1
Trước hết cần định nghĩa rõ ràng ăn chay là gì và sát sinh là gì? Ăn chay,
theo các nhà dinh dưỡng học định nghĩa là một chế độ dinh dưỡng mà thực
phẩm được lấy từ các nguồn thực vật bao gồm rau đậu qủa củ và ngũ cốc;
còn sát sinh là giết hại sự sống hay nói một cách khác, sát sinh
là hành động của một con người làm đoạn sự sống của một chúng sanh
khác. Trong nhà Phật chúng sinh được phân chia làm hai loại: (1) chúng sinh hữu tình
là các loài có tình thức, có hệ thần kinh, biết cử động, biết đi, biết
bò, biết bay, biết lội, nói chung là tất cả động vật có sinh mạng, bao
gồm cả con người, (2) chúng sinh vô tình là những sinh vật không
nằm trong các loài chúng sinh hữu tình như đất đá, cỏ cây. Cỏ, cây là
sinh vật sống nhưng không được xếp vào hàng chúng sinh hữu tình vì chúng
không có giác quan, không có hệ thần kinh, không có biểu hiện của ngũ
ấm, không có cảm xúc, tư tưởng, hành nghiệp...Vì thế, nếu ăn các loài
chúng sinh hữu tình được gọi là ăn mặn (xuất xứ từ chữ “mạng” sống) và
nếu ăn các loài chúng sinh vô tình được gọi là ăn chay.
Sát sinh là đoạn diệt sự sống của chúng sinh. Chúng sinh ở
đây bao gồm cả hai loại như đã nói trên và theo như kinh Phật thì mọi
chúng sinh đều bình đẳng, như vậy không phải chỉ có những người giết mổ
thịt hoặc đánh cá mới là phạm giới sát sinh mà những người giết hại cây
cỏ hoa mầu cũng vậy....Điều này không sai, nhưng cỏ cây là sinh thể sơ
đẳng nhất, không có hệ thần kinh và có cấp độ tiến hoá thấp hơn rất
nhiều so với động vật, khi bị cắt chúng không có cảm giác đau, có chảy
mủ nhưng sau đó lại lành và tiếp tục nảy nhánh mới, hoàn toàn không sinh
khởi phản ứng của tâm thức chống trả hay oán thù; còn động vật khi đau
đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn, khi bị giết có những sinh
khởi phản ứng của tâm thức, oán thù với đối tượng giết chúng. Một động
vật, khi bị giết chết là chấm dứt sinh mạng, không nảy mầm hay nảy cành
non như loài thảo mộc. Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trên cùng
một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị
đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền giống. Loài
động vật thì con đực và con cái là hai thân thể, hai sinh mạng khác
nhau, chúng có tình thức và lòng dục nên tìm đến nhau luyến ái và giao
phối, để truyền giống.
Ðạo lý cơ bản của người Phật tử là 5 giới cấm, trong đó có dạy là không sát sinh. Đối với cỏ cây cũng là chúng sinh, nhưng là chúng sinh vô tình, khác với con người và các loài động vật khác (chúng sinh vô tình). Người Phật tử tu, cái chính là không sát hại các loài hữu tình,
còn nếu ở cấp độ tu chứng cao hơn thì không sát hại cả các loài vô
tình. Tuy nhiên, mục đích chính của việc không sát sinh là để gieo trồng hạt giống từ bi và phát triển tâm từ bi đến với muôn loài chúng sinh từ gần đến xa, từ lớn đến nhỏ.
Tưởng cũng nên bàn thêm ở đây, chúng ta đang sống trong thế giới
nhị nguyên “tương đối”, luôn có sự phân biệt đối đãi, tốt và xấu, sướng
và khổ.. Ở thế giới tương đối này, chắc chắn mọi người đều cho rằng mạng
sống của nhà bác học Einstein quý giá hơn mạng sống của một con chuột
rất nhiều... Tương tự, việc giết một con bò phải được xem là một hành
động sát sanh lớn hơn việc cắt một cành hoa hay ngọn cỏ vì con bò có hệ
thần kinh, biết cảm giác đau đớn. Nhờ sống trong thế giới tương đối này,
chúng ta mới biết con người có giá trị vô cùng về sự hiểu biết, trí
thông minh và có tâm phân biệt mà các loài động vật khác không có. Cũng
vì thế mà chúng ta mới không tin tưởng rằng mọi vật đều phải được nuôi sống bằng sinh mệnh của một loài nào đó.
Ngược lại với thế giới “tương đối” mà chúng ta đương sống là thế giới
“tuyệt đối”, nơi đó hoàn toàn bình đẳng, không có sự phân biệt giữa thấp
và cao, giữa tốt và xấu hay giữa hữu tình và vô tình chúng sinh. Ở đó,
chúng ta không còn quan niệm hay ý tưởng cho rằng việc giết đi sinh
mạng của một con bò là ác hơn việc cắt đi một nhánh hoa. Đây là thế
giới của những người đã có trình độ tu chứng, đã tiến hoá cao. Cũng như
chuyện Tuệ Trung Thượng sĩ ăn mặn, không ăn chay, vì ngài là người đã
giác ngộ, tâm không còn phân biệt, không còn vướng mắc, chấp trước vào
chuyện ăn uống. Ăn chay hay ăn mặn đối với ngài chỉ là để nuôi thân và
hành đạo.
Nói về sát sinh, còn một khía cạnh khác, đó là còn tùy thuộc vào tâm ý của chúng ta vào giây phút chúng ta lấy đi sinh mạng của sinh vật khác.
Chính sát na đó quyết định rằng hành động đó có phải là phạm giới sát
hay phạm đến một sự sai lầm về đạo đức không. Trong giới không sát sanh
của người xuất gia, Ðức Phật có đề cập đến các vi sinh vật, nhưng nếu có
phạm đến chúng thì chỉ là tội nhẹ chứ không phải là trọng tội. Ngày xưa
khi Phật còn tại thế, có một Tỳ kheo đi qua một cánh đồng khô, trời
nóng khát nước, gặp vũng nước thấy có nhiều vi sinh vật nên không dám
uống. Tỳ kheo ấy đến bạch với Ðức Phật: Bạch Thế Tôn, con rất khát nước,
con dùng thiên nhãn thấy vũng nước bên đường có vô số vi trùng nên
không uống được. Phật bảo: Sao ông không dùng nhục nhãn (mắt thường) mà
nhìn?
Câu chuyện cho thấy “tác ý” trong hành động mới là điều quan
trọng. Nếu nhìn trong nước bằng con mắt thường sẽ không thấy những vi
sinh vật và cứ tự nhiên uống thì sẽ không tạo nghiệp vì không tác ý.
Tương tự, khi uống thuốc trụ sinh diệt vi trùng hay vi khuẩn trong cơ
thể để trị bệnh cũng thế.
2
Bàn về cỏ cây cũng có linh hồn thần thức thì có một số ít người nói kinh Phật dạy rằng “mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây chết làm người, người chết trở lại làm cỏ cây.”
Và họ còn viện dẫn nghiên cứu khoa học cho biết cây cỏ cũng có linh hồn
tình thức (*). Điều này không đúng vì như phần thứ nhất chúng tôi đã
trình bày, cỏ cây là sinh vật sống nhưng không được (Phật Giáo) xếp vào
hàng chúng sinh hữu tình vì chúng không có giác quan, không có hệ thần
kinh, không có biểu hiện của ngũ ấm, không có cảm xúc, tư tưởng, hành
nghiệp. Trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy rằng: "Người tu thiền
định, khi hành ấm hết, tướng sanh diệt đã diệt, chơn tâm tịch diệt chưa
hiện bày, lúc bấy giờ thấy thức ấm biến khắp tất cả, rồi sanh tâm chấp:
"Mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ
cây chết làm người, người chết trở lại làm cỏ cây". Vì mê mờ tánh Bồ
Ðề, mất chánh kiến, nên sẽ làm bè bạn với hai chúng ngoại đạo Bà Tra và Tán Ni, chấp tất cả vạn vật đều có tri giác (biết)." (Phật
Học Phổ Thông Khóa thứ 6-7, Ðại Cương Kinh Lăng Nghiêm, Hòa Thương
Thiện Hoa, Phật Học Viện Quốc Tế tái xuất bản năm 1987, Bài thứ 16: Mười
Món Ma Về Thức Ấm, phân đoạn 4, chấp cỏ cây cũng đều biết, trang 252).
"Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt,
mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi sở tri, kiến lập tri giải,
cho các loài cây cỏ mười phương đều gọi là hữu tình, với người chẳng
khác ; cây cỏ làm người, người chết rồi lại thành cây cỏ, cho đến loài
vô tình đều có sự giác tri, hữu tình vô tình chẳng có phân biệt, sanh
tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Tri vô tri", làm bạn với hai thứ
ngoại đạo Bà Tra và Tiện Ni, chấp tất cả đều có sự giác tri, mê lầm
tánh Bồ Ðề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm viên tri, thành
cái quả hư vọng, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống Ðiên Ðảo Tri thứ tư." (Kinh Lăng Nghiêm, Từ ân Thiền đường xuất bản tại Hoa Kỳ, trang 253).
Ngoài ra, bản dịch của cụ Tâm Minh Lê Ðình Thám cũng tương tự.
Như thế, trên đây đã trả lời rõ ràng về cây cỏ, cũng đồng thời trả
lời luôn về một câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh được một vị thầy lập lại
nhiều lần "làm sao em biết bia đá không đau?". Bia đá không biết đau vì chúng là vô tình chúng sinh, là vô tri giác.
Tâm Diệu
Chú thích:
(*) Ingo Swann, môt nhà Sinh Thực Vật (Biologist ) viết trong quyển ‘’ The Real Story-Chuyện Có Thật’’, Quyển sách được xuất bản ngày 15-11-1998, trong đó có đoạn:
“Sự nghiên cứu của Backster khởi đầu chỉ là môt khám phá hầu như tình
cờ vào năm 1996 là thực vật có khả năng tri giác và đáp ứng tự nhiên
những cảm xúc của con người...Những cây cỏ của bạn, biết là bạn đang
nghĩ gì.” (His reseach started with the 1996 almost accidental
rediscovery, plants are sentient and respond to the spontaneous emotions
of relevant humans... Your plants know what you are thinking ).
Theo: thuvienhoasen.org