Hạnh phúc thời gian và cốt tủy sống đạo
HUYỀN KHÔNG
13/04/2010 03:26 (GMT+7)

 Trong đôi mắt sâu kín, tôi nhìn thấy hành giả hành thiền nơi chùa Lâm Tế, nơi tự viện Tào Động và những tín giả trong phút linh cầu sâu lắng ở Tri An viện với hàng trăm tiếng thinh mõ nhịp rập ràng, đều đặn chẳng có gì khác biệt nhau. Tất cá họ đều như là những nụ hoa anh đào tươi tốt nở rộ giữa mùa Xuân tâm linh đang về...

Những ngày gần cuối năm Tây, nhận lời mời của Thiền sư Yamamoto Bunkei, Hội trưởng Hội Lâm Tế Đông Kinh, tôi đến Nhật hai tuần lễ để tham dự các lễ hội truyền thống. Nước Nhật trong ký ức tôi, sau một thời gian dài du học, sống đời sinh viên vào nửa đầu thập niên 60, đã trở thành một thứ quê hương trú ẩn, để mỗi khi về lại , tôi lại được trở về với sự thanh bình, an lạc và hạnh phúc trong tâm hồn. Tấm lòng thân cận và hài hòa của tôi và người Nhật, những con người đã biết im lặng chịu đựng trong nhẫn nhục những đau khổ lớn lao về tinh thần sau cuộc chiến điên cuồng, gần gũi cho tới nỗi vừa cất bước lên đường là tôi đã có cảm giác như tôi đang trở về nhà–trở về Ngôi nhà của Đạo Nguyên Tào động “với hai bàn tay trắng” sau khi đã rũ bỏ những bến bờ. Trạng thái thanh tịnh này của tâm tôi quả tình rất khác với nỗi lòng ray rứt khi ở Việt Nam, càng khác xa những xót xa hoài vọng giữa những ngày đất trích Hoa Kỳ. Có lẽ chỉ ở Nhật, tôi mới dễ dàng gặp lại niềm tịch nhiên hằng hữu của những ngôi chùa im vang giữa một đời sống xã hội rối động, gặp lại những vườn Thiền thanh thoát mà cây lá dường như vĩnh viễn không xơ xác úa tàn, gặp lại những thiền sư hành giả mà hành hoạt một đời dễ dàng và thư thả như không khí giữa trời. Tôi đã ngồi dự lễ trong lòng chùa Lâm Tế, giữa rất đông Tăng sĩ và Phật tử một dạ tín thành với tình cảm tự tại như thế.

            Rời chùa Lâm Tế, tôi lại đến Tri Ân viện (Chi On In) để cùng với pháp hữu thân thuộc Đại Chí thiết lễ tưởng niệm ngài Pháp Nhiên thánh nhân, sơ tổ truyền thùa Tịnh Độ Nhật Bản. “Con xin gửi mình nơi Đức Phật A Di Đà” đã trở thành câu linh chú cho tất cả những ai đầy lòng thành tín trì niệm và hướng nguyện danh hiệu Ngài để cơ cảm theo nguyện lực của Phật Vô lượng công đức mà đi về Cực lạc theo chủ trì của Tịnh độ Chân tông mà ngài Pháp Nhiên là vị Thánh tăng trí tuệ đã ân cần tuyên xướng cách đây 800 năm. Từ quá khứ lâu xa, bất cứ một nét sinh hoạt nào từ ngoài được đưa vào Nhật đều trở thành bản sắc văn hóa Nhật, mang hơi thở của hướng sống rất Nhật, đều sâu xa đường nét Đạo. Chùa Nhật sinh hoạt rõ rệt theo màu sắc từng tông phái và sự chuyên tu được áp dụng khít khao để cuối cùng, các tông phái hưng thịnh ấy trở thành những thế lực tâm linh và xã hội. Với Phật giáo Việt Nam thì khác. Dựa vào truyền thống dung hóa, các Tổ ngày xưa đã hòa hợp ba tông phái chính làm một, như chiếc đỉnh vững chãi trên ba chân: Thời kinh sáng với Lăng Nghiêm, Đại Bi thập chú là tinh thần Mật tông; buổi chiều tụng kinh A Di Đà, niệm phật và kinh hành là hồi hướng Tịnh độ; sáng tối hai thời thiền tọa để nuôi dưỡng định lực và tỉnh thức là hương vị Thiền tông. Một ngày tu tập trong cửa chùa Việt Nam trọn vẹn ý nghĩa Thiền, Tịnh, Mật đều tu. Tôi lớn lên trong khí hậu dung hợp hài hòa đó nên khi có mặt trong các lễ nghi của Phật giáo Nhật dù rất đặc thù tông phái, tôi vẫn không cảm thấy xa lạ. Và trong đôi mắt sâu kín, tôí nhìn thấy người hành giả hành thiền nơi chùa Lâm Tế, nơi tự viện Tào Động và người tín giả trong phút linh cầu sâu lắng ở Tri An viện với hàng trăm tiếng thinh mõ nhịp rập ràng, đều đặn chẳng có gì khác biệt nhau. Tất cả họ đều như là những nụ hoa anh đào tươi tốt nở rộ giữa mùa Xuân tâm linh đang về. Dẫu thuộc tông phái nào đi nữa, người hành trì không hề bị kỳ thị và vẫn có đầy đủ sự tự do, và một khi lối đạo đã tỏ, thì như người an nhiên thâm nhập Tịnh độ, hoàn toàn tự tại: “Tất cả mọi vật hiện hữu y như chúng hiện hữu theo bản tánh của chúng cách biệt hẳn với mọi ảnh hưởng bên ngoài”, các tập quán thông tục và cả thời gian nữa cũng không lưu dấu vết. Tôi có mặt trong nghi lễ tưởng niệm ngài Pháp Nhiên, sơ tổ Tịnh Độ tông hôm nay với cái tâm an nhiên tự tại ấy: một lối sống tín ngưỡng cho ta rất nhiều hạnh phúc, lượng hạnh phúc bao la đến từ thế giới nhất tâm.

        Nếu mọi sự xảy ra trong hai tuần lễ tôi ở lại Tokyo và Kyoto đều là nhẹ nhàng tự tại như là điều tôi đã cảm nghĩ thì làm gì khi về lại Los Angeles, tôi còn mang theo cả một chút “sương mù cuối đông” của Phù Tang thơ mộng? Số là ngày cuối năm ở Tokyo, Đài Truyền hình NHK, trong một chương trình phóng sự đã cho chiếu cảnh Thiên hoàng và Hoàng hậu Nhật, đã làm sống lại trong tôi một dư ảnh. Năm 1963, khi vua cha đang tại thế, Đông cung thái tử và công chúa Mychiko (Mỹ Trí Tử) là đôi trai tài gái sắc, vẻ thanh xuân tràn trề như sữa, mạch đời tươi tắn như hoa. Thế mà, bẵng đi một thời gian, bây giờ Đông cung đã ở ngôi Thiên hoàng 15 năm, tuổi đời đã 69 và sắc xuân đổi màu. Bốn mươi năm sau nhìn thấy lại, trước mắt, đúng chỉ còn là một ông bà cụ già không còn thanh cảnh nữa, trong đôi mắt vua xa vời một vẻ thâm trầm chiêm nghiệm, còn hoàng hậu thì lưu lại một chút phúc hậu của hoàng thái hậu ngày xưa và một thời sóng gió. Tôi bâng khuâng nhớ lại thời còn sinh viên của tôi xưa cũ, mấy câu thơ của Lamartine ùa về thôi thúc:

 

“O temp, suspends ton vol!

Et vous, heres propices

Suspendez votre cours!”

Hỡi thời gian hãy ngừng cánh lại

Giờ ngọc vàng xin hãy khoan bay.

        Thời gian vô hình và vô tình vẫn muôn đời làm chứng cho sự thật vô thường khiến cho hai con người thuộc về cái quê hương đã in đậm nét ý nghĩa hữu thời cũng phải ẩn nhẫn im lặng chịu đựng sự đi qua và tàn tạ. Màu sắc một đời người rồi cũng chứa đầy ray rứt như màu thời gian của Đoàn Phú Tứ:

Màu thòi gian xanh xanh

Màu thời gian tím ngắt

khiến cho người hoảng hốt dừng lại không còn điên rồ tìm kiếm sự không thay đổi giữa một thế giới thường trực đổi thay. Tôi có thoáng một chút sương mù tưởng tiếc như thế khi thấy lại một cái gì không còn là cái của ngày xưa nữa nhưng mấy câu kệ đầy thức tỉnh trong bài kinh chiều lại hiện ra với tất cả hùng lực

 

Một ngày đã qua

Mạng theo đó giảm

Như cá ít nước

Đâu có vui gì...      

Không có ai có thể đưa tay níu lại thời gian để giữ cho mình không thay đổi. Thôi hãy hài hòa chấp nhận và thảnh thơi sống với cái thời gian thực sư: đó là cách tìm sự an tâm trước mọi đổi thay.  

Trong đời sống này, nguòi ta không chỉ dễ dàng buồn đau vì sự tàn phá cay nghiệt của thời gian mà người ta còn bị đắm chìm trong tủi khổ của cái tâm phân biệt nhị nguyên, chẳng biết đâu là đường đi nẻo về, là ý nghĩa thực sự của các cặp đối chứng: sạch dơ, cao thấp, nhỏ to, tăng giảm...       

Trong mấy ngày cuối lưu lại Nhật, tôi lại thấy thêm một hoạt cảnh chiếu trên truyền hình: Thủ tướng Nhật phát phần thưởng vô địch cho anh shumo Chiêu Thanh Long. Anh Long người Mông Cổ nhập tịch Nhật, đã thi đấu 31 trận so tài gay cấn và toàn thắng nên thành tích vẻ vang ấy. Khi trao giải thưởng, nhìn lên sân khấu, tôi chứng kiến một hình ảnh đối nghịch rất buồn cười: Thủ tướng thì nho nhã thanh tao, còn anh đô vật shumo thì to lớn như một thớt voi chiến đứng cúi đầu thi lễ trước Thủ tướng để nhận thưởng. Con người trông bề ngoài nhỏ nhắn dịu dàng kia là nhà chính trị uy tín đang lãnh đạo một siêu cường kinh tế và anh đô vật to lớn dềnh dàng thì lại là đại diện ưu tú cho rnột ngành võ đạo Phù Tang. Thế nào là nhỏ, thế nào là lớn? Tôi lại nhớ câu chuyện Thiền giữa nhà thơ Bạch Lạc Thiên và Thiền sư Điểu Sào.       

Thiền sư Điểu Sào hay ngồi thiền trên cây cao có cành là xum xuê ở trong địa phận cầm quyền của quan huyện Bạch Lạc Thiên. Một hôm, nhà thơ đến viếng thiền sư và nói :     

– “Chỗ thầy ngồi trên cao thật nguy hiểm”.    

Thiền sư đáp:

– “Chỗ của ông đang ngồi còn nguy hiểm hơn nhiều”.

     Bạch Lạc Thiên phân trần:

– “Tôi là tri huyện, chỗ ấy đâu có gì nguy hiểm”. 

Sư đáp: “Đó là chỗ ông không hiểu mà thôi. Khi lòng dục bừng lên là tâm ông không vững, thì còn gì nguy hiểm hơn”.      

Bạch Lạc Thiên lại hỏi: “Phật giáo dạy điều gì?” .       

Sư tuyên tụng bài kệ:

       

Điều xấu phải tránh

Điều tốt nên làm

Giữ lòng trong sạch

Là lời Phật dạy.      

Họ Bạch phản đối: “Cái đó đứa bé lên ba cũng biết”.       

Sư đáp: “Đứa bé lên ba biết. Nhưng ông lão tám mươi cũng khó làm”.       

Thế nào mà hiểu cho được đâu là sự nguy hiểm của việc ngồi thiền trên cây cao và sự nguy hiểm của việc ngồi cao trên quyền chức?       

Tất cả nhũng cặp đối nghịch như thế trong đời thật là khó nói–những biểu hiện trên sân khấu và trong câu chuyện Thiền là hoàn toàn tự nhiên vô ngôn nhưng không phải vì thế mà người ta có thể quên được.

        Đó là những gì lưu dấu từ một chuyến đi cuối năm. Đi và gặp lại Hạnh phúc – Thời gian và cốt tủy sống đạo. Mấy dòng tâm tình này tôi viết để tặng: Đại sư Yamamoto của Tri Ân viện Kyoto. Thiền sư Yamamoto Bunkei, Hội trưỏng Hội Lâm Tế Tokyo, Đại sư Yoshimizu trú trì chùa Tịnh An và Sư cô Chân Từ Elizabeth. *

 

Các tin đã đăng: