Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh – Kỳ 2 Vong linh liệt sĩ Ngô Trọng Đãi
11/04/2010 11:44 (GMT+7)

Xem hình
Nhà ngoại cảm Bích Hằng đang “trò chuyện” cùng các LS tại K’Nack
Cuộc “gặp gỡ” kỳ lạ đượm chất “liêu trai” giữa nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và vong linh liệt sĩ Ngô Trọng Đãi, Phạm Văn Thành đã diễn ra vào hồi 16h ngày 26 tháng 3 năm 2002 tại căn phòng nhỏ của chị ở khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Tham gia cuộc gặp gỡ có thiếu tướng Chu Phác, chủ nhiệm bộ môn cận tâm lý, thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, Đại tá Hàn Thụy Vũ và anh Phạm Văn Mẫn. Trong không khí tĩnh lặng, thiêng liêng phảng phất hương trầm, trước di ảnh của hai liệt sĩ, nhà ngoại cảm tay chắp trước ngực thành kính, giọng đầy xúc động: “Thưa bác Ngô Trọng Đãi và anh Phạm Văn Thành! Hôm nay là ngày 26 tháng 3 năm 2002, cháu Phan Thị Bích Hằng cùng anh Phạm Văn Mẫn  là em của liệt sĩ Phạm Văn Thành, Thiếu tướng Chu Phác, Đại tá Hàn Thuỵ Vũ muốn được mời bác và anh Thành về. Xin hỏi bác những thông tin có liên quan đến trận đánh căn cứ biệt kích K’Nak và đặc biệt là nơi mai táng cũng như tình trạng hiện nay của các liệt sĩ tại K’Bang”. Ngừng lời như kìm nén niềm xúc động, mắt vẫn dõi nhìn vào tấm ảnh đã ố vàng của liệt sĩ Đãi, chị đằng hắng giọng rồi nói tiếp, giọng run run: “Thưa bác Đãi! Nhiều năm qua, anh Mẫn đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để đi tìm mộ anh Thành tại khu rừng mà mọi người chỉ dẫn là nơi đặt trạm trung phẫu 37 năm về trước mà không đạt kết quả. Hôm nay, xin phép bác và anh Thành cho anh Mẫn được thưa chuyện. Mong được hai người chỉ dẫn”.

Anh Mẫn: “Thưa bác Ngô Trọng Đãi và anh Thành! Nhiều năm qua, đã mấy chục lần cháu đi tìm anh cháu và các bác ở K’Bang. Lần gần đây nhất là tháng 12 năm 2001. Mặc dầu đã được các nhân chứng chỉ chỗ chôn cất các bác, cháu đã khai quật nhiều lần mà vẫn không thấy. Lần này, trời run rủi cho cháu được gặp nhiều đồng đội cũ của Bác, những người trực tiếp chỉ huy trận đánh, trực tiếp chiến đấu và mai táng như bác Nguyễn Văn ẩm, bác Trần Duy Trung, bác Nguyễn Trọng Bình, Châu Khải Địch, Nguyễn Văn Cán, Nguyễn Minh Sang, Trần Tấn Ước… Đặc biệt chuyến đi tới còn có Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh cùng nhiều thành viên khác. Cháu mong bác và anh linh thiêng hướng dẫn thêm để chuyến đi này đạt kết quả như mong muốn”. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, sau một hồi chăm chú nhìn bức ảnh liệt sĩ Đãi và lắng nghe, miệng “dạ, vâng”  liên tục như thể hai người trần đang trò chuyện với nhau, đã quay sang anh Mẫn để truyền đạt lại lời của liệt sĩ (từ đây xin ghi là liệt sĩ Đãi – tác giả). “Tôi không nỡ bỏ anh em ở lại núi rừng để về quê hương dù rất thương em trai tôi. Cả Thành cũng vậy, dù rất thương cậu xong cũng không thể về một mình mà để lại đồng đội đâu Mẫn ạ. Lần nào cậu vào đào bới chúng tôi đều biết hết. Sự hiện diện của cậu ở K’Bang bao nhiêu năm nay ở núi rừng K’Bang là nguồn động viên an ủi vô cùng lớn đối với linh hồn các liệt sĩ. Như vậy là vẫn có người nhớ đến chúng tôi. Chúng tôi vẫn còn  có cơ hội về quê. Nhưng cậu chỉ đi tìm anh cậu còn để bỏ mặc đồng đội của tôi, của anh cậu thì làm sao tìm được”. Anh Mẫn: “Thưa bác, những lần đi tìm trước, cháu có đào đúng chỗ các bác nằm không ạ?”.  Liệt sĩ Đãi: “Toạ độ cậu xác định là đúng nhưng địa điểm cụ thể thì chưa. Phải lùi về phía con suối nữa, nơi có nhiều cây song le gần sát nước. Trước đây chỗ mai táng chỉ cách suối khoảng 25m thôi. Đấy là lúc suối cạn. Còn bây giờ suối đã ngập nhiều rồi. Chỗ hồ nước mênh mông ấy, hài cốt chúng mình ở dưới ấy. Cậu có đủ can đảm lặn xuống đáy không?”.  Anh Mẫn: “Thưa bác, như vậy có nghĩa là các bác nằm ở dưới con suối ạ? Vì ở đó bây giờ là đập thuỷ điện”. Liệt sĩ Đãi: “Cũng gần như vậy. Duy chỉ có một điều tôi không muốn nói ra vì nếu nói, sẽ chẳng ai vào đây với chúng tôi nữa. Thôi, dù sao cũng cố gắng vào với chúng tôi đi. Tôi muốn gặp lại những đồng đội cũ của tôi còn may mắn sống sót sau trận đánh ấy và cũng để cho họ được một lần trở lại chiến trường xưa”. Anh Mẫn: “Vậy có cách nào để xả con suối đó không ạ?”.  Liệt sĩ Đãi: “Thế tôi mới hỏi cậu”. Anh Mẫn: “Bác Đãi ơi! Bác hãy giúp cháu. Cháu sẽ xin xả đập nước. Nhưng nếu chính quyền họ bắt cháu thì sao. Xin bác và các liệt sĩ giúp cháu”. Liệt sĩ Đãi: “Cậu làm vì việc nghĩa thì không ai dám hại cậu đâu, miễn là hợp lý, hợp tình. Nhưng có một điều tôi muốn nói với cậu. Tôi sợ cậu lực bất tòng tâm. Tìm các liệt sĩ còn muôn vàn gian khó đấy. Nhiệt tình không chưa đủ. à, mà cậu đã qua Vĩnh Thạnh bao giờ chưa?”.  Anh Mẫn ngạc nhiên hỏi: “Thưa bác, sao lại phải qua Vĩnh Thạnh xa xôi thế ạ?”. Liệt sĩ Đãi: “Cậu dốt lắm. Không qua Vĩnh Thạnh thì chuyến đi của cậu còn có ý nghĩa gì. Kiểu gì cũng phải qua đó thắp hương. Các liệt sĩ quê ở đó nhiều lắm và còn nhiều lý do khác nữa, sau này mới hiểu”.

Anh Mẫn còn đang vân vi về lời dặn của liệt sĩ Đãi thì vong linh của liệt sĩ Thành về, nói qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: “Anh không biết nói gì thêm với em cả, chỉ mong sớm được cùng em về với quê hương, cha mẹ. Khi đi em nhớ thắp hương xin phép tổ tiên để các cụ phù hộ cho em nhé. Nhà mình còn một ông chú chết trẻ nữa đấy. Chú trách là không bao giờ nói gì đến chú cả. Lần này em phải nhớ. Anh và bác Đãi sẽ phù hộ cho em”.

Chị Hằng tay vẫn chắp trước ngực, nói: “Thưa bác Đãi! Thưa anh Thành. Lần này, anh Mẫn tổ chức đoàn đi tìm kiếm các liệt sĩ tương đối quy mô. Có sự tham gia của nhiều nhân chứng, sự giúp đỡ của quân khu 5, của địa phương tỉnh Gia Lai và các nhà ngoại cảm thuộc Bộ môn cận tâm lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Thành phần này rất đầy đủ và chuẩn bị rất công phu. Cháu mong các bác hãy phù hộ giúp đỡ cho đoàn đi tìm kiếm đợt này đạt được như ý muốn. Cháu cảm ơn bác Đãi, anh Thành và cảm ơn các liệt sĩ”.

Cuộc nói chuyện kết thúc vào hồi 17h nhưng mọi người còn bịn rịn chưa muốn về. Ai cũng băn khoăn trước những câu nói khó hiểu của liệt sĩ Đãi: “Nếu tôi nói ra sẽ chẳng ai vào đây nữa”. “Nếu không đi Vĩnh Thạnh, chuyến đi của cậu sẽ chẳng còn ý nghĩa gì” và “Cậu có đủ can đảm mò xuống dưới suối không?”. Có gì ẩn chứa trong những lời nói ấy? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, tận núi rừng Tây Nguyên xa xôi, hùng vĩ khiến tất cả mọi người cứ khắc khoải như chính linh hồn các liệt sĩ đã từng khắc khoải đợi chờ suốt 37 năm dằng dặc.

Nước mắt giữa rừng sâu


Trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội

Ngày 27 tháng 3 năm 2002, đoàn xuất phát từ Hà Nội. Trên đường đến K’Nak, đoàn rẽ vào Nghệ An, Đà Nẵng đón thêm một số nhân chứng, trong đó có bác Ngô Trọng Quang là em ruột của liệt sĩ Ngô Trọng Đãi, tổng cộng khoảng hơn 40 người, do Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh làm trưởng đoàn. Ba ngày sau, tại núi rừng K’Bang âm u, trùng điệp, tại chính mảnh đất đã thấm đẫm máu của ngót 500 chiến sĩ đặc công anh hùng, những người lính đã một thời vào sinh ra tử trong trận đánh khốc liệt K’Nak, sau 37 năm trời đằng đẵng, nay tóc bạc da mồi, bồi hồi xúc động kể lại kỷ niệm xưa. Nước mắt lăn dài, khói hương nghi ngút, những tiếng nấc nghẹn ngào cứ bật ra. Trung tá Nguyễn Văn Cán, 70 tuổi, sụt sùi kể: “Lúc đó trận đánh rát quá, quân ta thương vong quá nhiều nên tôi phải liên lạc và báo cáo cấp trên bằng bộ đàm. Đang báo cáo thì anh Ngô Trọng Đãi giật lấy máy từ tay tôi để xin ý kiến chỉ đạo. Đúng lúc đó, một quả pháo cối  của địch bắn trúng anh. Bụng anh bị vỡ, máu chảy ồ ạt, ruột gan tòi hết cả ra ngoài. Tôi phải xé quần áo buộc chặt. Dân quân hoả tuyến vội vàng đưa anh về trạm trung phẫu cấp cứu nhưng không kịp. Đau xót và thương lắm các đồng chí ạ!”. Nói đoạn, trung tá Cán bật khóc nức nở như thể đang đứng trước trận chiến năm nào, đầy xác và máu đồng đội.

Các nhân chứng đang xem lại sơ đồ trận đánh để xác định vị trí trạm trung phẫu

Trung tá Nguyễn Văn ẩm, 74 tuổi, nhân vật trung tâm của chuyến đi vì ông là người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Đãi, Thành và 6 đồng chí khác nhớ lại: “Tôi đào sẵn 50 hố. Mặc dù số lượng hy sinh quá nhiều so với dự kiến nhưng cuối cùng cũng chỉ đưa về mai táng được 8 đồng chí thôi. Sợ địch phát hiện nên chôn cất xong chúng tôi phải san phẳng ngay. Kể lại thì xót xa lắm. Lúc đó vì khó khăn nên mai táng các đồng chí ấy chẳng có quan tài, áo mưa hay tăng võng gì sất. Chỉ vỏn vẹn có 4m vải xô trắng quấn qua loa. Nếu tìm thấy bây giờ thì xương cốt chắc cũng chẳng còn gì nữa”.

Trung tá Nguyễn Minh Sang, người trực tiếp tham gia trận đánh, sau này đã từng bám trụ chống lại bọn lâm tặc phá rừng, nơi đồng đội của bác đã đổ xương máu, hiện đang sống tại K’Bang thì vừa khóc tu tu, vừa nói: “Phải tìm bằng được các liệt sĩ rồi sau này có chết đi cũng không có gì phải áy náy. Chừng nào chưa tìm được các anh thì rừng này vẫn phải giữ nguyên không ai được chặt phá. Trong khi chúng ta còn sống thì bằng mọi cách, phải đưa các anh trở về với quê cha đất mẹ”.

Bí mật dưới hồ Đắc-lốp

 

Suối Đắc Lốp

13h ngày 30 tháng 3 năm 2002, bắt đầu cuộc tìm kiếm hài cốt 8 liệt sĩ tại khu vực trạm trung phẫu. Trung tá Nguyễn Văn ẩm, do tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút, cộng với địa hình thay đổi quá nhiều qua 37 năm mưa nắng nên không thể nhớ được chính xác vị trí trạm trung phẫu cũng như nơi chôn cất 8 liệt sĩ. Cả ba nhà ngoại cảm là Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Khắc Bảy và Thẩm Thuý Hoàn thì đều kêu ở đây nhiễu quá, mất hết thông tin, không ai gặp được vong. Lực lượng bộ đội và dân quân đào một số đoạn hào nhưng không phát hiện được dấu vết gì. Một số dân địa phương, người Ba Na lớn tuổi, chỉ một số điểm khác cũng không trúng.

Vị trí trạm trung phẫu gần suối Đắc-Lốp

Các nhà ngoại cảm đều cố gắng cầu khấn xin gặp vong người chỉ huy cao nhất là liệt sĩ Ngô Trọng Đãi. Đến 21h ngày 30 tháng 3 năm 2002, tại nhà nghỉ, Thẩm Thuý Hoàn gặp được vong liệt sĩ Ngô Trọng Đãi. Liệt sĩ dặn: “Triển khai xuống phía dưới con suối, không nên đào quá lên trên. Hôm nay đã hất một phần, ngày mai chịu khó bới lại một chút. Từ chỗ đào hôm nay hơi chéo xuống. Vì hài cốt của chúng tôi không còn nhiều nên khi đào phải chú ý thận trọng một chút. Ngày mai tìm được các liệt sĩ khác rồi mới tìm được tôi và anh Thành. Nếu không, các anh em còn lại sẽ không có ai tìm nữa”.

Cùng thời gian đó, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng được “yết kiến” vong liệt sĩ Đãi. Chị nói thêm: “Người bác rất cần gặp trong ngày hôm nay vì bác đã xanh cỏ để cho họ đỏ ngực thì không đến để nói một lời chia sẻ với các anh em ở đây. Bác ẩm là đồng đội cũ nhưng không nói thay được. Khi nghe tin đoàn vào, anh em liệt sĩ ở đây rất mừng, ra đón rất đông. Nhưng các vị tướng lại không nói một lời. Sát mép gần bờ suối còn nhiều anh em. Cháu yên tâm không đi nhầm khu vực. Bác sẽ hiệp đồng với cháu”. Hình ảnh của liệt sĩ Ngô Trọng Đãi xuất hiện mờ ảo, rất nhanh nhưng cả hai nhà ngoại cảm đều thu được trùng khớp thời gian và nét mặt.

Chiều hôm sau, đoàn tìm kiếm quay trở lại rừng. 13h, cùng một lúc, chị Hằng và Hoàn đều reo lên: “Bác Đãi về kìa”. Việc tìm kiếm khu mộ bắt đầu chuyển hướng về phía chân đồi, nơi dòng suối Đắc-lốp. Cả đoàn túm vào phát quang hơn 100m rừng le rậm rạp, mở đường xuống suối. Các nhà ngoại cảm và trung tá Nguyễn Văn ẩm cùng chung một ý nghĩ: Dòng suối cạn khi xưa nay đã thành hồ nước rộng gần 100m2 do chính quyền huyện K’Bang ngăn nước tạo đập làm thuỷ điện. Và kia rồi, một gốc cây cổ thụ bị cưa ngang nổi lập lờ mặt nước. Bằng khả năng đặc biệt, nhà ngoại cảm Bích Hằng đã xác định được vị trí của 8 liệt sĩ đang nằm dưới lòng suối, rồi cho người cắm cọc theo các trật tự như sau: Liệt sĩ Đãi, Tất, Được, Tuyển, Hưởng, Bình, Thành và Công. Liệt sĩ Đãi là tiểu đoàn trưởng, người chỉ huy cao nhất nên được an táng đầu tiên. Người được an táng cuối cùng là liệt sĩ Công, trẻ nhất.

Bích Hằng thắp hương tại vị trí đang khai quật để nói chuyện với các liệt sĩ. Liệt sĩ Đãi yêu cầu gặp bác Lại (em trai).  Liệt sĩ nói (qua Bích Hằng): “Em mới vào đây thì biết gì đâu. Không đào chỗ này nữa. Cô Lệ dạo này ra sao?”. Bác Lại đáp: “Cô Lệ đã lấy chồng là thương binh anh ạ”. Liệt sĩ Đãi: “Trước đây, anh có người yêu tên Lý, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, làm giáo viên, quen nhau ở lớp học bình dân. Cô ấy đã tình nguyện quan hệ với anh một lần. Lúc đó, hai đứa có bàn với nhau: Nếu con gái đặt tên là Hoài, con trai đặt tên là Nhơn. Nhưng trong túi anh lúc nào cũng có ảnh của cô Lệ ở quê mình đã dạm hỏi ý. Rất tiếc là lúc chôn anh, bác ẩm đã không chôn bức ảnh cùng. Giỗ anh vào ngày mồng 7 tháng 3 chứ không phải mồng 8. Làm lệch ngày, anh về, không có nén hương, anh tủi thân. Vị trí các anh em liệt sĩ ở đây là: Đãi, Tất, Được, Tuyển, Hưởng, Bình, Thành, Công. Nếu anh Chương (đồng chí Nguyễn Huy Chương, nguyên chính trị viên trưởng tiểu đoàn, người quyết định trận đánh – tác giả) mà có trách nhiệm đến thăm anh em ngay từ khi hoà bình lập lại thì có biết bao nhiêu anh em đi theo ủng hộ, chứ phải đâu như bây giờ. Nơi này tắm máu anh em xong để đấy. Y cụ, xong nồi, chảo vẫn ở dưới suối”. Liệt sĩ Thành nói chen vào: “Lúc nãy bác Đãi thấy bác Lại cứ đi vòng quanh mãi nên bác Đãi thương quá mà về gặp. Mẫn ơi! Chỉ cần em vào đây thắp hương là đủ rồi. Để cho anh ở lại đây. Không phải anh không muốn về. Anh cũng nhớ mẹ lắm chứ nhưng sợ em lực bất tòng tâm vì anh đang nằm ở dưới làn nước sâu. Chị Thường nản rồi không vào thăm anh nữa à? Chị ấy là phụ nữ, đi lại vất vả thế, chắc không chịu được. Có thằng Hải, thằng Đông vào đây là anh vui rồi. Hải nó lớt phớt, không tin là tìm được anh. Anh chỉ còn rất ít”. Liệt sĩ Đãi nói tiếp: “Khẩu súng lục anh đeo, lúc vào trạm trung phẫu, vì ruột cứ lòi ra nên đã tháo ra để quấn băng. Anh chỉ ú ớ được mấy tiếng rồi không biết gì. Cô Lý rất yêu anh nhưng nhà đã dạm hỏi coi như anh có vợ. Muốn gửi lời xin lỗi cô Lệ đã để cô ấy chờ lâu quá. Em mang về dù một nắm đất cũng nhắn Lệ đến thăm anh”.

Bích Hằng: “Thưa bác Đãi, cháu xin phép được thỉnh cầu bác lần nữa. Mong bác cho biết, toạ độ chúng cháu cắm cọc kia đã đúng chưa ạ? Bác có thể chỉ dẫn để chúng cháu cắm lại. Và bác Lại có đôi lời muốn thưa chuyện với bác”. Liệt sĩ Đãi: “Đây là cọc đầu tiên và 6 cọc tiếp theo. Nhưng không phải chỗ này, đi tiếp cắm lại. Được rồi. Bắt đầu từ đấy kéo dài thẳng đến gốc cây. Đây là cây đa che chở cho trạm trung phẫu”. Bác Ngô Trọng Lại, chắp tay vái lia lịa, miệng mếu máo: “Anh ơi! Nếu đúng mảnh đất này là nơi lưu giữ xương thịt anh thì anh cho phép tất các các gia đình thân nhân liệt sĩ ở đây đem nắm đất này về. Mong anh trao đổi với các anh em và cho biết ý kiến. Điều kiện em rất khó khăn, tuổi cao, sức yếu, khả năng tài chính eo hẹp. Anh nên về nghĩa trang liệt sĩ Hoà Vang hoặc đài liệt sĩ xãHoà Thọ quê mình yên nghỉ”. Liệt sĩ Đãi: “Thật ra trong lòng anh đã nghĩ đến điều đó. Dù sao nơi này cũng có xương máu của anh và đồng đội. Với tình cảm của em và mọi người dành cho anh thì dù chỉ là một nắm đất cũng đầy đủ ý nghĩa rồi. Hồi xưa đi hoạt động, anh vẫn thường bảo với em là: Anh hùng xá kể chi thân xác. Mạng sống của mình còn chẳng tiếc, huống hồ một nắm xương tàn. Thôi thì sinh thổ hoá thổ. Sinh ra từ đất rồi lại trở về với đất. Với anh em ở đây, về mặt chỉ huy anh có thể nói được. Nhưng tình cảm cá nhân thì mỗi người một ý, anh không thể quyết định thay được. Riêng anh, anh đồng ý theo em về. Em mỗi tuổi mỗi yếu, đi lại nhiều, thương lắm. Quê mình là Hoà Nhơn sao bây giờ là Hoà Thọ. Dù về nghĩa trang xã hay huyện đều được còn như thế này coi như anh được thuỷ táng dưới lòng suối với anh em. Cậu Tuyển, Được cũng sẵn sàng về. Còn các anh em khác đang lưỡng lự. Em có thể bốc một nắm đất sát bờ suối. Còn vị trí vừa cắm cọc là có anh nằm ở dưới. Em cứ bốc một nắm đất lên rồi khấn: Ba hồn bảy vía anh Ngô Trọng Đãi ở đâu thì theo em về quê. Em bốc bảy lần và nói như vậy. Mỗi lần cắm một nén hương. Em chắp tay xin thần rừng, thần sông, thần suối phù hộ cho linh hồn anh được về quê. Anh không muốn về trong ngậm ngùi mà muốn có lá cờ Tổ quốc phủ lên phần đất, dù là tượng trưng, để phủ lên cho anh”.

Bác Lại vâng lời, làm đúng lời anh dặn. Vừa bốc đất, vừa khấn, vừa khóc. Tiếng khóc nấc đớn đau chất chứa cả một đời cứ lan trong chiều tím nghe vừa ai oán, vừa xót xa. Cả đoàn không ai kìm được nước mắt. Còn anh Mẫn, lặn ngụp dưới lòng hồ suốt từ chiều đến giờ nhưng vì hồ rộng, nước sâu nên đành chịu. Nước hồ chỗn lẫn nước mắt ướt đầm. Thương anh đứt ruột nhưng đành phải gạt nước mắt tạ từ chờ đến mùa khô nước cạn.

Vì hồ rộng nước sâu nên anh Mẫn đành phải nuốt nước mắt lên bờ

Thiên phóng sự đặc sắc của Hoàng Anh Sướng

Theo Phatgiaovnn

Các tin đã đăng: