Tại sao tu mà không vui?
06/01/2022 20:08 (GMT+7)


Một thời, Thế Tôn trú ở Kosala, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc. Thế nào là sáu?
Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ưa thích Pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích viễn ly, ưa thích không có sân hận, ưa thích không có hý luận. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy, nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm A la hán, phần Khổ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.243)

LỜI BÀN:
Người ta thường cảm nhận về những hành giả xuất gia qua chân dung nghiêm nghị, khắc khổ, đè nén và cam chịu. Kỳ thực, những người tu thực hành Chánh pháp một cách nghiêm cẩn và tinh chuyên lại là người rất thảnh thơi, thoải mái, an lạc và hoan hỷ vô cùng. Quan trọng hơn, đối với người tu, an lạc và hoan hỷ là một trong những nền tảng quan trọng để đoạn trừ các phiền não lậu hoặc, thành tựu giải thoát.
Cho nên, từ bi hỷ xả là những phẩm chất căn bản của người tu. Nét khổ hạnh, phảng phất sự cam chịu, kham nhẫn của các bậc chân tu chỉ là uy nghi bên ngoài, còn bên trong nội tâm thì cực kỳ thảnh thơi, an lạc. Có hạnh phúc và lạc hỷ như vậy, người tu mới an trụ một cách vững chãi trong đường đạo, vượt lên mọi cám dỗ của thế thường để thực hành ban vui cứu khổ, làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
Để thiết lập lạc hỷ trong đời sống, theo tuệ giác của Thế Tôn, người tu phải thành tựu sáu pháp “ưa thích Pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích viễn ly, ưa thích không có sân hận, ưa thích không có hý luận”. An trú vào Chánh pháp, vận dụng thực hành giáo pháp vào thực tiễn đời sống, khéo léo đoạn trừ những nguyên nhân mang đến phiền lụy, chọn môi trường tu tập thanh tịnh, vui vẻ và hòa ái với mọi người, không bàn luận chuyện thị phi được mất của thế gian… chính là sáu bí quyết làm nên sự lạc hỷ.
Những người tu Phật mà chưa thiết lập được lạc hỷ và thể hiện lạc hỷ trong ứng xử, sinh hoạt hàng ngày thì khó mà an trú bền vững và tiến xa trên con đường giải thoát. Mặc dù đường tu vốn nhiều chướng ngại và gian khó, được ví như con thuyền đi ngược nước nhưng nếu thực tâm và tinh tấn hành trì giáo pháp thì sẽ đạt được hạnh phúc, an vui. Quá trình đoạn trừ lậu hoặc để thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết bàn được đặt trên nền tảng an lạc và hoan hỷ là điều mà những người con Phật cần lưu tâm. Khổ hạnh không làm nên giải thoát tối hậu, điều này Thế Tôn đã kinh qua. Do vậy, trước khi hướng đến mục tiêu giải thoát, chúng ta phải thiết lập được lạc hỷ trong đời sống hiện tại.
Quảng Tánh

Các tin đã đăng: