Thích Nhuận Châu: Pythagore và Thuyết Luân hồi
28/03/2022 08:25 (GMT+7)

Quan niệm tái sinh, luân hồi (saṃsāra) của sinh mạng không phải chỉ riêng có trong tư tưởng Phệ-đà, trong Phật giáo hay Ấn Độ giáo, như xưa nay chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có các quốc gia ảnh hưởng nền minh triết phương Đông mới bị chi phối bởi quan niệm nầy. Triết học phương Tây, mà chủ yếu là nhà toán học, triết gia Pythagore đã mang sắc thái nầy khá đậm nét. Ông không chỉ có quan niệm rạch ròi về sự tái sinh, luân hồi (metempsychosis) của con người, mà còn chỉ rõ đó là do linh hồn (soul) đi đầu thai, và ông còn tin rằng có sự chuyển dịch linh thức từ con người sang con vật sau khi mạng chung. Ông biết được số phận của linh hồn sau khi chết. Ông quan niệm linh hồn là thường hằng, bất tử. Và từ niềm tin tưởng đó, ông duy trì cuộc sống bằng cách ăn chay (vegetarian), chỉ ăn rau đậu, cây trái chứ không ăn thịt động vật. Ông quan niệm trong sinh mạng động vật có sự tiến hóa từ linh thức con người, nên thân xác con vật khi chết, biến thành thức ăn cho con người thì cũng mang theo trong đó linh hồn của con người. Vậy nên, sự tin tưởng vào luân hồi (saṃsāra) của linh thức con người đã có ảnh hưởng rất nhiều đến nhân sinh quan và vũ trụ quan, dẫn đến những thành quả phát minh khoa học và toán học, âm nhạc, triết học của Pythagore.

Trước ông, quan niệm nầy đã có trong triết gia như Thales (624-546 BC), với quan niệm Vũ trụ luận khoa học, ông loại trừ các yếu tố thần thoại khi giải thích các hiện tượng thiên nhiên, và ảnh hưởng đến Platon, với quan niệm hình thành nên Cộng hòa quốc, một quốc độ được hình thành hoàn toàn do ý chí của con người chứ không có sự can thiệp nào của thần linh, như trong tác phẩm Republic của ông.

Bài viết sẽ bắt đầu từ con người Pythagore, các lĩnh vực ông đã thành tựu. Quan niệm linh thức luân hồi, việc ăn chay, những ảnh hưởng đến vũ trụ luận và nhân sinh quan của ông. Chúng tôi sẽ trình bày theo tinh thần đối chiếu giữa các hệ tư tưởng chủ đạo đương thời là Phệ-đà và Phật giáo, cùng dẫn chứng thêm một số triết gia Tây phương chịu ảnh hưởng quan niệm của ông. Hoàn toàn không có ý định phê phán hay đánh giá về các truyền thống tín ngưỡng hay các trường phái triết học có liên quan đến phạm trù nầy. 

PYTHAGORE VÀ THỜI ĐẠI 

Pythagoras sinh tại đảo Samos, vùng bờ biển phía Tây Hy-lạp, cha là thương gia, mẹ là người ở đảo Samos. Thời trẻ tuổi, ông đến thành phố Crotone phía nam Ý để học và để trốn tránh chính phủ chuyên chế Polycrates. Ở đây ông được học với bậc thầy toán học kỳ tài đương thời là Thales. Lúc đó, Pythagore mới 16 tuổi, Thales rất thán phục về trí thông minh và tài năng của Pythagore, Thales đã khuyên ông đến Memphis ở Ai Cập học tập môn tế lễ với các thầy Tư tế nổi tiếng tài giỏi tại đó. Có lẽ ông đã học một số nguyên lý hình học, sau này là cảm hứng để ông phát minh ra định lý toán học nổi tiếng mang tên ông ở tại nơi đây. Sau đó ông tiếp tục lên đường để tìm hiểu những gì tinh túy của những quốc gia được xem là có sự phát triển về tư tưởng, triết học, số học,… đương thời. Pythagore đã đến Ấn Độ, Babilon, Ai Cập và đã ở lại những nơi đó nhiều năm. Ông trở nên uyên bác trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng: số học, hình học, thiên văn, địa lí, y học, triết học khi tiếp nhận thêm những kiến thức thâu thập được từ các quốc gia nầy.

 Đến lúc 50 tuổi , Pythagore mới trở về tổ quốc của mình. Ông thành lập một ngôi trường ở miền Nam Italy, nhận hàng trăm môn sinh, kể cả phụ nữ, với thời gian học gồm 5 năm gồm 4 bộ môn: hình học, toán học, thiên văn, âm nhạc. Chỉ những học sinh giỏi vào cuối năm 3 mới được chính ông trực tiếp dạy.

Các học trò của Pythagore tự gọi mình là mathematikoi (nhà toán học), Họ sống trong trường nội trú, không được có sở hữu cá nhân và ăn chay theo thầy mình. Các sinh viên khác sống tại các vùng gần đó cũng được cho phép tham gia vào lớp học của Pythagore, được gọi là akousmatikoi (người nghe), các sinh viên đó được ăn thịt và có đồ sở hữu riêng.

Theo Iamblichus, các học trò của Pythagore sống một cuộc sống theo quy định sẵn với các môn học tôn giáo, các bữa ăn tập thể, tập thể dục, đọc và học triết học. Âm nhạc được coi là nhân tố tổ chức chủ chốt của cuộc sống này: các môn đồ cùng nhau hát các bài ca tụng Apollo; họ dùng đàn lyre để chữa bệnh cho tâm hồn và thể xác, ngâm thơ trước và sau khi ngủ dậy để tăng cường trí nhớ.

Các mathematikoi được học chi tiết và tỉ mỉ hơn về triết học và toán học. Còn nhóm ngoài, akousmatikoi là những người chỉ được nghe giảng về các tiêu đề rút gọn trong các lời dạy của Pythagore, và không được giảng giải rõ thêm. Mathematikoi chú trọng nhiều hơn tới sự hiểu tường tận vấn đề hơn akousmatikoi, thậm chí tới mức không cần thiết như ở một số quy định và các nghi lễ tâm linh. Đối với mathematikoi, trở thành môn đồ của Pythagoras là vấn đề về bản chất thiên phú và sự thấu hiểu bên trong.

Akousmatikoi chỉ được nghe các bài giảng do Pythagore đọc từ sau một bức màn. Họ không được phép nhìn thấy Pythagore và không được dạy những bí mật bên trong của mọi sinh hoạt. Thay vào đó, họ được truyền dạy các quy luật đối xử và đạo đức dưới hình thức khó hiểu, những câu nói ngắn gọn ẩn giấu ý nghĩa bên trong. Akousmatikoi coi trọng mathematikoi và xem đó những là các môn đồ Pythagoras chính thống. Nhưng mathematikoi lại không coi akousmatikoi như vậy. Sau khi lính của Cylon, một môn đồ bất mãn giết Pythagoras và một số mathematikoi, hai nhóm này hoàn toàn chia rẽ với nhau. Vợ Pythagoras là Theano cùng hai cô con gái lãnh đạo nhóm mathematikoi.

Vợ ông, Theano, con gái của Brontinus, là một nhà toán học. Bà được cho là người đã viết các tác phẩm về toán học, vật lý, y học và tâm lý học trẻ em, dù không còn tác phẩm nào tồn tại đến ngày nay. Tác phẩm quan trọng nhất của bà được cho là về các nguyên lý trung dung. Ở thời phụ nữ thường bị coi là vật sở hữu và chỉ đóng vai trò người nội trợ, nhưng Pythagore đã cho phép phụ nữ có những hoạt động ngang quyền với nam giới trong tổ chức của ông.

PYTHAGORE NHÀ TOÁN HỌC

Mọi người đều biết đến Pythagore là nhà toán học với định lý mang tên ông:

– Tổng diện tích của 2 hình vuông có cạnh góc vuông kề nhau (a và b) thì bằng diện tích của hình vuông có cạnh là cạnh huyền của tam giác đó (c)

– Tổng bình phương của hai cạnh góc vuông thì bằng bình phương cạnh huyền của tam giác vuông đó.

– Công thức: a² + b² = c²

Lịch sử của Định lý Pythagore mang tên ông còn nhiều điều đáng tìm hiểu thêm. Việc Pythagore đích thân chứng minh định lý này hay không vẫn còn chưa chắc chắn, vì trong thời cổ đại, khám phá của học trò cũng thường được gán với danh xưng của thầy. Văn bản đầu tiên đề cập tới định lý này có kèm tên Pythagore xuất hiện năm thế kỷ sau khi ông qua đời. Một điều đáng lưu ý là khi truyền dạy kiến thức cho học trò của ông, Mathematikoi cũng như Akousmatikoi, chỉ là bằng khẩu truyền, tức chỉ qua lời nói, chứ không được ghi chép bằng các ký hiệu hay ngôn ngữ. Điều nầy có tương quan với sự truyền thừa tư tưởng và triết học Phệ-đà ở Ấn Độ, và cả đối với giáo lý đạo Phật. Được biết tư tưởng Phệ-đà được quan niệm là sự khải thị (śruti) của Đấng tối cao (Brahman). Đây là thẩm quyền tối cao. Sự truyền thừa đến các tầng lớp tối ưu được cho là hàng Bà-la-môn chỉ qua sự khải thị bằng âm thanh (śabda) tức là lời nói. Đến thời kỳ đạo Phật cũng vậy. Đức Phật giảng dạy giáo pháp giác ngộ cho hàng đệ tử cũng bằng lời nói. Người nghe ứng dụng lời dạy đó vào việc hành trì, tu tập chuyển hoá, đi đến giác ngộ, lớp đệ tử đó được gọi là Thanh văn (Śrāvaka). Mãi cho đến thời kỳ vua A-dục (Aśoka; 273 – 232 Ttl), triều đại Khổng Tước (孔雀, s: Maurya) mới có chữ viết.

QUAN NIỆM VỀ LUÂN HỒI

Pythagore tin tưởng có sự luân hồi điều đáng tin cậy nhất qua nhiều thư tịch còn lại đến bây giờ. Thuật ngữ Metempsychosis được ghi nhận rất sớm trong tín ngưỡng Orphic, mà người sáng lập là Orpheus, đầu tiên xuất hiện ở vùng Thrace được cho là thừa hưởng một nền văn minh bán khai, thuộc vùng biên giới Tây bắc Hi-lạp …. sau nầy du nhập vào vốn từ vựng Anh ngữ là transmigration hay reincarnation. Thuật ngữ nầy đã có sự hạn chế của nó ngay trong nội hàm vì nó gắn liền với linh hồn (soul), là đối tượng tái sinh hay luân hồi. Orpheus trong thần thoại Hi lạp là nhà thơ và nhạc sĩ. Người vợ của ông mất sớm, quá thương tiếc bà, Orpheus đã xuống âm phủ để tìm kiếm và gặp được bà. Nhưng không thể đưa bà trở về trần gian được. Orpheus cho rằng linh hồn (soul) và thể xác (body) được kết hợp với nhau bởi mối liên hệ không bình thường; linh hồn (soul) là thiêng liêng (divine), bất tử (immortal ) và khao khát tự do (aspires to freedom); trong khi thể xác (body) bị ràng buộc như tù nhân. Cái chết giải quyết mối liên hệ nầy, nhưng chỉ kềm hãm lại linh hồn tự do sau một thời gian ngắn, vì vòng quay sinh tử không có gì lay chuyển được. Thế nên linh hồn tiếp tụ cuộc hành trình của nó, qua lại giữa sự hiện hữu riêng biệt không bị kiềm chế và sự tái sinh mới, đi quanh vòng tròn rộng lớn của quy luật tất yếu, như là sự kết hợp của nhiều thân thể con người và súc vật.”[1]

Như thế, thuật ngữ Metempsychosis chỉ được dùng trong ngữ cảnh triết học Hi lạp, nhưng cũng được các triết gia hiện đại như Schopenhauer[2] và Kurt Gödel[3] sử dụng. Nó đã có một vai trò nổi bật trong tác phẩm Ulysses của James Joyce và nó cũng có liên hệ với tư tưởng của Nietzsche.[4] Một thuật ngữ khác đồng nghĩa đôi khi được dùng là Palingenesia.

Triết gia Hi lạp có liên quan đến luân hồi (metempsychosis) sớm nhất chính là Pherecydes xứ Syros,[5] nhưng Pythagore, được biết là học trò của ông, là người khoáng trương triết lý nổi bật nầy đầu tiên. Pythagore không phải là người phát kiến học thuyết nầy và cũng chẳng phải đã du nhập từ Ai cập, nhưng ông đã làm cho chính mình nổi tiếng khi đưa quan niệm của Orphic từ miền Đông bắc Hellas đến Magna Graecia và bằng vào việc nối kết những cộng đồng dành cho sự quảng bá học thuyết đó.

Heraclides Ponticus đã kể lại câu chuyện rằng Pythagore tuyên bố ông đã trải qua bốn kiếp sống trước đây và ông có thể kể ra chi tiết từng kiếp sống đó. Trong một kiếp sống, theo Aulus Gellius kể lại, Pythagore là một kỹ nữ xinh đẹp. Theo Xenophanes, Pythagore đã nghe được tiếng khóc của người bạn ông trong tiếng sủa của con chó.[6] Xenophanes chú ý đến câu chuyện Pythagore làm trung gian hòa giải thay cho con chó bị đánh đập, ông thú nhận rằng đã nhận ra trong tiếng kêu của con cho là giọng nói của người bạn đã qua đời. Pythagore cho đó là tiếng nói của Euphorbus, con trai của Panthus, đã mất trong trận chiến thành Trojan, cũng như những cá tính khác của ông, là một thương gia, một kỹ nữ,[7] v.v… Trong tác phẩm The Life of Apollonius of Tyana, Philostratus viết rằng Pythagore không những chỉ biết rõ ông là ai, mà còn biết rõ ông đã từng là người như thế nào.[8]

Thực ra, tầm quan trọng và sức nặng của học thuyết luân hồi (metempsychosis) ở Tây phương là do sự thừa nhận của Plato. Trong thần thoại mạt thế luận (eschatological) để khép lại tác phẩm Republic của mình, Platon đã trình bày như thế nào mà Er, con trai của Armenius, sống lại sau khi chết 12 ngày và kể lại những bí ẩn của thế giới bên kia. Er nói rằng sau khi chết, nó đi vào tòa Phán xét (Judgment) và thấy có những linh hồn (souls) trở lại từ cõi trời (heaven), và họ bắt đầu với cảnh giới tương ứng với chọn lựa kiếp sống mới của họ, làm người hay loài vật. Er thấy linh hồn của Orpheus biến thành con thiên nga, linh hồn Thamyras biến thành chim sơn ca, linh hồn những con chim biết hót chọn sự tái sinh làm người, linh hồn của Atalanta chọn tái sinh thành một lực sĩ danh giá. Con người biến thành loài vật; loài dã thú và súc vật đã được thuần hóa biến đổi cho nhau. Sau khi chọn lựa, linh hồn được uống nước sông Lethe,[9] rồi họ vụt tắt như sao băng qua kiếp sống mới. Có nhiều huyền thoại và giả định về cùng một ấn tượng trong những cuộc đối thoại khác như về Phaedrus, Meno, Phaedo, Timaeus và về luật pháp.

Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về quan niệm linh hồn đầu thai của Pythagore qua Platon, vì Platon chịu ảnh hưởng của Pythagore khá nhiều.

Theo quan niệm của Plato, số lượng của linh hồn là cố định; do vậy, sự tái sinh không phải là sự sáng tạo nên một linh hồn mới, mà chỉ là sự chuyển di từ thân nầy đến thân khác.[10]

Nhưng rồi quan niệm luân hồi (metempsychosis) của Plato lại bị phản bác bởi nhiều học giả trong thời hiện đại, Chẳng hạn, như Marsilio Ficino trong luận đề của ông, Platonic Theology 17.3–4, ông cho rằng ám chỉ của Plato về luân hồi chỉ là phép phúng dụ (allegorically).

Arthur Schopenhauer (1788–1860): Nhà toán học kiêm triết học người Đức nói về luân hồi như sau: “Ta thấy rằng lý thuyết luân hồi khởi xuất từ thuở sơ khai, trong thời kỳ vàng son của nhân loại, luôn luôn lan rộng trong nhân gian, được coi là tín ngưỡng của phần lớn mà cũng là giáo lý của tất cả tôn giáo; ngoại trừ tín ngưỡng của người Do Thái và hai tôn giáo xuất xứ từ hình thức thật tế nhị của tín ngưỡng ấy (Hồi giáo và Cơ-đốc giáo). Các thuyết luân hồi đã biến chuyển đến rất gần chân lý mà Phật giáo đề cập, như vậy, trong lúc Cơ-đốc giáo tự an ủi với ý tưởng sẽ tự gặp trở lại trong một thế gian khác, trong thế gian ấy sẽ tìm lại trọn vẹn nhân cách của mình, và cũng sẽ tự nhận ra tức khắc, thì theo các tôn giáo khác, sự gặp gỡ trở lại đã diễn tiến nhiều lần, nhưng ta không nhận thức được. Trong những kiếp tái sinh liên tục tái diễn, những người đã có liên quan mật thiết hoặc có tiếp xúc ngay với nhau sẽ gặp lại trong một kiếp sống vị lai, cũng lại có sự liên hệ với nhau hoặc y hệt, hoặc tương tự, và những tình cảm, thiện hay ác, đối với nhau như trong kiếp sống nàỵ . . .

Cũng như đã ghi chú trong Kinh Phệ-đà và tất cả các kinh sách khác ở Ấn Độ, thuyết luân hồi được xem là nền tảng Bà-la-môn giáo và Phật giáo; cho đến nay, phần lớn các dân tộc Á Đông không phải Hồi giáo, hơn phân nửa nhân loại, vẫn tin tưởng chắc chắn thuyết luân hồi và đời sống thực tế hàng ngày vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết này. Đó cũng là tín ngưỡng của người Ai Cập và từ Ai Cập, Orphée, Pythgore và Platon đã nhiệt liệt nhận lãnh.Theo như trên, sự tin tưởng nơi thuyết luân hồi tự nó là niềm tin qủa quyết tự nhiên của con người mỗi khi nghĩ đến vấn đề này mà không bị ám ảnh trước . .”. (The World As Will And Idea).

Theo triết học Phệ-đà, tư tưởng cổ đại Ấn Độ, quan niệm luân hồi (saṃsāra) mang ý nghĩa khác hơn. Đối tượng đi đầu thai, hay chịu luân hồi (saṃsāra) là Ātman. Theo các nguồn thư tịch cổ xưa nhất thì Ātman có nghĩa là hơi thở (breath), như trong Ṛg-veda. X, 16, 3:

Sūryam cākṣuḥ gacchatu, vātam ātmā,

Đây là lời đọc trước người chết, có nghĩa là ‘Nguyện cho con mắt người đi cùng với mặt trời, hơi thở (ātmā) đi về cùng với gió.’

Thế nên Ātman có nghĩa là hơi thở sinh động, sức sống. Thế nên tinh thần hay hơi thở, thường được dùng trong ý nghĩa mà chúng ta gọi là linh hồn (soul). Từ đó, Ātman thường được hiểu là sự sống (life), tinh thần (spirit). Từ linh hồn (soul) chỉ có một bước nhỏ sang Ngã (Self), và bước đó thường có ý nghĩa cấu trúc ngữ pháp hơn là thực tế. Chúng ta đọc được trong Atharva-veda IX, 5, 30, :

Ātmānaṃ pitāraṃ putraṃ paiitraṃ pitllmahaṃ,
Jāyāṃ jānitrim mātāraṃ ye priyās tān ūpa hvaye,

‘Chính tôi, (đối với) cha, con, ông nội, vợ, mẹ, bất cứ người nào cũng là thân thiết, –tôi mong họ được như vậy.’

Nhưng ở đây Ngã (Self) còn có thể được dịch là linh hồn (soul) hay người (person), Lại nữa, trong Ṛg-veda, IX, 113,

Balām dādhānaḥ ātmāni, có nghĩa là đặt sức mạnh trên chính mình.[11]

Và sn trở thành đại danh từ chuẩn mực chỉ cho tự thân. Và từ đó, có quan niệm chính Ātman, tự cái Ta chịu luân hồi (saṃsāra).

Ātma ở đây có thể dịch là tinh thần của cuộc sống. Nhưng trong một đoạn văn khác, Ātman đơn giản biểu thị cho bản chất nội tại của vạn vật, và đặc biệt hơn là của con người, để cuối cùng nó có nghĩa rất giống những gì các triết gia thời trung cổ gọi là bản thể (quiddity), hay các triết gia Ấn Độ gọi là Idantā of things (sự đâm chồi của vạn vật). Như thế, chúng ta đã đọc trước tiên câu: ātmānam ātmanā, paśya, có nghĩa là ‘Thấy cái Ngã của mày bằng cái Ngã của mầy.’ Hoặc câu: ātmaiva hy ātmanaḥ sākṣī, có nghĩa là ‘Ngã chính là chứng nhân của Ngã.’ Trong ý nghĩa nầy, Ātman về sau được dùng như là danh xưng của nhân vật cao nhất, là linh hồn của thế giới, Đệ nhất nhân (Paramātman), như trong Śatap. Brāhmaṇa XIV, 5,5,15):

Sa vā ayam ātmā, sarveṣāṃ bhūtānām adhipatiḥ, sarve-ṣāṃ bhūtānāṃ rājā. Có nghĩa là:

‘Cái Ngã đó là quyền lực tối cao của mọi hữu tình, nó là vua của tất cả các loài.’[12]

Và khi Ātman thể nhập vào Brahmā, là đạt đến Đại diệu lạc, là hoàn tất tiến trình luân hồi (saṃsāra). Còn gọi là thể nhập tự ngã, tiểu ngã (Ātman) vào Đại ngã (Brahama).

Đến thời Đức Phật, quan niệm nầy có phần khác hơn nữa.

Theo đạo Phật, chúng sinh được sanh ra từ bào thai của nghiệp (s: karmayoni). Chính hành động hay nghiệp (karma) của chúng sinh trong quá khứ là cái bào thai nuôi dưỡng và tạo điều kiện để tái sanh. Cha mẹ cấu hợp nền tảng vật chất. Như vậy, trước chúng sanh có chúng sanh. Trước một chúng sanh trong kiếp hiện tại phải có một chúng sanh trong kiếp quá khứ. Lúc thọ thai, chính nghiệp (karma) tức hành vi của con người đã tạo điều kiện cho thức (vijñāna) đầu tiên làm nguồn sống cho thai bào.

Nếu cha và mẹ gặp nhau mà không nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và không có một chủng tử (s: gandharva. 乾闥婆 p: gandhabba) thì không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau trong thời kỳ thọ thai của mẹ mà không có sự phối hợp của một chủng tử (gandharva) thì cũng không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau nhằm thời kỳ thọ thai của mẹ và có một chủng tử thì có mầm sống…[13]

Gandharva ở đây không phải là một vị trời hay một bà mụ có bổn phận chứng kiến việc thọ thai, mà chỉ là một chủng tử, hay yếu tố nòng cốt trong bào thai. Thuật ngữ Gandharva chỉ có ý nghĩa trong trường hợp đặc biệt nầy thôi. Không nên lầm lẫn với một linh hồn trường cửu.[14]

Có sự tái sanh ở chỗ nầy tức nhiên phải có một chúng sanh chết ở một nơi nào khác. Nói một cách chính xác, sự sanh ra của một chúng sanh, tức sự cấu hợp của ngũ uẩn (khandhanam patubhavo), hay những hiện tượng tâm-vật-lý trong kiếp hiện tại, chuyển tiếp liền theo cái chết của một chúng sanh vừa qua đời, cũng giống như ta thường nói, khi mặt trời lặn ở một nơi tức là mặt trời mọc ở một nơi khác. Câu nói có vẻ bí hiểm ấy có thể rõ ràng và dễ hiểu hơn nếu ta hình dung đời sống như một lượn sóng, chớ không phải như một đường thẳng. Lượn sóng nổi lên, rồi hạ xuống để bắt đầu một lượn sóng mới. Tuy hai lượn sóng khác nhau nhưng không có một thời gian gián đoạn. Sanh và tử chỉ là hai giai đoạn trong một tiến trình. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, sự luân lưu bất tận sanh-tử, tử-sanh của chuỗi dài những kiếp sống gọi là luân hồi (saṃsāra).

Saṃsāra, luân hồi, theo đúng nghĩa uyên nguyên của danh từ, là cuộc đi thênh thang bất định và không ngừng. Trong Atthasālinī, ngài Buddhaghosa định nghĩa danh từ saṃsāra như sau:

Khandhanam patipati dhatu-ayatanana ca
Abbhocchinam vattamana samsaro ti pavuccati.[15]

Nghĩa là, saṃsāra, luân hồi, là sự tiếp diễn không ngừng của ngũ uẩn, tứ đại và lục căn.

Chấm dứt luân hồi (saṃsāra) chính là giải thoát, là cảnh giới niết-bàn. Làm thế nào đê đạt đến cảnh giới nầy? Đó là giáo lý mà Đức Phật đã giảng giải suốt 49 năm, từ khi ngài chứng ngộ đến khi nhập diệt. Đó cũng chính là lý tưởng, là mục đích tối hậu của người tu học Phật pháp.

VẤN ĐỀ ĂN CHAY

Trong một đoạn tự truyện dấu tên về Pythagore, được ‘lưu trữ’ bởi Photius cũng đề cập đến thuyết luân hồi: ‘Pythagore tránh không ăn thịt động vật do vì niềm tin cứng ngắc vào sự luân hồi (transmigration), và cũng vì thức ăn từ thịt đòi hỏi sự tiêu hóa rất nhiều, và quá nhiều chất béo. Họ cũng tránh dùng đậu (beans), vì khiến đầy hơi, và những lý do khác.’

Và trong một phát biểu khác:

‘Pythagore xác định rằng con người có thể phát triển theo ba cách: trước hết, bằng sự đối thoại với Thượng đế (Gods), vì đối với các ngài, không ai có thể tiếp cận các ngài được trừ phi tránh xa các việc ác, noi gương các bậc thánh, thậm chí tiêu dung trong công hạnh các ngài; thứ hai, bằng tài năng, đó là đức tính của thánh nhân; thứ ba, bằng niềm khát khao cho sự thoát ly thanh thản nhẹ nhàng linh hồn ra khỏi thể xác, như là kết quả từ sự rèn luyện để thăng hoa linh hồn như khởi đầu giấc mơ thần thánh…’[16]

Trong mô tả nầy, có một trình bày về khả năng tồn tại của linh hồn khi tách lìa hẳn với thân xác, có một điềm báo trước trong giấc mơ, mối liên hệ giữa học thuyết luân hồi (transmigration) và sự kiêng cữ của người ăn chay. Còn có những đề cập đến kỷ luật rèn luyện để thăng hoa, khích lệ tái sinh trong đời sống cao hơn và xa lìa hẳn con đường ác.

Diogenes Laertius nêu lên rằng con đường tái sanh có mối liên hệ mật thiết với ký ức, như chúng ta có thể thấy trong một truyện ngụ ngôn, Pythagore đã chọn trí nhớ khi ông từ chối sự bất tử. Mặc dù sự chọn lựa nầy hàm ý rằng lẽ ra ông phải chết, nhưng chính trí nhớ là chìa khóa dẫn đến sự bất tử để vượt qua mê hồn trận. Lại nữa, trí nhớ được nhấn mạnh bởi Iamblichus và Porphyry như là tiến trình của hồi tưởng. Và ký ức nầy có liên quan đến sự thực hành, liên quan đến mệnh lệnh đạo đức, chẳng hạn như kính trọng Nhất thể, đó là sống thực hành phép ăn chay (vegetarianism).[17]

Quan niệm ăn chay của Pythagore có phần nào tương đồng với quan niệm của Kỳ-na giáo (Jainism). Các môn đệ Kỳ-na giáo tin rằng tất cả các sinh vật dù là loài vi sinh (micro-organism) cũng có linh hồn, và chúng có một hay nhiều giác quan ngài năm giác quan. Nên các đệ tử Kỳ-na giáo làm mọi điều có thể để giảm thiểu sự tổn hại đến đời sống sinh vật. Hầu hết những tín đồ Kỳ-na giáo sùng kính đều không ăn rau củ, vì họ cho rằng rau củ chứa đựng nhiều loài vi sinh vật hơn so với các thứ rau khác. Thế nên họ chỉ ăn đậu và trái cây, mà việc trồng trọt những thứ ấy không phải dính líu đến việc sát hại quá nhiều vi sinh vật. Các thực phẩm được chế biến từ súc vật chết cũng không được sử dụng, vì khi một sinh vật bị chết, mộ số vi sinh vật (được xem như là decomposers–vi khuẩn hoặc nấm làm cho chất hữu cơ mau thối rữa) sẽ tái tạo trong cơ thể để phân hủy cơ thể, và khi ăn thịt động vật chết, sự xung đột từ việc phân hủy không thể nào tránh khỏi. Các đạo sĩ Kỳ-na giáo thường tuyệt thực, và khi qua năng lực siêu nhiên mà họ biết rằng mạng sống của họ còn rất ngắn, họ bắt đầu tuyệt thực cho đến khi chết.[18] Đặc biệt có một số người chỉ sống bằng trái cây (fruitarians).[19] Mật ong không được dùng, vì trong mật ong là tổng hợp gồm nhiều thứ như trứng, chất bài tiết, xác ong chết và nước bọt của ong. Một số đạo sĩ Kỳ-na giáo không sử dụng phần thảo mộc sinh trưởng dưới đất như rễ cây và các loại củ, vì những vi sinh vật có thể bị tổn hại khi rễ và củ bị nhổ lên.[20]

 Phật giáo có câu chuyện Thảo hệ tỷ-khưu (草系比丘; s: kuśa-vandhana), tỉ-khưu bị trói bằng cỏ. Nhưng đây là thí dụ để nhấn mạnh việc tỷ-khưu nghiêm giữ giới cấm. Trong Đại trang nghiêm kinh luận, quyển 3 có ghi: Có vị tỉ-khưu đi giữa đường gặp giặc cướp, chúng liền dùng cỏ tươi trói họ lại, vì sợ làm đứt sự sống của cỏ nên các tỉ-khưu không dám cởi trói. Câu chuyện này được dùng để ví dụ việc giữ gìn giới cấm một cách nghiêm chính của hàng xuất gia trong đạo Phật.

ẢNH HƯỞNG ĐẾN VŨ TRỤ LUẬN

Niềm tin về luân hồi (metempsychosis) của linh hồn và chủ trương ăn chay của Pythagore đã có ảnh hưởng đến quan niệm về vũ trụ. Theo sử gia người Hi-lạp Diogenes Laertius, Pythagore là người đầu tiên dùng thuật ngữ kosmos để chỉ cho vũ trụ (universe). Và Pythagore chính là người đầu tiên công bố rằng thế giới là hình tròn.[21]

 Giải thích theo từ nguyên học (etymology), kosmos là một cấu trúc (structure) mang tính hài hòa (harmony), có tổ chức (organisation) theo trật tự tự nhiên (natural). Vậy nên vũ trụ luận theo Pythagore là một toàn thể hài hòa, trong đó các hiện tượng thiên nhiên, các vật thể, các hình thái được tạo nên, v.v… đều được sắp xếp thành một trật tự cân đối hài hòa.

Ắt hẳn đây là quan niệm tiến bộ đương thời về vũ trụ luận. Từ đây đã ảnh hưởng đến các thế hệ triết gia về sau, gần nhất là Plato mà chúng ta thấy rõ nhất qua tác phẩm Cọng hòa quốc (The Republics) của ông. Nhưng rồi theo thời gian, cũng bị chìm lắng trong các hệ tư tưởng duy lý khác.

Mãi cho đến thời Giordano Bruno, (1548–1600), người Ý, là triết gia, nhà toán học, thiên văn học, đưa ra những học thuyết tán thành khoa học hiện đại của Copernic, đó là thuyết vũ trụ vô hạn (infinite universe) và thế giới đa phương (multiplicity of worlds), trong đó ông phản đối thuyết địa tâm truyền thống (geocentric; Earth-centred), và với trực giác, ông tán thành và khoáng trương thuyết nhật tâm (heliocentric; Sun-centred) của Copernic. Quyết định nầy đã dẫn đến cái chết đầy bi tráng của Bruno, vì ông không khoan nhượng quan niệm phi lý của giáo hội La-mã lẫn giáo hội Cải cách đương thời.

 Sau đó là Galileo Galilei (1564-1642), ông đưa ra thuyết tất cả các hành tinh, kể cả trái đất đều quay quanh mặt trời, tán thành chủ thuyết của Copernic đã gây tranh cãi trong giới thiên văn học. Quan điểm địa tâm (các hành tinh quay quanh trái đất) đã là chủ thuyết thống trị từ thời Aristotle, và sự tranh cãi nảy sinh sau khi Galileo trình bày thuyết nhật tâm như một minh chứng, khiến giáo hội La-mã cấm tuyên truyền nó như một sự thực đã được chứng minh. Galileo cuối cùng bị ép buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Toà án dị giáo La-mã.

Phải hơn 10 thế kỷ sau mới lóe sáng trở lại một vũ trụ quan tiến bộ tưởng chừng đã biến mất hẳn trong bầu trời phương Tây.


Tham khảo:

-Max Müller: The Six Systems Of Indian Philosophy, I9I9, Bombay, Calcutta, and Madras

-Tuệ Sỹ, A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, tập I, II. NXB Phương Đông, 2012.

Majjhima Nikāya, Mahatanhasamkhaya sutta, số 38. Ht Thích Minh Châu dịch.

– Chambers, Dictionary of Etymology, Ed. Robert K Barnart. 1988.

-William Keith Chambers Guthrie, (1978), A history of Greek philosophy, Volume 1: The earlier Presocratics and the Pythagoreans, page 173. Cambridge University Press

-Smith, William, ed. (1867). Dictionary of Greek and Roman Biography and Mythology..

-Riedweg, Christoph (2005). Pythagoras: His Life, Teaching and Influence. Cornell University. pp. 5–6, 59, 73.

– Flavius Philostratus, The Life of Apollonius of Tyana , trad. F. C. Conybeare, Vol. 2, London, 1912, Book VI, p. 39.

THÍCH NHUẬN CHÂU


[1] Linforth, Ivan M. (1941) The Arts of Orpheus, Arno Press, New York, OCLC 514515
Long, Herbert S. (1948) A Study of the doctrine of metempsychosis in Greece, from Pythagoras to Plato (Long’s 1942 PhD dissertation) Princeton, New Jersey, OCLC 1472399

[2] Schopenhauer, A: “Parerga und Paralipomena” (Eduard Grisebach edition), On Religion, Section 177

[3] Gödel Exhibition: Gödel’s Century

[4] Nietzsche and the Doctrine of Metempsychosis, in J. Urpeth & J. Lippitt,
Nietzsche and the Divine, Manchester: Clinamen, 2000

[5] Schibli, S., Hermann, Pherekydes of Syros, p. 104, Oxford Univ. Press 2001

[6] Diogenes Laërtius, viii. 36

[7] Porphyry, Vit. Pyth. 26; Pausanias, ii. 17; Diogenes Laërtius, viii. 5; Horace, Od. i. 28,1. 10

[8] Flavius Philostratus, The Life of Apollonius of Tyana, tr. F. C. Conybeare, Vol. 2, London, 1912, Book VI, p. 39.

[9] Tương đương trong dân gian thường truyền nhau sau khi chết, linh hồn đến gặp Diêm vương, sau khi Diêm vương luận tội xong, bèn cho ăn Cháo lú rồi mới cho đi đầu thai. Chuyện nầy có lẽ ảnh hưởng truyền thống Trung Hoa. Trong thần thoại Hi lạp, Lethe là một trong 5 con sông ở địa ngục Hades. Còn gọi là Ameles potamos (dòng nước lãng quên). Sông Lethe chảy quanh hang động Hypnos và đi qua các luyện ngục, nơi mà các linh hồn sau khi đã uống dòng nước lãng quên xong liền mất hết ký ức, kinh nghiệm và trí nhớ. Lethe cũng là tên của một vị thần Hi lạp, chủ của sự lãng quên.

[10] Republic X, 611. The Republic of Plato By Plato, Benjamin Jowett Edition: 3 Published by Clarendon press, 1888.

[11] Max Müller: The Six Systems Of Indian Philosophy, I9I9, Bombay, Calcutta, and Madras

[12] Max Müller: The Six Systems Of Indian Philosophy, I9I9, Bombay, Calcutta, and Madras, pp.84-86.

[13] Majjhima Nikāya, Trung bộ kinh, Mahatanhasamkhaya sutta, số 38.

[14] Majjhima Nikāya, Trung bộ kinh, Mahatanhasamkhaya sutta, số 38.

[15] Atthasālinī (Pāli) do ngài Phật Âm (Buddhaghosa) biên soạn trong truyền thống A-tỳ-đạt-ma Nam phương Thượng toạ bộ (Theravada Abhidharma). Bản dịch tiếng Anh là The Expositor hay Providing the Meaning. Trong đó ngài Phật Âm giải thích những thuật ngữ có trong Dhammasangani, một bản kinh trong tạng Nam truyền.

[16] Guthrie, K.S., Pythagorean Sourcebook, p. 138.

[17] James Luchte, Wandering Souls: The Doctrine of Transmigration in Pythagorean Philosophy. Manuscript was published with some variations by Bloomsbury, 2009.

[18] Vegetarianism Good For The Self And Good For The Environment at The Jain Study Circle

[19] Matthews, Warren: World Religions, 4th edition, Belmont: Thomson/Wadsworth 2005, p. 180. ISBN 0-534-52762-0

[20] “Jainism” at JainUniversity.org

[21] Diogenes Laertius, The Lives and Opinions of Eminent Philosophers, Tsl. By C.D Yongle, Book VIII.

https://hoangphap.org

Các tin đã đăng: