Bí ẩn trong am cổ
Cách Hà Nội hơn 20km, trên đường đi Bắc
Ninh, có tấm biển lớn chỉ đường về chùa Tiêu, thuộc xã Tương Giang,
huyện Từ Sơn. Ngôi chùa này vốn có tên Thiên Tâm, dựng từ thời Tiền Lê,
là nơi thiền sư Vạn Hạnh tu hành, giảng đạo và dạy dỗ Lý Công Uẩn,
người khai sinh Thăng Long – Hà Nội.
Ai đã đến chùa Tiêu đều không quên ni sư
Đàm Chính, người có vẻ mặt đôn hậu và đôi mắt hiền hòa. Hơn 60 năm về
trước, khi là một thiếu nữ 17 tuổi đã về tu nghiệp ở chùa. Năm 1971,
cái năm mưa liên miên, cây cối mọc nhiều trong vườn tháp, khiến nhà
chùa phải bắc thang lên cắt rễ cây ăn sâu vào tháp. Vén một nhành cây
phủ tháp Viên Tuệ, ni sư thấy một viên gạch màu đỏ, trên có ghi tên và
năm tịch của người trong tháp. Qua khe nứt, ni sư kinh hãi nhận thấy
một người ngồi thiền trong tháp, nhưng ni sư bịt chặt kẽ hở và giữ kín
chuyện, mãi tới năm 1996 mới thưa lại với Hòa thượng Thích Thanh Từ –
Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm, Đà Lạt, khi tới thăm chùa Tiêu Sơn. Ni sư
ngỏ lời nhờ Hòa thượng giúp đỡ và người của Thiền viện Trúc Lâm ngỏ lời
với PGS Nguyễn Lân Cường.
Lần theo văn tự trên viên gạch đính trên
tháp, được biết rằng, người ngồi trong tháp có đạo hiệu là Ma ha đại
Tỳ kheo Như Trí; tháp được kính cẩn hoàn thành vào ngày lành mùa Xuân
niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (1723) triều Lê Dục Tông. Thân thế sự nghiệp
của Thiền sư Như Trí đến nay chưa tìm thấy sử sách, chỉ xuất hiện trong
một vài tác phẩm văn Nôm chưa có dịp kiểm chứng. Những tư liệu đó cho
biết, ngài có cùng một số huynh đệ có cùng chữ Như, phụ giúp Thiền sư
Chân Nguyên sao lục ấn hành những tác phẩm của thời Trần còn sót lại
trong nhân gian như Khóa Hư Lục, Tam Tổ Trúc Lâm, Kiến Tánh Thành Phật
và đặc biệt là năm 1715 in lại bộ Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục – một bộ
sách rất có giá trị về văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Theo Thượng tọa Thích Thông Phương – Trụ
trì Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử thì “Thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp
của Thiền sư Chân Nguyên, một thiền sư thời Hậu Lê có công phục hưng
Thiền phái Trúc Lâm, do sư tổ Trúc Lâm – vua Trần Nhân Tông mở ra và
từng trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên
Tử. Hiện nay ở đây còn tháp đá tôn thờ Thiền sư, gọi là tháp Tịch
Quang”. Thượng tọa Thích Thông Phương cũng nhận xét rằng, Thiền sư Như
Trí đã an nhiên trước sinh tử, thị tịch trong tư thế khiết già và để
lại nhục thân cho đến ngày nay, càng làm sáng tỏ dòng Thiền Trúc Lâm
trên đất Việt và cho thấy chư Tổ người Việt tu hành rất có kết quả cao
sâu, đúng với chân lý bình đẳng mà Phật đã dạy.
Nhục
thân được phục dựng lại của thiền sư Chuyết Chuyết (chùa Phật Tích) là
một minh chứng khác cho thấy phương pháp tượng táng đặc biệt của người
Việt: sau khi thiền sư tịch, các tín đồ đã lấy dây đồng để dựng khung
xương theo thế ngồi thiền rồi tạo tượng phủ bên ngoài xương bằng chất
bồi mà chủ yếu là mạt cưa, vải, sơn ta… Pho tượng trước khi phục chế đã
bị vỡ thành 342 mảnh, gồm 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi, được phục
dựng lại hình hài bằng phương pháp Geraximov.
Ngày 5/3/2003, nhục thân Thiền sư Như
Trí được đưa ra khỏi tháp, trong tư thế bán già, tay kết ấn tam muội,
nhưng vì ẩm mốc nên bị mục rớt phần cẳng tay, nhiều phần hư hỏng nặng,
có nhiều vỏ trứng của các loài côn trùng hoặc bò sát nằm rải rác quanh
bệ sen làm bằng gốm non màu đỏ.
Điều khác biệt là trong lớp bồi không có
thếp vàng, thếp bạc, nhưng trong lớp bồi lại có những miếng đồng mỏng,
có tác dụng đỡ cho nhục thân Ngài qua nhiều năm không bị gục xuống.
Khi PGS Cường tu bổ pho tượng táng này là ông đã phát hiện ra một khối
hợp chất bằng quả bưởi nằm trong bụng thiền sư. Ông khẳng định: “Tượng
được phủ kín bằng lớp bồi, phía dưới lại có đáy gốm hình tòa sen, do
đó, khối vật chất này không thể lọt vào ổ bụng được”.
Ông Cường và các nhà khoa học lấy mẫu
chuyển đến Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia để phân tích
bằng phương pháp phổ nhiễu xạ tia X, kết quả cho thấy, hợp chất lấy từ
bụng thiền sư Như Trí chính là các chất còn lại của phần phủ tạng. Như
vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam chúng ta phát hiện và chứng minh
được có phần nội tạng trong bụng Thiền sư, tức là thi thể Thiền sư được
ướp theo một cách thức riêng, không hề giống với cách ướp xác của
người Ai Cập.
Việc tu bổ pho tượng nhục thân thiền sư
Như Trí đã hoàn thành, Ngài đã trở lại dáng vẻ gần như ban đầu và tiếp
tục ngồi “kiết già” trong nhà thờ Tổ với sự bảo quản cẩn thận của khoa
học hiện đại.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra với các
nhà khoa học là, sự xâm hại nghiêm trọng của thời tiết, vi khuẩn, côn
trùng hàng mấy trăm năm, vì sao ngài vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí cả
khối vật chất của phủ tạng cũng vẫn còn nguyên vẹn?
Yếu quyết tự ướp xác
Theo nhà Phật, người chết mà để lại
những phần không bị thiêu hủy sau khi hỏa táng thì gọi là xá lợi. Xá
lợi ấy nhiều khi cũng rất đặc biệt, ví như cái lưỡi của ngày Duy Ca
Mật, một vị thuyết pháp người Ấn Độ, hay như quả tim của vị danh tăng
Thích Quảng Đức để lại do tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ – ngụy ở miền
Nam Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại thì, đức Phật sau khi viên tịch
cũng để lại xá lợi là những viên ngọc ngũ sắc mà ngay cả nhiệt độ rất
cao cũng không thiêu hủy được.
Đưa nhục thân thiền sư Như Trí vào khám rồng
Nếu là những bậc chân tu, sau khi luyện
được tâm thanh tịnh thì họ đạt được ngũ thông hoặc lục thông. Tai họ có
thể nghe được âm thanh cực nhỏ hoặc từ rất xa; mắt nhìn được xa những
vật rất nhỏ, tâm có thể đọc được ý nghĩ của người khác. Tuy nhiên, các
gốc của Phật giáo không phải là để đạt được ngũ thông, lục thông mà là
để chuyển hóa cái tham, sân, si trong con người mình đến chỗ an nhiên,
thanh tịnh. Để dù mắt thấy sắc, mũi thấy mùi, tai nghe rõ… nhưng trong
tâm không nảy sinh bất kỳ một ý niệm nào ưa thích hay ghét bỏ, phiền
não. Nếu tu được đến mức độ như vậy thì quá khứ hay hiện tại sẽ không
còn ngăn cách nữa. Tất cả những yếu quyết để tự ướp xác này là một
phương pháp bí truyền có tên là “lửa tam muội”.
Tương truyền, lửa tam muội nghĩa là một
ngọn lửa huyền bí, là thứ năng lượng đặc biệt của con người. Người ta
dùng hô hấp để kích động các bí huyệt trong cơ thể, để lúc nào cũng cảm
thấy ấm áp như được khoác một bộ áo dày, mà người Tây Tạng gọi là “mặc
áo tiên”. Khi đã nhập định, người ngồi thiền cảm thấy thân tâm thoải
mái, an lạc, dễ chịu mà người ta hay gọi là “sống trong tiên cảnh”.
Cũng như khinh công, luyện lửa tam muội
là một phương pháp bí truyền, phải có thầy chỉ dẫn, chứ không thể học
theo sách được. Thầy phải là người đã luyện thành công lửa tam muội mới
có thể chỉ dạy được, để biết rõ các nguy hiểm trên đường tập luyện, vì
một sai lầm có thể đưa đến điên loạn hay tử vong. Hành giả phải có một
thân thể cường tráng, mới có thể khắc phục được những khó khăn bước
đầu.
Cũng như mọi phương pháp bí truyền,
người ta thường thêu dệt nhiều điều huyền hoặc, khó kiểm chứng. Tuy
nhiên, đằng sau những điều khó tin này, vẫn ẩn tàng một cái gì đó cần
gạn lọc để tìm ra tinh hoa ở bên trong.
Thông thường, môn sinh ngồi cho thật
vững vàng, thoải mái. Cách ngồi phổ biến là kiết già hoặc bán già. Sau
khi tập ngồi thuần thục, chân tay hết nhức mỏi thì bắt đầu tập thở cho
thật đều, thật sâu trước khi hít thở theo nghi thức. Như vậy, môn sinh
ngồi thế kiết già bắt chéo hai chân, bàn tay đặt lên đầu gối, ngón cái,
ngón trỏ và ngón út thẳng ra, ngón giữa và ngón áp út thu vào lòng bàn
tay. Thoạt đầu, họ thở cho thông hai lỗ mũi, sau đó tập trung tư tưởng
vào hơi thở. Khi thở ra, họ tưởng tượng mình đang xả bỏ các tính xấu
như tham lam, ích kỷ, ngạo mạn, hận thù. Khi hít vào, họ tưởng tượng
mình đang thu vào những tính tốt như từ, bi, hỷ, xả, thanh tịnh. Tiếp
theo, họ hít vào, dồn khí xuống bụng, nín thở trong một thời gian ngắn,
trước khi từ từ thở ra. Cứ tập như thế, đến khi cơ thể hoàn toàn thả
lỏng, tâm trí dứt hết các nỗi lo lắng, ưu phiền, hoàn toàn thoải mái tự
tại.
Viên
gạch đính trên tháp chứa nhục thân Ngài ghi rõ: Nhục thân ở trong tháp
có tên là Ma ha Đại Tỳ kheo Như Trí (theo bản dịch của PGS.TS Đỗ Thị
Hảo)
Nếu đạt yêu cầu, môn sinh được chấp nhận
cho làm lễ điểm đạo truyền pháp. Họ sẽ bỏ bộ áo dày, chỉ khoác một tấm
vải mỏng. Và từ đó, họ không ngồi gần lửa, tìm đến nơi hoang vu, thanh
vắng, có độ cao trên bốn ngàn thước để hít thở không khí trong lành.
Bí kíp ghi rõ: “Không được tập luyện trong nhà cửa, xóm làng, vì không
khí ở đó bị ô nhiễm củi lửa, có những rung động không tốt, ngoại cảnh
làm xáo trộn tâm trí của hành giả”. Hành giả sẽ sống cô đơn ở nơi hoang
vu, bỏ hết phiền não cõi trần.
Sau khi hợp nhất khí huyết, môn sinh
tưởng tượng có một quả cầu lửa to bằng nắm tay sẽ sáng rực ở rốn, mỗi
hơi thở sẽ như ống bễ quạt cho ngọn lửa này cháy to hơn, mỗi lần dồn
khí xuống sẽ kích thích quả cầu này tỏa nhiệt mạnh mẽ.
Hít hơi vào, giữ hơi lại và thở hơi ra
đều nương theo một câu chú để giữ ngọn lửa đó không tắt. Nhờ trước đây
đã luyện thành thục cách quán tưởng xả bỏ tham sân si khi thở ra, và
thu từ bi hỉ xả khi hít vào nên tâm được thanh tịnh. Nếu đốt cháy giai
đoạn, cẩu thả luyện khí mà chưa điều ngự được tâm, thì vọng niệm nảy
sinh, luồng hơi nóng sẽ chạy loạn xạ vào các kinh mạch, khiến môn sinh
có thể điên loạn và tử vong.
Nếu tâm không còn vọng động, môn sinh có thể dùng tư tưởng hướng dẫn luồng hơi nóng đi thẳng vào các thần mạch.
Đỉnh cao của phương pháp luyện lửa tam
muội là tự thiêu đốt đi lớp mỡ trong cơ thể mình và chỉ để lại những
phần bất hoại với thời gian. Khi những thiền sư đốt đến giọt năng lượng
cuối cùng thì cũng là lúc họ vĩnh biệt cõi trần. Chính vì thế, nhục
thân của họ không bị phân hủy và trở nên bất tử.
Người đời vẫn thường kể lại câu chuyện,
trước khi qua đời, thiền sư Vũ Khắc Minh đã chuẩn bị sẵn cho mình một
am nhỏ trên vách núi. Khi bước vào trong am, thiền sư dặn dò các đệ tử
của mình rằng: “Mang cho ta một chum nước uống và một chum dầu để thắp.
Khi nào thấy dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thi thể của ta đã
hỏng thì dùng đất lấp am đi, còn ngược lại thì dùng sơn ta mà bả lên
thi thể”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thiền sư Vũ
Khắc Minh đã luyện được lửa tam muội tới mức tối thượng và dùng nó để
bước vào cõi hư vô, bất tử. Như lời hòa thượng Thích Thanh Tứ nói lúc
sinh thời thì, đây là kết quả của một quá trình rất dài chứng nghiệm
trong tu tập, loại bỏ tất cả những tạp niệm của tâm để đạt đến sự giác
ngộ viên mãn.
Năng lượng con người là một thế giới còn
ẩn chứa vô vàn những bí mật chưa được khám phá. Nhục thân của các vị
thiền sư Việt có lẽ đã gợi mở rằng, con người sở hữu một nguồn năng
lượng vô hạn và khát vọng bất tử đã tồn tại trong nhiều thế kỷ qua.
Theo Vũ Minh Tiến - NLM