Trong đời sống không ai không khỏi
bất an trước bao nỗi lo toan phiền muộn, nên cầu an là điều ai cũng đều mong ước.
Người ta cầu nguyện bằng nhiều cách, tùy ở niềm tin và nhận thức.
Nếu ai chưa thấm nhuần Chánh pháp,
thì họ đi khấn vái am này đền nọ, hoặc cúng sao giải hạn đầu năm. Người thấm
nhuần Chánh pháp không cho lối cầu nguyện ấy là thích đáng, là lợi lạc viên
mãn. Người Phật tử nghĩ rằng: Duy chỉ đem tâm thành kính thanh tịnh trang
nghiêm trì tụng kinh chú trước ngôi Tam Bảo và vâng lời Phật dạy làm những việc
ích mình lợi người, bố thí phóng sanh để cầu cho thế giới hòa bình chúng sanh
an lạc, thì sự cầu nguyện ấy mới đúng với Chánh pháp.
Sự an hay bất an được thể hiện ở
trên hai lãnh vực là thân và tâm. Khi thân bị bệnh, bị đói khát, rét mướt, tai
nạn, tật nguyền, bị tra tấn đánh đập v.v... đó là những bất an của thân. Khi
tâm sầu muộn, bi ai, âu lo, sợ sệt, ân hận hay uất hận, giận hờn, bị các phiền
não của tham, sân, si chi phối đó những mối bất an của tâm.
Ở đời cũng có những hạng người sống
hời hợt, chỉ biết tìm cầu sự an lành ở thể chất qua sự đáp ứng cho những đòi
hỏi như: ăn ngon, mặc đẹp, lắm của nhiều tiền, mong cho tai qua nạn khỏi, công
thành danh toại, chứ ít khi nghĩ đến sự an lành cho tâm hồn, nên họ thường thản
nhiên để cho tham tâm khởi, si tâm, kiêu căng, ngã mạn khởi. Kết quả họ là phải
chuốc lấy nhiều phiền muộn, ray rứt ân hận đè nặng lên tâm thức hằng ngày, hằng
giờ, từng phút, từng giây không bao giờ nguôi.
Trong mối tương quan tương duyên
giữa thân và tâm quyện vào nhau thì những nỗi bất an hoặc sự an lành của thân
và tâm khó mà trình bày một cách tách bạch. Hơn nữa, vấn đề cảm nhận còn tùy
vào nhận thức và khả năng tu tập.
Trình bày một cách giản lược, thì sự
bất an và an lành được tác động trên hai lãnh vực là bên ngoài và chính tự
trong ta.
Những cái bất an đau khổ từ bên
ngoài đưa đến, đó là sự bất an của hoàn cảnh, như bị tai nạn, bị đánh đập, tai
trời vạ người. Muốn tránh, ta phải có những hành động thích ứng để đem lại an
lành. Nếu bị bất an do đói rét, ta phải tìm công ăn việc làm, phải cần mẫn, làm
việc có phương pháp để đem lại cơm no áo ấm. Khi thân nhuốm bệnh, ta phải điều
trị, uống thuốc, biết đi dưỡng và đề phòng.
Còn sự bất an chính tự trong ta là
những sầu, bi, khổ, ưu, não. Muốn tránh những bất an ấy, ta phải trì tụng kinh
chú, tức là trau giồi tâm ta bằng cách tu tâm dưỡng tánh, thực hành theo giáo
lý của đức Phật dạy. Như đau khổ vì tham tâm, ta cố gắng tu pháp môn bố thí.
Quán rõ thật tướng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã cho lòng tham lắng
xuống. Khi sân làm ta đau khổ, thì phải tu pháp quán từ bi, tu pháp nhẫn nhục,
để đập tan ngọn lửa sân hận đang hừng hực đốt cháy từ tâm của ta. Nếu đau khổ
vì si mê tật đố, ta phải tu pháp quán nhân duyên, để nhận thức rõ ràng tất cả
sự vật đều do nhân duyên giả hợp, là trống rỗng, là hư dối, chứ không phải là
chắc chắn như ta tưởng. Khi đã quán rõ được các pháp như vậy, thì tự nhiên tâm
bỉ thử, tật đố lắng xuống nhường chỗ cho một nhận thức rộng rãi hơn, sáng suốt
hơn, không bị cái bỉ thử, tham lam chấp thủ làm điên đảo.
Giải trừ được sự tác động của tham,
sân, si trong tâm, đó là cách cầu an làm cho tâm hồn nhẹ nhàng trong sáng.
Ngài Thần Quang đến cầu xin Tổ
Bồ-đề-đạt-ma an tâm cho mình, cũng chính vì lẽ này.
Thần Quang là một cao tăng Trung
Hoa, sau khi mệt nhọc lặn lội tìm đến gặp Tổ Bồ-đề-đạt-ma đang ngồi lặng nhìn
vách tại chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, ân cần tha thiết van xin Tổ giải thoát nổi
thống khổ ray rứt của lòng mình, nhưng Tổ vẫn yên lặng, lầm lì thản nhiên một
cách tàn nhẫn. Thần Quang không nản chí, đứng suốt đêm giữa tuyết với đôi mắt
long lanh, hoài vọng. Tổ cảm thấy động lòng, liền hỏi:
- Ngươi đến đây để cầu việc gì?
Thần Quang rưng rưng nước mắt vội
thưa:
- Bạch Thầy, tâm con không an, xin
Thầy an tâm cho.
- Người hãy đem tâm ngươi ra đây, ta
an cho.
Thần Quang sửng sốt một hồi lâu, rồi
thưa tiếp:
- Bạch Thầy, con kiếm tâm mà chẳng
thấy đâu cả.
Tổ đáp:
Đó, ta đã an tâm cho người rồi đó
(Vô môn quan).
Đây là một cách an tâm thâm thúy
nhất trong muôn vàn cách an tâm mà đức Phật đã dạy, được ghi lại thành văn và
không thành văn. Nếu ai có một tâm hồn tha thiết cầu an tâm và biết tiếp thu
thấu đáo pháp an tâm của đức Phật thì chắc chắn cũng được an tâm như ngài Thần
Quang.
Vậy vấn đề cầu an không phải chỉ một
mực cầu an thân mà bỏ mất sự cầu an nơi tâm hồn. Nếu thân không có tâm thì đó
là một đống thịt, một xác chết. Cho nên, thể xác được an lạc khi có sự cảm nhận
ấy của tâm thức, và cấp độ an lạc cũng tùy thuộc vào sức mạnh của tâm thức. Như
có người dù bệnh nhẹ, nhưng tâm hồn yếu đuối, khiếp nhược thì nỗi khổ đau của
cơn bệnh sẽ tăng gấp bội. Và ngược lại, người bị bệnh nặng, nhưng với tâm thức
bình tĩnh sáng suốt, có ý chí vững mạnh, không giải đải buông xuôi, thì nỗi khổ
đau của cơn bệnh cũng được giảm thiểu. Với sức mạnh của tâm hồn, tức là tâm an
lạc, có tác động làm vơi đi những khổ đau ở thân xác.
Ở đời thường có hai hạng người sống
theo hai lối sống thái quá: - Có hạng chỉ chú trọng cưng dưỡng thân xác, tạo an
lạc cho thân xác bằng sự thỏa mãn những ham muốn nhục dục. Lại có hạng quá khổ
hạnh bằng sự tiết chế tất cả những nhu cầu tối thiểu và tự hành hạ thân xác. Đó
chỉ là những lối sống không trung đạo, thiếu cân bằng mà ngày xưa đức Thế Tôn
đã từ bỏ và cấm các đệ tử thực hành.
Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên cho
năm vị Tỷ-kheo, câu mở đầu Ngài dạy rằng:
Có hai thái cực cần phải tránh xa:
- Thái cực thứ nhất là sống xa hoa
trụy lạc vật dục, đó là lối sống thấp hèn, không đưa đến giải thoát, cần phải
tránh.
- Thái cực thứ hai là sống ép xác
khổ hạnh, nhịn ăn nhịn mặc, chịu đói chịu rét, đứng giữa trời, nóng lạnh hành
hạ, thì đó cũng là lối sống tà vạy không đưa đến giải thoát, cần phải tránh.
Đức Phật khuyên cần phải tránh xa
hai lối sống ấy để tu hành mới đưa đến giải thoát. Như vậy Ngài không phủ nhận
đời sống về thể xác, nhưng Ngài cũng không tán dương cái lối sống tham đắm vật
chất, chỉ biết chú trọng đến thân mà không chú trọng đến tâm. Lời dạy của đức
Phật nhắc nhở cho tất cả ai muốn đi trên con đường an lạc, thì trước nhất phải
có lối sống quân bình, chứ không phải bỏ ăn, bỏ làm, ghét bỏ của cải hoặc phung
phí của cải, nhưng phải biết sống không say mê vật chất, không say mê theo đời
sống dục lạc, xa hoa, không tìm hạnh phúc, không chôn vùi cuộc đời vào cần sa
thuốc phiện, chén rượu sòng bạc. Đức Phật đã bỏ quốc thành, thê tử đi xuất gia
là dạy cho chúng ta bài học đó. Nhiều tiền chưa hẳn có hạnh phúc, chức trọng
quyền cao chưa chắc có hạnh phúc. Các yếu tố vật chất chỉ là những phần phụ
thuộc, còn cái hạnh phúc chân thật bao giờ cũng chính là trong lòng chúng ta.
Khi lòng ta khởi tham lam do bị tiền
của chi phối, bị quyền lợi danh vọng chi phối, thì tấm lòng của ta trở nên hẹp
hòi ích kỷ, khi đã ích kỷ thì nó không thể trải rộng để hứng lấy những hạnh
phúc cao thượng, chân thật được. Bởi vậy, trên bước đường tu tập cầu giải thoát
an lạc, người Phật tử phải chú trọng tu tập cả hai mặt thể xác lẫn tâm hồn. Với
thể xác luôn luôn phải biết tri túc, cần có cơm đủ no, mặc đủ ấm, cần đủ những
tiện nghi tối thiểu mà không nên hưởng thụ tham đắm vật chất tức là phải sống
quân bình không để rơi vào hai thái cực như Phật đã dạy. - Với tinh thần, phải
giữ cho tâm hồn luôn luôn được trong sáng, được rộng rãi. Người Phật tử càng
biết mở rộng từ bi tâm, càng diệt trừ được chấp thủ, tham ái thì càng có hạnh
phúc chân thật. Khi tâm hồn không trong sáng nhiều tham đắm thì dù ở trên vàng
trên bạc họ vẫn không cho là đủ, vì còn mong cầu là còn khổ. Hạnh phúc chỉ đến
với những tâm hồn biết tiết chế, có đạo đức cao cả, có tu tập theo giáo pháp
đức Phật, sống trong sáng, hướng thiện, sống vô tham, biết đủ như trong kinh Di
Giáo đã dạy: "Người nhiều ham muốn, nhiều tham cầu lợi dưỡng nên khổ não
cũng nhiều. Người biết đủ tuy nằm dưới đất mà vẫn lấy làm an vui, người không
biết đủ, dù ở thiên đường vẫn không vừa ý".
Chúng ta nhìn lên gương chư Tổ đức,
quý ngài có đời sống vật chất rất đơn sơ, đạm bạc, thế mà tâm hồn quý ngài rất
tự tại, rất khoan khoái, rất an nhiên vui vẻ. Không hề thoáng những nét cau có,
giận hờn hoặc buồn rầu. Vì sao như vậy? Bởi vì tâm hồn của quý ngài đã lướt
trên tất cả những tầm thường của đời sống thế gian, đời sống của tham lam ích
kỷ. Quý ngài đã làm chủ được tâm, điều phục được tâm, để tâm không bị chi phối
bởi ngoại cảnh, bởi tham, sân, si, nên đối trước hoàn cảnh nào quý ngài vẫn tự
tại an vui. Đúng là "Tâm bình thế giới bình, tâm xuân vũ trụ xuân".
Cho nên Phật đã dạy: "Tự tại
với tâm, tự tại với pháp". Thường chúng ta chỉ đi tìm sự an bình trong thế
giới hiện tượng, tìm nguồn vui trong vũ trụ vật chất luôn chuyển biến vô
thường, nên chúng ta chỉ nắm bắt được những bào ảnh an lạc. Và chính cái lạc ấy
lại là nhân của cái khổ, nhân quả quả nhân, mãi vận hành, trong quá trình sinh
tử.
Có một hôm, đức Thế Tôn ngồi một
mình trên đám cỏ, một người đi qua thấy vậy liền hỏi:
- Sa-môn Cù-đàm có sầu muộn hay sao
mà ngồi một mình cô độc thế?
Đức Phật trả lời:
- Ta mất gì mà Ta sầu muộn?
Ông ta lại hỏi:
- Nếu không sầu muộn thì chắc là
Ngài hoan hỷ, mà hoan hỷ thì sao lại ngồi cô độc một mình?
Ngài lại trả lời:
- Ta được gì mà Ta hoan hỷ?
Người đó ngạc nhiên hỏi lại:
- Không sầu muộn thì hoan hỷ, không
hoan hỷ thì sầu muộn. Ngài không hoan hỷ, không sầu muộn là nghĩa làm sao?
Ngài trả lời rằng:
-Hoan hỷ chỉ đến với người có tâm
sầu muộn, sầu muộn chỉ đến với người có tâm hoan hỷ. Ta đã dứt bỏ nguồn gốc của
sầu muộn rồi, cho nên Ta không sầu muộn, cũng không hoan hỷ. Tâm ta không dao
động.
Qua lời dạy ngắn gọn, nhưng hàm chứa
một ý nghĩa thâm sâu vô cùng, giúp ta soi rọi vào thực tế cuộc đời để thấy
rằng: hoan hỷ là điều người đời mong muốn, và chỉ đạt sự mong muốn qua sự nắm
bắt, chấp thủ, như mong cho được trúng số độc đắc, mong sự ước muốn tìm cầu của
cải vật chất, như vậy thì cái hoan hỷ đó là những hoan hỷ đi đến với người có
tâm thiếu thốn và sầu muộn, và sau hoan hỷ đó chắc chắn là những sầu muộn âu lo
của mất mát. Như người vừa trúng số thì sung sướng vô cùng nhưng liền sau đó
không khỏi lo sợ bà con biết sẽ đến xin, đến mượn, hoặc bị mất, hoặc bị cháu
con tranh giành làm mất hòa khí gia đình. Nếu cố giấu không cho ai biết thì cũng
phập phồng sợ người ta biết.
Tham cầu là một nỗi khổ, khi thành
đạt là một sự hoan hỷ, rồi mất mát lại là một nỗi khổ. Sầu muộn rồi hoan hỷ,
hoan hỷ rồi sầu muộn cứ nối đuôi nhau mãi.
Có người đang cồn cào vì cơn đói,
đang khổ vì đói, nếu ai đem cho ổ bánh mì thì họ rất sung sướng, rất hoan hỷ.
Thế là hoan hỷ đi đến với người có tâm sầu muộn.
Có người trong ngày Tết mặc chiếc áo
đẹp, đang hoan hỷ trong chiếc áo đẹp, bỗng bị một kẻ tinh nghịch ném pháo làm
áo bị rách, loang lỗ làm người ấy tức tối, sầu muộn, như vậy là sầu muộn đi đôi
với người có tâm hồn hoan hỷ.
Cuộc đời chúng ta cứ mãi diễn đi
diễn lại, hoan hỷ rồi sầu muộn; sầu muộn rồi hoan hỷ. Ngày qua tháng lại. Suốt
cả cuộc đời mãi loanh quanh ở trong cái vòng, cái tâm lượng của chúng sanh phân
biệt, so đo nhơn ngã mà có như thế.
Đức Phật, Ngài đã dứt hết nguồn gốc
chấp thủ, tức là diệt hết nguồn gốc của khổ đau. Ngài luôn hoan hỷ, một sự hoan
hỷ không tạo nên bằng tiền tài danh vọng, chức quyền mà là một sự hoan hỷ đã
dứt sạch nguồn gốc khổ đau, tức dứt sạch vô minh, tham ái, chấp thủ. Bởi vậy,
Ngài dạy: "Ta không hoan hỷ cũng không sầu muộn". Nhưng chính cái
không hoan hỷ không sầu muộn trong đối đãi ấy, mới là một sự hoan hỷ không thể
diễn đạt bằng cái quan niệm so sánh, bỉ thử của nhị nguyên, của người trúng số
đầy mong cầu và tham đắm.
Cái hoan hỷ của đức Phật được tạo
nên bằng trí giác ngộ, bằng tâm từ bi, lòng hỷ xả, đó là sự hoan hỷ vi diệu,
vĩnh cửu. Một sự hoan hỷ phát xuất từ nội tâm của một người tu tập đã tự tại
với nguồn tâm. Đó là sự hoan hỷ không bị ai cướp mất vì không phải giành của ai
mà có được, nhưng lại ban bố cho tất cả.
Cho nên, hễ học Phật, chúng ta cố
gắng xây dựng niềm hoan hỷ, an lạc bằng những công phu tu tập, trưởng dưỡng từ
bi, khơi sáng nguồn tri giác, thì sự hoan hỷ an lạc đó đằng sau không nhuốm
bóng dáng sầu muộn, sợ hãi.
Người có tu tập là người hiểu biết
tâm, khi tham tâm khởi, sân tâm khởi, tâm kiêu mạn khởi, v.v... thì phải điều
phục tâm, chế ngự tâm để trở thành tự tại, tâm giải thoát. Được thế, thì trước
bất cứ một hoàn cảnh nào cũng được tĩnh giác, tâm không bị chi phối. Đã thế, ta
lại còn chủ động, biết sử dụng mọi phương tiện, mọi đối cảnh, để phục vụ những
mục đích cao đẹp. Làm chủ được đời sống cả vật chất lẫn tinh thần là cách sống
an lạc, tự tại giải thoát.
Là người Phật tử còn sống trong
tương quan giữa cuộc đời, chúng ta cần phải có tiền, cần có cơm ăn, áo mặc, cần
có mọi tiện nghi cần thiết trong cuộc sống. Song cũng phải cần có từ bi hỷ xả,
cần có trí tuệ, có bố thí, trì giới v.v...
Thực hiện lời Phật dạy để xây dựng
bản thân và xã hội tốt đẹp là cách cầu an đầu năm thiết thực nhất, đem lại an
lạc cho nhiều đời, hiện tại cũng như tương lai.
Chúng ta tụng kinh, lạy Phật cũng
chỉ với mục đích trưởng dưỡng thiện tâm và tiến dần đến giải thoát tâm vậy.