Nhiều
nhà khoa học và dân tộc học nổi tiếng đã đơn phương độc mã trèo đèo
vượt núi trong tuyết lạnh để vào xứ sở của "đỉnh trời" là xứ Tây Tạng
không ngoài mục đích là tìm hiểu tận nơi những gì thuộc lãnh vực siêu
linh huyền bí.
>>> Kỳ 1: Những hiện tượng khoa học đang nghiên cứu
>>> Kỳ 2: Những câu chuyện khó tin
Từ xưa đến nay có nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và cả những
người "nghiệp dư" muốn tìm hiểu về hiện tượng tâm linh, đã đi sâu vào
những nơi mà họ cho là trung tâm của các sự kiện huyền bí, để chứng
kiến tận mắt những hiện tượng lạ lùng không thể giải thích được…
Khám phá
Nhiều nhà khoa học và dân tộc học nổi tiếng như James Frazer, R.
Muller, William Halse Ricers, Ions Veronica, Mbiti John, Wentz W. E,
Osborne Harold... đặc biệt là một người phụ nữ, một nữ văn sĩ tên là
Alexandra David Neel đã đơn phương độc mã trèo đèo vượt núi trong tuyết
lạnh để vào xứ sở của "đỉnh trời" là xứ Tây Tạng không ngoài mục đích
là tìm hiểu tận nơi những gì thuộc lãnh vực siêu linh huyền bí. Nhờ đó
mà thế giới Tây phương mới biết được những cuộc sống lạ lùng của các vị
Lạt Ma Tây Tạng, nhất là biết về những năng lực tâm linh kỳ bí của
những vị sư sống trong hang động, nơi mà "Trời" và "Đất" gần như giao
hòa với nhau thành một thể.
Điểm đặc biệt đáng nhắc đến là nơi
đây các vị sư đều có khả năng cao về nhận thức, họ có thể hiểu nhau
qua không gian hơn là biểu lộ bằng lời nói hay hành động. Nhờ khả năng
đọc được tư tưởng người khác mà nhiều vị Lạt Ma Tây Tạng biết trước
được những gì mà người khác đang dự tính trong đầu. Ngoài ra những vị
này còn có khả năng phân tích vầng màu sắc tỏa ra từ đầu bất cứ ai để
từ đó biết được ý tưởng tốt hay xấu mà người đó đang dự định. Đây chính
là nguồn năng lực của con mắt thứ ba đã được nhiều tài liệu nhắc tới
với tên gọi là "Thần nhãn" hay "Huệ nhãn".
Trở lại vấn đề khả
năng thông hiểu ý tưởng người khác cũng như thấy rõ và phân biệt vầng
màu mà các vị Lạt Ma Tây Tạng có được thì đó lại là sự kiện có vẻ bình
thường đối với người dân Tây Tạng. Lý do dễ hiểu là từ tấm bé, họ đã
được cha mẹ kể cho nghe chuyện cổ tích về người Tây Tạng thời cổ xưa,
theo chuyện cổ này thì thời xưa ấy, người Tây Tạng ai cũng có một "nhãn
lực" đặc biệt, nhãn lực này không phải từ đôi mắt thông thường của con
người mà là từ một con mắt thứ ba này mà người xưa gọi là Thần nhãn
hay nói theo kinh điển là Huệ nhãn. Về sau, vì con người bị lôi kéo dần
vào đường vật chất, ích kỷ, tham lam, sân hận, mê mờ nên trí óc không
còn trong sạch, sáng suốt. Cuối cùng như tấm gương bị bụi mờ che kín,
con mắt thứ ba trở thành u tối không còn sử dụng được nữa.
Các
nhà nghiên cứu về Huệ nhãn đã bắt gặp trong giới động vật hình ảnh trung
thực nhất về con mắt thứ ba một cách rõ rệt không chối cãi. Tuy nhiên
câu hỏi tại sao lại có sự hiện hữu và công dụng thực tế thì lại còn lắm
mơ hồ. Đặc biệt lạ lùng là ngay trong giới động vật có xương sống cấp
dưới thì lại thấy hiện một cấu tạo giống như cấu tạo mắt bình thường,
nghĩa là cũng có dây thần kinh, thủy tinh thể và võng mạc... Ngay cả
loài cá, lưỡng thê, bò sát, chim, cả động vật có vú kể cả con người
cũng đều có dấu tích con mắt thứ ba.
Khi khảo sát bộ xương của
loài khủng long thời tiền sử, các nhà cổ sinh vật học cũng chú ý tới
một chỗ lõm nơi phần sọ của loài bò sát khổng lồ này và đã đoán nơi đây
là vị trí của một cơ quan thị giác hay nói theo suy tưởng của sự kiện
đang bàn là "con mắt thứ ba". Công dụng của con mắt này có lẽ để giúp
các loài động vật thời cổ không những thấy mà còn biết thêm hay cảm
nhận trước được tình trạng chung quanh như mưa, gió nhất là các vật thể
nằm khuất ở vị trí phía trên đầu.
Khai mở "Huệ nhãn"
Những khám phá mới đây nhất (vào năm 1996) từ một số nhà khoa học đã cho
biết là trong não người có một tuyến tuy rất nhỏ, chỉ bằng hạt đậu
xanh nhưng nhiệm vụ của tuyến này rất kỳ diệu, chỉ tiết ra loại nhân
hóa tố đặc biệt với một lượng rất nhỏ trong trường hợp con người đang
chú tâm cầu nguyện với tất cả thành tâm, hay vào các giai đoạn con
người ở tình trạng nguy biến, thập tử nhất sinh. Cái tuyến lạ lùng đó
là tuyến Tùng quả (Pineal gland). Khi phân hóa tố của tuyến đi vào máu
thì cơ thể sẽ có những phản ứng kỳ diệu bất ngờ mà lúc bình thường không
có được. Các nhà sinh vật học còn khám phá ra rằng tuyến Pineal gland
còn có liên quan tới bộ phận mà người Tây Tạng gọi là con mắt thứ ba.
Chỉ những ai chịu vứt bỏ lòng tham luyến sân si mê mờ, quyết tâm giữ
lòng trong sạch và tu trì mới có được Huệ nhãn. Chính phần lớn các vị
Đại sư Tây Tạng, những người ẩn cư nơi vùng núi cao tuyết giá hay trong
các Đạo viện thâm nghiêm là có thể có năng lượng "thượng thừa" ấy mà
thôi. Tuy nhiên, theo các vị Đại sư thì không phải tất cả các vị chân
tu Tây Tạng đều có Thần nhãn hay Huệ nhãn như ta tưởng, vì muốn có được
Thần nhãn thì ngoài hội đủ các điểm cần yếu như đã nói trên, còn phải
có Thần lực đặc biệt kết hợp với các pháp môn tu luyện cao siêu mới
được.
Phép tu luyện cao siêu đó có mục đích là để khai mở Huệ
nhãn. Một khi đã có Huệ nhãn rồi thì dù ngồi tĩnh tọa trong viện, nơi
núi cao hay trong rừng sâu vẫn có thể thấy được những gì xảy ra ở
khoảng cách rất xa, hay chuyển di tư tưởng đến một nơi nào đó cho ai.
Tại Tây Tạng, nhiều Đạo viện thường có những buổi thực tập về phép
chuyển di tư tưởng giữa các hàng đệ tử trong giai đoạn tu luyện các
phép thần thông. Phương cách thực tập rất khoa học, lúc đầu hai người
đệ tử ngồi cạnh nhau để chuyển tư tưởng cho nhau. Khi bắt được tư tưởng
của nhau rồi thì khoảng cách tĩnh tạo giữa hai người này sẽ ở vị trí
xa hơn.
Cứ thế mà về lâu về dài họ có thể đạt tới khả năng
truyền tư tưởng cho nhau qua khoảng cách rất xa: hoặc từ đạo viện này
đến đạo viện khác, từ hang động này đến hang động khác. Theo bà
Alexandra David Neel thì dãy Hy Mã Lạp Sơn tuyết phủ im lìm hoang vắng
nhưng lại là nơi các nguồn tư tưởng của các vị ẩn tu giăng bủa khắp nơi
nơi...
Đọc tiếp >>> Kỳ 4: Những câu chuyện còn bỏ ngỏ
Theo Thái Yên - PLVN