Kinh tạng Nikàya, Pàli và A-hàm Hán tạng là những bộ kinh thuộc Phật
giáo truyền thống, còn gọi là Kinh tạng Nguyên thủy. Đó là những bộ kinh
chứa đựng những gì Đức Phật đã dạy suốt trong 45 năm truyền giáo, gồm
những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã ... Các nhà
nghiên cứu Phật học, các Sử gia đều coi Kinh tạng Nguyên thủy là tài
liệu đáng tin cậy nhất và gần gũi nhất để xác định những gì mà Đức Phật
tuyên thuyết.
Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn 3 tháng, một đại hội được triệu tập để
tụng đọc lại những lời Đức Phật dạy nhằm giữ gìn kho tàng Pháp bảo. Đây
là lần kiết tập kinh điển đầu tiên.
Sau khi Phật nhập diệt 100 năm, một đại
hội khác được triệu tập để minh định lại những gì là đúng với lời Phật
dạy và những gì đi lệch hướng; chủ yếu là một vài vấn đề tranh cãi về
giới luật, có 10 điều mới phát sinh : Diêm tịnh, chỉ tịnh, tụ lạc gian
tịnh, trụ xứ tịnh, tùy ý tịnh, cửu trụ tịnh, sinh hòa hiệp tịnh, bất ích
lũ ni sư đàn tịnh, thủy tịnh, kim tiền tịnh. Những vị cho 10 điều trên
là phi pháp đã tách riêng thành Thượng tọa bộ, những vị chủ trương thực
hiện 10 điều cải cách thì tách riêng thành Đại chúng bộ – Sự phân chia
đầu tiên của giáo đoàn Phật giáo. Những kinh điển của cả hai bộ phái vẫn
là kinh điển Nguyên thủy và vẫn duy trì bằng phương thức đọc tụng thuộc
lòng chứ không viết thành văn. Đây là lần kiết tập kinh điển thứ hai.
Lần kiết tập kinh điển thứ ba vào khoảng
năm 200 đến 234 năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Hai bộ phái chính
là Thượng tọa và Đại chúng sản sinh ra nhiều bộ phái, gồm khoảng 20 bộ
phái. Giáo lý được giải thích tùy theo khuynh hướng của bộ phái. Trong
đó, Đại Thiên (Mahadeva), một học giả Phật tử khá nổi tiếng đã đưa ra 5
điều giới hạn của quả vị a-la-hán : Dư sở dụ, vô tri, do dự, tha linh
nhập và đạo nhân thanh cố khởi. Điều đó làm mọi người hoang mang. Từ ảnh
hưởng chủ trương của Đại Thiên và mặt khác – ảnh hưởng của giáo nghĩa
Bà-la-môn lẫn lộn vào giáo lý Phật giáo, vua A-dục quyết định ủng hộ
triệu tập đại hội Phật giáo dưới sự chủ tọa của ngài Moggalipputta
Tissa, thầy của vua A-dục. Kỳ này gọi là lần kiết tập thứ ba, chấn chỉnh
lại sự pha tạp trong giáo lý. Thượng tọa bộ lúc bấy giờ được gọi là
Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavada), được vua A-dục đỡ đầu và ủng hộ mạnh
mẽ. Phân biệt thuyết bộ là cha đẻ của Đồng diệp bộ, chính Đồng diệp bộ
(Tamrasatiyah) đã kiết tập 5 bộ Nikàya rất đầy đủ. Năm bộ Nikàya này
được hoàng tử Mahinda sau khi xuất gia đem khẩu truyền ở Tích Lan.
Một hệ phái khác khá mạnh cũng phát xuất
từ Thượng tọa bộ là phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) không
được vua A-dục ủng hộ vì họ chủ trương luận lý hơn là kinh luật. Họ
chuyển dần lên Đông bắc Ấn, đặt căn cứ địa tại Ca-thấp-di-la (Kasmira),
dần dần họ truyền bá chánh pháp toàn cõi biên cương phía Bắc và sang các
nước lân cận. Đến đời vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniskha), nhà vua hết lòng ủng
hộ và tổ chức đại hội kiết tập kinh điển. Đây được coi như lần kiết tập
kinh điển thứ tư, vào khoảng đầu thế kỷ thứ II sau Tây lịch. Truyền
thống Phật giáo Bắc tông được truyền bá từ phái này qua 4 bộ A-hàm, Luật
tạng và một số luận thư. Kỳ kiết tập này mới được chép thành văn.
Riêng 5 bộ Nikàya được Mahinda mang qua
Tích Lan vẫn giữ phong cách truyền khẩu cho đến khi một đại hội kiết tập
được tổ chức tại Tích Lan ở làng Aluvihata. Đây là lần đầu tiên 3 tạng
Pàli được chép bằng chữ trên lá buông vào năm 83 trước Tây lịch. Lần này
gọi là lần kiết tập kinh điển thứ tư (Kinh tạng Nikàya).
CÁC BỘ A-HÀM VÀ NIKÀYA
1. A-hàm (Agama) dịch là Pháp quy hay Vô
tỷ pháp, gồm có 4 bộ :
a/. Trường A-hàm (Dirghagama) 22 quyển,
do ngài Phật-đà-da-xá (Buddhayasas) và Trúc Phật Niệm dịch (412 TL, y cứ
Pháp tạng bộ).
b/. Trung A-hàm (Madhyamagama) 60 quyển,
do ngài Tăng-già-đề-bà (Sanghadeva) dịch vào khoảng năm 397 TL. Bộ này
là nền tảng của Hữu bộ.
c/. Tạp A-hàm (Samyukta-agama) 50 quyển,
do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) dịch năm 435 TL (y cứ của Hữu bộ.
d/. Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama) 50
quyển.
2. Nikàya bộ gồm 5 quyển :
a/. Trường bộ kinh (Dìgha – Nikàya).
b/. Trung bộ kinh (Majhima – Nikàya).
c/. Tương ưng bộ kinh (Samyutta –
Nikàya).
d/. Tăng chi bộ kinh (Angttara –
Nikàya).
e/. Tiểu bộ kinh (Khuddaka – Nikàya).
TRƯỜNG A-HÀM tương đương với TRƯỜNG BỘ –
chép những bài pháp dài. TRUNG A-HÀM và TRUNG BỘ chép những bài pháp
bậc trung. TƯƠNG ƯNG BỘ tương đương với TẠP A-HÀM – chép những lời kinh
có nội dung tương tự nhau. TĂNG NHẤT và TĂNG CHI – chép những bài sắp
xếp theo con số. Riêng TIỂU BỘ KINH thì Pàli tạng mới có – ghi chép
những câu kệ vắn tắt.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA GIÁO LÝ NGUYÊN THỦY
1. Cả hai truyền thống A-hàm và Nikàya
đều thuộc truyền thống Nguyên thủy, mặc dù con đường truyền bá có khác
nhưng nội dung thì không khác nhau mấy. Tư tưởng của hai truyền thống
đều giữ được phong cách và hương vị của thời Nguyên thủy Phật giáo.
2. Cả hai được giữ gìn bằng phương thức
khẩu truyền suốt một thời gian khá dài khoảng 400 năm sau Phật nhập
diệt.
3. Thể loại văn tường thuật, ký sự, dùng
điệp từ và trùng cú nên rất dễ chán khi đọc. Tuy nhiên kinh phản ánh tư
tưởng, học thuật, sinh hoạt, tập quán, tôn giáo… của xã hội đương thời.
4. Diễn đạt tư tưởng Phật học một cách
thiết thực gần gũi với tâm lý con người, những ví dụ dễ hiểu và lý luận
giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Nhất là những định nghĩa căn bản của thuật
ngữ Phật học rất rõ ràng.
5. Kinh chứa đựng rất nhiều những lời
dạy phản ánh quan điểm của Phật về các vấn đề tu tập, phương cách sống,
lối ứng xử, về các vấn đề lý luận, xã hội… rất dễ trích dẫn và dễ nhớ.
6. Tư tưởng Nguyên thủy chứa đựng tư
tưởng gốc hay tư tưởng nền của tư tưởng Đại thừa.
VẤN ĐỀ ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA
Trước đây ta thường cho rằng giáo lý
Nguyên thủy là giáo lý Tiểu thừa không đưa đến quả vị tối hậu thành
Phật, chỉ có giáo lý Đại thừa mới là giáo lý chân chính của Phật. Ngược
lại, các nhà sư Nguyên thủy thì cho rằng giáo lý Nguyên thủy mới chính
truyền là của Phật, còn giáo lý Đại thừa là ngoại đạo. Sự bất đồng quan
điểm ấy đã làm băng giá mối quan hệ của hai truyền thống cả ngàn năm.
Ngày nay với những phương tiện tiến bộ, mọi mặt trong xã hội đều thay
đổi, những quan điểm Tiểu thừa và Đại thừa không còn thích hợp. Qua
nghiên cứu cho rằng :
1. Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy cho đến
thời kỳ Bộ phái (sau Đức Phật 400 năm) chưa có danh từ Đại thừa hay
Tiểu thừa. Danh từ Đại thừa và Tiểu thừa xuất hiện đồng thời với kinh
điển Đại thừa khoảng thế kỷ thứ I trước hoặc sau Tây lịch.
2. Danh từ Tiểu thừa không nên hiểu là
Thượng tọa bộ, mà là chỉ cho giai đoạn Bộ phái, sự tranah chấp về đường
lối hành đạo mà lúc bấy giờ các Bộ phái quá chú trọng về lý luận và hình
thức.
3. Ngày nay không có hệ Tiểu thừa nào có
mặt trên thế giới. Năm 1950, Hội Phật Tử Thân Hữu Thế Giới (World
Fellowship Buddhists) họp tại Colombo (Tích Lan) đã nhất trí quyết nghị
loại bỏ danh từ Tiểu thừa khi nói đến Nam tông Phật giáo.
4. Giáo lý được phân làm hai truyền
thống : Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển. Về mặt địa
lý, truyền thừa thì gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Sử
dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây
đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy; phần thân
ngọn cành lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi
không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được
thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển – cả
hai bổ sung cho nhau. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang
tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ
mất đi giá trị của nó.
5. Mặc dù truyền thống Nguyên thủy và
Phát triển có những khác biệt, tuy nhiên, những khác biệt ấy không cơ
bản. Trái lại, những điểm tương đồng lại rất cơ bản như sau :
a/. Cả hai đều nhìn nhận Đức Phật
Thích-ca Mâu-ni là bậc Đạo sư.
b/. Cả hai đều chấp nhận và hành trì
giáo lý Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi…; đều chấp nhận pháp ấn
Khổ, Không, Vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập : Giới, định, tuệ.
c/. Cả hai đều từ chối về một đấng tối
cao sáng tạo và ngự trị thế giới.
Tóm lại, Kinh tạng Nguyên thủy là kinh
tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất.
Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự
sinh hoạt của xã hội. Đây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng
cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng
đạo Phật phát triển.
Tuy nhiên, trải qua hơn 400 năm khẩu
truyền và hơn 2000 năm truyền bá, kinh giáo không tránh khỏi sự thiếu
sót hoặc thêm thắt của người thọ trì, nghĩa là vẫn không mang tính
Nguyên thủy thuần túy. Nghiên cứu kinh điển Phát triển mà không nắm vững
hệ thống Nguyên thủy thì độ chuẩn xác không cao. Nếu coi Kinh tạng
Nguyên thủy là thấp kém thì rất là sai lầm và nguy hiểm. Cây đại thọ
giáo pháp phải là một cây hoàn hảo từ gốc rễ cho đến ngọn ngành.