Lời giới thiệu của người dịch:
Michel Henri Dufour là một
người Pháp tu tập theo Phật giáo Theravada, viết và xuất bản nhiều sách trong
số đó có quyển "Tự điển Phật giáo Pa-li - Pháp ngữ" (Dictionnaire
Pali-Français du Bouddhisme", Eds des Trois Mondes, 1999, 351 tr.) được
nhiều người biết đến. Các bài viết của ông thường rất ngắn, cô đọng, chính xác
và thiết thực.
Ông là một người khá kín
đáo, không thấy tiểu sử hay hình ảnh nào về ông trong các nguồn tư liệu. Cách
nay nhiều năm người chuyển ngữ các dòng dưới đây có dịp gặp ông trong một lễ
hội Phật đản do Tổng Hội Phật giáo Pháp tổ chức. Trước sân chùa của Tổng Hội là
các quầy hàng của các tông phái và học phái khác nhau, giới thiệu sách báo và trình
bày về các sinh hoạt của mình. Trong số này có một "quầy hàng" thật khiêm
tốn, chỉ gồm có một chiếc bàn nhỏ, với một chiếc dù to che nắng, trên bàn có
một ít tài liệu và sách biếu, phía sau bàn là Michel Henri Dufour, một người tuổi
trạc trung niên, đơn sơ, vui vẻ và từ tốn. Người chuyển ngữ bài viết dưới đây cũng
đã mượn dịp này để trao đổi với ông một vài lời chào hỏi.
Tu theo đường hướng nào?
Phật giáo đại chúng hay Phật giáo thâm sâu
Michel Henri Dufour
Quảng
đại quần chúng cũng như tất cả những người mong muốn tìm hiểu và bước vào Con
Đường Phật giáo thường vô cùng hoang mang trước tình trạng có quá nhiều học phái
và chi phái khác nhau, và các học phái và chi phái này bề ngoài dường như có vẻ
bị tách xa khỏi cội nguồn Giáo Huấn cổ xưa. Sự tiếp cận với Phật giáo trở nên
phức tạp vì những sự kết nạp thiếu thuần nhất ảnh hưởng từ các bối cảnh văn hóa
xã hội của các quốc gia mà Phật giáo đã phát triển. Các sự kết nạp đó dù đôi
khi không ảnh hưởng đến căn bản của việc tu tập, thế nhưng trong một vài trường
hợp cũng đã cho thấy các sự mâu thuẫn (antinomic/trái ngược, nghịch lý) đi ngược lại với
các nguyên lý và các lời giáo huấn (precepts) căn bản, và đã không tránh khỏi một sự
pha trộn trong giáo lý (syncretism - là một thuật ngữ triết học nói lên một sự du
nhập hỗn tạp trên phương diện giáo lý và tư tưởng, không tạo ra được một sự thống
nhất, mạch lạc và hợp lý) nên đã mang lại thật nhiều tàn phá và tai
hại.
Quả cũng không có gì khó để nhận thấy là bất cứ một học phái nào cũng có
hai hình thức tiếp cận và tu tập khác nhau:
- Phật giáo đại chúng, dưới hình thức một
tôn giáo, thiết đặt trên sự sợ hãi, do đó cũng có nghĩa là mang tính cách
"tín ngưỡng", một thứ vật chất chủ nghĩa trong lãnh vực tâm linh (intellectual
materialism) (có nghĩa là mong cầu đạt được "công đức", được
tái sinh trong các điều kiện tốt đẹp hơn, v.v.), qua các nghi lễ cúng dường (rites/cúng dường,
hiến sinh để cầu phúc...), các sự vay mượn từ thuyết linh hồn (animism - tín
ngưỡng cho rằng các sự vật và hiện tượng thiên nhiên đều hàm chứa linh hồn như con
người, các ảnh hưởng này đưa đến các sự tin tưởng dị đoan trong Phật giáo),
việc tuân thủ đạo đức, đặt cao giá trị của các hình thức mộ đạo (devotion/sự sùng
đạo) và xúc cảm, tức là những gì ở một cấp bậc rất thấp trong sự
sinh hoạt của Tăng đoàn (nếu sự tuân thủ giới luật của tăng đoàn lỏng lẻo thì sẽ
làm lu mờ sự khác biệt giữa người xuất gia và kẻ thế tục, và do đó người tu hành
sẽ không còn chứng tỏ được là mình "trội hơn" người thế tục, bởi vì mình
ngày càng trở nên không khác gì với họ) (ý muốn nói là Phật giáo đại chúng - dưới các hình thức tu
tập tâm linh mang tính cách "vật chất chủ nghĩa" - cầu xin, gom góp -
sẽ có thể đưa đến nguy cơ biến người tu
hành trở thành tương tự như người thế tục).
- Phật giáo thâm sâu, duới hình thức một
hệ thống triết học, một phép tu tập giúp mình biết sống (trong nguyên bản là: pratique de vie/practice
for life), được xây dựng trên sự hiểu biết, trên một thể dạng nào đó
của trí tuệ như là một điều kiện tiên quyết, và do đó có thể được xem như là một
hình thức "đức tin dựa vào lý trí" (reasoned faith), một phép luyện tập
tâm thần (thiền định), hay là một hình thức mộ đạo được đặt đúng vào vị trí của
nó. Sangha (Tăng đoàn) tuân thủ một kỷ luật vững
chắc, ý thức được tầm quan trọng của đạo đức. Khía cạnh thứ hai này (tức là Phật giáo thâm
sâu) có vẻ như là một cách đơn giản giúp nhìn vào tâm thức, thế nhưng
trên thực tế là cả một phương pháp tu tập đúng thật trong thế giới Phật giáo, dù
là ở Đông Phương hay Tây Phương. Mang nhiều khía cạnh khúc triết nên sự phát
triển của thể dạng Phật giáo này khá thu hẹp, do đó phải cần đến nhiều cố gắng mới
có thể tiếp cận được. Hơn nữa, những người tu tập theo thể dạng Phật giáo này nhất
thiết không mong cầu một sự ngưỡng mộ nào của quảng đại quần chúng hay một sự quan
tâm đặc biệt nào của giới truyền thông.
Dù rằng
Phật giáo (nói
chung), qua các mô hình (schemes/sơ đồ, khuôn mẫu, hình thức, góc nhìn) do người Tây
Phương thiết đặt, cho thấy một số khía cạnh liên quan đến các lãnh vực tôn giáo,
triết học, tâm lý học, và đôi khi cũng có thể xem như là một phương pháp trị liệu.
Vì thế mỗi khi nói đến Phật giáo thì nên nói đến thể dạng thứ hai (tức là Phật giáo thâm
sâu), bởi vì thể dạng thứ nhất (Phật giáo đại chúng) chỉ phản ảnh các giai thoại
liên quan đến Đức Phật mà thôi (không hẳn là Giáo Huấn của Ngài). Vì lý do các
khía cạnh của Phật giáo thâm sâu không nhất thiết là những điều bắt buộc (mỗi khi nói đến
Phật giáo), nên bất cứ một thực tính (entity/thực thể, thể tính) nào cũng
có thể trở thành một đối tượng "tôn thờ" (cult/thờ phượng). Dầu sao thì ít
nhất chúng ta cũng phải công nhận là cách tiếp cận đó (tôn thờ bất cứ gì) cũng mang lại một
lợi ích nào đó đối với những người chưa trưởng thành trên phương diện tâm linh,
thế nhưng đấy lại không phải là Con Đường giải thoát do Đức Phật thuyết giảng,
và dầu sao đi nữa thì cũng không thể xem đấy như là những bước đầu tiên trong
việc tu tập được.
Hơn nữa
phải chăng người ta cũng có thể nêu cao một lý tưởng tâm linh qua các sự phong
phú và sâu sắc của Phật giáo, nhưng không làm giảm giá trị của Phật giáo, khi cho
rằng chỉ có một người sau khi đã đạt được giác ngộ thì mới có thể đưa ra một phương
thuốc hiệu nghiệm cho từng mỗi con người.
Những
gì thường được nêu lên và cho rằng đấy là Giáo Huấn Phật giáo thật ra cũng chỉ tương
tự như một gian phòng đợi (anteroom/phòng ngồi chờ) của Phật giáo mà thôi (nhiều bài giảng,
bài viết... tự nhận là nêu lên giáo lý Phật giáo hay là "lời Phật
dạy" nhưng thật ra chỉ mang tính cách "chạy vòng ngoài", không
phải là Giáo Huấn của Đức Phật. Tiếc thay các loại bài giảng và bài viết này
thì lại nhiều vô kể, khiến gây thêm hoang mang và đánh lạc hướng người tu tập mà
thôi. Michel Henri Dufour nêu lên hình ảnh một gian phòng đợi để nói lên tình
trạng này: ngưòi ngồi chờ phải kiên nhẫn hoặc nếu sốt ruột thì đi lanh quanh,
hoặc đọc vớ vẫn "sách báo củ rích" đặt sẵn trong phòng, nhưng không
ai nghĩ đến là phải tìm cho mình một lối thoát). Nhiều người chỉ biết
đi quanh trong gian phòng đợi mà không hề nghĩ đến việc phải mở cánh cửa của
gian phòng ấy để tự vượt thoát và tiến xa hơn, tệ hơn nữa là những người ngồi
chờ cũng có thể không ngờ là gian phòng lại có cái cửa ấy. Do đó trong một số tập
thể (những người
tu hành, các tông phái và học phái), người ta mong muốn đưa ra một
Phật giáo "phóng khoáng", ít gò bó hơn. Tuy nhiên phải hiểu rằng đấy không
phải là một xảo thuật tuyên truyền hay một cách quảng cáo bịa đặt nhằm đánh lừa
chúng ta, mà đúng hơn là một cách xử dụng các phương tiện cần thiết gọi là "upaya kosalla" (tức là các "phương
tiện thiện xảo": upaya có nghĩa là "phương tiện", "phương
pháp" hay "kỹ thuật"; kosalla có nghĩa là "khéo léo",
"thích hợp"). Trong bối cảnh ngày nay thì cũng nên nghĩ đến
các phương tiện cần thiết ấy qua các sự "cải tiến" giúp cho giới luật
và có thể cả một vài điểm trong Giáo Huấn quá gò bó trở nên thích nghi hơn.
Tuy nhiên nếu đi quá xa thì cũng e rằng nền "văn
minh tân tiến" ngày nay sẽ lấn lướt và làm phương hại đến các giá trị hiển
nhiên và căn bản đặc thù trong Giáo Huấn của Đức Phật. Chiều theo sự đòi hỏi của
các sự thèm khát sẽ làm mất đi ý nghĩa cao cả của sự nghèo khó và biết an phận,
chạy theo những sự phù phiếm sẽ làm mất đi tính cách thiết thực của những gì chủ
yếu, nhanh chóng và hối hả sẽ làm mất đi sự từ tốn và thận trọng, hung hăng sẽ
làm mất đi sự dịu dàng và an bình trong tâm thức, các khuôn phép của xã hội sẽ
làm mất đi các phẩm tính siêu nhiên. Những thứ ấy cũng chỉ là cách đưa đến tình
trạng mà mình xem những gì gọi là nền văn minh hiện đại như những thứ giá trị tột
đỉnh làm khuôn mẫu cho tất cả các cung cách hành xử và các sự thỏa hiệp (compromises)
(trong xã hội
con người).
Vài lời ghi chú của người dịch
Bài viết trên đây tuy ngắn nhưng hàm chứa những ý nghĩa thật
sâu xa khiến chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều, không những từng câu viết mà cả
từng chữ. Chẳng hạn như chữ "duy vật chủ nghĩa" trên phương diện tâm
linh, nói lên các xu hướng tu tập mang tính cách gom góp và bám víu của Phật giáo
đại chúng. Đó cũng là một cách làm hạ thấp giá trị của Phật giáo, tách Phật giáo
ra khỏi Con Đường do Đức Phật vạch ra.
Chủ đích của bài viết là giải quyết một vấn đề vô cùng chủ
yếu và căn bản là nếu muốn tu tập thì nên "tu tập theo Phật giáo nào?", thế nhưng trong bài viết thì tác
giả lại không nói đến hay chỉ định đích danh một tông phái hay học phái nào cả,
mà chỉ nêu lên một vài nhận định và một tầm nhìn thật bao quát về Phật giáo nói
chung rồi để chúng ta tự suy đoán và tìm hiểu lấy.
Dầu sao thì tác giả cũng cho biết là có hai hình thức Phật
giáo: một Phật giáo đại chúng, đặt nặng các khía cạnh tín ngưỡng, nghi lễ, lòng
mộ đạo, sự mong cầu; và một Phật giáo thâm sâu hay trí tuệ, hướng vào sự
"hiểu biết": có nghĩa là hiểu biết chính mình, hiểu biết kẻ khác, hiểu
biết xã hội, hiểu biết nhân loại và hiểu biết thiên nhiên. Nói một cách khác, giản
dị, trực tiếp và dễ hiểu hơn là: một Phật giáo hướng thẳng vào Đức Phật như một
phương tiện mang lại niềm hân hoan, sự an ủi và che chở; và một Phật giáo không
nhất thiết hướng vào Đức Phật, mà chỉ nhìn vào nếp sống của Ngài như một tấm gương,
và xem Giáo Huấn của Ngài như một Con Đường.
Trong phần kết luận, tác giả còn đề nghị thêm một sự mở rộng
khi cho rằng cũng nên "cải tiến" và "thích nghi" một số giới
luật và một vài quan điểm để được phù hợp hơn với thế giới tân tiến ngày nay, và
cũng chỉ cần xem đấy như các "phương tiện thiện xảo" (upaya kosalla) đã được áp dụng trong quá
khứ. Thế nhưng đồng thời ông cũng cảnh giác chúng ta là những gì mà chúng ta xem
là "nền văn minh hiện đại" chưa hẳn là những "giá trị tuyệt đối"
mà mọi người phải noi theo. Thật vậy cứ nhìn vào thế giới ngày nay thì chúng sẽ
thấy ngay hậu quả mang lại từ "nền văn minh hiện đại" đó của chúng
ta: súng đạn quá nhiều, trong các thành phố sang trọng và văn minh cho đến những
xó kẹt nghèo nàn nhất trên thế giới, nơi nào cũng có súng đạn.
Sau hết, câu cuối cùng của bài viết quả đáng cho chúng ta
suy tư và chiêm nghiệm hầu giúp mình ý thức được cung cách hành xử của mình giữa
sự sinh hoạt của nền văn minh hiện đại. Dù ở một nơi nào, trong thời đại nào, và
gặp phải bối cảnh nào thì cung cách hành xử của một người Phật giáo phải luôn phản
ảnh được các giá trị của tình thương yêu, sự hòa giải, lòng bao dung và rộng lượng.
Tự sát và hung bạo đi ngược lại với các giá trị đó và vi phạm một trong số bốn
giới luật nghiêm trọng nhất của Phật giáo gọi là parajika (Hán dịch là ba-la-di).
Thế nhưng trong bối cảnh của "nền văn minh hiện đại" của nhân loại ngày
nay, thì các hành động đó lại ngày càng trở nên quen thuộc.
Trong câu kết luận cuối cùng của bài viết còn có một chữ
khiến chúng ta không tránh khỏi phải bàng hoàng, đó là chữ "thỏa hiệp"
(compromise). Chữ này trong các ngôn ngữ Tây Phương mang ý nghĩa rất tiêu cực,
tức là "thỏa hiệp" để làm một cái gì đó không chính đáng. Thế nhưng
trong "nền văn minh hiện đại" của chúng ta thì lại có quá nhiều sự
"thỏa hiệp" - đôi khi trá hình để trở thành một cách "làm ngơ"
- giữa các thế lực, liên quan đến mọi lãnh vực quyền lợi, như kinh tế, chính trị,
v.v. Những sự "thỏa hiệp" đó có thể khiến cho cả một lục địa bị khai
thác và trở nên khốn cùng, một quốc gia hiếu hòa trên một vùng núi cao bị mất
nước, một vùng mênh mông nhiều tài nguyên thiên nhiên lâm vào cảnh chém giết
triền miên. Chúng ta thường ít quan tâm đến các sự "thỏa hiệp" hay cố
tình "làm ngơ" đó của "nền văn minh hiện đại", bởi vì chúng
ta thường chú trọng nhiều hơn đến các máy truyền hình với màn ảnh rộng và các máy
điện thoại cầm tay loại tối tân nhất.
Bất chấp những sự "thỏa hiệp" thiếu chính đáng
trong xã hội, thù ghét sự tự sát và hung bạo dù là ở đâu, và chỉ biết nghĩ đến
việc so sánh giá cả của các máy điện thoại hiện đại..., thì đấy là cung cách hành
xử "vô minh". Một cung cách hành xử "đúng đắn" là ý thức được
sự tự sát và hung bạo phát sinh từ những thứ khổ đau hiện ra bên trong tâm thức
con người, và những thứ khổ đau ấy thì lại bắt nguồn từ hận thù và uất ức. Một
người tu tập phải luôn nhìn vào tâm thức mình, tìm hiểu chính mình, bổn phận và
trọng trách của mình, để hiểu rằng nếu không muốn nhìn thấy những cảnh tự sát và
hung bạo, thì không nên gây ra hận thù và uất ức cho kẻ khác.
Bài viết của Michel Henri Dufour tuy ngắn gọn nhưng cũng hàm
chứa nhiều điều sâu sắc khiến chúng ta phải suy nghĩ, và nếu suy nghĩ đúng đắn
thì chúng ta tất cũng sẽ vạch ra được cho mình một con đường.
Bures-Sur-Yvette,
18.11.15
Hoang Phong chuyển ngữ
Độc giả có thể tìm xem bản gốc tiếng Pháp của bài trên
đây trên trang mạng: http://www.buddhaline.net/Quel-bouddhisme
Ngoài ra độc giả cũng có thể liên lạc với Hiệp Hội
Phật giáo Theravada do tác giả thành lập qua địa chỉ sau:
Association Bouddhique Theravâda
c/o Michel Henri Dufour, 22 rue de la Grange Aubel, 71000 SANCÉ - France
Điện thoại: 03 85 20 14 42 , hoặc từ ngoài nước Pháp: (00.33.3) 85 20 14 42