Lời Phật dạy về Pháp tướng
16/03/2012 20:32 (GMT+7)

Trong Kinh Kim Cang có câu, “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Nghĩa là, nếu thấy các tướng đều xa lìa tướng, tức là thấy Phật. Câu hỏi nơi đây là, chúng ta có thể nhìn người phụ nữ  như là ‘phi tướng’ được không? Đã có ít nhất là một Trưởng Lão Ni thời Đức Phật từng nói như thế.

Câu hỏi này dễ dàng được gợi lên, khi chúng ta đọc bài viết nhan đề “Không Phải Là Lời Của Phật” của tác giả Kurt Schmidt, do Tiến Sĩ Thái Kim Lan chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bài viết nói  rằng có thể đã có một số đoạn văn do đời sau xen vào.

Trích như sau:

“... Theo truyền thuyết, không lâu trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã trả lời Ananda, thị giả theo hầu cận Phật nhiều năm, khi vị này xin Phật chỉ dẫn cách đối xử cho các vị tỳ kheo mỗi lần gặp phụ nữ. Theo truyền thuyết, lúc ấy Phật đã dạy: “Không được nhìn!” Trả lời câu hỏi tiếp theo nếu trong trường hợp đã lỡ nhìn thấy người phụ nữ rồi thì phải ứng xử như thế nào, Phật lại dạy , cũng theo truyền thuyết: “Không được bắt chuyện!” Trả lời câu hỏi thứ ba, các tỳ kheo phải đối xử như thế nào, khi chẳng đặng đừng câu chuyện đã được bắt đầu với người phụ nữ, Phật lại khuyên - cũng theo truyền thuyết: “Hãy giữ vững tâm trí!”

Trong kinh Đại Niết bàn, - bản kinh lớn tường thuật về giai đoạn cuối đời và cái chết của Đức Phật có ghi đoạn đối thoại trên. Đoạn này xét ra không thật, mà là một thêm thắt của người đời sau. Điều đó có thể chứng minh được...” (hết trích – link: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-73_4-15648_5-50_6-1_17-142_14-1_15-1/)

Bài viết nói rằng những câu về  cách ứng xử khi gặp người phụ nữ không phù hợp với mạch văn, và cũng không phù hợp với lời dạy trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương.Nơi đây, chúng ta sẽ không bàn về chuyện có phải đã có sự thêm thắt của đời sau hay không. Nơi đây, chúng ta chỉ muốn dựa theo kinh luận để bàn về pháp tướng, cụ thể là cách nhìn người phụ nữ.Thực tế, phụ nữ và nam giới phải có dị biệt. Không thể đơn giản có chuyện xa lìa hình tướng được. Bởi vậy, chư Tăng Nam Tông mặc y hở vai, nhưng chúng ta có thể đoán rằng ngay từ thời xưa thật là xưa, không thể nàò có chuyện quý Ni mặc y hở vai được. Tuy nhiên, những nơi khác trong các bản kinh liên hệ (Kinh Du Hành, trong Kinh Trường A Hàm, thuộc Hán Tạng dịch từ tiếng Sankrit, bản Việt dịch của Thầy Thích Tuệ Sỹ; và Kinh Đại Bát Niết Bàn, trong  Kinh Trường Bộ, thuộc Tạng Pali, bản Việt dịch của Thầy Thích Minh Châu) đều có những lời dạy xa lìa cái nhìn về tướng nữ hay tướng nam.

Thí dụ, trích từ Kinh Du Hành:

“Phật bảo A-nan: ...Không suy niệm tất cả tưởng, khi nhập vô tưởng định, thân an ổn, không có não hoạn. Vì vậy, A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác. Thế nào là Hãy tự mình thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa pháp, chớ nương tựa nơi khác? Này A-nan, Tỳ-kheo quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân; quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy. Này A-nan, đó gọi là Hãy tự thắp sáng, thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác.. Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học.”...” (hết trích – link: http://www.thuvienhoasen.org/D_2-58_4-11830_15-1_1-2_5-50_6-2_17-122_14-1/#nl_detail_bookmark)

Ngay câu đầu đoạn trên đã viết: “Không suy niệm tất cả tưởng, khi nhập vô tưởng định...” Lời dạy này có thể hiểu là nhìn chỉ là nhìn thôi, không suy niệm khởi tưởng gì. Đây thực sự là pháp vô niệm.

Hay trích bản dịch Kinh Đại Bát Niết Bàn của Thầy Thích Minh Châu:

“33. Này Ananda, tám giải thoát. Thế nào là tám?

Tự mình có sắc, thấy các sắc; đó là sự giải thoát thứ nhất.

Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; đó là sự giải thoát thứ hai.

Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy; đó là sự giải thoát thứ ba.

Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư "hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ; đó là sự giải thoát thứ tư.

Vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư "thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ; đó là giải thoát thứ năm.

Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư "không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ; đó là sự giải thoát thứ sáu.

Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đó là sự giải thoát thứ bảy.

Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng; đó là sự giải thoát thứ tám.

Này Ananda, như vậy là tám giải thoát.” (hết trích – link: http://old.thuvienhoasen.org/truong16.htm) hay: (http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-123_5-50_6-1_17-52_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Diệt trừ các tưởng hữu đối... Kinh Kim Cang nói cũng tương tự về xa lìa tưởng hữu đối: Ly tứ cú (bốn câu: có, không, vừa có vừa không, chẳng phải có chẳng phải không).

Như thế, dưới cái nhìn của người tu, thực sự không có tướng nam không có tướng nữ. Không chỉ riêng lời dạy của Đức Phật, chính ngay trong c ách ứng xử của các vị Thánh Ni cũng biểu lộ như thế.

Chúng ta có thể dẫn chứng Kinh Tương Ưng Bộ, bản dịch của Thầy Thích Minh Châu, trong Chương V Tương Ưng Tỷ Kheo Ni, trích:

“II. Somà (S.i.129)

6) Tỷ-kheo-ni Somà biết được : "Ðây là Ác ma", liền nói lên bài kệ với Ác ma:

Nữ tánh chướng ngại gì,

Khi tâm khéo Thiền định,

Khi trí tuệ triển khai,

Chánh quán pháp vi diệu?

Ai tự mình tìm hỏi :

"Ta, nữ nhân, nam nhân,

Hay ta là ai khác?"

Xứng nói chuyện Ác ma,

Ác ma thật cân xứng.

7) Ác ma biết được: "Tỷ-kheo-ni Somà đã biết ta", nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

(hết trích – link: http://old.thuvienhoasen.org/tu1-05.htm ) hay (http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-511_5-50_6-1_17-52_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Ý của Tỷ Kheo Ni Soma là, nếu có ai nghĩ rằng “Ta là phụ nữ” hay “là đàn ông” hay “Ta có là bất cứ cái gì,” thì kẻ đó rơi vào đường ma đạo. Nghĩa là, ngài Soma nói là đừng có nghĩ tưởng ra tướng nữ hay tướng nam, hay bất kỳ tướng nào...  vì như thế đều là ma đạo. Nơi đây, chúng ta lại gặp Kinh Kim Cang: nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.

Bản Anh dịch “Soma Sutta: Sister Soma” của Tỳ kheo Thanissaro Bhikkhu, từ Tạng Pali, sử dụng ngôn ngữ minh bạch hơn:

“... Then, having understood that "This is Mara the Evil One," she replied to him in verses:

What difference does being a woman make when the mind's well-centered, when knowledge is progressing, seeing clearly, rightly, into the Dhamma. Anyone who thinks 'I'm a woman' or 'a man' or 'Am I anything at all?' — that's who Mara's fit to address.

Then Mara the Evil One — sad & dejected at realizing, "Soma the nun knows me" — vanished right there.”

(link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn05/sn05.002.than.html)

Có thể  dịch ra Việt ngữ đoạn kinh văn trên như sau:

“...Rồi thì,  đã hiểu rằng “Đây là Ác Ma,” vị Tỳ Kheo Ni trả lời bằng thơ:

Có khác biệt nào nơi người phụ nữ khi tâm chuyên chú an định, khi trí tuệ đưa tới cái thấy Pháp một cách minh bạch, đúng đắn. Bất kỳ ai nghĩ rằng ‘Ta là một phụ nữ’ hay ‘một người đàn ông’ hay ‘Ta có là bất cứ gì chăng?’   -- đó mới là kẻ mà Ác Ma nói tới phù hợp.

Rồi thì Ác Ma -- buồn bã và thất vọng khi nhận ra rằng, “Tỳ Kheo Ni Soma biết ta rồi” -- biến dạng ngay khi đó.”

Nghĩa là, với trí tuệ đã thấy Pháp một cách minh bạch, một cách đúng đắn, thì không thấy tướng nữ, tướng nam, hay bất kỳ tướng nào. Ngắn gọn,  lời này âm vang lại trong Kinh Kim Cang rằng nếu thấy các tướng xa lìa tướng thì là thấy Như Lai.

Chúng ta cũng gặp lại ngôn ngữ Kinh Kim Cang ở một nơi khác. Lần này là trong Kinh Tập, thuộc Tiểu Bộ Kinh, khi Đức Phật trả lời câu hỏi của ngài Mogharaja.

Kinh này có tên “Mogharaja-manava-puccha: Mogharaja's Question” dịch từ Pali sang Anh văn bởi ngài Thanissaro Bhikkhu.  Trích như sau:

“Mogharaja:... I've come with a question: How does one view the world so as not to be seen by Death's king?

The Buddha: View the world, Mogharaja, as empty — always mindful to have removed any view about self. This way one is above & beyond death. This is how one views the world so as not to be seen by Death's king.” (hết trích – link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.5.15.than.html )

Có thể dịch ra Việt ngữ như sau:

“Mogharaja:... Con tới với một câu hỏi: Làm cách nào để nhìn thế giới này mà không bị nhìn thấy bởi Thần Chết?

Đức Phật: Mogharaja, hãy nhìn thế giới này như Tánh Không rỗng rang  -- luôn luôn rời bỏ bất kỳ cái nhìn nào về tự ngã. Cách này là cao hơn và vượt qua cái chết. Đó là cách người tu nhìn  về thế giới này để không bị Thần Chết nhìn thấy.” (hết trích dịch).

Như thế, Đức Phật cũng dạy là rời bỏ bất kỳ quan điểm nào về ‘ngã.’ Nghĩa là, đừng  thấy là có ‘ngã’, đừng thấy là có ‘vô ngã’, đừng thấy là có ‘vừa ngã vừa vô ngã’, và đừng thấy ‘chẳng phải ngã, chẳng phảỉ vô ngã’.

Bản Anh dịch khác của ngài John D. Ireland là:

The Lord: Look upon the world as empty,[2] Mogharaja, ever mindful; uprooting the view of self you may thus be one who overcomes death. So regarding the world one is not seen by the King of Death." (hết trích -- http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.5.15.irel.html )

Có thể dịch ra Việt ngữ như sau:

Đức Phật: Hãy nhìn thế giới này như Tánh Không rỗng rang, Mogharaja, luôn luôn tỉnh thức nhìn như thế; xóa bỏ cái nhìn về ngã, con như thế sẽ là người vượt qua cái chết. Nhìn thế giới như thế, con sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.”

Nghĩa là lặng lẽ hồn nhiên, không thấy có bất cứ cái nhìn nào về ngã, hay bất cứ cái nhìn nào về vô ngã.

Bản dịch của Thầy Thích Minh Châu là ở đây:

“Mogharàja:...

Con đến với câu hỏi,

Cần nhìn đời thế nào,

Ðể thần chết không thấy.

Thế Tôn:1119.

Này Mô-gha-ra-ja,

Hãy nhìn đời trống không,

Luôn luôn giữ chánh niệm,

Nhô lên ngã tùy kiến,

Như vậy vượt tử vong,

Hãy nhìn đời như vậy,

Thần chết không thấy được.”

(hết trích – link: http://www.thuvienhoasen.org/images/upload/PDF_Books/TieuBoKinh-TapI.pdf ) hay: (http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-1466_5-50_6-1_17-52_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Nếu như thế, thì làm sao có tướng nữ hay nam?

Chúng ta cũng có thể nhớ tới Kinh Lăng Nghiêm, với câu “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn.” Có thể hiểu là: thấy biết mà dựng lập cái thấy biết, đều là gốc vô minh.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ cũng có lời Đức Phật dạy như thế.

Trong AN 4.24, bản kinh tên “Kalaka Sutta: At Kalaka's Park” với bản Anh dịch của ngài Thanissaro Bhikkhu, trích:

"Thus, monks, the Tathagata, when seeing what is to be seen, doesn't construe an [object as] seen. He doesn't construe an unseen. He doesn't construe an [object] to-be-seen. He doesn't construe a seer."

When hearing...

"When sensing..."

When cognizing what is to be cognized, he doesn't construe an [object as] cognized. He doesn't construe an uncognized. He doesn't construe an [object] to-be-cognized. He doesn't construe a cognizer.

Thus, monks, the Tathagata — being the same with regard to all phenomena that can be seen, heard, sensed, & cognized — is 'Such.' And I tell you: There's no other 'Such' higher or more sublime.” (hết trích – link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/an/an04/an04.024.than.html)

Chúng ta có thể dịch ra Việt ngữ như sau:

“Do vậy, hỡi chư tăng, Như Lai khi nhìn thấy cái được nhìn thấy, không dựng lập một [vật gì như] cái được nhìn thấy. Như Lai không dựng lập cái không được nhìn thấy. Như Lai không dựng lập một [vật gì] để sẽ được nhìn thấy. Như Lai không dựng lập một ai nhìn thấy cả.

Khi nghe... (cũng tương tự như đoạn trên)

“Khi cảm giác... (cũng như trên)

“Khi nhận biết cái được nhận biết, Như Lai không dựng lập một [vật gì như] cái được nhận biết. Như Lai không dựng lập cái chưa được nhận biết. Như Lai không dựng lập một [vật gì] để sẽ được nhận biết. Như Lai không dựng lập một ai nhận biết cả.

Do vậy, hỡi chư tăng, Như Lai – là đồng một thể với tất cả các hiện tượng mà các hiện tượng này có thể được thấy, được nghe, được cảm giác và được nhận biết – là ‘Như Thế, Như Thị, Như Như.’ Và Như Lai nói cho con biết: Không có cái ‘Như’ nào khác cao hơn, vượt hơn.” (hết dịch)

Đó cũng là ngôn ngữ Lăng Nghiêm: toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng. Trong Kinh Tăng Chi Bộ của Tạng Pali dẫn trên, cái thấy, cái nghe, cái nhận biết là một với các pháp được thấy, được nghe, được nhận biết.

Như thế cũng có nghĩa là, người thấy và cái được thấy là một thể bất phân, người nghe và cái được nghe là một, người nhận biết và cái được nhận biết là một.

Nghĩa là, trở lại ngôn ngữ Kinh Lăng Nghiêm: khi thấy biết (tri kiến) mà không dựng lập thấy biết (lập tri) thì là thể nhập cái Như Thị. Nhưng khi thấy biết mà dựng lập thấy biết thì là gốc của vô minh (tri kiến lập tri, tức vô minh bổn).

Đoạn Kinh Tăng Chi Bộ này được ngài Thích Minh Châu dịch ra bản Việt ngữ, trích như sau:

“(IV) (24) Kàlaka

Như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai là vị đã thấy những gì cần thấy, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thấy, không có tưởng tượng những cái gì không được thấy, không có tưởng tượng những gì cần phải thấy, không có tưởng tượng đối với người thấy. Ðã nghe những gì cần nghe, nhưng không có tưởng tượng điều đã được nghe, không có tưởng tượng những cái gì không được nghe, không có tưởng tượng những gì cần phải nghe, không có tưởng tượng đối với người nghe. Ðã cảm giác những gì cần cảm giác, nhưng không có tưởng tượng điều đã được cảm giác, không có tưởng tượng những cái gì không được cảm giác, không có tưởng tượng những gì cần phải cảm giác, không có tưởng tượng đối với người cảm giác. Ðã thức tri những gì cần thức tri, nhưng không có tưởng tượng điều đã được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì không được thức tri, không có tưởng tượng những cái gì cần phải thức tri, không có tưởng tượng đối với người thức tri. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, nên vị ấy là như vậy. Lại nữa, hơn người như vậy, không có ai khác tối thượng hơn và thù thắng hơn, Ta tuyên bố như vậy.” (hết trích – link: http://old.thuvienhoasen.org/tangchi04-0103.htm) hay (http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-1149_5-50_6-1_17-52_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Rất mực là minh bạch, đó là ngôn ngữ Thiền Tông của Lục Tổ Huệ Năng vậy.

Chỗ này, diễn lại qua ngôn ngữ của Thiền Sư Duy Lực trong cuốn Duy Lực Ngữ Lục Tập 1, in tại VN năm 2000 như sau:

“Đáp:  Kinh Lăng Nghiêm nói “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái “Lập tri” ấy tức là tự tri. Thế gian nói “Tri”, nói “Kiến” ấy là thế lưu bố tưởng, Phật cũng nói là tri là kiến , nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói “Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sanh cũng phải tùy thuận chúng sanh,cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết bàn.” (Link: http://old.thuvienhoasen.org/ddpp-trikienlaptri.htm)

Trong cuốn “Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất,” ngài Bồ Đề Đạt Ma trong Huyết Mạch Luận cũng nói tương tự như khi Đức Phật dạy cách thể nhập Tánh Như:

“... Nên kinh nói: Ðộng mà không có sở động.

Bởi vậy:

- Suốt ngày thấy mà chưa từng thấy.

- Suốt ngày nghe mà chưa từng nghe.

- Suốt ngày cảm mà chưa từng cảm.

- Suốt ngày ngày biết mà chưa từng biết.

- Suốt ngày đi, ngồi mà chưa từng đi, ngồi.

- Suốt ngày hờn vui mà chưa từng hờn vui.

Nên kinh nói: Lời nói làm cho đạo dứt, tâm động làm cho giác ngộ tiêu (ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).

Thấy, nghe, cảm, biết vốn tự nó viên tịch, cho đến mọi niềm giận vui cũng vậy.”

(hết trích – link: http://old.thuvienhoasen.org/saucuavaodongthieuthat-06.htm) hay (http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-79_4-8115_5-50_6-1_17-93_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Như vậy, pháp tu có phải làm thanh tịnh hóa những gì không? Bởi vì tự tánh vốn thanh tịnh, có phải là không cần thực hiện các pháp thanh tịnh hóa  phải không?

Và đối với một số người, như trường hợp với ngài Magandiya, Đức Phật đã dạy hết sức là đơn giản: không hề có một pháp nào để tu học hết, chỉ đơn giản là đừng nắm giữ bất kỳ một pháp nào. Ngôn ngữ này y hệt như Thiền Tông của Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Năng.

Có một nơi trong Kinh Tập, thuộc Kinh Tiểu Bộ, đã nói như thế: không một pháp nào để nắm giữ trong tâm, kể cả cái gọi là sự thanh tịnh.

Bản Anh dịch từ Pali có nhan đề “Magandiya Sutta: To Magandiya,” dịch bởi ngài Thanissaro Bhikkhu, trích:

“Magandiya:

Sage, you speak without grasping at any preconceived judgments. This 'inner peace': what does it mean? How is it, by an enlightened person, proclaimed?

The Buddha:

He doesn't speak of purity in connection with view, learning, knowledge, precept or practice. Nor is it found by a person through lack of view, of learning, of knowledge, of precept or practice.[1] Letting these go, without grasping, at peace, independent, one wouldn't long for becoming.

Magandiya:

If he doesn't speak of purity in connection with view, learning, knowledge, precept or practice. and it isn't found by a person through lack of view, of learning, of knowledge, of precept or practice, it seems to me that this teaching's confused, for some assume a purity in terms of — by means of — a view.

The Buddha:

Asking questions dependent on view, you're confused by what you have grasped. And so you don't glimpse even the slightest notion [of what I am saying]. That's why you think it's confused. Whoever construes 'equal,' 'superior,' or 'inferior,' by that he'd dispute; whereas to one unaffected by these three, 'equal,' 'superior,' do not occur.” (hết trích – link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.4.09.than.html)

Các đoạn văn kinh trên có thể dịch như sau:

“Magandiya: Thưa hiền giả, ngài nói là đừng nắm giữ bất kỳ bình phẩm nào đã có sẵn nào. Cái 'hòa bình nội tâm' này có nghĩa gì? Làm sao nó được một vị đã giác ngộ tuyên thuyết?

Đức Phật: Thế Tôn không nói về sự thanh tịnh trong liên hệ tới cái nhìn, tới cái học, tới kiến thức, tới giới luật hay tới sự tu tập. Nhưng bình an nội tâm này cũng không thể tìm gặp bởi một người thiếu cái nhìn, thiếu cái học, thiếu kiến thức, thiếu giới luật hay thiếu tu tập. Buông bỏ hết các thứ đó, không nắm giữ gì hết, bình an và độc lập, ta sẽ không muốn trở thành [bất kỳ sanh hữu gì hết].

Magandiya: Nếu ngài không nói về sự thanh tịnh trong liên hệ tới cái nhìn, tới cái học, tới kiến thức, tới giới luật hay tới sự tu tập. Và [bình an nội tâm này] không được tìm gặp bởi một người xuyên qua thiếu cái nhìn, thiếu cái học, thiếu kiến thức, thiếu giới luật hay thiếu tu tập. Như dường đối với con, lời dạy này rối rắm, vì có những người cho là được sự thanh tịnh khi đo lường về -- bởi phương tiện của -- một sự chiếu kiến.

Đức Phật:  Khi hỏi những câu hỏi tùy thuộc vào tri kiến, con bị rối rắm bởi những gì con nắm giữ. Và do vậy con không thấy được ngay cả một  chút xíu nào những gì [Thế Tôn đang nói]. Đó là tại sao con nghĩ là con bị rối rắm. Bất kỳ ai dựng lập 'những cái bằng nhau', 'những cái cao thượng hơn', hay 'những cái thấp hèn hơn', bởi như thế mà Như Lai bác bỏ; bởi vì đối với bậc đã không bị ảnh hưởng bởi ba so sánh đó, thì 'những cái bằng nhau', và 'những cái cao thượng hơn' không hề xảy ra." (hết trích dịch)

Các đoạn trên được ngài Thích Minh Châu dịch ở đây: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb15-kt4.htm. hay: (http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-1465_5-50_6-1_17-52_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark)

Nghĩa là, sẽ là trật nếu nói rằng phảỉ học và phải tu tập để có sự thanh tịnh. Nhưng, Đức Phật cũng nói liền kế tiếp, rằng sự thanh tịnh cũng không thể có nếu không học và không tu tập. Bởi nghe thế, ngàì Magandiya mới thấy rối rắm. Đây hiển nhiên là Kinh Kim Cang.

Như thế, Kinh Kim Cang và Kinh Lăng Nghiêm đã được tuyên thuyết trong Kinh  Tạng Pali.

Và không chỉ riêng Đức Phật trong Tạng Pali nói lên ngôn ngữ Kim Cang và Lăng Nghiêm.  Mà cũng đã có một vị Tỳ Kheo Ni tên là Soma tuyên thuyết rằng cần phảỉ thấy các tướng là phi tướng...

Cư sĩ Nguyên Giác

Các tin đã đăng: