Luân hồi – tái sinh, có thể hiểu được
17/10/2010 11:56 (GMT+7)

I. Đi tìm những bằng chứng Khoa học có liên quan

Như một cuộc điều tra hình sự, điều tra viên nếu chỉ loay hoay khoanh vùng hiện trường để tìm kiếm, đo đạc, suy đoán không thôi, thì sẽ không thể nào tìm ra động cơ và thủ phạm vụ án. Những gì nhặt nhạnh được ở hiện trường, không phải là nguyên nhân vụ án. Phải thoát ra khỏi hiện trường, tìm kiếm cái nhìn tổng thể hơn, với một tư duy hệ thống của các mối quan hệ, trong bối cảnh lịch sử của nạn nhân, thì mới có cơ may nhìn thấy ánh sáng.

Vấn đề Tái sinh-luân hồi trong cõi người ta cũng thế thôi. Chỉ đứng trong cái vòng tròn ấy mà tìm kiếm, mà tư duy, thì e rằng, chẳng bao giờ…

Thôi thì, tiếc gì mà không đổi mới Tư duy, lắng nghe một chân lý mới mà Kurt Godel đã dạy: “Không thể chứng minh được rằng, một hệ thống là nhất quán và phi mâu thuẫn nếu chỉ dựa trên cơ sở của các tiên đề chứa trong hệ thống ấy, mà phải đi ra ngoài hệ thống, tìm kiếm các tiên đề phụ bên ngoài có liên quan”. Và chẳng phải dân gian cũng đã triết lý rằng: “Kẻ trong cuộc, đâu có sáng suốt bằng người ngoài cuộc nhìn vào” đó sao.

Tin chắc rằng, chân lý đó sẽ dẫn dắt chúng ta tìm ra nhiều điều thú vị. Vậy nên, ở đây, dù phải đảo mắt qua một vài trang, tưởng không liên quan gì đến “tái sinh-luân hồi”, thì cũng chẳng qua là “nhảy” ra khỏi hệ thống để đi tìm “tiên đề phụ có liên quan” ngoài hệ thống mà thôi. Ta cứ tiếp tục hành trình, có nhiều cơ may sẽ đến đích.

Con Người là động vật đẳng cấp cao. Đẳng cấp cao ở Người là thuộc về ý thức. Hành vi của ý thức là một cuộc hành trình trừu tượng hóa vô hạn, mà Trí tuệ là sự soi sáng trên từng bước đi. Suy cho cùng, những khái niệm thuộc phạm trù siêu hình này, không gì khác, ngoài Vận động Thông tin. Bởi vậy, biết thêm một vài đại lượng đặc trưng trong tương tác thông tin, sẽ rất có ích.

A. Đôi điều liên quan đến Thông tin

1- Theo lý thuyết Thông tin, Giá trị Thông tin xác định bằng Lượng tin chứa trong Thông tin đó. Tương tự, Giá trị một Thông báo xác định bởi Lượng Tin tức chứa trong Thông báo đó. Lượng tin hay Lượng tin tức tỷ lệ với tính phi phỏng, tính bất định của Thông tin. Nghĩa là Thông tin càng phi phỏng bao nhiêu, thì Lượng tin càng lớn bấy nhiêu. Ví dụ: “Hôm qua, có tuyết rơi ở Đồng Hới”. Lượng tin tức trong Thông tin này là rất lớn, bởi lý do địa thế và chế độ khí hậu khô nóng của Miền Trung, trong đó có Đồng Hới, không thể xảy ra sự kiện tuyết rơi, vào bất cứ thời gian nào trong năm. Ví dụ khác: Một thông tin khẳng định rằng: “Ngày mai là chủ nhật”, lượng tin tức trong thông báo đó bằng không, bởi vì hôm nay là thứ bảy. Giữa hai điểm cực trị của lượng tin là các cấp độ giá trị mà hiệu ứng tương tác sẽ đem lại hệ quả rất khác nhau. Lượng tin là nhân tố kích thích ý thức tiến hóa trên những nấc thang cấp độ: từ cấp độ thô đến cấp độ Tinh tế.

Thông tin với lượng tin lớn, có thể tạo ra xung năng của vòng xoáy các câu hỏi: Cái gì thế, tại sao, ở đâu, khi nào. Khát vọng tìm kiếm câu trả lời, chính là quá trình khai mở Tư duy ngày càng tinh tế. Có thể cắt nghĩa điều đó bằng ví dụ sau đây:

“Bà mẹ cố dỗ dành đứa con bé bỏng đang quấy khóc. Khó! Vì bé mới chỉ hơn một tuổi đầu, đưa cho món đồ chơi nào, bé cũng quay mặt đi vì chúng quá quen thuộc, quen thuộc như chính thế giới các đồ vật, trong căn nhà quê mùa của bé vậy.

Bà mẹ thông minh kia, bế bé ra cổng. Đằng xa xa, phía con đường làng, là cánh đồng lúa xanh rì trải dài, đối mặt với trời xanh. Bé lặng im trước khung cảnh mới. Đôi mắt bé mách bảo rằng, cái bức bối trong bé đã giảm đi đôi phần. Nhưng khung cảnh kia, như cũng dần đọng lại, sức cuốn hút của cái mới mẻ ban đầu, như dần tan. Bé lại ngọ nguậy khóc. Một con chó mực từ nhà bên chạy ra đường, nó rúc mũi vào mọi thứ xung quanh, rà đi, soát lại. Bà mẹ chỉ tay về phía con chó, thản thốt kêu: “Con gì kia ấy nhỉ?” Bé nín bặt, chăm chú dõi theo hành vi con chó, mắt bé tròn xoe đầy ngạc nhiên. Thỉnh thoảng liếc nhìn quanh như tìm kiếm cái gì với vẻ hi vọng và lo lắng…”

Cái thông minh của bà mẹ là ở chỗ, bà không bình thản để thông báo với bé rằng “Kia là con chó”, bởi vì lượng tin tức trong thông báo đó là bằng không. Sự vòi vĩnh của bé, vì thế, sẽ nguyên như ban đầu, không bị khuấy động. Với cử chỉ và giọng thảng thốt, mà bà sử dụng, trở thành một Thông tin, chứa lượng tin rất lớn, ào vào đầu óc non nớt của bé, như một làn sóng cuốn phăng đi những ký ức buồn bực ban đầu.

Với những Thông tin có dung lượng tin lớn như thế, sẽ kích thích Tư duy phải trừu tượng, mà trong trường hợp của bé, là nó ngáo ngơ tìm quanh chỗ con chó, như hy vọng nhìn thấy một con gì khác nữa. Nó tỏ ra lo lắng khi chưa tìm được câu trả lời từ Thông tin do mẹ nó tạo ra: “Con gì đâu, ngoài con chó?”

Bức tranh vừa phác thảo trên đây, cho thấy tương tác Thông tin từ ngoại vi đến với Não, như một động lực làm chuyển dịch, dẫn dắt hành trình tiến hóa của nó.

2 - Con người là một Tổng thể, tạo nên bởi: Phần thể xác là Vật chất, hữu hình ; Phần ý thức và các chức năng của nó, là phần phi vật chất, thuộc phạm trù siêu hình. Sau đây, ta sẽ thấy, tuy vận động trong một tổng thể thống nhất, nhưng phần siêu hình, không nhất thiết cần tựa vào “giá đỡ Vật chất” của thể xác để tồn tại. Điều này cũng giông như ôxy trong không khí, nó gắn liền với sự sống của mỗi thực thể. Nhưng không thể nói rằng, nhờ “cái sống” của thực thể ấy, mà ôxy mới tồn tại và vận đông được. Thậm chí là sau cái chết làm phân hủy, nó còn phải trả lại các phân tử ôxy cho môi trường sống, mà nó được cung cấp trước đó, để Định luật bảo toàn vật chất không bị vi phạm.

Nếu nguồn nuôi dưỡng cho phần vật chất (Cơ thể) là quá trình chuyển hóa thức ăn, nước uống, thì nguồn nuôi dưỡng cho phần Siêu hình (ý thức) là quá trình vận động, chuyển hóa Thông tin. Hai nguồn nuôi ấy cũng thống nhất trong một Tổng thể Năng lượng. Sự tương đồng hai nguồn nuôi này có những hệ quả thực tiễn rất hay, mà bạn đọc có thể tự suy ngẫm được.

B. Thông tin và hành trình đi đến ý thức

1 – Lược sử một lộ trình khai mở ý thức

Như một con trai biển cần mẫn, chắt lọc những gì tinh túy hấp thụ được, để luyện nên viên ngọc quý giá. Con Người, từ khi lọt lòng, cất tiếng khóc chào đời, cũng tức là tiếng reo, đón mừng môi trường thông tin mới mẻ. Sau những giấc ngủ dài, bé bắt đầu ti hí mi mắt, đón nhận thông tin đầu tiên. Đó là ánh sáng chói ngời tràn ngập căn phòng của bé. Năm giác quan của bé - những cánh cửa tiếp nhận thông tin, tuần tự bắt đầu hành trình hoàn thiện cùng cơ thể. Tại sao không cùng lúc mà tuần tự? Bởi vì, não bộ của bé chưa phát triển đủ mạnh để xử lý một lượng thông tin với dung lượng tin tức lớn, nên Tạo hóa phải có “sách lược ưu tiên” mở cửa từng giác quan một. Đầu tiên là thị giác và một phần xúc giác. Cánh cửa xúc giác chỉ mở hé: phát triển mạnh ở đôi môi để bé tìm đúng vú mẹ.

Theo tháng ngày, bé cảm nhận được âm thanh, sau cùng là mùi vị. Nhưng tất cả đều là những thông tin thô, rời rạc. Não bộ của bé bấy giờ, như một bộ xử lý trung tâm CPU, mà chưa có ổ cứng và bộ nhớ đệm trợ giúp, nó chưa thể xâu chuỗi thông tin để hình thành một chuỗi Lôgic, kiểu câu hỏi: “Ai?”; “Cái gì thế?”

Thời gian này kéo dài, trung bình đến tháng thứ 6, thì manh nha được hai câu hỏi trên: Bé phân biệt được mẹ với người khác, bé liếc mắt theo một vật sáng di động, cũng như cố nghiêng đầu về phía phát ra âm thanh lạ. Bộ nhớ bắt đầu phát triển.

Sự chú ý và ngạc nhiên của bé, biểu lộ ở tháng thứ tám trở đi, khi không gian xung quanh xuất hiện những tín hiệu khác thường, đó là dấu hiệu khởi đầu hình thành ý thức thô bản năng, dạng sơ khai nhất.

Ý thức thô tiếp tục được củng cố cùng với sự phát triển não bộ, đặc biệt là bộ nhớ. Năng lực xử lý thông tin của não, cùng bộ nhớ, tăng nhanh và hoạt động mạnh. Từ tháng thứ mười trở đi, bé bắt đầu biết so sánh. Nhàm chán với những thông tin lặp đi lặp lại, bé chú ý, một cách hồ hởi đầy ngạc nhiên với những thông tin mới, lượng tin nhiều. Biểu hiện rõ nhất trong quá trình bé tiếp xúc với thế giới đồ chơi của riêng mình: Nếu không được bổ sung đồ chơi mới lạ, bé có thể: một là, thờ ơ những đồ chơi cũ; hai là, bé tìm cách “ghè” vỡ, tháo bẻ, bóp bẹp, cạy móc chúng, hy vọng tìm ra cài gì lạ lẫm, để biết “Cái gì đây?” và “Tại sao thế?” v.v...

Đối với bé, càng về sau, những câu hỏi chưa có lời giải hoặc lời giải mơ hồ, tích lũy từ vài năm trước, cho đến những năm tháng ở Trường Mẫu giáo, là nỗi “day dứt” không nguôi, nhưng nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì nó liên tục kích thích sự hình thành năng lực trừu tượng trong hoạt động Tư duy của bé.

Vào những năm tiếp theo,Thông tin dồn dập từ học đường và xã hội là những thông tin mang cấu trúc lôgic đơn giản đầu tiên mà tuổi vị thành niên như cháu tiếp nhận. Dạng thông tin này, đến lượt nó, là nhân tố làm cho ý thức mang tính xã hội nhiều hơn. Không gian Tư duy được mở rộng.

Quá trình học hỏi và trưởng thành về sau, cũng là quá trình kết nối và xử lý thông tin “đẳng cấp” cao hơn. Do cuộc sống đã trải qua, gắn liền với nhiều dấu ấn của bối cảnh lịch sử, đã trở thành một chuỗi ký ức riêng và được lưu giữ bằng một bộ nhớ đã phát triển cùng năm tháng. Giờ đây, năng lực xử lý thông tin, cũng chính là năng lực Tư duy, trong mối quan hệ chằng chịt Thông tin, từ môi trường sống gần gũi, cho đến môi trường thông tin rộng lớn hơn. Khả năng Trí tuệ bộc lộ rõ hơn trong mọi giải pháp hành vi.

Lược đồ hành trình được mô phỏng trên đây, mở đường tiến đến gần hơn với lời giải: “Từ đâu mà ý thức hình thành?”.

2 - Triết lý của Chọn lọc Tự nhiên - lời giải sau cùng.

Từ quy luật Chọn lọc Tự nhiên (Dac-uyn): “Sự tiến hóa muôn loài tiến hành được là nhờ động lực của cái gọi là Nhu cầu sống thúc đẩy. Nếu nhu cầu sống không cần, thì dù có nảy sinh cái gì, thì cuối cùng, cái ấy, cũng sẽ bị đào thải”. Ví dụ: con dơi không có nhu cầu nhìn bằng ánh sáng, thì cấu trúc hệ quang học của đôi mắt không phát triển. Mắt bị thoái hóa theo luật đào thải và chỉ để làm vật trang trí cho khuôn mặt mà thôi. Đàn ông không có nhu cầu cho con bú, thì đôi vú không phát triển. Nó “thoái hóa”, chỉ để lại dấu vết kỷ niêm nhân sinh trên người. Ví dụ khác, vận động viên cử tạ, do nhu cầu nâng nhấc tạ, với gia trọng ngày càng tăng, nhờ tập luyện mà những cơ bắp liên quan, như: Cơ tay, cơ bụng, cơ đùi, buộc phải phát triển để đáp ứng v.v…

Như vậy, quy luật “Có cầu thì ắt có cung” là một qui luật phổ quát của tồn tại. Theo đó, con người sống trong Thế giới tràn ngập Thông tin đa dạng, đa tuyến, đa kênh, đa tần, đa cấp… Chúng như những làn sóng, tương tác liên tục vào tiến trình Sống. Để dẫn dắt “Cái Sống” phát triển, thì nhu cầu tiếp nhận, xử lý, chọn lọc thích nghi là hết sức to lớn. Cho nên, “Cái Sống” phải lấy Thông tin từ khách thể ấy, để tự cấu trúc nên một tổ chức vật chất lôgic tối ưu nhất, thực hiên chức năng này. Tổ chức vật chất đó là Não bộ. Qui luật tiến hóa gọi quá trình đó là Thích nghi.

Tóm lại, Tự nhiên là khách thể, là nguyên nhân của mọi hình thái Sống. Quan điểm Triết học này, còn được chứng minh bởi hệ quả của nguyên lý phổ biến về Sự phụ thuộc lẫn nhau, rằng “Mọi sự vật và hiện tượng không tồn tại tự thân”, rằng không có cái gì là nguyên nhân của chính nó.

Từ những luận cứ đó, có thể kết luận rằng: Não bộ và những sản phẩm của nó có nguyên nhân từ khách thể trừu tượng, đó là Thế giới Thông tin.

Với cái nhìn Hệ thống như vậy, thì xu hướng biệt lập, đi sâu vào cấu trúc Não để tìm kiếm bí mật “Cơ chế nào tiết ra ý thức, tiết ra tư duy”, là lối đi lạc hướng. Cũng giống như hì hục tháo rời một Computer, để tìm kiếm bí mật: Cơ chế nào đã “tiết ra” hiệu ứng nghệ thuật Đồ họa, khi thực hành Photoshop? Với hướng đi đó, sẽ không bao giờ tìm thấy lời giải cuối cùng. Bởi lẽ, não bộ không tự thân “tiết ra” ý thức, tư duy, và cũng như CPU, RAM của computer không tự thân tạo ra các hiệu ứng của nghệ thuật Đồ họa vậy. Nghĩa là chúng đều do một tập hợp Thông tin khách thể cung cấp, cài đặt. Với chúng, là một thành phần trong một thực thể thống nhất: một con người hay một chiếc Computer?

Nếu không có cấu trúc Thông tin tổ hợp trong những phần mềm cài đặt, thì phần cứng computer chỉ là một cục sắt vô dụng. Tương tự, nội hàm của cấu trúc Thông tin ngoại vi, quyết định chiều hướng tiến hóa Người hay Thú trong trường thông tin đó.

Thí dụ sau đây, minh chứng cho quan điểm này: Vào khoảng tháng10 năm 2007, trên Daily mail có đăng một mẩu tin gây chấn động dư luận: Một nhóm các nhà Khoa học nghiên cứu Động vật hoang dã, bắt gặp một cảnh tượng vô cùng kinh ngạc, tại một vùng bán sơn địa rừng châu Phi: Một con sói cái to lớn, thuần dưỡng một bé trai, lông tóc bù xù, trên người còn sót lại một mảnh vải áo tơi tả, đi lững thững bên nhau, quấn quít như hai mẹ con. Khi đoàn công tác vây đuổi, với ý định giải cứu một sinh linh, sói mẹ chống cự quyết liệt để bảo vệ “con”, còn bé trai thì hú lên những tiếng ghê rợn. Sau cuộc giải thoát, bé trai được các chuyên gia y tế chăm sóc đặc biệt và một cuộc nghiên cứu xét nghiệm sinh học được tiến hành khẩn trương. Một kết luận được công bố sau đó, cho biết: Một bà mẹ nhẫn tâm nào đó, đã bỏ rơi bé giữa rừng, lúc mới 10 ngày tuổi. Một con sói cái độc thân, có lẽ mất con sau khi đẻ, đã tha bé về hang để nuôi con, như một bản năng làm mẹ.

Bé được bú sữa sói và lớn lên. Đến ngày được cứu thoát, bé sống trong môi trường Thế giới hoang dã kéo dài bốn năm. Sau khi được cứu thoát, những ngày đầu, bé chưa biết ăn thức ăn của người, cũng không nói được giọng người, thấy bóng người là hoảng hốt, tìm chỗ ẩn nấp, thỉnh thoảng cất tiếng tru của sói, nghe thảm thiết. Dường như nhớ “mẹ sói” đến bỏ cả ăn. Trên lưng, bắt đầu nhú mọc những mảng lông màu xám bạc để thích nghi với cái giá lạnh của rừng sâu.

Những xét nghiệm sinh học cho thấy, chưa có biểu hiện đột biến trầm trọng trong hệ gen người. Riêng não bộ có biểu hiện ngưng trệ, nhưng cũng chưa đến mức nghiêm trọng. Như vậy 95 % bé vẫn còn là người.

Sự kiện này làm cho nhiều nhà Sinh học, đặc biệt là các chuyên gia Não học sững sờ. Bởi vì đây là một thực chứng cho thấy, mối quan hệ hết sức chặt chẽ giữa Thông tin môi trường sống với quá trình hình thành ý thức. Hoàn toàn không phải ở cấu trúc phức tạp và tinh vi của tế bào não, của hệ thần kinh, làm đột sinh ý thức và các sản phẩm của ý thức, như những giả thuyết Khoa học tiên liệu.

C. Hình thái vận động của ý thức

1 - Hình thái

Những luận cứ đã chứng tỏ trên đây, lý giải khá tương hợp với quan điểm Triết học của Phật giáo, cho rằng: ý thức chỉ là một chức năng, một “vẻ bề ngoài” thuần túy, không có hiện thực nội tại. ý thức có nhiều cấp độ, trong đó ý thức Thô được vật chất cung cấp các điều kiện phù trợ để hoạt động, nhưng nguyên nhân đầu tiên của ý thức Thô này, chỉ có thể là một dòng liên tục cùng với các cấp độ ý thức cao hơn, mà bản thân chúng cũng bắt nguồn từ một chuỗi liên tiếp các thời điểm của ý thức mà không có điểm bắt đầu.

“Như vậy, ngoài ý thức Thô có sự phù trợ vật chất, tức là nó cần một “giá đỡ” vật chất, còn ý thức nói chung, nó bao hàm một lượng lớn các quan hệ, mà người ta có thể xem như chúng sinh ra một Trường, cũng có nghĩa là một Sóng, ngay cả khi nó không phải là một sóng Vật lý. Người ta có thể mô tả ý thức như một dòng chảy, một chức năng được duy trì vĩnh viễn, một dòng chảy không có vật chất cuốn theo và cũng không cần một “giá đỡ” vật chất. Giống như khi nhìn những con sóng lừng ngoài khơi xa, người ta có thể tưởng rằng các khối nước lớn đang chuyển động. Nhưng không phải như vậy, các phần tử nước chỉ dập dềnh tại chỗ khi con sóng đi qua, mà không trôi theo cùng với sóng. Tính liên tục và nối tiếp của chuyển động sóng, cũng tương tự tính liên tục và nối tiếp các trạng thái mà ý thức trải qua như một sóng, trong đó có sự lan truyền một chức năng và các thông tin, chứ không có sự chuyển dịch vật chất. Hệ quả là ý thức, cùng với ký ức về các trải nghiệm đã qua, vẫn tồn tại, ngay cả khi thể xác vật chất không còn” (Phát biểu của Matthieu Ricard- nhà sinh vật học kiêm nhà sư người Pháp - trong Tác phẩm “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”. Đồng tác giả là GS Vật lý nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận).

Cuối cùng, quan niệm ý thức như lý giải trên đây, liệu tương hợp đến mức nào với các thí nghiệm sinh lý học Thần kinh, mà các chuyên gia Não học đã tiến hành, nhằm xác định những điều kiện thần kinh của Ký ức? 

Matthieu Ricard chỉ ra rằng, cấp độ ý thức nào còn phụ thuộc thể xác, thì còn tồn tại mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động của Não với ý thức ở cấp độ đó.

Như những gì lý giải trên đây: Ý thức Thô cần đến “giá đỡ vật chất”, đó là Não. Cho nên, những “Điều kiện thần kinh” mà thực nghiệm Não học có được chỉ liên quan đến ý thức Thô.

Do ý thức thô chỉ là một biểu hiện của ý thức tinh tế (vốn duy trì vĩnh viễn) nên người ta có thể coi rằng, dòng liên tục của ý thức tinh tế này có thể mang ký ức, tựa như một sóng truyền đi thông tin mà không cần mang theo vật chất.

Điều quan trọng là phải làm sáng tỏ được rằng, cấp độ ý thức tinh tế này, không phải là lý thuyết mà thực tế, chúng được ấn định phạm vi một cách khá chính xác trên cơ sở của thực nghiệm, và đáng nhận được sự chú ý nghiêm túc của bất kỳ ai muốn dựa vào phương pháp thực nghiệm. Cụ thể là, để lĩnh hội cấp độ tinh tế này của ý thức, đòi hỏi một sự thực hành Thiền định có kỷ luật, nhằm đạt được những khả năng ở trạng thái vô thức một cách chủ động. Theo một nghĩa nào đó, các hiện tượng này chỉ mở ra cho những ai muốn tự bản thân thực hiện những thực nghiệm như nó vốn có.

2- Trường sinh học - Sóng não - một hình thái năng lượng

Ở Việt nam, khái niệm “Trường sinh học” được nghe lần đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX, do GS Vật lý Hoàng Phương cùng một số cộng tác viên thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà nội bắt tay xây dựng. Gần hai chục năm sau, một mô hình Toán học ra đời làm cơ sở mô tả “Trường sinh học”. Công trình của GS Hoàng Phương không được thông tin chi tiết một cách rộng rãi, vì lý do tư tưởng thời đó!

Ngày nay, “trường sinh học” đã được công nhận, vì nó giải thích bản chất tương tác nhiều hiện tượng thuộc Thế giới sống- Sinh thể một cách Khoa học.

Nhưng hình như người ta quá lạm dụng “trường điện từ”- một Trường Vật lý thuần túy, để gán cho không ít tương tác sinh học không có bản chất điện từ. Chẳng hạn, Thôi miên: tương tác nào được truyền đi giữa hai người ? Nếu là sóng điện từ, thì hẳn Khoa học thực nghiệm đã xác định được toàn bộ các thông số Vật lý của nó và Ngành phỏng sinh học ắt đã thiết kế được một máy phát cùng tính năng thay cho các nhà thôi miên. Tương tự như vậy, tương tác nào đã hút các vật dụng gắn chặt vào cơ thể như nam châm hút sắt? Mặc dù các vật dụng bị hút kia, không có tính chất sắt từ: như gỗ, nhựa, nhôm, thép inox v.v…

Rồi, tương tác nào đã phá vỡ định luật Ac-si-met về lực đẩy của chất lỏng, tác dụng lên vật thể nhúng vào nó. Như cụ bà 70 tuổi ở Vĩnh Long (?). Cụ biểu diễn nằm trên mặt nước, như một miếng nhựa xốp, trước ống kính camera của “Chương trình Chuyện lạ Việt nam” Đài Truyền hình VN?

Nhưng, mặc cho nhiều cơ chế tương tác còn bí ẩn, cũng không thể phủ nhận một chân lý hiển nhiên là: Sinh thể có bức xạ năng lượng ra không gian Vũ trụ. Ngoài chức năng thông thường, như một hệ Nhiệt động mở, trao đổi chất và năng lượng, cơ thể người còn có khả năng bức xạ năng lượng đột biến với cường độ cao bất thường. Một số sự kiện sau đây, đã được truyền thông rộng rãi, có thể lấy làm ví dụ: Cậu học sinh 12 tuổi tên là Joseph Fanciatano ở tiểu bang New York, được mệnh danh là “kẻ phá hoại máy tinh”. Cô giáo dạy Tin học Marie Yerdon, Trường Tiểu học Lura Sharp - nơi cậu đang học- cho biết, các học sinh khác sử dụng máy tinh bình thường, nhưng khi Joseph xuất hiện thì những điều huyền bí xảy ra. Khi Nhà trường thông báo cho cha mẹ cậu về hiện tượng này, thì cha mẹ cậu mới “ngộ” ra rằng, điều kỳ lạ đó đã xảy ra ở nhà từ trước, nhưng cả nhà không để ý.

Khi đưa cho cậu bé sử dụng máy nghe nhạc, thì đột nhiên nhạc bắt đầu chậm lại, âm thanh méo và hình ảnh lộn xộn. Với máy chơi game X- box cũng vậy. Các chuyên gia bó tay trong việc lý giải tại sao cậu lại có sức mạnh kỳ lạ đó.

Câu chuyện thứ hai về một người nông dân Trung quốc tên là He Tieheng, thể hiện khả năng phát năng lượng, hướng vào một con cá đang cầm trên tay. Con cá bốc hơi nghi ngút và làm chín nó trong phút chốc trước sự chứng kiến của bảy nghìn khán giả, cùng phóng viên và ống kính camera của các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, tại một nhà hát thành phố.

Về cơ chế hiện tượng thì điều này không khó lý giải, nó đã xảy ra trong lò vi sóng. Cái khó hiểu ở đây là, tại sao cảm ứng vi sóng tạo ra dòng điện xoáy trong vật thể ngậm nước, mà lại chừa bàn tay của anh ta ra không bị nướng chín?

Mặt khác, hiện tượng He Tieheng nói lên rằng, nếu sóng vi ba là kết quả chuyển hóa năng lượng, bức xạ ra từ Não, thì nó chứng tỏ rằng “Sóng não” không chỉ ở tần số cực thấp, như một số tác giả đã lý giải.

Ý kiến một vài độc giả cho rằng, đó là những hiện tượng cá biệt. Nhưng cá biệt hay phổ biến không phải là tiêu chuẩn của tồn tại, của hiện thực khách quan. Nếu sự xuất hiện của một cá biệt là thông điệp sụp đổ của toàn bộ một học thuyết, thì nó cũng phải là thông điệp về bằng chứng của một quy luật mới, mà xưa nay chưa được khám phá. Thế mới là tư duy Khoa học khách quan và công bằng. Ví dụ: Một học thuyết gen, khẳng định “mọi con thiên nga đều trắng”, nếu phát hiện trong thực tế, rất hạn hữu, có một con thiên nga đen, thì toàn bộ luận chứng của học thuyết kia sụp đổ. Cũng vậy, việc một Thiên thạch khổng lồ va vào Trái đất là rất hạn hữu, cá biệt, nhưng đó là thông điệp về sự hiện hữu một quy luật chuyển động ít biết đến của những quĩ đạo giao nhau giữa các Thiên thạch và Thiên thể, trong Trường lực hấp dẫn Vũ trụ.

Một vài năm gần đây, trong thập niên đầu tiên của Thế kỷ XXI, thông tin về những thành tựu công nghệ cao của Thế giới, làm chúng ta sững sờ. Nếu như máy phát hiện nói dối trước đây, được thiết kế dựa trên so sánh: ánh mắt, sắc mặt, điện trở bề mặt da v.v.. mà không thu và xử lý trực tiếp được thông tin ý thức tứ sóng não, thì nay, kỷ thuật ấy đã bước đầu thực hiên thành công. Như công trình nghiên cứu chế tạo xe lăn, chịu sự điều khiển theo ý nghĩ, cho những người liệt cả tứ chi, do trường Đại học Zaragoza - Tây Ban Nha, dưới sự chỉ đạo của Tiến sĩ Javier Minguez thực hiện. Trên đầu người sử dụng đội một chiếc mũ đặc biệt, trong đó gắn các sensor thu sóng não, mang thông tin của ý nghĩ về đường đi điểm đến, rồi truyền cho cơ cấu điều khiển xe thực hiện di chuyển.

Hiện nay, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhóm sinh viên MiMaS cũng đang thực hiện ý tưởng sử dụng sóng não, điều khiển các thiết bị trợ giúp trẻ em khuyết tật. Nhóm MiMaS đã chế tạo thành công một số thiết bị có thể tắt mở đèn hoặc đóng mở nguồn điện thông qua ý nghĩ.

Trong lĩnh vực khai thác sóng não, hãng Honda đã có bước đi đột phá quan trọng. Đầu năm 2009, hãng này đã công bố chế tạo thành công một chiếc mũ có thể thu và xử lý sóng não mang năng lượng ý thức, với cấu trúc thông tin tư duy, để điều khiển rôbôt, trong một khoảng cách khá xa, mà không cần cài đăt chương trình tự động như rôbôt truyền thống.

Có thể nói, ngày nay, xu hướng phát triển công nghệ cao phục vụ đời sống là tập trung khai thác năng lượng sóng não, được điều biến bởi quá trình Tư duy, và được bức xạ, truyền dẫn ra không gian. Đó là ngành Phỏng sinh học. Và đó cũng là bằng chứng về sự thống nhất Thế giới vật chất và Thế giới Siêu hình, với tư cách là một tổng thể của hiện thực.

2- Chết không phải là hết

Người có ý kiến phản bác luân hồi - tái sinh cho rằng chết là hết, như tắt một cái ti vi vậy. Nếu ví dụ như thế, thì chính anh ta đã thừa nhận có Tái sinh, khi bật ti vi lần sau và thấy rằng, nó vẫn là cái ti vi như trước. Bởi vì, những “ký ức” mà lần đầu tiên, khi đưa ti vi vào sử dụng, ta đã phải mất công sức, dò tìm sóng thu cho khoảng 30 kênh, để đưa vào lưu giữ trong bộ nhớ của nó, và thông tin ấy sẽ không bị xóa hết khi tắt máy. Nó đơn giản chỉ vậy, vì nó là vật vô sinh. Nhưng vật vô sinh cũng phải có Nội năng của nó. Nội năng đó, nó lấy từ quá trình ghi thông tin vào bộ nhớ, một quá trình có tiêu thụ năng lượng.

Con người là một sinh thể, có nội năng của thể xác và cả năng lượng tinh thần. Cái chết của thể xác không kéo theo cái “chết” của năng lượng. Bởi vì năng lương là bảo toàn: Năng lượng không tự sinh ra và cũng không tự biến mất, mà không để lại dấu vết gì. Vậy, sau cái chết của thể xác, nó đi đâu? Nó trả lại cho Vũ trụ, nghĩa là cho không gian mà nó đã tồn tại. Nội năng thuộc về quá trình Vật lý, nó sẽ chuyển hóa thành nhiệt và góp phần làm tăng Entropy của Vũ trụ. Còn năng lượng tinh thần là sản phẩm của quá trình tương tác Thông tin: Con người - Xã hội - Tự nhiên - Vũ trụ, là kiến trúc sư của Thế giới ý thức -Tư duy, với cả một quá trình tích tụ được lưu giữ, một chuỗi dài những ký ức gắn liền với lịch sử mang bản sắc cuộc sống cá nhân, như một sóng đã được mã hóa, tồn tại như một chức năng vĩnh viễn, không cần giá đỡ Vật chất, được giải phóng và lan truyền trong không gian và thời gian.

Đó là những gì còn tồn tại sau cái chết thể xác, như kết thúc một chu kỳ Vật chất, đúng theo qui luật của Tự nhiên.

II. Đi đến kết luận

1- Điều kiện cần và đủ

Sau khi hội đủ những căn cứ Khoa học có liên quan, thì bức họa Luân hồi - Tái sinh, của kiếp Người, đã có bố cục. Mà theo đó, chúng ta có thể dựng lại chân dung cái vòng tuần hoàn ấy ra sao?

Thứ nhất, Não không “tiết” ra ý thức, Tư duy, như đã chứng tỏ. Vì vậy nó không phụ thuộc thể xác. Nó là sản phẩm của quá trình tương tác chọn lọc Thông tin trong tiến trình sống, bao hàm nhiều mối quan hệ và hình thành chuỗi ký ức được ghi lại, lưu giữ như một “kho” năng lượng của Não. Vì là năng lượng, nên nó cũng luôn được bảo toàn, kể cả sau cái chết thể xác.

Năng lượng ý thức tồn tại dưới dạng sóng là có thực. Khoa học công nghệ - ngành Phỏng sinh học đã có nhiều ứng dụng thực tế, gọi là Sóng não. Nó tải theo Tư duy (sự suy nghĩ ) khi bức xạ ra không gian.

Thứ hai, Hành trình hình thành ý thức đồng hành với quá trình hình thành Tiềm thức, ý thức và tiềm thức gắn bó nhau, nhưng khác nhau ở chỗ: tiềm thức chỉ tương tác với thông tin không có nguồn gốc Vật chất. Vì thế nó mang màu sắc Tâm linh, chỉ có ở con người. Nó chìm lắng trong ý thức như một Thế giới riêng, nhưng cũng có thể lan tỏa, hòa làm một với ý thức, khi tiếp nhận và tương tác với Thông tin tương thích. Có thể ví Tiềm thức và Ý thức như hai chất lỏng khác nhau về tính chất, xấp xỉ nhau về tỷ trọng, chúng cùng đựng chung trong một chiếc cốc. Bình thường, một trong chúng sẽ chìm lắng một cách êm ái dưới đáy cốc. Nhưng chỉ cần một khua động, cái chìm lắng kia, như bừng tỉnh, dần dần lan tỏa ra toàn cốc nước.

Trên đây là hai điều kiện cần. Phải có hai điều kiện đủ tương ứng thì chân dung Tái sinh – luân hồi có thể mới rõ nét chăng.

Thứ nhất là tính Bất biến của sóng mang Thông tin trong một không gian Vũ trụ đầy ắp các Trường sóng. Chúng không tương tác và hủy nhau do mã hóa nhân tạo hoặc mã hóa theo bản sắc tự nhiên. Chẳng hạn, Thông tin hình ảnh bề mặt Sao Hỏa, vẫn giữ nguyên vẹn độ phân giải, độ tương phản và màu sắc, truyền về đến Trái đất, sau khi vượt qua một hành trình mênh mông trong Vũ trụ “chen lấn xô đẩy” trong hàng tỷ giải tần của vô vàn nguồn sóng mang thông tin và năng lượng khác. Tức là: Thông tin bức ảnh (bề mặt Sao hỏa) luôn bất biến, không phụ thuộc cường độ.

Thứ hai là, hệ xử lý Thông tin tiềm thức không phải có năng lực nhạy cảm như nhau để nắm bắt thông tin hồi ức. Hiện tượng này cũng giống như công nghệ thu tín hiệu radio: Hai thiết bị thu, hoàn toàn cùng kết cấu từ một sơ đồ nguyên lý, nhưng các chỉ tiêu tính năng thu sẽ khác nhau, nếu chúng được kết cấu từ những linh kiện có chất lượng khác nhau vậy. Đấy là chưa kể, dù chúng có đồng nhất về kết cấu và chất lượng, thì năng lực thu tín hiệu cũng sẽ khác nhau, khi chúng được đặt ở vị trí địa lý khác nhau. Thậm chí là không khu được tín hiệu, nếu đặt trúng vào vùng lặng sóng. Nghĩa là cái gì xảy ra trong động lực học của Tự nhiên thì nó cũng phải xảy ra trong động lực học của tiến trình sống.

Điều này giải đáp câu hỏi: Nếu như có thể nhớ lại hồi ức của những kiếp trước, thì tại sao quá trình đó chỉ xảy ra với một số ít người?

Đấy là lý do về phía thu (phía người đang sống), còn lý do về phía phát (phía người đang đi vào cõi chết), thì chúng ta cùng lắng nghe và suy ngẫm về lý giải của nhà Sinh vật học người Pháp kiêm nhà sư Matthieu Ricard: “... Tương tự như hiện tượng Hôn ám tạm thời khi bừng thức dậy giữa giấc ngủ say lúc nửa đêm, người ta thường rơi vào trạng thái mơ hồ, trong một vài phút, không biết mình đang ở đâu. Sự chấn thương sọ não cũng gây ra trạng thái hôn ám tương tự. Do vậy, người ta hiểu rằng, cái chết sẽ là một chấn thương nặng hơn và sự quên cũng sẽ sâu hơn, xóa đi chuỗi ký ức lưu giữ được cùng với những trải nghiệm của cuộc đời. Tuy nhiên, khi cái chết xảy ra trong hoàn cảnh đầu óc còn rất sáng suốt, hoặc ở độ tuổi còn tương đối trẻ, thì có thể xảy ra trường hợp các hồi ức sẽ xuất hiện trở lại trong các kiếp sau. Hiện tượng này được thể hiện trong suốt tuổi ấu thơ, vì càng lớn, thì ấn tượng của cuộc sống mới càng áp đặt và hằn sâu vào ý thức, khiến cho các ấn tượng của kiếp trước lu mờ dần và tan biến mất. Sự hôn ám do quá trình chết sẽ là rất nhỏ ở những người đã đạt đến độ làm chủ bằng thiền định và biết vượt qua trạng thái trung gian giữa cái chết và sự hồi sinh với một đầu óc sáng suốt. Chính vì thế, ở Tây Tạng hay Ấn Độ, các trường hợp hồi niệm lại kiếp trước, xảy ra nhiều hơn ở những trẻ nhỏ, là luân hồi của những thánh nhân đã quá cố”.

2 - Kết luận

Với những điều kiện cần và đủ, từ các căn cứ Khoa học, dẫn ra trên đây, có thể kết luận rằng: Hiện tượng luân hồi ở con người là có thể hiểu được. Trước hết, vì nó là một hiện thực đang hiện hữu và đã hiện hữu rất lâu đời tại nhiều nơi trên Thế giới, và tốn không ít giấy mực ghi chép cũng như cuốn hút tâm trí của nhân loại. Thứ nữa, là nó vận động trong một tổng thể thống nhất phụ thuộc lẫn nhau giữa Thế giới hữu hình và vô hình, giữa vận động Vật chất và Thông tin.

Quan trọng, là hiểu rằng, đây là cuộc Luân hồi Thông tin Ký ức như một sóng không mang theo Vật chât, chứ không phải Vật chất luân hồi. Vậy thì khái niệm Tái sinh, theo quan điểm Khoa học sẽ khác với quan niệm dân gian. Dân gian coi Luân hồi là sự Tái sinh trở lại, nối tiếp Cái sống của ai đó ở kiếp trước, nghĩa là tiếp tục cấu trúc gen, cấu trúc ADN, v.v… của người đó. Với những bằng chứng Khoa học có được hiện nay, thì đó là điều không thể xảy ra. Cũng giống như câu chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vậy, về mặt ký ức gắn với lịch sử trải nghiệm, thì rõ ràng đây là con người và cuộc đời của Trương Ba. Nhưng thân xác này, đâu có phải của Trương Ba? Đối với dân gian, cái phần vật chất (Thể xác) ấy không quan trọng và không đáng bận tâm: “Nhân cách Trương Ba còn đó, quan trọng hơn”. Chính vì thế, người ta coi Trương Ba đã Tái sinh: Hồn Trương Ba đã nhập vào xác anh hàng thịt. Gọi là Hồn, Linh hồn hay Hồn sư, tên gọi không quan trọng, mà quan trọng là bản chất hiện thực của nó là cái gì?

Về hiện tượng Thần đồng thì cũng cùng bản chất như Luân hồi. Điểm khác biệt là ở năng lực nhạy cảm của Tiềm thức, trong thời điểm nắm bắt sóng năng lượng của Thông tin ký ức, mà các Thiên tài quá cố đã giải phóng vào không gian Vũ trụ. Không phải toàn bộ Thông tin ký ức của Thiên tài, được Tiềm thức nắm bắt tất cả mà chỉ có phần năng lượng trội, phần chứa mật độ lượng tin cao nhất, đủ năng lượng khuấy động được Tiềm thức, tiếp thu và xử lý chúng.

Xin đừng bao giờ nghi ngờ về sự hiện thực của năng lượng Thông tin. Nếu sự kiện điều khiển rôbôt bằng sóng ý nghĩ chưa đủ thuyết phục, thì hãy hình dung, một bà mẹ sẽ thế nào, khi nhận được thông báo rằng: “lúc 16 giờ chiều nay, đứa con trai của chị bị bắt cóc trước cổng Trường Mẫu giáo”? Rất có thể bà mẹ trẻ kia sẽ ngất xỉu và đổ quỵ xuống tại chỗ, có thể dẫn đến trụy tim, tử vong trong gang tấc. Muốn làm một người, đang bình thường, rơi vào trạng thái đó, kỷ thuật Y học phải thực hiện một Công, để gây ra sự rối loạn toàn bộ các quá trình điện hóa của Não. Nghĩa là phải tiêu thụ một năng lượng tương đương với năng lượng mà thông tin kia có.

Cuối cùng, cũng đừng huyền bí hóa Luân hồi một cách thái quá,vì đó cũng chỉ là quy luật tự nhiên, như các quy luật khác, nhằm bảo toàn Tâm linh, cái quí giá nhất để con người hướng tới cái Thiện.

“Vì vậy, việc chúng ta nghiên cứu vấn đề này, một cách nghiêm túc và Khoa học, là điều rất quan trọng. Chúng ta có thể được hưởng lợi từ tập hợp những kinh nghiệm tích lũy được trong các kiếp trước, để chúng ta phát triển hài hòa hơn. Quan niệm của chúng ta về cái Thiện và cái ác sẽ trở nên vững chắc hơn” (Trích phát biểu của GS Vật lý Trịnh Xuân Thuận).

Hà Nội, hè 2009

Theo Hà Yên - CT

Các tin đã đăng: