Thời Phật còn tại thế, những nghi thức tế lễ, cầu
nguyện rất phổ biến và thịnh hành trong dân gian. Những đạo sĩ
Bà-la-môn, Phạm chí… đều là những vị thầy giỏi về tế lễ. Và biết tế lễ
là một trong những điều kiện cần và đủ để trở thành một Bà-la-môn cao
quý. Theo kinh Phạm Động (Trường A-hàm), thời bấy giờ có rất nhiều tôn
giáo, ít nhất là có 62 học thuyết tôn giáo khác nhau, và vị lãnh đạo tôn
giáo nào cũng cho tôn giáo của mình là đúng đắn, có thể đưa linh hồn
của con người sau khi chết lên cõi Trời, sống chung với Phạm thiên.
Phương pháp để đạt được điều mà mọi người hằng mong ước ấy, dĩ nhiên là
dựa vào sự cầu nguyện, tế lễ và rửa tội bằng một hình thức lễ nghi nào
đó, như trầm mình xuống dòng sông Hằng chẳng hạn.
Không ai biết đích thực có Phạm thiên hay không, và
tuyệt nhiên tất cả những người dân bình thường, vốn ít học, ngây ngô,
không hề đặt vấn đề rằng những bậc thầy tế lễ, những Bà-la-môn, Phạm chí
đã hiệp thông với đấng Phạm thiên hay chưa, và có chắc chắn được về với
Phạm thiên hay không, người ta vẫn tin rằng bản thân mình hay người
thân của mình sẽ được trở về cõi Trời nhờ sự cầu nguyện và tế lễ của
những bậc thầy kia. Mà đâu chỉ có những người dân chân lấm tay bùn mới
tin như thế? Có không ít những người có học cũng tin như vậy!
Kinh Trung A-hàm ghi lại rằng, vào một ngày
nọ, khi Thế Tôn đang du hóa tại Na-la-đà và nghỉ đêm trong rừng Nại, khi
đêm gần sáng, Già-di-ni, con trai của A-tu-la Thiên, sắc tướng uy nghi,
chói sáng rực rỡ, đi đến nơi Đức Phật đang thiền tọa, cúi đầu lạy dưới
chân Ngài rồi thưa: "Bạch Thế Tôn, các người Phạm chí rất cao ngạo, họ
tự cho ngang bằng Trời, hay con của Trời, hay là Thiên sứ… Họ cho rằng,
nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho chúng sanh đó tự do
qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi Trời. Thế Tôn là Pháp chủ, mong Thế
Tôn cũng làm cho chúng sanh khi mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi
Trời".
Ở đây, chúng ta nhận thấy Già-di-ni tin và hiểu Đức
Phật là đấng Pháp chủ, chắc chắn sẽ có đầy đủ quyền năng và thần thông
quảng đại hơn hẳn các Phạm chí, Bà-la-môn. Hơn nữa, Thế Tôn là thầy của
trời người, thì việc làm cho chúng sanh được qua lại các cảnh giới tốt
đẹp hay sanh lên cõi Trời là điều rất dễ dàng đối với Ngài. Thế nhưng,
Già-di-ni chưa bao giờ nghe Đức Thế Tôn hứa hẹn hay tuyên bố điều đó,
như các Phạm chí, Bà-la-môn đã làm. Và vì vậy, Già-di-ni thỉnh cầu Đức
Phật hãy làm như những Phạm chí, Bà-la-môn, giáo chủ các tôn giáo khác,
tức hãy tuyên bố, hứa hẹn đưa các tín đồ đệ tử của Ngài sanh lên cõi
Trời sau khi họ qua đời.
Đó là niềm tin, là nhận thức, là sự hiểu biết của một
chúng sanh ở cõi Trời về Đức Phật. Chư thiên cõi Trời mà có trình độ
hiểu biết như vậy thì chúng sanh phàm phu ở cõi đời trần tục này làm sao
không tin rằng Đức Phật có thể ban phước, giáng họa cho mình? Vậy mà,
sự thật thì Đức Phật chẳng bao giờ ban phước giáng họa cho ai, Ngài chỉ
dạy sống như thế nào thì được phước, và sống như thế nào thì sẽ tự chuốc
họa vào thân mà thôi.
Đức Phật nói với Già-di-ni: Ông nghĩ thế nào? Nếu có
một người luôn gây tạo mười nghiệp ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói
dối... cho đến tà kiến, đến khi người ấy chết, một số đông người đến
chắp tay cầu nguyện, van xin, mong cho người ấy được sanh vào thiện xứ
hay sanh lên cõi Trời. Này Già-di-ni, có phải nhờ vào sự cầu nguyện đó
mà người đã tạo mười nghiệp ác kia được sanh vào thiện xứ hay sanh lên
cõi Trời chăng?
Già-di-ni trả lời không thể nào. Đức Phật kết luận:
Giống như lấy tảng đá lớn ném xuống vực nước sâu rồi đứng trên bờ cầu
nguyện, hy vọng cục đá nổi lên, đó là điều không tưởng! Cho nên, mười
loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói
dối, cho đến tà kiến, vốn đen, có quả báo đen, tự nhiên đi thẳng xuống,
chắc chắn đi đến ác xứ. Ngược lại, nếu một người suốt đời tu tập mười
nghiệp thiện, đến khi chết, chắc chắn đến thiện xứ, vì mười nghiệp đạo
thiện là trắng, có quả báo trắng, tự nhiên thăng lên, giống như đập vỡ
hũ dầu rồi quăng xuống nước, hũ bị vỡ, sành cặn chìm xuống, dầu bơ nổi
lên trên.
Rồi Thế Tôn dạy: "Này Già-di-ni, có con đường vườn
hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ. Thế nào là lại có con
đường vườn hoa, con đường thăng tấn, con đường thiện xứ? Đó là Thánh đạo
tám chi. Từ chánh kiến cho đến chánh định; đó là tám".
Rõ ràng, đường đi đến thiện xứ, lên thiên đường,
thành tựu giải thoát là con đường Bát Thánh đạo chứ không phải bằng vào
sự cầu nguyện. Trong Phật giáo không có chuyện đưa ai lên thiên đường
hay đày ai xuống địa ngục. Đi lên hay đi xuống đều tùy thuộc vào hành
nghiệp của mỗi chúng sanh là thiện hay bất thiện, hay nói cách khác là
thực hành hay không thực hành Bát Thánh đạo.
Nói như thế phải chăng trong Phật giáo hoàn toàn không có sự nguyện cầu? Và chối bỏ hạnh nguyện độ tha?
Trong một lần hoằng pháp tại tỉnh Nantes, miền Tây
nước Pháp, có anh Phật tử người Tích Lan đã hỏi: Thầy có nhớ câu thần
chú của Tôn giả Angulimāla không? Xin thầy nhắc lại giúp con!". Tìm hiểu
mới biết rằng, thì ra học sinh tiểu học ở Tích Lan đã được học những
bài học đạo đức từ kinh sách Phật giáo, nên những câu chuyện như chuyện
của ngài Angulimāla đều ăn sâu vào tiềm thức của các em.
Chuyện ấy kể rằng, một hôm Tôn giả Angulimāla trên
đường đi khất thực gặp một sản phụ khó sinh, đau đớn, nguy kịch, tôn giả
lập tức trở về tu viện trình bày với Đức Phật. Phật dạy Angulimāla đến
đọc cho sản phụ ấy nghe một paritta, như là câu thần chú cứu nguy, với
nội dung: "Kể từ khi Angulimāla tái sinh trong Thánh đạo này chưa từng
cố ý giết hại một sinh mạng nào, bằng sự thực ấy, ước nguyện sản phụ
sinh sản an toàn". Quả nhiên, sau khi tụng xong, người sản phụ nọ được
mẹ tròn con vuông!
Người dân Tích Lan coi lời cầu nguyện đó của Tôn giả
Angulimāla là câu thần chú, có khả năng bảo hộ bình an, tai qua nạn
khỏi, nên họ học thuộc phiên âm bằng tiếng Pāli, và có người trì tụng
hàng ngày, như người Việt Nam tụng chú Đại bi. Nội dung của câu thần chú
đó có gì bí mật, quá thâm sâu khó hiểu không? Hoàn toàn không! Nó chỉ
đơn giản là một lời nói thật, rất chân thật từ trái tim, từ tấm lòng bấy
giờ đã tràn ngập sự yêu thương của Tôn giả Angulimāla, và sự thật ấy
khi được nói lên đã phát huy sức mạnh, có thể cứu người thoát khỏi khổ
đau ách nạn.
Trong Vinaya II, Tiểu phẩm (Cullavagga) ghi lại sự
kiện những Tỳ-kheo sống trong rừng sâu bị rắn độc cắn chết, Đức Phật hay
được và nói, nếu các Tỳ-kheo ấy đã rải tâm từ đến các loài rắn độc thì
nhất định đã không bị chúng làm hại. Rồi Phật dạy bài kệ với nội dung là
những lời ước nguyện, mong cho tâm từ của hành giả lan đến chúa tể các
loài rắn độc, các sinh vật không chân, hai chân và bốn chân; ước nguyện
các sinh loại đều được an lành, không làm hại Tỳ-kheo. Quả nhiên, từ khi
các Tỳ-kheo đọc tụng lời cầu nguyện mang theo tâm lượng từ bi rải khắp
muôn loài thì không còn bị rắn, rết đến làm phiền nữa.
Kinh Tạp A-hàm cũng ghi lại trường hợp những
bà mẹ có con trẻ thường hay khóc đêm, đem tới tu viện, Đức Phật dạy các
Tỳ-kheo tụng Pháp cú cho nó nghe: "Nếu ai biết Pháp cú, Tự mình hộ trì
giới, Xa lìa sự sát sanh, Nói thật, không nói dối, Tự bỏ điều phi nghĩa,
Giải thoát đường quỷ thần". Tụng xong, trẻ hết khóc, trở nên dễ nuôi,
chóng lớn! Những bài Pháp cú như thế cũng được xem như là paritta hay
thần chú.
Kinh Ratanasutta ghi: "Dù trong đời này hay
đời khác, hay trên thiên giới, không có tài bảo vi diệu nào sánh với Đức
Như Lai. Ở đây, Phật là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng sự thực này,
ước nguyện tất cả đều được an lành".
Kể trên là những lời kinh nguyện cầu. Rải rác trong
kinh điển Nikāya và Āgama đều thấy xuất hiện các paritta hay hộ chú như
thế. Những lời kinh ấy đều diễn tả, nói lên sự thật hay chân lý và được
hiểu là chân ngôn. Chân ngôn là lời nói chân thật, không hư dối, là
phương tiện để diễn đạt chân lý.
Như vậy, trong Phật giáo không phải là không có sự nguyện cầu, mà tất
cả nội dung của lời nguyện cầu đều phải là lời thật hay chân lý. "Chân
lý là tính thể của sức mạnh kỳ diệu; ai biết nương tựa chân lý, sống với
tâm tư hướng về chân lý, người ấy sống cuộc sống an lành. Đó là tính
thể của sự cầu nguyện" (Tuệ Sĩ, Thiền và Bát nhã). Với ý nghĩa này,
người Phật tử muốn nguyện cầu điều gì, hay cầu an, cầu siêu cho ai… chỉ
cần nói lên sự thật rằng mình đang sống với Chánh pháp, đang nương tựa
Chánh pháp, thì điều nguyện ấy sẽ có hiệu lực. Chẳng hạn, bạn có thể
nói: "Con là Phật tử pháp danh Từ Tâm, từ khi con biết đến Tam bảo và
sinh hoạt ở ngôi chùa này, con chưa từng nói dối, nguyện nhờ sự thật này
mà gia đình con được bình an". Nếu lời nói này là sự thật, chắc chắn
gia đình bạn sẽ được bình an, hưởng phước vô lượng!
THÍCH NGUYÊN HÙNG (GNO)