识性) của tất cả các pháp, nghĩa là tất cả các pháp lấy tâm làm nhân mà sinh khởi. Hiển nhiên, “Duy thức” yêu cầu lấy tâm (thức) làm trung tâm để giải thích, xây dựng nên tất cả các pháp. Trong ý nghĩa này, nếu lấy tâm thức làm sở y căn bản của tất cả các pháp, tức là lấy tâm thức mang đặc tính hữu vi làm bản thể thành lập nên bản thể luận, thì có thể thấy bản thể luận này thống nhất nội tại tự nhiên với “Duy thức”. Nhưng nếu căn cứ vào khái niệm “Vô vi y” để thành lập nên bản thể luận, tức lấy tâm tính chân như mà không phải lấy tâm (thức) làm căn bản sở y của tất cả các pháp, thì kết quả là bản thể luận hoàn toàn không thống nhất nội tại tự nhiên với “Duy thức”. Vì thế, trường hợp thứ nhất là Duy thức học “mang tính thuần túy” và trường hợp sau là Duy thức học “mang tính hỗn hợp”. Để phân biệt một cách rõ ràng hai loại hình Duy thức này, tôi gọi Duy thức học “mang tính thuần túy” lấy tâm thức mang đặc tính của pháp Hữu vi (有为法心识) làm căn bản sở y là “Duy thức học Hữu vi y” (有为依唯识学), và gọi Duy thức học “mang tính hỗn hợp” lấy tâm tính chân như mang đặc tính của pháp Vô vi (无为法心性真如) làm căn bản sở y là “Duy thức học Vô vi y” (无为依唯识学). Nói cách khác, hai khái niệm “Hữu vi y” và “Vô vi y” ở đây có tác dụng giới hạn và khu biệt ý nghĩa nội tại của tư tưởng Duy thức học.
Tính “hỗn hợp” của Duy thức học Vô vi y không chỉ biểu hiện ở phương diện lý luận nội tại của nó, mà còn thể hiện ở phương diện ngoại tại, tức biểu hiện ngay trong nguồn gốc lịch sử của lý luận này. Trong Duy thức học Vô vi y, tâm tính chân như và Pháp giới, tự tính thanh tịnh tâm, Phật tính, Như Lai tàng… có cùng bản chất, nhưng khác nhau về tên gọi và phản ánh sự ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Phật tính Như Lai tàng (thông thường gọi tắt là tư tưởng Như Lai tàng) hợp lưu với tư tưởng “tâm tính bản tịnh” đối với tư tưởng Duy thức. Vì thế, có thể xem Duy thức học Vô vi y là tư tưởng Như Lai tàng trong tư tưởng Du-già hành phái. Trong ý nghĩa này, có thể xem Duy thức học Vô vi y là sản phẩm “hỗn hợp” của tư tưởng Như Lai tàng và tư tưởng Duy thức. Đây là khảo sát từ phương diện ngoại tại đối với “tính hỗn hợp” của Duy thức học Vô vi y.
Không giống với “Duy thức học Hữu vi y” là một loại hình tư tưởng “mang tính thuần túy” được xem là học thuyết chủ lưu của Duy thức học Du-già hành phái Ấn Độ, “Duy thức học Vô vi y” là loại hình tư tưởng “mang tính hỗn hợp”. Như trước đã nói, tư tưởng này tuy đã xuất hiện trong các trước tác của Di-lặc, Thế Thân, Vô Trước vào thời kỳ hưng khởi của Duy thức học căn bản, nhưng trong quá trình phát triển lý luận Duy thức học Du-già hành phái Ấn Độ, “Duy thức học Vô vi y” đã bị xem nhẹ và trở thành một nhánh bên rìa, nhánh thứ yếu. Việc xem nhẹ và loại bỏ “Duy thức học Vô vi y”, một mặt là kết quả của sự phát triển mang đặc tính “học viện hóa” Duy thức học, mặt khác là biểu hiện của việc “ý thức hình thái hóa” Duy thức học. Ở thời kỳ phát triển sau của Duy thức học Ấn Độ, tư tưởng Duy thức học đã thoát ly hoàn toàn khỏi ảnh hưởng tư tưởng Phật tính Như Lai tàng, chỉ còn giữ lại hình thái “mang tính thuần túy” của tư tưởng Duy thức học – Duy thức học Hữu vi y.
Ở giai đoạn Duy thức học căn bản, sau khi được đề xuất trong Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận…, tư tưởng Duy thức học Vô vi y lại tiếp tục được giải thích và phát triển trong Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Mật Nghiêm. Tức tại Ấn Độ, Duy thức học Vô vi y trải qua hai giai đoạn phát triển, gồm giai đoạn phát triển Luận và giai đoạn phát triển Kinh. Trải qua hai giai đoạn này, cấu trúc hoàn chỉnh của Duy thức học Vô vi y, tức ba bộ phận tư tưởng then chốt bản thể luận, Thức cảnh luận và Duyên khởi luận tương ứng với ba phương diện thể, tướng, dụng của Duy thức học Vô vi y đã trở nên đầy đủ [2]. Cần thấy là, ở giai đoạn phát triển Luận, những luận điểm chủ yếu như Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận, Biện Trung Biên Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Phật Tính Luận… đã đề cập rõ đến vấn đề Bản thể luận và Thức cảnh luận của Duy thức học Vô vi y, nhưng về vấn đề Duyên khởi luận các bản luận này chỉ mới nói một cách sơ lược. Trong giai đoạn phát triển Kinh, thông qua Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Mật Nghiêm, vấn đề Duyên khởi luận mới được nói đến một cách rõ ràng. Cấu trúc hoàn chỉnh của Duy thức học Vô vi y có thể được trình bày như sơ đồ ở dưới đây:
Tóm lại, Bản thể luận (本体论) của Duy thức học Vô vi y nói rõ Tâm tính chân như (心性真如) là căn bản sở y của tất cả các pháp; Thức cảnh luận (识境论) thì cho thấy tính Duy tâm của tất cả các pháp; Duyên khởi luận (缘起论) thì nói rõ tất cả pháp lấy tập khí chủng tử mà tâm thức tiếp nhận (一切法以心识所摄) làm nhân mà sinh khởi.
Duy thức học Vô vi y là Tâm tính Như Lai tàng học
Từ góc độ phát triển của tư tưởng Như Lai tàng mà nói, Duy thức học Vô vi y cũng chính là hình thái cuối cùng của Như Lai tàng học Ấn Độ. Tư tưởng Như Lai tàng ở thời kỳ đầu từng lấy hình ảnh trong thực tế đời sống để thí dụ nhằm thuyết minh Như Lai tàng, có thể gọi là Thí dụ Như Lai tàng (譬喻如来藏) [3], về sau tiến một bước, lấy Pháp tính chân như (真如法相, cùng hàm nghĩa với Pháp giới (法界), Tự tính thanh tịnh tâm (自性清净心), Phật tính (佛性)…) của tất cả các pháp làm Như Lai tàng, có thể gọi là Pháp tính Như Lai tàng (法性如来藏) [4]. Tư tưởng Như Lai tàng sau khi dung hợp tư tưởng Duy thức, hình thành nên Duy thức học Vô vi y, chuyển qua lấy tâm tính chân như của tất cả pháp mang đặc tính Duy tâm (cùng hàm nghĩa với khái niệm Pháp giới, tự tính thanh tịnh tâm, Phật tính v.v.) làm Như Lai tàng, còn gọi là tâm tính Như Lai tàng (心性如来藏). Vì thế có thể thấy trên thực tế, tư tưởng Duy thức học Vô vi y thống nhất với tư tưởng Như Lai tàng mang tính hoàn chỉnh, thành thục ở Ấn Độ, chỉ có điều chúng được trình bày ở góc độ khác nhau mà thôi. Chẳng hạn như, từ phương diện kết cấu mà nói, Duy thức học Vô vi y thường chia thành ba bộ phận, tức Bản thể luận, Thức cảnh luận, Duyên khởi luận.
Như vậy, ngoài việc tương ứng với học thuyết Như Lai tàng, thì Duy thức học Vô vi y còn có hai bộ phận khác nữa là Như Lai tàng thuyết (如来藏说) và Triền giải thuyết (缠解说) [5]. Có thể khái quát đặc trưng cấu trúc tư tưởng Như Lai tàng Ấn Độ như sơ đồ dưới đây:
Sau khi Duy thức học Vô vi y tách khỏi Duy thức học Hữu vi y và trở thành một nhánh tư tưởng Phật giáo thứ yếu thì hầu như không có những trước tác quan trọng đại diện cho tư tưởng của học phái [6]. Đây là kết luận rút ra từ việc phân tích kinh điển được truyền bá và phiên dịch thuộc hệ thống kinh điển Hán tạng. Nhưng thực tế có lẽ không hẳn như vậy. Có thể học phái này cũng từng có những trước tác tiêu biểu, nhưng do sự diệt vong của Phật giáo Ấn Độ mà các trước tác này bị thất truyền. Về nguyên tắc, không thể chỉ dựa hoàn toàn vào kinh điển Hán tạng mà vội vàng khẳng định, trong quá trình phát triển của Phật giáo hậu kỳ Ấn Độ, Duy thức học Vô vi y không có sự truyền thừa. Trên thực tế, có thể khảo sát sự truyền thừa và ảnh hưởng của học phái này từ hai phương diện. Thứ nhất, Duy thức học Vô vi y vốn là một trong những tư tưởng quan trọng trong kinh điển Mật tông thuộc Phật giáo Đại thừa vãng kỳ. Ở đó, từ phương diện bản thể luận, học thuyết này lấy tâm tính (心性) làm Phật tính Như Lai tàng (佛性如来藏), nhấn mạnh sự đầy đủ vốn có của trí tuệ Như lai (如来智慧的本来具足), tức là Bản giác thuyết (本觉说). Từ phương diện hiện tượng luận, học thuyết này nhấn mạnh đến tính Duy tâm của vạn pháp biểu hiện từ tâm thức. Thứ hai, trong Kinh điển Duy thức học truyền dịch ở Trung Quốc thời kỳ đầu, đa số mang sắc thái tư tưởng Duy thức học Vô vi y.
Thông qua việc nghiên cứu so sánh đối chiếu các bản Kinh luận thuộc hệ thống tiếng Phạn, tiếng (Tây) Tạng và tiếng Hán do Huyền Trang dịch, có thể thấy một số văn bản [do Huyền Trang dịch] vốn cải biến từ tư tưởng Duy thức học Hữu vi y. Nói cách khác, trong các tác phẩm thuộc thời kỳ “cựu dịch” Duy thức học, tồn tại một cách phổ biến hiện tượng “Vô vi y” hóa tư tưởng Duy thức. Từ góc độ văn bản học mà nói, đây là hiện tượng dịch sai/ giải thích sai lầm có chủ ý của người dịch. Xuất phát ý nghĩa này, có thể hiểu được sự chỉ trích học phái của Huyền Trang đối với các tác phẩm thuộc truyền thống “cựu dịch” Duy thức học. Đây là đặc điểm “Vô vi y” hóa phổ biến của các dịch bản Duy thức thời kỳ đầu, do đó trong mức độ nhất định, có thể nói tư tưởng đó thuộc Duy thức học Vô vi y. Từ đây có thể suy đoán rằng, ở Ấn Độ, ngoài sự có mặt của Duy thức học Hữu vi y, còn có sự tồn tại và truyền bá độc lập của một học phái Duy thức khác, đó chính là Duy thức học Vô vi y.
Chú thích:
* NCS. Tiến sĩ Tôn giáo học, Đại học Hạ Môn (Xiamen University), Trung Quốc.
[1] Ở đây hiểu theo nghĩa hẹp, tức Duy thức học trong ngũ phần Pháp tướng học, Duy thức học, Lượng học, Hành học, Quả học của học thuyết Du-già hành phái. Xem Duy tâm và Liễu biệt, tr.20-23.
[2] Có thể tham khảo thêm Duy tâm và Liễu biệt, trang 18-22.
[3] Xem Đại Phương Đẳng Như Lai tàng Kinh.
[4] Xem Phật Thuyết Bất Tăng Bất Giảm Kinh, Phật Thuyết Vô Thượng Y Kinh, Thắng Man Kinh…
[5] Duy thức học Vô vi y ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, do đó, Duy thức học Vô vi y là Cảnh học, nên thêm Hành học, Quả học, tạo thành Tam học Cảnh, Hành, Quả mới có thể tương đương với ngũ phần Như Lai tàng học.
[6] Tác phẩm Đại Thừa Pháp Giới Vô Sai Biệt Luận được cho là do Kiên Tuệ trước thuật xuất hiện tương đương với giai đoạn đầu của Duy thức học. Nhưng một bộ phận điển tịch Duy thức học Vô vi y do Chân Đế dịch thì không đoán định được đầy đủ nguồn gốc độc lập của nó, dẫn đến tình trạng học giới cho rằng như thế, đó là kết quả cải dịch các trước thuật Duy thức của ba Đại sư Duy thức học.