Chúng ta, những người đệ tử đang theo dấu chân những bậc tiền bối vinh
quang vô địch của dòng truyền thừa Kagyu, có mặt ngày hôm nay để tu tập.
Từ góc độ đó, tôi nghĩ rằng sẽ là điều tốt lành nếu trong khóa lễ này,
tôi nói vắn tắt về mối quan hệ đạo sư – đệ tử trong bối cảnh của phần
đầu của đại lễ Kagyu Monlam.
Nơi tổ chức đại lễ Kagyu Monlam
lần thứ 26 này có những đặc điểm mới, như cách bố trí các cổng chính
chẳng hạn, và vân vân. Và tôi nghĩ sẽ là điều tốt để chỉ ra một cách
vắn tắt ý nghĩa tượng trưng của bánh torma [theo cách trang trí mới mẻ
này]. Các bánh torma chính dùng để trang trí [trong đại lễ lần này] như
sau: ở bên phải là các bánh mà trên đó có hình ảnh của các ngài Marpa,
Milarepa và Gampopa, và ở bên trái là những chiếc bánh trên đó có hình
ảnh của các bậc tiền bối của phái Cựu dịch tức dòng Nyingma, cũng như
dòng Sakya vinh quang, và dòng Geluk.
Nguyên tắc chính yếu mà
các bánh torma này minh họa là: khi chúng ta nghiên cứu giáo lý Phật
giáo Tây Tạng thì chúng ta sẽ thấy rằng, về cơ bản, chẳng có dòng
truyền thừa nào lại chẳng hòa trộn với các dòng truyền thừa khác. Khi ba
Pháp vương Songsten Gampo, Trisong Deutsen, và Tri Ralpachen lần đầu
tiên thiết lập nền móng Phật giáo tại Tây Tạng, dòng truyền thừa nổi
trội lúc ấy được biết đến dưới cái tên ‘Dòng phái Mật tông Nyingma’. Do
đó, Nyingma là dòng phái Phật giáo đầu tiên ở Tây Tạng. Sau đó, dưới
thời vua Langdarma, giáo Pháp đã bị quét sạch khỏi Tây Tạng, rồi sau đó
một thời gian giáo Pháp lại tiếp tục được truyền bá. Đó là sự khác biệt
giữa các phái Cựu dịch và Tân dịch.
Sau đó, dòng truyền khẩu
truyền của các bậc thầy Kadampa được trao truyền từ ngài Atisha tôn quý,
và từ đó các dòng truyền thừa Sakya, Kagyu, và Geluk lần lượt xuất
hiện. Các giai đoạn tu tập, cùng với những điểm khởi đầu căn bản của tất
cả các dòng truyền thừa này đều giống như nhau. Các dòng truyền thừa
riêng biệt khác nhau xuất hiện là do những dòng truyền riêng biệt từ các
bậc đạo sư khác nhau và cách dạy của các ngài có khác nhau; tuy nhiên,
về cơ bản, chẳng có một dòng truyền thừa nào mà lại không hòa trộn các
dòng truyền thừa khác. Tóm lại, tất cả các dòng truyền thừa Tây Tạng
được truyền xuống trong mối quan hệ hòa trộn với nhau; tất cả đều có một
điểm chung đó là: những kết nối về Pháp và những kết nối về mật nguyện
(samaya).
Thỉnh thoảng có một vài sự cố nho nhỏ xảy ra giữa các
dòng truyền thừa, bởi vì mỗi dòng truyền thừa khác nhau có cách hành xử
khác nhau và điểm nhấn khác nhau. Đôi lúc, một số người do không hiểu
cách tu tập cảm thấy thất vọng trước sự khác biệt đó và, cũng bởi lý do
đó, vài sự cố nho nhỏ đã xảy ra. Tuy nhiên, như ngài Marpa đã nói, khi
ngài bắt đức Milarepa trải qua muôn vàn gian khó không thể tưởng tượng
nổi; và mặc dù một người phàm phu có thể thoạt nghĩ lúc đầu rằng ngài
tuyệt nhiên chẳng có chút lòng bi mẫn nào đối với đức Milarepa, thì thực
ra ngài Marpa làm như vậy là để đức Milarepa tịnh hóa ác nghiệp và
chướng ngại của mình. Rõ ràng là ngài Marpa không hành động như vậy vì
sở thích riêng tư của mình hay hành động mà chẳng hề có mục đích hoặc lý
do nào cả.
Như vậy, nếu chúng ta xem những câu chuyện ấy như
những tấm gương thì trong suốt chiều dài lịch sử các dòng truyền thừa
Tây Tạng tồn tại cho đến ngày nay - chẳng có dòng truyền thừa nào là
ngoại lệ - thì luôn có những đạo sư thể hiện những hành động, những mẫu
hành xử, những tấm gương cuộc đời rất khác biệt. Kẻ phàm phu không hiểu
biết gì về giáo Pháp có thể nhìn vào các hành động đó rồi sinh ác cảm,
mất niềm tin và phạm tà kiến. Nhưng chẳng có điều gì cho phép chúng ta
nói rằng các hành động đó, các mẫu hành xử đó, về bản chất, là không
nhất quán hay trái với giáo Pháp.
Do đó, sự hiện diện của các hình ảnh của các bổn sư hay đạo sư của tất
cả các dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng ở đây, trong ngày hôm nay, có
một ý nghĩa là tất cả các dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng chẳng
là gì khác hơn là giáo Pháp của đức Phật: Tất cả các dòng truyền thừa
đều giống nhau. Một ví dụ là mười tám tông phái trong thời kỳ đầu của
Phật giáo. Như được khẳng định trong câu chuyện kể về linh ảnh trong
giấc mộng của vua Krikin: tất cả mười tám tông phái này đều giống nhau ở
chỗ tất cả đều là giáo Pháp của đức Phật. Tương tự như vậy, điều rất
quan trọng là mỗi chúng ta phải biết quán xét và suy ngẫm về ý nghĩa
này. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào việc này được thực hiện thì chúng ta mới
có thể trì giữ mật nguyện đối với các vị đạo sư gốc và đạo sư của dòng
truyền thừa mà không hề xảy ra sự xung đột hay phạm giới. Vấn đề quan
trọng là tất cả chúng ta phải trải rộng tâm thức theo hướng này.
Một điểm quan trọng khác là nếu chỉ nghĩ về ‘mối quan hệ đạo sư – đệ
tử’ trong phạm vi các đạo sư mà chúng ta đã trực tiếp gặp gỡ hay có quan
hệ mà không màng đến các đạo sư khác thì vẫn chưa đủ. Có nhiều loại đạo
sư, như bổn sư và đạo sư của dòng truyền thừa chẳng hạn. Do đó, khi nói
đến ‘đạo sư’ thì chúng ta phải mở rộng tầm nhìn đối với điều mà chúng
ta hàm ý muốn nói. Chúng ta không thể chỉ xem những đạo sư mà chúng ta
đã từng gặp gỡ hoặc nhìn thấy tận mắt trong kiếp sống này là những bậc
thầy thực thụ và làm như mình chẳng hề quen biết bất kỳ vị thầy nào
khác. Khi chúng ta đọc một bài khấn nguyện thiền định, dù rằng đó chỉ là
một bài ngắn, chúng ta luôn bắt đầu với việc khẩn cầu từng vị đạo sư
của dòng truyền thừa, từ đức Phật Kim Cang Trì xuống bổn sư của chúng
ta. Điều rất quan trọng là phải quán chiếu để hiểu tại sao cần thiết
phải trân quý các vị lạt ma của dòng truyền thừa và niệm danh hiệu của
các ngài.
Trong các dòng truyền thừa của chúng ta có rất nhiều chân
sư vĩ đại thuộc mọi bộ phái và chúng ta quán tưởng các ngài như một
ruộng công đức hiện hữu trong hình ảnh một hàng bảo châu ở chót đỉnh của
dòng truyền thừa của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không nghĩ tưởng tới
các ngài vào những lúc khác [ngoài thời khóa] trong khi lại vẫn luôn nói
lời thệ nguyện làm lợi lạc cho chúng sinh và thực hành giáo Pháp, thì
việc chúng ta quán tưởng cây quy y là vô nghĩa, vô ích. Cũng như vậy,
khi chúng ta quán tưởng những hình ảnh sống động của các đạo sư dòng
truyền thừa nơi cây quy y, khi chúng ta hành động để làm lợi lạc cho
chúng sinh và giáo Pháp, chúng ta phải nhớ nghĩ tới lòng tốt của các đạo
sư dòng truyền thừa và noi theo gương của các ngài. Nếu chúng ta cho
rằng chỉ cần tuân thủ huấn lệnh và tri kiến của vị thầy chính trong tu
viện [của chúng ta] mà thôi thì có lẽ chúng ta chẳng thực sự suy ngẫm gì
về chính giáo Pháp. Có lẽ chúng ta chỉ nghĩ đến cơm ăn, áo mặc cho bản
thân chúng ta mà thôi.
Vị sư trưởng trong tu viện của chúng ta
là người có lòng tốt giúp đỡ chúng ta về cơm ăn, áo mặc. Nhưng nếu chúng
ta chỉ lo tập trung đứng về phía vị đó và ủng hộ tất cả những gì vị đó
làm hoặc nói thì chúng ta sẽ không thể suy nghĩ rộng, thoáng và hòa hợp
với các nguyên lý, chủ đề chung của giáo Pháp trên phương diện tổng thể
được. Cuối cùng thì sẽ như thể Phật pháp nguyên khối nguyên hình vững
chắc, sống động bị vỡ ra thành nhiều mảng nhỏ và chúng ta chẳng thể chỉ
vào một mảng nào đó để nói rằng: ‘Đây chính là giáo Pháp của đức Phật’.
Chúng ta sẽ tìm thấy khiếm khuyết ở mọi nơi và sẽ chỉ phạm phải tà kiến.
Vì lý do đó, khi chúng ta biết nói đến các cụm từ ‘các lạt ma gốc và
các lạt ma dòng truyền thừa’, thì điều rất quan trọng là cần phải biết
các chữ đó có ý nghĩa gì.
Chúng ta phải có lòng sùng tín, mối
quan tâm khao khát và niềm tin đối với các bổn sư và các đạo sư của dòng
truyền thừa, tự xác định mình là đệ tử của mỗi một đạo sư [trong số các
đạo sư đó]. Với lòng sùng tín có cơ sở vững chắc và được ý thức một
cách sâu sắc như vậy thì bất kỳ hoạt động tu tập và tu học nào mà chúng
ta tham gia cũng sẽ hài hòa với giáo Pháp; và chúng ta sẽ hội đủ các
tiêu chuẩn của một đệ tử đích thực của các đạo sư. Còn nếu không có được
lòng sùng tín mạnh mẽ như vậy thì mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn đối
với chúng ta. Đó là lý do tại sao hình ảnh đạo sư các dòng truyền thừa
lại được thể hiện trên các bánh torma mà chúng ta đang có ở đây. Hình
ảnh của các ngài không chỉ ở đây vì mục đích trang trí hay trưng bày cho
người khác được thấy; những chiếc bánh torma này được làm ra để giúp
chúng ta nhớ đến lòng tốt của các vị bổn sư và đạo sư của dòng truyền
thừa đích thực của mình. Khi chúng ta nhìn thấy các bánh torma, chúng ta
phải nhớ đến lòng tốt của các ngài và quán chiếu rằng nếu không có các
ngài thì sẽ khó khăn cho chúng ta biết bao để bước qua được cánh cửa
Phật pháp trân quý và để có cơ hội làm lợi lạc cho chúng sinh với tâm
không phân biệt. Thật rất quan trọng để chúng ta suy ngẫm về điều này.
Chúng ta cần phải nghiên cứu về tiểu sử của các ngài Marpa và Milarepa
mà tôi vừa tuyên đọc nhưng nếu chỉ đọc sách không mà thôi thì vẫn chưa
đủ: chúng ta phải suy ngẫm, quán chiếu ý nghĩa và dấn thân vào việc thực
hành tu tập theo gương các đạo sư này, và tìm phương cách để ứng dụng
ngay giáo Pháp vào cuộc sống của chúng ta. Nếu không thì việc đọc tiểu
sử của ngài Milarepa ở đây chẳng có mục đích gì cả. Thay vào đó thì
nghiên cứu sách triết học hoặc tu học thêm về giáo pháp luyện tâm có thể
còn hay hơn.
Lý do khiến tôi cảm thấy nhất thiết phải tuyên
đọc tiểu sử của đức Milarepa là để chúng ta có thể cảm nhận được cách tu
tập mà một con người có thật đã thực sự hành trì [như thế nào] trong
chính cuộc đời mình. Chúng ta có thể cảm thấy rằng mình tạo được một mối
giao tiếp thân tình với một con người, như thể chúng ta có thể cầm lấy
bàn tay của người ấy vậy. Dĩ nhiên là còn có nhiều câu chuyện cuộc đời
của các vị đạo sư phi thường, như chư Phật và chư Bồ tát. Nhưng kẻ phàm
phu không thể đặt tâm chăm chú vào các câu chuyện cuộc đời này, huống
chi là nương theo để tu tập. Tuy nhiên, với ngài Milarepa, chúng ta có
câu chuyện về một người hoàn toàn bình thường, lúc đầu phạm nhiều ác
hạnh nhưng cuối cùng đã thực sự viên thành đạo quả với sự toàn tâm kiên
định. Tôi nghĩ rằng chính câu chuyện có thật như vậy về một đạo sư chân
thực sẽ là cái đọng lại trong tâm chúng ta và thấu tới trái tim của mỗi
chúng ta.
Source: nhomphiendich