Đức Thích Tôn xuất gia thành đạo dưới
gốc cây Bồ Đề, nơi vườn Nai độ năm anh em Kiều Trần Như, Tăng đoàn Phật
Giáo ra đời, dòng dõi nhà Phật đã có người thừa kế, nhưng tất cả đệ tử
của Đức Phật không có người nào mang họ Thích.
Lịch đại truyền giáo Tổ sư khi đem Phật
Giáo truyền vào Đông Độ tất cả đều không mang họ Thích, vì trong văn hóa
Phật Giáo ở Ấn Độ không đặt nặng về vấn đề họ tộc như ở Đông Phương,
ngay cả trong sự truyền thừa tông phái Phật Giáo cũng không có hệ thống
và rõ ràng như các tông phái Phật Giáo Bắc Truyền.
Trong sách Tây Vực Ký có
đoạn chép: “Dòng Tộc là sự phân biệt các con cháu của tộc họ trãi qua
nhiều đời. Họ là sự phân biệt của con cháu của dòng tộc được sinh ra.”
Trong sách Thích Ca Thị Yếu Phổ chép: “Phàm là dòng họ là bởi muốn chỉ rõ tính chất cho nên mới có vậy. Cho nên tùy theo vật mà đặt họ cho vậy.”
Buổi đầu khi các vị Phạm Tăng đến Trung
Quốc truyền giáo, theo tập tục của người Trung Quốc đều phải có họ tên
rõ ràng, nên người Trung Quốc thường lấy tên của địa vực hay quê hương
của vị Phạm Tăng đặt làm họ. Như hai Ngài dịch kinh “Tứ Thập Nhị Chương”
là người Tây Trúc, nên lấy họ là Trúc Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan,
người dịch “Hành Đạo Bát Nhã Kinh” và “Bát Chu Tam Muội Kinh” là Ngài
Trúc Phật Sóc.
Đời Đông Tấn có những vị Tăng đến từ
Thiên Trúc tham thiền luận đạo với ngài Đạo An đều có họ Trúc như ngài
Trúc Pháp Tề, Trúc Tăng Phụ và Trúc Đạo Hộ..v.v... còn như họ An của
ngài An Thế Cao là thái tử của nước An Tức. Cuối đời nhà Hán có ba thầy
trò cao Tăng Tây Vực họ Chi rất nổi tiếng đều là người của nước Đại
Nguyệt Chi là ngài Chi Sám, Chi Lượng, ngài Chi Khiêm và ngài Chi Mẫn
Độ.
Phật Giáo từ khi du nhập vào Đông Phương
cho đến thời Đông Tấn Trung Quốc khoảng trên dưới 200 năm. Trong suốt
quá trình truyền giáo cũng như hòa nhập và phát triển, dần đi đến thịnh
hành, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Trung Quốc bắt đầu có sự
ảnh hưởng sâu rộng vào Phật Giáo, lúc bấy giờ các vị Phạm Tăng dần dần
có ý thức hơn trong vấn đề tên họ của mình.
Phật Pháp Tăng Tam Bảo giáo lý căn bản
nhất của Phật Giáo bắt đầu được phổ biến, người dân bản địa tìm hiểu và
có cái nhìn sâu sắc hơn về chân lý của Phật Đà, vì vậy lúc bây giờ hiện
tượng lấy danh từ, Phật Pháp Tăng trong Tam Bảo làm họ của các vị Phạm
Tăng bắt đầu thịnh hành thay vì lấy tên địa vực để làm họ như trước.
Thời Nam Bắc Triều (T.L 420-588) có vị
Thiền Sư lấy chử “Phật” để làm họ của mình, như có Ngài nổi tiếng truyền
thọ lối thiền của Thượng Tọa Bộ xưng là Phật Đà Bạc Đà, Ngài phiên dịch
bộ Kinh Hoa Nghiêm xưng là Phật Độ Bạc Đà La, Ngài dịch bộ Luật Tứ Phần
xưng là Phật Đà Da Xá, hay còn có Ngài hiện rất nhiều những hiện tượng
thần thông quảng đại để hoằng Pháp như Ngài Phật Đồ Trừng. Tất cả những
Ngài trên đây đều có họ là từ “Phật”
Pháp tiếng Phạn gọi “Dharma” âm thích là
“Đàm ma” hoặc “Đàm vô” các vị Phạm Tăng dùng chử “Pháp” để làm họ của
mình rất thịnh hành ở thời kỳ Tam Quốc, như ngài Đàm Ma Lưu Chi đến Lạc
Dương Hoằng truyền Luật Tông, Ngài dịch Kinh Tăng Nhất A Hàm và Kinh
Trung A Hàm là Ngài Đàm Ma Nan Đề, thời Tấn Vũ Đế có Ngài Đàm Vô Yết đi
tây vực cầu Pháp, thời nhà Bắc Lương có Ngài Đàm Vô Sám dịch kinh rất là
nổi tiếng, những bộ kinh ngài dịch còn lại như bộ Ưu Bà Tắc Giới Kinh.
v.v…tất cả những Ngài trên đây đều lấy từ “Đàm Ma” hoặc “Đàm Vô” (Pháp)
làm họ.
Lấy từ “Tăng” làm họ thịnh hành thời Nam
Bắc Triều. Như ngài giới sư Tăng Già Bạc Ma đời Tống thuộc Nam Triều,
Ngài Tăng Già Bà La dịch Kinh ở Dương Đô nhà Lương thuộc Nam Triều, Ngài
Tăng Già Bạc Trừng cùng với Ngài Đạo An dịch bộ A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa luận,
thuộc Bắc Triều đời Nhà Tần, ngài Tăng Già Bà Đề dịch bộ A Tỳ Đàm Luận
và bộ Kinh A Hàm. Các ngài trên đây đều lấy từ “Tăng” làm họ của mình.
Trong sách “Tỵ Thử Lục Thoại” có
chép: “Phật Pháp từ ngày truyền đến đất Hán, Tăng thường dùng tục Tánh
của mình để xưng hô hoặc xưng là Trúc, hoặc đệ tử lấy họ của thầy, ví
như Chi Tuần vốn là họ Quan, nhưng theo học ngài Chi Khiêm nên lấy họ
Chi …”.
Phật Giáo khi truyền đến Việt Nam, Phạm
Tăng cũng như Việt Tăng cũng như vậy, một là lấy họ của mình hai là lấy
họ dùng tên chử của địa phương và ba là lấy họ của thầy mà mình theo
học. Như họ Khương của ngài Khương Tăng Hội, vì Ngài thuộc người của xứ
Khương Cư, như ngài Mâu Bát truyền Đạo Phật ở Việt Nam thì dùng nguyên
họ của mình. Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam, ngài
Khuông Việt Thái Sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận Thiền Sư chèo thuyền tiếp Lý
Giác.v.v...
Cũng như vậy lấy họ của mình để xưng hô.
Điều này một lần nữa cho thấy đến cuối thế kỷ thứ 9 Phật Giáo Việt nam
vẫn còn nét nguyên thủy từ ấn độ truyền vào và Phật Giáo Hán hóa vẫn
chưa có ảnh hưởng sâu rộng trong Phật Giáo Việt Nam.
Phật Giáo Đông truyền trãi qua hơn 400
năm du nhập và phát triển trong dân gian cũng như triều đình. Đến thời
Nam Bắc Triều phía Bắc có ngài Phật Đồ Trừng cực lực hoằng giáo, nên
Tăng đoàn Phật Giáo được Trều Đình chính thức công nhận, người bản địa
xuất gia làm Tăng ngày một đông, đến đời đệ tử của Ngài Phật Đồ Trừng là
Ngài Đạo An Đại Sư mới bắt đầu chú ý đến tổ chức lại Tăng Đoàn cũng như
bắt đầu công cuộc hệ thống điều chỉnh sinh hoạt, lễ nghi, chế độ, luật
lệ, phạm bối, nghi thức hành trì trong thường nhật của Tăng đoàn Phật
Giáo Bắc Truyền và đề xướng Tăng đoàn Phật Giáo nên thống nhất.
Ngài Đạo An (312-385) là vị cao Tăng nổi tiếng của thời Đông Tấn, từng đã được ngài Cưu Ma La Thập gọi là “Đông Phương Thánh Nhân” Trong Cao Tăng Truyện quyển 5 chép:
“An lấy đức tu làm tông chỉ, học thông Tam Tạng, chế ra Tăng Ni quỹ
phạm…Sa Môn đời Ngụy Tấn theo họ của thầy, cho nên mỗi vị họ đều không
giống nhau, Ngài Đạo An phát hiện họ của sa môn quá ư hỗn loạn, không
thích hợp cho sự thống nhất cũng như phát triễn của Phật Giáo, nên đề
xướng Phật là dòng họ Thích, nay đệ tử Phật, nên lấy họ của Phật làm họ
của mình”. Từ đó Tăng già Bắc truyền lấy họ Thích làm Họ của Tăng già.
Trong Khai Nguyên Lục chép:
“Trước đời Tần, Tấn, người xuất gia lấy họ của thầy làm họ của mình,
sau có ngài Di Thiên sa môn Đạo An cho rằng: Phàm là người cắt tóc nhuộm
áo, đều là dòng giống của dòng họ Thích Ca, nên không thể có họ khác,
cho nên đều phải xưng là họ Thích.”
Ngài Đạo An đề xướng
Tăng Già Bắc Truyền nên lấy họ của Phật làm họ của mình, trong ý niệm
thống nhất Tăng đoàn Phật Giáo Bắc Truyền, nhằm tạo một khối tăng đoàn
thống nhất nhằm làm động lực phát triển Phật Giáo ở Phương Đông, cho đến
khi Kinh Tăng Nhất A Hàm được truyền vào Đông Độ thì tính chất dùng họ
Thích làm họ cho Tăng Đoàn mới mang đầy đủ ý nghĩa và thuyết phục được
Tăng Già Bắc Truyền.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm phẩm 21 có
chép: “Khi nước của Bốn con sông đổ vào Biển cả đều không có tên riêng
được gọi chung là nước biển, đây cũng vậy. Có bốn họ, những gì là bốn?
gồm có Sát Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư sĩ.
Tất cả đều được Như Lai thế độ, ba Pháp
Y, xuất gia học đạo, không cần phải giữ họ củ của mình nữa, đều gọi là
sa môn đệ tử của Thích Ca…Cho nên các Tỳ Kheo, các vị thuộc họ nào trong
bốn họ nay đã cắt tóc xuất gia rồi, cho nên gọi là là hành giả kiên cố
xuất gia học đạo, cho nên không cần họ cũ nữa, nên tự gọi mình là con
cái của dòng họ Thích Ca”.
Sau đó trong Kinh A Hàm cũng
thấy có ghi chép về điều này: “Nước của bốn con sông chảy vào biển,
không còn lấy tên sông, bốn họ của sa môn đều xưng là Thích tử”.Tăng già
Phật Giáo Bắc Truyền thống nhất dùng họ Thích của Phật làm họ của mình
đến đây mới được hoàn toàn thuyết phục.
Trong sách Thích Thị Yếu Lãm chép:
“Nay xưng là sa môn họ Thích. Bởi vì bên Thiên trúc người ngoại đạo
xuất gia cũng gọi là Sa Môn. Chử Thích làm họ để xưng do đã giản lược…ý
là cùng con nhà họ Thích vậy.”
Tăng Già Phật Giáo Bắc Truyền lấy họ
Phật để làm họ của mình, nói lên tinh thần “Tùy duyên hóa độ” của Đại
Thừa Phật Giáo, đồng thời thể hiện rõ nét chất “Tùy duyên Bất Biến” của
Đạo Phật. Văn hóa người Đông Phương mang đậm dấu ấn Nho gia và truyền
thống “Mộc hữu bổn, thủy hữu nguyên” cây có cội nước có nguồn, cho nên ý
thức tộc họ có địa vị rất quan trọng trong dòng chảy văn hóa truyền
thống phương Đông.
Đạo Phật đến với phương Đông cũng như
nước của bốn sông chảy vào biển cả, không còn dòng nước nào lưu lại tên
của một dòng sông, đều chung một tên gọi là nước biển. Cũng như vậy Đạo
Phật đến với dân tộc nào, hay đất nước nào, cũng như nước sông đổ vào
biển cả, như đem cam lộ tưới mát cho dân tộc đó, như chất đề hồ đượm
thắm ngọt ngào vun đắp cho đất nước có hiện hữu bóng hình của từ bi.
Tính chất “Tùy Duyên Bất Biến” của Đạo
Phật chẳng khác nào như Kim Cương bất hoại. Nếu Đạo Phật được coi là
triết học, thì sự siêu việt của triết lý Phật Đà làm cho nền hiền triết
“Bách Gia Chư Tử” phải khâm phục và Quy Y. Nếu Đạo Phật được coi là nền
tảng của đạo đức, thì đạo hiếu hay hiếu Kinh của nền đạo đức phương Đông
phải cảm động và sâu lắng về những lời vàng ngọc trong Kinh Đại Phương
Tiện Phật Báo Ân.
Gương hiếu của “Nhị Thập Tứ Hiếu” chỉ
dừng lại ở việc chăm sóc hiếu dưỡng cha mẹ khi còn sanh tiền, thì Đức
Đại Hiếu Mục Kiền Liên trong Kinh Vu Lan Bồn còn ý nghĩa hơn cả như vậy.
Đạo Phật tùy duyên làm cho các dân tộc ở
phương Đông chấp nhập mình không còn một nghi vấn, Đạo Phật bất biến
khi tất cả các dân tộc khác có thể dùng văn hóa truyền thống, hay ý thức
hệ của riêng dân tộc mình để giải thích Đạo Phật, và như thế nào đi nữa
tính chất Phật vẫn tồn tại không không bao giờ mất. Họ Thích của Tăng
đoàn Phật Giáo Bắc Truyền cũng theo tinh thần này, vì “Tùy Duyên” nên
theo truyền thống Đông Phương nên cần phải có tộc họ. Lấy họ của Phật
Làm họ của mình thể hiện tính “Bất Biến” trong Phật môn.
Tăng Già họ Thích khơi nguồn cho
tình “Linh Sơn Cốt Nhục”. Tăng Già họ Thích thể hiện tính cốt lõi “Hòa
Hợp” của Tăng Đoàn. Tăng Già họ Thích nói lên sự thống nhất của Phật
Giáo Bắc Truyền.
Tăng Già họ Thích thể hiện tính
cách “Bình Đẳng” không giai cấp trong tâm đại từ bi của Đạo Phật. Tăng
Già họ Thích thể hiện chí hướng đạt đáo “Vô Thượng Bồ Đề” thành Phật của
tương lai. Tăng Già họ Thích dòng họ “Giải Thoát” của nhân gian cho nên
người xuất gia học Phật vinh dự vì mình mang họ Thích.
(Nguồn: Chùa Minh Thành)