Thiền sư Thích Duy Lực khai thị về khoa học
15/02/2012 01:30 (GMT+7)

Hỏi: Tại sao nhà khoa học phải dùng ngũ giác quan?

Đáp: Nhà khoa học phải dùng ngũ giác quan tức nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân để cảm nhận sự vật, nếu ngũ giác quan không cảm nhận được là họ không biết. Như ánh sáng chiếu trên không gian có thể chứng tỏ sự tồn tại của không gian, mà ánh sáng chiếu trên thời gian thì không thể chứng tỏ sự tồn tại của thời gian, vì thời gian thuộc về Ẩn tánh, ngũ giác quan không thể cảm nhận. Mặc dù không cảm nhận được, nhưng chẳng thể phủ nhận thời gian.

 

Nhà bác học Albert Einstein (1879-1955)

Theo lý luận tương đối của Albert Eistein (1879-1955), khi một vật thể có vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng, thì vật thể đó sẽ rút nhỏ lại, và thời gian được kéo dài thêm. Nhà khoa học chỉ biết tốc độ ánh sáng là tốc độ cao nhất, chẳng có gì cao hơn; lại nữa, hạt tử của ánh sáng là vật thể nhỏ nhất, chẳng cái nào nhỏ hơn. Nhưng nếu dùng Tâm lực khiến vận tốc của vật thể siêu việt tốc độ ánh sáng, thì vật thể đó sẽ biến thành không có thực thể, gọi là hư thể, vì là hư thể nên có thể xuyên qua vật cản mà chẳng chướng ngại. Như ông Trương Bữu Thắng, người có công năng đặc dị ở Trung Quốc, dùng tâm lực xuyên qua vách tường và vật cản, không vật chất nào chướng ngại.

Tôi mới lập ra một lý luận mới về Vũ trụ khoa học toàn diện quán, tức ngoài cái có sẵn của Vật lý khoa học, còn thêm vào cái triết lý để hiển bày Tâm lực sẵn có của mọi người.

Lý luận của nhà khoa học đặt ra gọi là vật lý sinh mạng công trình học, và lý luận mới mà tôi đặt ra gọi là Triết lý sinh mạng công trình học, đó thuộc về trạng thái của tâm linh, dùng ngũ giác quan chẳng thể cảm nhận. Như vấn đề thời gian, chính các nhà khoa học cũng chẳng thể phủ nhận được, nay tôi muốn khiến khoa học từ không gian ba chiều tiến lên không gian bốn chiều, rồi nhiều chiều, siêu chiều, cho đến vô cực, tức không có cực điểm; chẳng có cái cao nhất, cũng chẳng có cái thấp nhất.

Tôi thường giảng về tánh Không của tự Tâm, nó trống rỗng không có gì cả, nhưng sức dụng vô lượng vô biên, cũng là vô cực, tức không có cực hạn. Nay dùng số 0 để thí dụ:

Người ta thường nói “bằng như số 0,” tức là không có gì hết, nhưng giá trị thực tế của số 0 là vô cực: có thể lớn tới vô cực, cũng có thể nhỏ tới vô cực. Ví dụ, lấy đơn vị là 1, ở phía sau thêm vào một số 0 thì số 0 này có giá trị bằng 9, 1 + 9 = 10. Nếu đơn vị là 10, thêm vào số 0 thì giá trị của nó bằng 90, 10 + 90 = 100. Nếu đơn vị là 100, thêm một số 0 thì giá trị của nó là 900, 100 + 900 = 1000… cứ thêm mãi như thế có thể lên đến vô cực.

Bây giờ muốn rút nhỏ lại cũng có thể nhỏ tới vô cực: Ví dụ đơn vị là 1, ở trước số 1 thêm vào số 0, tức 0,1, nếu thêm vào một số 0 nữa thành 0,01… có thể rút nhỏ đến không có cực hạn. Vũ trụ cũng vậy, tự tâm cũng vậy, cho nên gọi là “vũ trụ vô cực.”

Vì khoa học hiện đại có thực chất nên có cực hạn, chẳng có cái gì nhỏ hơn thể tích của hạt quang tử (hạt ánh sáng) nên có tốc độ ánh sáng. Nhưng Tâm lực phát ra làn sóng, ở đây tạm gọi là làn sóng tin tức của Tâm linh, nó nhỏ hơn hạt quang tử nhiều, cho nên có thể một niệm liền đến. Hiện nay các nhà khí công Trung Quốc đã phần nào thể hiện được sức dụng đó và có thể biểu diễn cho mọi người xem, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nhóm tụ lại để nghiên cứu những hiện tượng này, thấy có sự thật lại không biết lý do tại sao, chẳng có gì để chứng tỏ, chẳng thể dùng lý luận logic, vì đó là siêu việt logic.

Bây giờ chúng ta tham thiền, phải tin sức Tâm của mình bằng với Phật Thích Ca, chẳng kém hơn chút nào, năng lực của Phật tánh mình với Phật chẳng khác, chỉ là sức dụng của Phật được hiện ra, chẳng bị thời gian không gian số lượng hạn chế, chúng ta do có ngã chấp, nên phải bị thời gian không gian số lượng hạn chế, chẳng thể hiện ra sức dụng mà thôi. Nhưng chẳng phải là không có; nếu mình có sự tu đến mức như Phật Thích Ca thì cũng phát huy ra được.

Hỏi: Thế nào là không gian bốn chiều và làn sóng ánh sang?

Đáp: Theo các nhà khoa học, nơi không gian ba chiều: dài, rộng, cao, có tốc độ cao nhất là tốc độ ánh sáng. Tốc độ ánh sáng vận hành trong một giây đồng hồ vòng quanh trái đất bảy vòng, tức ba trăm ngàn dặm/ giây. Mọi tốc độ khác đều không bằng. Ví như tốc độ vận chuyển của vô số hạt nguyên tử trong cái bàn này, chỉ bằng ½ hoặc 1/3 của tốc độ ánh sáng, máy bay siêu thanh cũng không thể so bằng tốc độ ánh sáng.

Nhà khoa học ước tính từ trái đất đi đến các hành tinh khác phải trải qua mấy trăm quang niên, như ánh sáng từ mặt trời phát ra, chiếu tới trái đất phải mất thời gian tám ngày, nhưng Tâm lực của mình chỉ một niệm là đến. Lại nữa, thời gian đã trôi qua là không thể trở về quá khứ, nhưng tâm niệm thì có thể trở về, nên người chứng quả A-la-hán biết được tám muôn kiếp trước và tám muôn kiếp sau.

Về phương tiện truyền thông qua điện thoại, khi chúng ta nói trong điện thoại, âm thanh sẽ được chuyển thành làn sóng đến đầu dây bên kia rồi trở thành âm thanh lại. Cũng thế, những hình ảnh phát ra từ Đài truyền hình đến khắp nơi cũng nhờ làn sóng điện, nhưng làn sóng âm thanh và làn sóng điện còn kém xa so với tốc độ ánh sáng. Cho đến nhà khoa học biết rằng, quang tử là vật thể nhỏ nhất và có tốc độ nhanh nhất trong không gian ba chiều, nhưng đối với không gian bốn chiều, tức chiều thời gian thì nhà khoa học chẳng thể biết. Tại sao? Vì không thể cảm nhận được sự tồn tại của thời gian bởi ngũ giác quan. Nhưng Tâm lực của chúng ta cảm nhận một phần, gọi là siêu ngũ giác quan, ví như những nhà khí công và những người có công năng đặc dị đến bậc cao rồi thì có thể cảm nhận.

Hỏi: Theo vật lý khoa học, muốn khiến một vật thể bay lên hư không phải hội đủ các điều kiện tứ đại như địa (đất), thủy (nước), hỏa (lửa), phong (gió), máy móc và phải có phản lực; còn các vị A-la-hán hồi xưa có thể dùng Tâm lực khiến cả một khối đá bay lên trên không, vậy hai sự việc có khác nhau không?

Đáp: Khác. Máy móc phải có động lực bằng sức nóng như điện, nhiên liệu, năng lượng mặt trời v.v… động lực ấy là vật chất, còn A-la-hán là dùng động lực của Tâm linh. Cái kia là áp dụng vật lý khoa học, còn cái này là dùng triết lý của Tâm linh.

Theo các nhà khoa học, bất cứ vật chất gì đều do nhiều nguyên tử hợp lại mà thành, trong mỗi hạt nguyên tử có một hạt trung tử, xung quanh có nhiều điện tử ngày đêm xoay chuyển không ngừng, dùng con mắt chẳng thể thấy, phải dùng kính hiển vi mới thấy rõ. Sự xoay này nhỏ từ hạt tử, lớn đến hệ mặt trời, hệ ngân hà v.v… đều xoay chuyển như thế, cho đến các hỏa tiển, phi thuyền được phóng đi cũng xoay như vậy. Tốc lực xoay là 1/3 tốc độ của ánh sáng, và tốc độ bay bằng ½ của tốc độ ánh sáng. Tại sao tất cả đều không bằng tốc độ ánh sang? Vì chẳng có cái gì nhỏ bằng hạt quang tử.

Theo suy luận của Albert Eistein (1879-1955), tốc độ cao chừng nào thì thể tích nhỏ chừng nấy, và khi cao tới siêu ánh sáng thì không còn thể tích, nên có thể xuyên qua vật cản mà không chướng ngại. Do đó, dùng tâm lực có thể khiến tốc độ của vật thể siêu việt ánh sáng, trở thành hư tử, khi nào giảm bớt tốc độ của vật chất thì vật chất đó trở về thực thể (thực tử).

Hỏi: Trước đây, theo các nhà bác học, khi con người chết, chân linh đi vào không gian, nếu nhân loại có thể chế tạo một phi thuyền bay bằng tốc độ ánh sáng thì thấy được những chân linh như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi chẳng hạn, vậy có đúng không?

Đáp: Có thể, đó gọi là tin tức còn lại. Vì thể tinh thần gọi là Tâm linh, nhà Phật gọi là Diệu tâm, Chân như, Phật tánh … khắp không gian thời gian, là một chỉnh thể, chẳng quá khứ, hiện tại, vị lai, chẳng có tên gọi, nay tạm đặt tên gọi là “cầu thời gian,” tức quả banh thời gian. Đâu phải chỉ có đức Thánh Trần Hưng Đạo đại vương, mà cho đến cách xa mấy ngàn năm, mấy triệu năm vẫn tồn tại. Vì trong quả banh thời gian đâu có chia thành từng giờ từng phút như con người tự đặt ra thời gian để tính toán? Kinh Kim Cang nói:”Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc,” thì đâu thể đem thời gian chia thành quá khứ, hiện tại, vị lai?

Bây giờ nếu tôi đem thời gian chia nhỏ lại cũng không thể thành lập quá khứ, hiện tại, vị lai. Tôi thường thí dụ: Đem một sát na chia thành 60A, 1A chia thành 60B, 1B chia thành 60C, chỉ chia thêm 3 lần thôi, theo toán học vẫn có con số biểu thị thời gian 1C, nhưng trên thực tế thì trí óc con người muốn hiểu về thời gian 1C đó đã không được, vì tôi vừa nói chưa dứt lời là đã trải qua mấy trăm C thời gian rồi. Hiện tại đã không thành lập được thì quá khứ, vị lai làm sao thành lập? Tôi chỉ chia thêm 3 lần, nếu tôi chia thêm 30 lần, 300 lần, 3000 lần, tuy rất nhỏ, con số biểu hiện thời gian vẫn còn, nhưng đối với bộ óc của mình đâu còn biết được thực tế của thời gian đó nữa!

Vì chúng ta đã quen theo không gian ba chiều, nên không thể nhận biết được không gian bốn chiều. Nhà bác học Einstand cũng có suy luận đến: Nếu vật thể vận chuyển theo tốc độ gần bằng ánh sáng thì thể chất của nó thình lình thu nhỏ lại, mà thời gian được kéo dài ra. Theo suy luận trên, nếu tốc độ vật thể bằng với tốc độ ánh sáng thì sẽ ra sao? Thể tích của vật thể có thể rút đến cực nhỏ, và khi đã siêu việt ánh sáng sẽ trở thành gần như không còn. Chẳng phải là không còn, nhưng ngũ giác quan đã chẳng thể cảm nhận được, nên tôi đặt tên là “vật chất ẩn tánh.”

Trong cuốn sách “Vũ trụ khoa học toàn diện quán”mà tôi đang biên soạn chia thành hai phần: một phần là Vật lý sinh mạng công trình học, tức khoa học hiện đại, còn một phần là triết lý sinh mạng công trình học. Theo lý luận triết lý sinh mạng công trình học thì thời gian có thể trở ngược lại, tức dùng tốc độ nhanh để trở ngược lại hôm qua hoặc tiến nhanh đến ngày mai. Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Trên dưới ba ngàn năm, tung hoành năm muôn dặm,” đi lại chỉ trong một niệm.

Chớ nói là trên dưới ba ngàn năm, ba triệu năm cũng đi lại trong một niệm. Tại sao? Vì bản thể của Tâm đã khắp không gian thời gian thì chẳng có khái niệm khứ lai xa gần, do không có khứ lai nên gọi là Như Lai; do không có sanh diệt nên gọi là Niết bàn.

Có người hỏi tôi rằng : “Tánh thấy không mất,” vậy thân này sau khi chết, tánh thấy của con ở đâu?

Tôi trả lời rằng : Chớ nói đến sau khi chết, nay ông còn sống, đang ngồi ở đây, sở thấy rõ ràng trước mắt, nhưng tánh thấy của ông ở đâu? Ông hãy chỉ ra xem! Lúc sống còn tự chỉ không được, nói chi sau khi chết, tôi làm sao chỉ ra? Chính Phật Thích Ca cũng chỉ không được. Tại sao? Vì tánh thấy chẳng phải vật, vốn không lay động biến đổi, làm sao có sanh diệt? Đã chẳng phải vật thì làm sao chỉ?

Do tánh con người ham tìm hiểu, muốn biết tất cả, nhưng chính cái cơ thể của mình còn không biết, những gì trước mắt mình cũng không biết. Ví như tôi nhìn vào móng tay của tôi, đâu thấy nó dài ra? Nhưng nhớ lại thì có dài hơn so với ba ngày trước, vậy nói “móng tay của tôi ba ngày dài một lần,” đúng không? Không. Tại sao? Móng tay tôi giây phút nào cũng đang dài, sự sanh trưởng đâu có lúc nào ngưng? Chính ngay hiện nay cũng đang dài, chỉ là tôi không biết thôi. Tóc, tế bào của cơ thể, có cái đang sanh, có cái đang diệt, mặt mũi của tôi cũng đang thay đổi, nhưng tôi có biết đâu! Ấy gọi là cuộc sống hàng ngày đang thay đổi mà chẳng tự biết, còn muốn biết tới những gì ngoài cơ thể? Có ích lợi gì?

Cái biết của bộ não là tướng bệnh, cái biết của Phật tánh là tướng mạnh. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đang ứng dụng cái biết của bộ não, thì cái biết của Phật tánh phải ẩn thôi. Nay chúng ta tham thiền, dùng nghi tình dẹp cái biết của bộ não, tức dẹp tướng bệnh; khi nào hết bệnh, tướng mạnh mới hiện ra.

Cái biết của Phật tánh khắp không gian, thời gian, chẳng chỗ nào không biết, chẳng lúc nào không biết, còn cái biết của bộ não rất hạn chế, lại không đúng với sự thật. Nay nói đến không gian, thời gian, nếu phân tích nhỏ lại thì bộ não không biết.

Ví dụ một ngày đêm có 24 giờ; một giờ chia thành 60 phút, một phút chia thành 60 giây, theo nhà Phật một giây chia thành 60 sát na. Nói “một sát na”thì bộ não còn có thể tưởng tượng được, nếu đem chia thêm ba lần nữa: một sát na chia làm 60A, 1A chia làm 60B, 1B chia làm 60C. Khi tôi nói đến “1C”trong hiện tại, đã trôi mất mấy mươi C rồi. Hiện tại đã không thành lập được thì bộ não làm sao biết?

Nếu tôi đem chia thêm 30 lần, theo toán học, con số vẫn còn, nhưng bộ não đâu còn biết được thời gian thực tế nữa! Tóm lại , hễ còn con số thì thời gian vẫn có, mà bộ não không biết được. Ấy là nói về thời gian.

Bây giờ nói về không gian: Tôi từng xem một quyển toán học xuất bản ở Hồng Kông, trong đó nói đến một loại vi khuẩn dạng như chiếc dép cỏ, nay tạm gọi là “Con sâu dép cỏ,” loại vi khuẩn này thuộc đơn bào, phải dùng kính hiển vi mới thấy rõ. Về sự trưởng thành của nó, cứ cách một ngày đêm là nứt thành hai con, ngày sau nữa thành bốn con, rồi thành tám con… Từ đời thứ nhất đến đời thứ 90 thì thể tích của nó là 1m3, đến đời thứ 130 thì thể tích bằng quả đất! Chỉ cần trải qua 130 ngày, nếu chỉ có sanh mà không có sự diệt, thì thể tích của con sâu này bằng một quả đất, đến đời thứ 131 bằng hai quả đất!

Căn cứ theo lý này, nay thử đem con sâu có khối thể tích bằng quả đất này xẻ làm hai, rồi mỗi bên lại xẻ làm hai, cứ như thế xẻ đến lần thứ 130 thì thể tích của nó trở lại thành một đơn bào. Như vậy, theo toán học, đem con sâu ấy xẻ thêm 130 lần; con số vẫn còn, nhưng cơ thể của nó bộ não mình còn biết được không? Con số có thể tiếp tục thu nhỏ, nhỏ đến vô cực, còn việc không gian thời gian trước mắt đã hoàn toàn không biết được rồi.

Cho nên, có người hỏi:“Kiến tánh rồi đi về đâu?”Nếu có chỗ về thì chưa phải kiến tánh, vì không cùng khắp vậy. Bây giờ ai muốn đạt đến tự do tự tại, làm chủ cho chính mình, chỉ có thực hành tham thoại đầu, chứ đừng tìm hiểu và hỏi ở ngoài nữa, vì hỏi cũng vô ích. Tại sao vô ích? Như trong Kinh nói: Người mù hỏi người mắt sáng: Mặt trời như thế nào? Người mắt sáng diễn tả mặt trời có tròn có nóng, vậy là đúng rồi, nhưng nếu người mù cho “tròn và nóng là mặt trời”thì sai; bởi vì đâu phải cái nào có tròn có nóng tức là mặt trời! Nếu người mù căn cứ theo lời của người mắt sáng mà nhận biết thì không đúng. (Người mù dụ cho người chưa kiến tánh, người mắt sáng dụ cho người đã kiến tánh).

Chớ nói là người mù, nay người mắt sáng với người mắt sáng cũng vậy, tôi thường lấy thí dụ về mặt mũi của ông Trương: Tôi quen biết ông Trương, còn quí vị thì chưa gặp qua lần nào, chưa biết mặt mũi ông ấy ra sao. Tôi diễn tả mặt mũi của ông Trương như thế nào, cao thấp ra sao… mặc dù tôi nói rất giống, nhưng quí vị dẫu có gặp ở ngoài đường cũng đâu biết người đó là ông Trương? Vì lời nói và thực tế có khác. Chẳng phải do tôi diễn tả không đúng, nhưng muốn dựa vào lời nói của tôi để nhận biết thì không được.

Nay chưa kiến tánh, đối với sở thấy của mình rõ ràng, mà năng thấy còn chỉ không được, dẫu cho tôi nói được, quí vị theo lời nói của tôi cũng đâu thể nhận biết được! Vì thế cho nên, mục đích của chư Phật là muốn chúng ta trị hết bệnh mù, đích thân thấy, chứ đừng nghe lời người mắt sáng, bị người mắt sáng lừa.

Sự thật, người mắt sáng đâu muốn lừa chúng ta, chỉ tại mình cứ đuổi theo lời nói để nhận biết sự chơn thật. Nay chúng ta cũng như người mù, thấy cũng như không thấy, Đức Phật chỉ hướng dẫn cách tu, để chúng ta tự trị hết bệnh mù, rồi tự thấy.

Vì những người không có tu nên bị ngũ giác quan hạn chế, còn những người có tu hành đến mức thì siêu việt ngũ giác quan. Ví như A-la-hán thấy được tám mươi ngàn kiếp trước và tám mươi ngàn kiếp sau, nhưng vẫn bị số lượng hạn chế, đến quả vị Phật thì không còn bị hạn chế, không gian thời gian, chỗ nào cũng như chỗ nấy, vì bản thể của Tâm khắp không gian thời gian.

Cho nên, cuốn sách của tôi gom lại tất cả lý luận của nhà khoa học, nhà triết học, cho đến lý luận của các nhà khí công, những người có công năng đặc dị v.v… mà sáng lập ra một lý luận mới, gọi là Vũ trụ khoa học toàn diện quán.

Pháp tham Tổ Sư Thiền là pháp xuất thế gian, còn tôi biên soạn cuốn sách này thuộc pháp thế gian. Tại sao tôi phải làm như thế? Có phải mâu thuẫn không? Bởi vì tôi muốn hoằng pháp, vì nhà khoa học chỉ tin ở bộ óc, không tin sức của Tâm linh, cho đến người đời cũng vậy. Bộ óc là cơ thể vật chất, Tâm linh là thể tinh thần, vật chất có hình tướng, ngũ giác quan có thể cảm nhận được. Bây giờ nhà khoa học phát minh các máy móc, như điện thoại, truyền hình… chỉ là khuếch trương sự thấy nghe của tai mắt chúng ta mà thôi, cũng phải thông qua ngũ giác quan để cảm nhận; còn về thể tinh thần thì không thể cảm nhận được, mặc dù không thể phủ nhận sự tồn tại của nó.

Đối với những gì không thể cảm nhận qua ngũ giác quan thì nhà khoa học cho là không có, rồi những cái chẳng thể dùng lý luận để giải thích thì cho là tự nhiên, nhưng Phật Thích Ca trong kinh đại thừa liễu nghĩa phủ nhận nhân duyên và tự nhiên. Những việc nhà khoa học không biết cho là tự nhiên, nhưng không đúng. Phật đã phủ nhận tự nhiên và nhân duyên, trong này cũng có nói đến. Mặc dầu nói nhân duyên, nhưng không nhất định là phải nhân duyên có thật.

Như nhà khoa học danh tiếng khắp thế giới ở nước Anh có 2 vấn đề không giải quyết được, nên ông Hỏi: Vũ trụ có bắt đầu chăng? Và con gà có trước hay trứng gà có trước? Sự thật không thể cái nào có trước được. Nếu nói con gà có trước được không? Không được. Vì không có trứng gà làm sao ấp ra con gà! Trứng gà có trước được không? Không được. Vì không có con gà làm sao đẻ ra trứng gà! Vậy 2 cái đều không có trước, tức là 2 cái không có bắt đầu.

Cho là tự nhiên thì không được, vì trứng gà do con gà đẻ; con gà do trứng gà ấp. Nhân duyên cũng không được, vì không nhân đầu tiên; nếu không có nhân đầu tiên thì đâu có nhân bây giờ.

Như thân tôi rõ ràng là do cha mẹ sanh ra, nhưng cha mẹ cũng có cha mẹ sanh ra, như vậy từ đời từ đời truy cứu không hạn chế, truy cứu có cha mẹ đầu tiên không? Truy cứu không ra, không có cha mẹ đầu tiên được.

Giả thiết có cha mẹ đầu tiên, vậy cha mẹ đầu tiên có cha mẹ không? Nếu có cha mẹ thì không có đầu tiên. Có cha mẹ thì từ đâu ra? Có người nói con khỉ tiến hóa thành con người. Con khỉ thì con gì tiến hóa? Có thể trả lời là con chó, con chó do con mèo,… nói hết động vật trên thế giới thì con cuối cùng do con nào tiến hóa? Không trả lời được.

Có người nói con người là do từ điện tử, phân tử biến dần thành. Dùng bào thai con người để thí dụ: Đàn bà có thai 1 tháng thì phải có hình 1 tháng, 2 tháng có hình 2 tháng,… đến 10 tháng đầy đủ ngũ tạng lục phủ sanh ra.

Nếu từ điện tử, phân tử không thể là 10 tháng sanh ra, giả thiết là 1 triệu năm, cho 1 năm là 1 cấp thì 1 triệu năm mới thành con người. Nhưng mình chỉ thấy cấp 1 là điện tử và cấp 1 triệu là con người, còn những cấp kia đâu có ai thấy?

Người ta nói mình chỉ sống mấy chục năm, làm sao thấy 1 triệu năm? Tôi nói khỏi cần 1 triệu năm, chỉ vài năm cũng được. Tại sao? Vì gần thành con người, như 2 năm gần thành con người có thể thấy được chứ! Đâu cần phải đến 1 triệu năm mới thấy! Nhưng không có ai thấy, rõ ràng không đúng.

Nên nhà khoa học nói ra không có lý, vì sự thật chứng tỏ không được. Do tình chấp của mình cho là vậy thôi, chứ sự thật không phải. Cho nên tôi đặt ra danh từ, đặt ra lý luận giải thích để cho mọi người đều tin rằng có cái Tâm, mỗi mỗi chúng sanh đều có Tâm linh, đều có sức mạnh vô cùng tận, nếu qua sự tu trì sẽ hiện được sức dụng của Tâm.

Thích Vân Phong kính biên tập

Các tin đã đăng: