“Trải nghiệm cận tử” chứng tỏ có hiện hữu của tinh thần?
31/03/2010 21:57 (GMT+7)

Xem hình

Có lẽ con người khác với con vật ở chỗ ngoài bản năng tự tồn còn có ý thức về sự tồn tại của mình, nghĩa là sự sống chết của mình, nên đã tạo ra đạo giáo và triết học. Đạo giáo dựa trên đức tin, triết học dựa trên lí trí. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Các đạo giáo tin con người gồm 2 phần: tinh thần (linh hồn) và thể xác. Triết học từ khi mới khởi đầu, cách đây 2500-3000 năm ở Ấn Độ và ở Hi Lạp, cũng đã chia làm 2 phái: Duy tâm, suy luận là tinh thần có sự sống độc lập với thể xác, tiếp tục tồn tại sau khi thể xác chết; Duy vật, suy luận ngược lại là tinh thần chỉ là vật chất, được cấu tạo như mọi vật chất bởi những nguyên tử kết hợp với nhau. Khi chết các nguyên tử rời rã nhau, tinh thần cũng sẽ tiêu tan.

Từ cuối thế kỷ thứ XIX, khoa học không còn phụ thuộc triết học về phương pháp suy luận nữa và đạt được nhiều tiến bộ nhờ phương pháp thực nghiệm chỉ công nhận sự hiện hữu của những gì có thể quan sát, thử nghiệm và chứng minh được.

Là một ngành của khoa học, Y khoa không có ý kiến gì về sự sống chết của cái phần của con người gọi là linh hồn, vì không thể quan sát và thử nghiệm nó được.

Cho tới cuối thế kỷ thứ XX, Y khoa lấy tiêu chuẩn để định nghĩa sự chết là sự chết của thể xác khi không còn hơi thở và tim ngưng đập. Tình trạng này gọi là chết lâm sàng (mort clinique). Nếu sau một thời gian vẫn không hồi phục được những chức năng hô hấp và tuần hoàn thì người bệnh bị coi là đã chết hẳn.

Những năm gần đây, kỹ thuật hô hấp nhân tạo (respiration artificielle) và hỗ trợ tuần hoàn (assistance circulatoire) có những tiến bộ phi thường, khiến có thể hồi phục được gần như vô hạn định hoạt động của tim, phổi mặc dầu người bệnh vẫn ở trong tình trạng hôn mê. Y khoa thấy cần phải đưa ra một tiêu chuẩn (critère) khác về sự chết, không phải khi tim phổi ngưng hoạt động mà là khi bộ óc không còn biểu lộ một hoạt động nào nữa, gọi là chết não hay hôn mê quá giai đoạn.

Người bệnh bị coi là ở tình trạng Chết não khi điện não ký (électroencéphalographie) không còn ghi nhận được một biến đổi điện thế nào ở vỏ não (cortex), cho một điện não đồ phẳng lặng (Electroencéphalogramme plat). Chết não được coi là chết hẳn nếu 30 phút sau điện não đồ thứ hai vẫn phẳng lặng. Nhiều nhà khoa học cho đó là một bằng chứng không thể chối cãi được là cái gọi là tinh thần chỉ là sản phẩm của bộ não vì khi bộ não bị coi là chết, không còn một biểu hiện nào của ý thức nữa.

Thời gian gần đây, khoa hồi sức (Réanimation) và khoa giải phẫu lập ra những kỳ công không thể tưởng tượng nổi, có thể coi là những phép lạ: Hồi sinh được nhiều bệnh nhân ở tình trạng chết lâm sàng hay chết não.

Và kỳ lạ hơn nữa là nhiều người được “cải tử hoàn sinh” nhớ và kể lại những nhận thức và những cảm nhận của mình trong thời gian bị coi là chết, như trở về từ một thế giới khác. Khoa học gọi những hiện tượng này là: NDE (near death experiences), tiếng Anh, hay EMI (experiences de mort imminente), tiếng Pháp. Dịch ra tiếng Việt là Kinh nghiệm cận tử.
Những kinh nghiệm cận tử này chứng tỏ Ý thức, biểu hiện của Tinh thần có đời sống độc lập với bộ óc tất nhiên là không phải từ bộ óc mà ra. Nhiều trung tâm khoa học trên thế giới được thành lập để nghiên cứu và tìm hiểu những kinh nghiệm cận tử này như American for the Advancement of Science (AAAS), Đại học Virginia Mỹ và Đại học Northampton Anh v.v… Đó cũng là đề tài của cuộc hội thảo năm 2006, ở tỉnh Martigues (Pháp) với hơn 2000 nhà khảo cứu đến từ nhiều nước.

Hiện tượng DNE đầu tiên được giới khoa học nghiên cứu là trường hợp cô ca sĩ Pam Reynolds 35 tuổi bị Túi phình mạch não (anévrisme artérielle) phải giải phẫu với rất ít hi vọng sống được vì năm đó là năm 1991, kỹ thuật mổ “túi phình mạch não” còn mới mẻ và đầy bất trắc. Cô Pam bị đặt vào tình trạng chết lâm sàng (mort clinique): nhiệt độ xuống còn 15,5°C. Khi bác sĩ giải phẫu bắt đầu cắt da đầu thì cô Pam thấy mình ra khỏi thân xác. Người ngược trở lại 180°, từ trên cao cô thấy tóc mình bị cạo sạch và cái cưa bác sĩ dùng có nhãn hiệu là Midas Rex. Cô nghe các bác sĩ giải phẫu trả lời nhau và sai người phụ mổ. Cũng vẫn ở tình trạng trầm bổng (lévitation), cô thấy mình xuyên qua một hầm tối trước khi đến một nơi đầy ánh sáng và rất ấm cúng. Cô có cảm tưởng gặp lại bà con bạn bè đã chết và cô nhận diện được một ông cậu chết trước đây và ông cậu đem cô lại chỗ xác chết giá lạnh của ông. Khi tỉnh, cô Pam kể lại những điều đó khiến cả ê kíp bác sĩ đều ngạc nhiên vì trong tình trạng chết lâm sàng, máu ngưng luân chuyển, máy điện tử (monitoring) ghi nhận óc ngưng hoạt động, làm sao cô có thể kể lại một cách mạch lạc những sự kiện đã xảy ra.

Cuốn sách đầu tiên nói về kinh nghiệm cận tử là cuốn best-seller của bác sĩ Raymond Moody, Cuộc sống sau cuộc sống (La vie après la vie) xuất bản năm 1976. Những cuốn sách nổi tiếng mới đây là cuốn của bác sĩ J.J Charbonnier, Những bằng chứng khoa học của cuộc sống sau đời sống (Les preuves scientifiques d’une vie après la vie) và cuốn sách mới xuất bản được mấy tuần đã được The New York Times đưa vào danh sách best-seller là của bác sĩ Jeffrey Long, chuyên khoa Quang tuyến ung thư người Mỹ, nhan đề Evidence of the After-life (Bằng chứng sau cuộc sống), đều kể lại những chuyện tương tự của những người đã ở tình trạng chết lâm sàng hay hôn mê quá giai đoạn (coma dépassé). Những cuốn sách này dành cho đại chúng, còn giới khoa học có thể theo dõi những công trình về kinh nghiệm cận tử qua các tạp chí y khoa.

Giáo sư Pim Van Lommel chuyên khoa tim mạch người Hoà Lan trình bày trong tạp chí y học nổi tiếng nhất thế giới Lancet năm 2001, một công trình sưu tập những lời chứng của 344 bệnh nhân ở tình trạng chết lâm sàng vì tai biến tim mạch: 18% những người này khẳng định mình đã có trải nghiệm “chết đi sống lại”.

Gần đây nhất, trong số in ngày 25-02-10, tạp chí y học Mỹ Mediscape Medical News nói về những kinh nghiệm cận tử mà bác sĩ Jeffrey Long, tác giả một cuốn sách nói trên, đã sưu tập. Trong vòng 10 năm bác sĩ Long đã nghiên cứu cả thảy hơn 1300 trường hợp trong viện DNE Research Foundation (Tổ chức Nghiên cứu Cận tử), một viện nghiên cứu cận tử được coi là lớn nhất thế giới do ông thành lập. So với những trường hợp cận tử được các trung tâm nghiên cứu khác trên thế giới thâu thập thì những kinh nghiệm cận tử này đều có những điểm giống nhau:

1. Cảm tưởng biết mình đã chết nhưng thấy ý thức mình trở lên trong sáng (crystal clear consciouness).
2. Cảm giác thoát khỏi thân xác (décorporation), bay bồng bềnh (lévitation), nhìn thấy thân thể mình từ cao xuống. Một người kể lại “Tôi thấy tôi từ đằng sau lưng… Tôi thấy gáy cô y tá đang tìm cách hồi sinh tôi bằng phương pháp miệng-miệng (bouche à bouche).
3. Cảm tưởng như mình ở trong một thân thể phi vật chất, di chuyển qua một đường hầm hướng dẫn bởi một luồng ánh sáng (tunnel).
4. Cảm tưởng tới một nơi đầy ánh sáng. Một thứ ánh sáng chan hoà đầy an lành, đầy khoan khoái không bao giờ thấy khi còn sống. Gặp lại những người thân đã chết, có người trước khi mình ra đời, có người mình đã quên hay khi còn quá trẻ để có thể nhớ lại. Thấy những “hình dạng” chan hoà ánh sáng” biểu lộ một Tình thương vô biên.
5. Chỉ trong khoảng khắc hồi tưởng lại cả cuộc đời khiến có cảm tưởng thời gian-không gian bị xóa nhoà.
6. Hối tiếc khi phải trở lại cuộc sống.

Những kinh nghiệm này đều giống nhau dù những người kể lại ở những vùng khác nhau trên thế giới có văn hoá khác nhau. Ngay cả những con nít còn nhỏ tuổi chưa có quan niệm gì về sự chết, về đạo giáo hay chưa bao giờ được nghe kể về NDE, cũng kể lại y hệt.
Có những nhà khoa học cho là những trạng thái ý thức (états de conscience) kể trên đủ để chứng tỏ tinh thần có một cuộc sống độc lập với thể xác (bộ óc) và cho biết có một cõi khác (l’au-delà) hoàn toàn khác lạ với thế giới của cuộc sống hiện tại.

Nhưng có những nhà khoa học hoài nghi đưa ra những giải thích khác:

- Những hiện tượng NDE đó chỉ là những biểu hiện thuần sinh lý do thác loạn tế bào thần kinh (désordre neuronal) tạo ra.
- Có thể là do tác động của những thuốc gây mê như kétamine hay ibogaïne.
- Có nhiều trường hợp endorphines được tiết ra khi óc bị thiếu oxygène, tạo ra những cảm giác khoan khoái khi tỉnh người bệnh hồi tưởng lại.
- Thiếu oxygène cũng có thể kích thích những vùng (zones) tạo hình và ký ức của bộ não, khiến làm nhớ lại những kỷ niệm xưa.
- Ngay khi ở tình trạng chết lâm sàng, những mẩu ý thức (fragments de conscience) có thể vẫn còn sót lại.
- Vả lại khi óc không còn oxygène, không phải mọi vùng trong óc đều ngưng hoạt động cùng một lúc: Có thể có những vùng trong óc chưa bị tê liệt khi bị kích thích đã tạo ra những cảm giác NDE và người bệnh khi tỉnh lại đã tự nối kết những cảm giác đó với nhau thành có đầu có đuôi.
- Những thử nghiệm kích thích thùy não thái dương (lobe temporal) làm trên những người bị động kinh (épileptique) ở Đại học Bách khoa Lausanne và Viện Karoslinka ở Stockholm cho thấy là có thể tạo ra cảm giác thoát xác.
- Giáo sư Kevin Nelson khoa Thần kinh Đại học Kentucky Mỹ giảng giải là cảm tưởng bay trong một đường hầm đầy ánh sáng là do thiếu máu võng mạc (mắt).
Mario Beauregard, nghiên cứu sinh về Não học ở Đại học Montréal, tác giả cuốn Từ óc tới Trời (Du cerveau à dieu) phản biện lại và cho những giải thích đó không đủ thoả mãn:
- Khi tim ngưng đập, điện não đồ không còn ghi nhận được một dấu hiệu nào chứng tỏ bộ óc còn hoạt động mà những quá trình tâm thần (processus mentaux) như tri giác, ý thức, ký ức, vẫn diễn tiến để khi người bệnh sống lại có thể kể một cách rất rành mạch có đầu có đuôi những kinh nghiệm trong thời gian óc bị coi là chết, chứ không phải chỉ nhắc lại những ấn tượng rời rạc chớp nhoáng (instatanées) như trong các thử nghiệm kích thích óc kể trên, thì phải đưa ra giả thử là có một cái gọi là tinh thần hoàn toàn độc lập với bộ óc.
- Sự thiếu oxygène cũng không đủ để giải thích những hiện tượng EMI, vì nếu như vậy đa số những bệnh nhân ở tình trạng chết lâm sàng thiếu oxygène đều phải trải qua hiện tượng EMI.

Hiện giờ Mario Beauregard đang cùng những nhà khoa học khác đưa ra chương trình thực nghiệm Aware: Một số bệnh viện Anh, Mỹ, Canada, Pháp… đồng ý thực hiện chương trình này. Trong phòng mổ sẽ giấu những đồ vật hay những biểu tượng ở một chỗ mà từ bàn mổ không thể trông thấy được. Nếu bệnh nhân hoàn sinh sau khi chết lâm sàng hay chết não mà nhận ra được nó, thì đó là chứng cớ tinh thần người bệnh đã thoát khỏi thân thể mình.

Nếu những thực nghiệm này đem lại kết quả, sẽ có nhiều người coi đó là chứng cớ hiển nhiên nhất, là có một sự sống khác độc lập với thể xác. Nhưng cũng có người cho là không đủ và cho đó chỉ là những tình cờ hú hoạ.

Chỉ có những người đã tự mình trải qua cuộc “chết đi sống lại” như ông Philippe Labro, một nhà văn nhà báo Pháp được nhiều người biết tiếng, kể lại trường hợp của ông khi bị hôn mê quá giai đoạn trong cuốn La Traversée: “Tôi thấy mình ra khỏi thân thể, tôi có cảm tưởng nhìn thấy tôi trên giường bệnh và quanh tôi là cả một ê kíp bác sĩ…”, mới nhìn sự chết với con mắt khác, không còn sợ hãi nữa.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Phong Uyên (phatgiaovnn)

Các tin đã đăng: