Bên
cạnh đó, ta còn có đêm chuyển tiếp, giờ chuyển tiếp, phút chuyển tiếp…được gọi
là đêm giao thừa, giờ giao thừa, phút giao thừa...Từ đây, ngày Tết đầu năm bắt
đầu xuất hiện, ta có Lễ hội Xuân. Trong Lễ hội Xuân thường có ba ngày Lễ hội hoặc
nhiều hơn nữa, mọi người cùng nhau vui Xuân và vui Lễ hội.
Theo tư tưởng Phật giáo phát triển,
đức Phật Di Lặc xuất hiện ra đời vào ngày mới đầu năm – ngày Mùng Một Tết, đặc
biệt là giờ phút giao thừa an lạc, linh thiêng và vui vẻ. Trong giờ phút an lạc
này, mọi người đều có chung ước muốn cầu nguyện bắt đầu từ đầu năm cho tới cuối
năm, điều lành đưa tới, dữ thời đưa đi, nhà nhà hạnh phúc, người người yên vui,
thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Như quý vị biết Phật Di Lặc trong
tiếng Phạn (Sanskrit) là Maitreya Buddha. Buddha có nguồn gốc từ Budh; Budh có nghĩa là tỉnh thức, hiểu
biết, giác ngộ, …Buddha có nghĩa là
Người tỉnh thức, giác ngộ, giải thoát, vững chãi, thảnh thơi, v. v…được dịch tiếng
Việt là Phật hay Bụt. Maitreya (Sanskrit) là có nguồn gốc từ MaitrĪ hay Mitra (S.) có nghĩa là người hoan hỷ và
sự hoan hỷ, người thương yêu và sự thương yêu, người hiểu biết và sự hiểu biết…được
dịch tiếng Việt là Di Lặc. Vậy Maitreya
Buddha dịch âm là Phật Di Lặc dịch nghĩa là Người có thân tâm an lạc, hoan
hỷ, thương yêu, hiểu biết, thân thiện, gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ v. v…Thực vậy,
Phật Di Lặc, là hiện thân cho sự hoan hỷ, sung mãn, tràn đầy, sức sống, tươi
sáng, tốt đẹp, an vui, hạnh phúc, thương yêu, hiểu biết…, có khả năng hiến tặng
những hoa trái an vui, hạnh phúc, thương yêu và hiểu biết tới nhiều người.
Đản sinh vào ngày Tết đầu năm, đức
Phật Di Lặc biểu hiện cho tình thương, tha thứ, bao dung, độ lượng, hoan hỉ, v.
v…Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thấy đức Phật Di Lặc cụ thể bằng xương bằng
thịt xung quanh chúng ta, đó là, cha, mẹ, thầy, bạn, vợ, chồng, con cái, và mỗi
chúng ta. Cha mẹ hoan hỷ thì con cái hoan hỷ, cha mẹ an lạc thì con cái an lạc,
và ngược lại, con cái hạnh phúc thì cha mẹ hạnh phúc…bằng cách áp dụng và thực
hành Phật pháp vào đời sống hằng ngày của mình. Sống đời sống vui vẻ, thương
yêu, an lạc và hạnh phúc cho số đông, thì mỗi chúng ta là đức Phật Di Lặc hiện
tại cũng như tương lai để hiến tặng an vui và hạnh phúc cho tự thân và tha nhân
ngay cuộc sống này.
Qua những ý nghĩa trên, người viết
mạnh dạn đặt tựa đề cho bài viết này là “Xuân Từ Bi.” Chủ đề này được chia
làm hai phần: “Xuân và Từ Bi.” “Từ Bi”
sẽ được trình bày phần dưới. “Xuân” được trình bày ở đây. “Xuân” gồm có “thời gian Xuân, không gian Xuân, hoàn cảnh
Xuân và tâm Xuân.”
“Thời gian xuân” trong bài viết này gồm có những ngày cuối của năm
cũ và những ngày đầu của năm mới. Trong những ngày cuối của năm cũ, người ta
nghỉ học, nghỉ công sở, nghỉ làm việc, bận rộn lo mua sắm, lo lau dọn, lo làm
bánh, lo nấu nướng, lo quét dọn, cắm hoa, trang trí bàn thờ Phật và thờ Ông bà
Tổ tiên nội ngoại, v. v… và v. v…Trong những ngày đầu năm mới, người ta rảnh rỗi,
vui vẻ và nhộn nhịp lắm lo đi Chùa thắp hương lạy Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hộ
pháp thiện thần để xin lộc đầu năm bằng cách cầu nguyện các Ngài chứng minh,
gia hộ và độ trì cho con, người thân người thương trong gia đình con đều được
an vui và hạnh phúc từ đầu năm cho tới cuối năm.
Nếu là đạo Chúa, mình đi nhà Thờ
làm lễ và xin cầu nguyện Đấng ơn trên gia hộ và độ trì cho con và thân bằng quyến
thuộc của con sức khỏe dồi dào, thân tâm an lạc.
Sau khi đi Chùa hoặc đi nhà Thờ
xong, chúng ta tiếp tục đi thăm gia đình Nội ngoại hai bên và mừng tuổi Ông Bà
với những lời chúc thâm tình, thân thiện, gần gũi, dễ thương và tốt đẹp như người
sống được vui, kẻ siêu được sinh về thế giới an lành.
Chúng ta biết một cây cổ thụ có gốc
rễ, có thân, có cành, có nhánh, có lá...Cha mẹ là gốc rễ, là thân cây; chúng ta
là cành, là nhánh, là lá…Gốc rễ và thân cây nuôi dưỡng cành, nhánh, lá, và giúp
cành, nhánh, lá phát triển xanh tươi, che nắng, ra hoa, kết trái để hiến tặng
cho đời một môi trường thiên nhiên tươi mát, xanh đẹp. Ngược lại, gốc rễ và
thân cây không vững chắc và không có nhựa sống, thì cành nhánh lá dễ rụng, dễ gẫy,
dễ khô cằn và dễ héo úa. Nếu cây có quả, thì quả của nó không ngon và không ngọt.
Cũng vậy, cha mẹ sống đời sống có đạo
đức, có tu tập, có hành trì và áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày của
mình bằng cách không làm các việc ác, làm các việc lành, giữ thân tâm an lạc và
trong sạch để nuôi dưỡng lòng từ, bố thí Phật pháp và của cải cho người nghèo
khổ, sống chân thật và tin tưởng, tạo niềm tin và uy tín cho nhiều người. Làm
được như vậy, thì cha mẹ là người an lạc và hạnh phúc có khả năng hiến tặng những
hoa trái an lạc và hạnh phúc cho con cái và dạy cho con cái phân biệt những điều
thiện và điều bất thiện; Điều thiện thì tiếp tục làm, duy trì và phát triển, điều
bất thiện thì tập bỏ dần và bỏ hẳn.
Do đó, cha mẹ đóng vai trò rất quan
trọng trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ là nền tảng hạnh phúc của gia đình sống
đời sống đạo đức, thì con cái có ảnh hưởng noi theo. Hạnh phúc của ba mẹ chính
là hạnh phúc của con cái và an vui của con cái chính là an vui của ba mẹ.
Giáo dục gia đình tuy không có trường
lớp, nhưng nó là nền tảng thiết yếu của xã hội. Trong gia đình, cha mẹ là thầy
giáo dạy về thương yêu, con cái là học sinh, sinh viên học về thương yêu. Tình
thương yêu giữa cha mẹ và con cái được gắn kết với nhau rất mật thiết tạo thành
sức mạnh hạnh phúc của gia đình. Chính yếu tố sức mạnh ấy nên con cái luôn ghi
ơn và nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Thực vậy, dù chúng ta làm gì ở đâu,
dù chúng ta làm ông tỉnh trưởng hoặc bà quận trưởng, dù chúng ta là người Phật
tử hay không phải Phật tử, nhưng Ông bà cha mẹ vẫn là người mà chúng ta quý
kính nhất trên đời. Ca dao Việt Nam có câu:
“Có cha mẹ lại có ta;
Cha mẹ là gốc, chúng ta là cành.
Thân ta như thể lá xanh,
Nhờ gốc tiếp nhựa, thì cành mới
tươi.”
Để nhấn mạnh những ý nghĩa trên,
chư vị Tôn đức thường dạy: “Tôn kính cha mẹ chính là tôn kính Phật.” “Thờ cha thờ mẹ chính là thờ Phật.” Thật vậy, vai trò cha mẹ rất là quan
trọng. “Cha mẹ tại nhà được xem như Phật tại thế.” Chính vì những lí do
trên nên sau khi đi Chùa hoặc đi nhà Thờ xong, chúng ta thường đi viếng thăm và
mừng tuổi Ông bà cha mẹ vào dịp Tết đầu xuân.
Theo truyền thống của người Á đông,
đặc biệt là người Việt Nam, sau khi viếng thăm Cha mẹ Nội ngoại hai bên rồi,
chúng ta tiếp tục đi viếng thăm mộ, thắp hương và cầu nguyện những người đã khuất
gia hộ và độ trì cho con cháu lớn nhỏ đều được bình yên. Theo triết lí nhân
sinh, người sống và người chết đều có mối tương quan và tương duyên với nhau rất
mật thiết. Người sống và người chết có thể là Ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con
cháu…của chúng ta.
Do đó, con cháu ở đâu thì Ông bà ở
đó, hoặc Ông bà ở đâu thì con cháu ở đó. Điều đó có nghĩa là con cháu làm điều
thiện thì Ông, bà, cha, mẹ mang tiếng tốt. Con cháu làm điều bất thiện, thì Ông
bà cha mẹ mang tiếng không tốt. Ngược lại, Ông bà, Cha mẹ là những người có phước
đức để lại phước đức cho con cháu nó nhờ. Ông bà, Cha mẹ là những người thiếu
phước đức, thì hiện tại cũng như tương lai con cháu nó khổ lắm. Dĩ nhiên, con
cháu nỗ lực tu tập và thực hành lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày của
mình, thì nó có thể chuyển hóa khổ đau thành an vui và hạnh phúc.
Là người tỉnh thức, ai mà không muốn
gia đình mình hạnh phúc, con cháu mình an vui. Hiểu được như vậy, chúng ta cố gắng
làm những điều phước thiện để lại phước đức cho con cháu nó nhờ. Tuy phước đức
không có hình tướng, không thể thấy được, nhưng nó đóng vai trò rất quan trọng
trong việc vun trồng và nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mỗi chúng ta. Nó được
xem như là năng lực từ trường tâm linh rất mạnh chuyển từ thế hệ này sang thế hệ
khác. Phước đức có thể thấy được là nhờ biểu hiện qua đời sống đầm ấm và hạnh
phúc của gia đình, con cháu của ta lớn nhỏ đều được yên vui, học hành tới nơi tới
chốn, đứa nào đứa nấy cũng có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định, và lập gia
thất.
Nếu là người cư sĩ, con cháu làm ăn
phát đạt có tâm hộ trì và bảo vệ chánh pháp. Nếu là người xuất sĩ, con cháu
dành nhiều thời gian tu học và hoằng pháp để đem đạo vào đời và giúp đời an vui
và hạnh phúc. Nếu bạn là Phật tử hay không phải là Phật tử, bạn có thể xây dựng
gia đình hạnh phúc, con cháu an vui bằng cách tôn kính Ông bà, phụng dưỡng Cha
mẹ, không làm các việc ác, làm các việc lành, giữ thân tâm an lạc và thanh tịnh
để đem lại phước đức cho tự thân và tha nhân ngay cuộc đời này.
Trên đây “thời gian xuân” được trình bày xong, tiếp đến, “không gian Xuân, hoàn cảnh Xuân và tâm Xuân”
được trình bày chung với nhau. “Không
gian Xuân” là không gian của lễ hội rộng lớn và nhộn nhịp. “Hoàn cảnh Xuân” là hoàn cảnh của lễ hội
thanh bình và vui vẻ. Trong đó, mọi người cùng nhau vui xuân và vui lễ hội. “Thời gian Xuân, không gian Xuân, hoàn cảnh
Xuân và tâm Xuân” có mối liên hệ với nhau rất mật thiết và không thể tách rời
nhau. Chúng tách rời nhau được là vì người viết muốn trình bày từng phần để dễ
viết, dễ đọc và dễ hiểu.
Trong “thời gian Xuân, không gian Xuân, hoàn cảnh Xuân và tâm Xuân,” “tâm Xuân” đóng vai trò quan trọng nhất
trong việc tạo ra muôn sự muôn vật trong vũ trụ, kể cả tạo ra “thời gian Xuân, không gian Xuân và hoàn cảnh
Xuân.”
“Tâm
Xuân” là cái tâm an bình, vui vẻ, rộng lớn... Cái tâm này vừa chỉ cho cái
tâm cá nhân vừa chỉ cho cái tâm cộng đồng bao trùm cả quốc gia và rộng lớn hơn
nữa. Khi “tâm Xuân” của mình an bình
rồi, thì “thời gian Xuân, không gian Xuân
và hoàn cảnh Xuân” chắc chắn trở nên an bình, và ngược lại, khi “tâm Xuân” không an bình thì sức mấy mà
chúng ta có được “thời gian Xuân, không
gian Xuân và hoàn cảnh Xuân.” Tâm Xuân ngó vậy mà quan trọng lắm.
“Tâm xuân vũ trụ đều xuân,
Tâm bình thế giới đâu đâu cũng bình.”
Tới điểm này, “tâm xuân” được hiểu là “Tâm Từ bi.” Chủ đề của bài viết này
là “Xuân
Từ Bi.” Chữ “Xuân” đã được trình bày ở trên, tiếp đến,
người viết trình bày hai chữ “Từ và Bi” (Pāli: Mettā and Karuna).
“Từ Bi” nằm trong Tứ vô lượng
tâm[1](Sanskrit: catur-apramāṇavihāra;
Pāli: catur-appamañña-vihāra) được gọi
là “Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng
và Xả vô lượng.” Trong bài viết này, người viết chỉ trình bày “Từ vô lượng
và Bi vô lượng” mà thôi.
Theo triết lí của đạo Phật, “Vô lượng”
(Appamannā) có nghĩa là không
ngằn mé, không ranh giới, không giới hạn, không phân biệt tôn giáo và không kì
thị chủng tộc, v. v… “Từ Bi” trong đạo Phật có khả năng
dung nhiếp và ôm ấp tất cả các học thuyết, tư tưởng và triết thuyết khác ở đời.
Nó không những lưu hành và vận chuyển trong “thời gian Xuân, không gian Xuân, hoàn cảnh Xuân, mà còn trong thời gian
Hạ, không gian Hạ, hoàn cảnh Hạ, Thu và Đông.” “Từ Bi” trong đạo Phật
không những hòa quyện với bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, mà còn với ba thời: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Nó vượt
thoát thời gian.
Thực vậy, “Xuân Từ Bi” hiện hữu khắp
nơi và khắp chốn khi nào mỗi chúng ta sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác, vững
chãi và thảnh thơi bằng cách hành trì và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống
hằng ngày của mình để đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông.
Theo định nghĩa thông thường, “Từ là ban vui; Bi là giúp người bớt khổ.”
Dựa vào định nghĩa trên, chúng ta có nhiều định nghĩa tiếp theo như sau: “Từ là hoa trái của an vui; Bi là hiến tặng
hoa trái an vui cho người. Từ là chất liệu của thương yêu; Bi là hiến tặng chất
liệu thương yêu cho người. Từ là hạt giống tươi mát; Bi là hiến tặng hạt giống
tươi mát cho người. Từ là hạt giống không kì thị; Bi là hiến tặng hạt giống
không kì thị cho người. Từ là năng lực tu tập của chính mình; Bi là đem năng lực
tu tập của chính mình để hiến tặng cho người khác.”
Từ và Bi được định nghĩa như vậy
cho dễ hiểu, chứ thật ra, Từ và Bi luôn đi đôi, đi ba, đi tư, đi năm, v. v… gắn
kết với nhau rất chặt chẽ. Trong Từ có Bi và trong Bi có Từ. Trong Từ bi có các
chất liệu khác như Hỷ và Xả, an vui và hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi. Người
nào hiểu rõ và nắm vững được Từ và Bi là hiểu rõ và nắm vững những cái còn lại
bởi vì trong Từ và Bi có đủ các đặc tính khác.
Từ và Bi là hoa trái của thương
yêuluôn đi đôi với hiểu biết. Đến đây, Từ Bivà Trí
huệ cùng đi song hành. Người nào có tu tập Từ Bi thì luôn ứng dụng
thích hợp với cuộc sống hằng ngày.
Ví dụ, mình có thói quen hút thuốc
và uống rượu, người thân người thương của mình khuyên mình nên bỏ hút thuốc và bỏ
uống rượu, nhưng mình cứ khăng khăng hút thuốc và uống rượu, mình hỗng chịu bỏ,
mình còn nói giỡn: “Thà bỏ người yêu của
tôi, chứ bỏ hút thuốc và bỏ uống rượu thì tôi nhất định không bỏ.” Một hôm
chúng ta có duyên đi dự khóa tu mùa Xuân một tuần nghe Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
giảng pháp và đề cập tới vấn đề “thương mình” và “thương người.’
“Thương người” trước hết mình phải “thương mình.” “Thương cha
thương mẹ, mình cũng phải thương mình.” “Thương mình” ngó vậy mà vững chãi lắm. “Thương mình” thì mình phải bảo vệ lá phổi của mình, lá gan của
mình, trái tim của mình, v. v...Lá phổi, lá gan và trái tim của mình làm việc
suốt ngày đêm, nó không bao giờ dừng nghỉ một giây một phút. Muốn sống lâu hơn
và khỏe hơn, chúng ta phải tập bỏ hút thuốc và bỏ uống rượu dần dần. Bỏ đến khi
nào chúng ta không còn hút thuốc và uống rượu nữa vì hút thuốc và uống rượu có
khả năng làm hỏng cả thân lẫn tâm của chúng ta.
Ở điểm này, chúng ta cũng nên biết
thêm “thức” và “trí.” “Thức” là kiến thức,
là lí thuyết mà mình đã học; “Trí” là
trí huệ, là sự tu tập, ứng dụng và thực hành kiến thức và lí thuyết mà mình đã
biết đã học. Học mà không ứng dụng và thực hành thì chúng ta chỉ đạt kết quả tốt
đẹp chỉ 50%. Còn học mà thực hành và ứng dụng cái hiểu, cái biết và cái kiến thức
mà mình đã học vào trong cuộc sống hằng ngày của mình, thì ta đạt kết quả tốt đẹp
100%.
Ở đây nhấn mạnh về việc ứng dụng và
thực hành. Học và hành đi đôi với nhau, thì việc học và việc hành đều mang ý
nghĩa và giá trị trọn vẹn. Vậy khi nói và làm cùng đi đôi với nhau, thì mình
nói người ta nghe, mình làm người ta mến và mình dạy người ta hiểu, và tất cả
cùng nhau làm theo lời dạy của mình. Lúc bấy giờ, cái uy và cái lực của mình đối
với quần chúng tăng lên và rất là giá trị.
Biết hút thuốc và uống rượu có hại
cho sức khỏe, ta cứ tiếp tục hút thuốc và uống rượu, thì đó là cái biết về kiến
thức về lí thuyết suông không có thực hành. Ngược lại, biết hút thuốc và uống
rượu có hại cho sức khỏe, chúng ta dừng lại và buông bỏ hẳn, thì đó là cái biết
về sự tu tập và thực hành. Hiểu được như vậy, thì chúng ta tập dừng lại, bỏ hút
thuốc, và bỏ uống rượu uống bia. Sức khỏe và tuổi thọ của ta từ đây tăng trưởng
và khỏe mạnh.
Thươngnhư vậy là thương đi đôi với hiểu. Thương mình thì mình cố gắng dừng hút thuốc và dừng uống rượu; hiểu mình thì mình bỏ hút thuốc và bỏ uống
rượu bia để bảo vệ sức khỏe, đời sống và tuổi thọ của mình. Sau khi thương và
hiểu mình rồi, thì mình mới có thể trải rộng tấm lòng mình ra để hiến tặng cái
thương cái hiểu của mình cho người khác. Cái thương mà mọi người đều hiểu, đều
biết, đều thực hành và đều ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày là cái thương đích thực đi đôi với cái hiểu để đem lại an lạc và lợi ích
cho số đông ngay trong cuộc hiện tại.
Trong tình yêu đôi lứa, nhân dịp đầu
xuân, đi chơi với bạn bè, mình muốn yêu và quen một người mà mình tâm đắc; người
tâm đắc là người có khả năng nói ái ngữ, lắng nghe, hiểu được mình và hiểu được
người khác. Thương ai trước hết mình phải hiểu người mình thương. Mình xem thử
cô nàng hay anh chàng có hợp ý với mình hay không? Nếu không hợp ý với mình,
thì vị ấy chỉ là người bạn qua đường mà thôi. Nếu hợp ý với mình, thì vị ấy là
người mà mình chọn làm bạn trăm năm.
Khi có duyên ăn ở với nhau, thì vợ
chồng phải hòa thuận và tôn trọng ý kiến với nhau. Chúng ta biết thông thường mối
tình ban đầu giữa hai người sống rất đẹp và rất đầm ấm, nhưng dần dần cái đẹp
và cái đầm ấm ấy bị giảm, có khi bị tắt ngấm và mất hẳn.
Muốn duy trì và thắp sáng cái đẹp
và cái đầm ấm ấy cho tự thân và cho gia đình dòng họ Nội ngoài hai bên, thì vợ
chồng sống chung phải có trách nhiệm thông cảm, chi sẻ, giúp đỡ và tin tưởng với
nhau bằng cách tu tập và quán chiếu như thế này.
Cái đẹp của vợ chính là cái đẹp của
chồng, và ngược lại, cái ầm ấm của chồng chính là cái ầm ấm của vợ. Cái đẹp và
cái đầm ấm của vợ chồng chính là nền tảng hạnh phúc của gia đình và con cái.
Trong cái đẹp vật chất và cái đẹp tinh thần, trong cái đẹp thân thể và cái đẹp
tính tình, cái đẹp tinh thần và cái đẹp tính tình là cái đẹp trên hết, tức là,
cái đẹp đạo đức.
Sống chung với nhau, có lúc vợ chồng
cãi vã với nhau. Muốn chấm dứt sự cãi vã, trước hết vợ chồng phải có mặt thật sự
để tâm tình, chia sẻ, bày tỏ và nói ra những khó khăn và nỗi khổ niềm đau. Những
gì người vợ nói thì người chồng lắng nghe và những gì người chồng nói thì người
vợ ghi nhận và lắng nghe. Nói và lắng nghe với nhau bằng cái tâm thương yêu và
hiểu biết, thì cả hai vợ chồng đều nhận diện: “Khó khăn của em chính là khó khăn của anh, và ngược lại, khổ đau của em
chính là khổ đau của anh.”
Nhận diện được như vậy, thì vợ chồng
dần dần chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui và hạnh phúc. Vợ chồng an vui
và hạnh phúc, thì con cái và gia đình nội ngoại hai bên cũng đều được an vui và
hạnh phúc.
Nhân dịp mùa Xuân, chúng ta học, hiểu
và ứng dụng giáo lí Từ Bi vào trong đời sống hằng ngày để đem lại an vui và hạnh
phúc cho số đông. Từ Bi được áp dụng và thực tập không những trong mùa Xuân, mà
còn trong mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông. Nói chung, Từ Bi được thực tập trong bốn
mùa – suốt cả năm, khắp mọi nơi và mọi chốn. Những ai ứng dụng và thực tập Từ
Bi trong cuộc sống, thì họ có khả năng đem lại an lạc và hạnh phúc tự thân và
tha nhân.
Trong định nghĩa Tam Bảo: Phật,
Pháp và Tăng; Pháp được đức Thế Tôn và các vị Thánh đệ tử thuyết giảng rất thiết
thực hiện tại, vượt thoát thời gian. Các vị hữu duyên đến để mà thấy, đến để mà
nghe, đến để mà hiểu, đến để mà thực hành, và đến để nếm và thưởng thức được
hương vị an lạc của chánh pháp. Pháp ở
đây chỉ cho Từ Bi.
“Pháp Phật thật nhiệm mầu,
Bảy[2]hạt biến mười[3]phương,
Cúng
dường khắp tất cả.
Từ Bi không biên cương.”
(Bài kệ Bố thí cho
chúng sanh)
Thực tập Bài kệ trên một cách tinh
chuyên, chúng ta có thể gặt hái được những hoa trái an vui và hạnh phúc trong
giây phút hiện tại. Nhờ pháp Phật thật mầu nhiệm nên chúng ta càng thực tập thì
chúng ta càng nếm được pháp lạc bằng cách nương vào năng lực uy nghi của Đại
chúng để tu học, để hoằng pháp và để giúp đời. Ở điểm này chư Tôn đức thường nhấn
mạnh rằng “Đức chúng như biển.”
Trong lúc cúng cơm buổi trưa với Đại
chúng, với tâm chánh niệm, một hành giả gắp bảy hạt cơm bỏ vào cái chén có ít
nước chú nguyện bài kệ trên. Vị thị giả tiếp nhận và bưng chén cơm ấy tới một
bàn thờ nhỏ bên ngoài xướng một bài Kệ súc sanh:
“Bằng giọt nước trong sạch,
Bằng tấm lòng Từ Bi,
Ta nay dâng cúng cơm này,
Ước mong tất cả
Các loài an vui.”
(Người viết)
Sau khi xướng bài Kệ xong, vị thị
giả bố thí cho các loài chim và kiến. Nhờ năng lực Từ Bi của Đại chúng, bảy hạt
cơm này có thể biến khắp nhiều phương.
Hơn nữa, Từ Bi trong đạo Phật không
phải là lí thuyết suông, mà là lời nói, ý nghĩ, và việc làm chánh niệm, thiết
thực và cụ thể, đó là, không làm các điều ác, làm các điều lành, giữ tâm ý
trong sạch bằng cách áp dụng và thực hành những lời Phật dạy vào trong đời sống
hằng ngày.
Như vậy, Từ Bi trước hết phải xuất
phát từ cái tâm vô lượng, bao la, rộng lớn như người mẹ hiền ôm ấp và nuôi dưỡng
đứa con duy nhất của mình. Tâm Từ Bi của người mẹ chứa đầy năng lượng thương
yêu có khả năng thấm vào và làm mát dịu cơn la khóc và nóng bức của người con.
Tu tập tâm Từ bi giỏi, ta có thể chuyển hóa hận thù, sân giận, nóng bức, căng
thẳng thành tình bạn, tình thương yêu, mát mẻ, mát lòng, lắng dịu, v. v…Kệ số 5
của Kinh Pháp cú ghi:
“Hận thù diệt hận thù,
Đời
này không thể có,
Từ Bi diệt hận thù,
Là
định luật thiên thu.”
Căn cứ vào bài kệ Pháp Cú ở trên, nếu
các thành viên, công nhân, viên chức trong gia đình, học đường, công sở và
trong nội các Chính phủ hiểu và thực hành giáo lí Từ Bi vào đời sống hằng ngày,
thì họ có thể chuyển hóa người hận thành người thân, người thù thành người bạn,
tôn giáo khác thành tôn giáo bạn, quốc gia đối lập thành quốc gia thân thiện để
cùng nhau hợp tác kinh tế, giáo dục, khoa học, thương mại…
Theo tư tưởng đạo Phật, người có
cái tâm sân giận và hận thù, chúng ta không thể dùng cái tâm sân giận và hận
thù để đối trị và chuyển hóa họ được. Bởi vì càng dùng hận thù để đối trị hận
thù, thì hận thù càng gia tăng, và ngược lại, càng dùng Từ Bi để đối trị hận
thù, thì hận thù càng giảm. Do vậy, người có cái tâm sân hận và hận thù, chúng
ta chỉ có thể dùng tâm Từ Bi để chuyển hóa họ, từ đó, họ trở thành người bạn
thân thiện cộng tác đắc lực với mình.
Tóm lại, qua những gì đã đề cập ở
trên, chúng ta biết Từ Bi trong đạo Phật
không có biên cương, không có ranh giới và giới hạn trong tôn giáo, nó vượt ra
ngoài cái vỏ tôn giáo, nó rất thiết thực hiện tại, nó là triết lí sống, là hơi
thở, là sự sống và là mạch máu của chúng ta. Nếu học, hiểu, áp dụng, và thực
hành giáo lí Từ Bi vào trong cuộc sống hằng ngày đúng nơi và đúng lúc, thì
chúng ta có thể góp phần xây dựng người người hạnh phúc, nhà nhà yên vui, xã hội
thanh bình và thịnh vượng ngay tại thế gian này.
Nhân dịp Xuân về, đề tài “Xuân
Từ Bi” được viết và được trình bày ở đây làm món quà Xuân đầu năm để hiến
tặng và cúng dường chư vị xuất sĩ, cư sĩ, Phật tử và không phải Phật tử để làm
hành trang và tư lương cho cuộc sống. Sống an lạc, vững chãi và thảnh thơi
trong từng hơi thở có ý thức và nụ cười an vui. Hãy trân quý sự sống còn lại của
mình để làm an lạc và lợi ích cho số đông. Những ai có đủ duyên học hỏi và hành
trì Phật pháp tinh chuyên, thì họ có thể gặp hái những hoa trái an vui và hạnh
phúc đích thực ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Kính chúc Quý vị cùng người thân
người thương của Quý liệt vị an trú vững chãi, thấm nhuần ánh sáng Từ bi và Trí
tuệ của đức Thế Tôn, và thưởng thức mùa Xuân Di Lặc ấm áp và trọn vẹn.
Xuân Tân Mão - 2011.
Thích Trừng Sỹ (Phật Giáo Việt Nam Net)
[1] Xem http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-ngan/4tam-vn.htm
[2] Con số 7 là con số tượng trưng chỉ 7
ngày đêm (từ thứ Hai tới thứ Nhựt); 7 tuần (= 49 ngày đêm
Thiền định dưới cội cây Bồ đề); 7 đức Phật (đức Phật Tì Bà Thi, đức Phật Thi
Khí, đức Phật Tì Xá Phù, đức Phật Câu Lưu Tôn, đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, đức
Phật Ca Diếp, đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ); 7 chúng đệ tử của đức Phật (Tì
Kheo, Tì Kheo Ni, Thức Xoa Ma na, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà tắc, và Ưu Bà Di); 7
Chi Phần Giác Ngộ (Niệm, Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỉ, Khinh An, Định, Xả); 7 báu
(kim, ngân, lưu li, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não). Ngoài ra, thời gian có 3
(quá khứ, hiện tại, vị lai) không gian có 4 (phương Đông, phương Tây, phương
Nam, phương Bắc) cũng gọi là con số 7, v. v... Thật vậy, con số 7 là con số đặc thù của đạo Phật tượng trưng
cho ngày và đêm, âm và dương, thời gian và không gian, sự giác ngộ, con đường
hướng đến sự giác ngộ, v. v...
[3] Mười phương là nhiều phương gồm có phương Trên,
phương Dưới, phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Đông Nam,
phương Tây Nam, phương Đông Bắc, phương Tây Bắc.