Những chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh –Kỳ 5: Tìm mộ liệt sĩ qua…vong một thai nhi 3 tháng tuổi
Hoàng Anh Sướng
14/04/2010 06:53 (GMT+7)

“Lúc đầu, nghe cô đồng Tuyên ở thị trấn Thứa (Bắc Ninh) gọi tôi là bố và xưng con, tôi ngơ ngác không hiểu gì. Sau mới vỡ lẽ, vong của con trai tôi về và nhập vào cô. Cháu vốn là một… thai nhi mới 3 tháng tuổi. Những năm 80, vợ tôi mang thai cháu là thứ 3 nhưng do chính sách kế hoạch hoá gia đình nên đã nạo bỏ cháu ở nhà hộ sinh. Tôi đâu có biết là mình đã đánh mất cháu, chỉ đến khi tôi hỏi cháu mới kể như vậy. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Thú thực, lúc ấy tôi xúc động quá, cả ân hận nữa. Tôi xin lỗi cháu nhưng cháu cười bảo: cha mẹ không có lỗi vì đấy là qui định của nhà nước. Tôi khóc oà lên. Ôi! Không ngờ một đứa trẻ mà lại có những suy nghĩ và tấm lòng bao dung đến vậy”. Câu chuyện về hành trình leo núi ngược ngàn đi tìm mộ liệt sĩ Vũ Duy Dư trên điểm cao 463 ở bản Adiu (Quảng Nam) đã được ông Trần Tích Tiến, Phó tổng giám đốc công ty cao su INOUE mở đầu như vậy. Ông nói, giọng nghèn nghẹn: “Điều bất ngờ là chính cháu đã vẽ đường đi nước bước cho chúng tôi đi tìm mộ và cuối cùng, chúng tôi đã tìm thấy”. Câu chuyện ông Tiến kể trong đêm mưa dầm sùi sụt ấy cứ bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào.

Từ sự chỉ dẫn của vong… thai nhi 3 tháng tuổi

Ông Trần Tích Tiến đang lần giở từng bức ảnh

của cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt LS Vũ Duy Dư.

Ông Trần Tích Tiến, thực ra, không có quan hệ máu mủ, ruột thịt gì với liệt sĩ Vũ Duy Dư. Ông chỉ là chỗ quan hệ thân tình với gia đình con gái út của liệt sĩ: chị Vũ Thị Thắng và anh Nguyễn Văn Thành. Song, đúng như lời giới thiệu của chị Thắng: “Anh muốn tìm hiểu kỹ về chuyện đi tìm mộ bố em thì phải gặp anh Tiến, vì anh ấy lưu giữ được đầy đủ tư liệu về chuyến đi này. Anh Tiến có tâm với gia đình các liệt sĩ nhiều lắm. Nếu không có anh ấy, chắc giờ này bố em vẫn nằm giãi dầu sương gió trên đỉnh núi Adiu”.

Chị Thắng kể: Cha chị sinh hạ được 3 người con. Anh cả là Vũ Duy Đoàn, anh thứ là Vũ Duy Kết. Chị là con gái út. Năm 1968, chiến trường miền Nam nổ ra ác liệt, cha lên đường nhập ngũ, rồi đi biệt không về. Không một lá thư, không một lời nhắn gửi. Cả nhà ngóng đợi. Đến tận năm 1975, đất nước hát khúc khải hoàn ca, đồng đội của cha náo nức trở về mà cha vẫn biệt vô âm tín. Đi dò hỏi, đồng đội của cha bảo: Năm 1968, các bác thỉnh thoảng gặp cha đi lấy gạo ở Adiu (Quảng Nam) nhưng về sau thì không gặp nữa. Không biết cha chuyển đi nơi khác hay đã hy sinh rồi. Các bác còn dặn thêm: Nếu hy sinh thì chỉ ở Adiu thôi.

Niềm hy vọng cứ mỏng dần theo năm tháng. Rồi một hôm, người của huyện đội Thanh Trì đến nhà chị cùng tin sét đánh: Cha đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Mẹ chị chết lặng. Còn mấy anh em thì ôm nhau khóc ầm lên. Khổ thân cha! Ra đi không để lại một kỷ vật gì. Mẹ lặng lẽ lập bát hương thờ cha. Giấy báo tử ghi cha hy sinh ngày 15 tháng 3 năm 1975. Mẹ lấy đó làm ngày giỗ. Ngày ấy nhà chị nghèo quá, thường phải ăn rau cháo trừ bữa. Mẹ tảo tần nuôi ba đứa con ăn học.

Mãi sau này, khi kinh tế gia đình bớt khó khăn, thấy nhiều gia đình vào miền Nam tìm mộ thân nhân, được Bộ và Sở lao động thương binh xã hội cấp giấy đi tìm, khát vọng tìm mộ cha trong chị Thắng chợt trỗi dậy. Nhân ngày giỗ cha, chị bàn với gia đình, cô gì chú bác nhưng mọi người gạt đi. Họ bảo: Giấy báo tử chỉ ghi vỏn vẹn là hy sinh ở chiến trường miền Nam mà miền Nam thì rộng lớn như vậy, biết mộ cha chỗ nào mà tìm. Không nản lòng, vợ chồng chị bàn riêng với anh Đoàn quyết tâm làm một chuyến vào tận bản Adiu tìm cha.

Vào một ngày cuối tháng 8 năm 2000, anh Đoàn cùng một người bạn khoác ba lô lên tàu vào Đà Nẵng. Hỏi thăm, được biết bản Adiu thuộc huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng chừng 100km. Nghỉ một đêm tại Đà Nẵng, sáng sớm hôm sau, hai anh em bắt xe vào huyện Hiên. Mặc dầu được các đồng chí phòng lao động thương binh và xã hội huyện Hiên tận tình giúp đỡ, kiểm tra toàn bộ danh sách liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang nhưng không thấy tên liệt sĩ Vũ Duy Dư. Anh Đoàn quyết định thuê xe ôm vào bản Adiu. Khổ thân anh! Đường lên Adiu quá nhiều đèo dốc hiểm trở, lại đúng vào mùa mưa Tây Nguyên nên đi chừng 7 – 8 km, buộc lòng phải quay lại.

Niềm hy vọng tìm thấy cha bị rơi rụng nhưng đêm đêm, nỗi day trở cứ cắn rứt lương tâm chị Thắng khiến chị không yên. Nhiều lần, chị khóc với bạn bè rằng: Cha đi chinh chiến khi chị vừa tròn 2 tuổi. Kỷ niệm về cha không có nhiều. Khuôn mặt cha chị cũng không còn nhớ. Nhưng đời này, kiếp này, nếu không tìm được mộ cha, chị là đứa con bất hiếu. Là người đã từng xông pha trận mạc, tận tay chôn cất những mảnh thi hài còn sót lại của đồng đội ở chiến trường miền tây Nam bộ, ông Trần Tích Tiến rất hiểu và cảm thông với nỗi niềm của chị Thắng. Lòng tự nhủ, bằng mọi cách phải giúp Thắng làm tròn được tâm nguyện. Làm phó tổng giám đốc công ty cao su INOUE, ông Tiến có điều kiện đi đây đó nhiều. Đến đâu, ông cũng tranh thủ đến các nghĩa trang liệt sĩ để tìm mộ liệt sĩ Vũ Duy Dư, bày tỏ nỗi niềm cùng những người bạn tâm đắc mong có sự trợ giúp.

Ngày 24 tháng 2 năm 2002, nhờ sự đưa đường của anh Thắng ở phố Lò Rèn (Hà Nội), ông Tiến cùng vợ chồng chị Thắng, anh Thành đã xuống nhà cô đồng Tuyên ở thị trấn Thứa, Bắc Ninh để gọi hồn liệt sĩ Vũ Duy Dư. Vừa đặt chút lễ mọn lên bàn thờ, chưa kịp ngồi yên vị, ông Tiến đã giật nảy mình khi nghe cô đồng Tuyên gọi ông là “bố Tiến” và xưng con. Qua trò chuyện, ông mới biết đó là vong của thai nhi 3 tháng tuổi mà vợ ông đã nạo bỏ ở nhà hộ sinh cách đó gần 20 năm. Càng nói chuyện, ông Tiến càng bị xúc động vì những thông tin cháu nói (qua cô đồng Tuyên) rất chính xác, kể cả những chuyện rất riêng tư, bí mật chỉ mình ông biết. Ông Tiến hỏi: “Thế con có biết ai đang ngồi cạnh bố không?”. Cháu bảo: “Chú Thành, bạn bố, nhà ở 509 đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội chứ gì? Vợ chú đang muốn tìm mộ bố là liệt sĩ có đúng không? Hồi Tết, chú đến nhà cháu chơi mà không mừng tuổi cho cháu đấy nhé”. Cháu còn nói tên những người hàng xóm cạnh nhà “bố Tiến”, nhận xét người này tốt, người kia xấu, rồi căn dặn ông nên quan hệ với người này, cảnh giác với người kia”. Ông Tiến bảo: “Con giúp vợ chồng cô Thắng tìm được mộ ông nhé”. Cháu cười bảo: “Cô chú sẽ tìm được. Gần tìm được rồi. Bố cứ đến nhà chú Bảy (nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy) ở phòng 212, nhà B19, khu tập thể Kim Liên và ông Chu Phác (thiếu tướng Chu Phác – chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) là tìm được thôi mà”.

…đến sơ đồ của nhà ngoại cảm

Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy đang vẽ sơ đồ

Đúng như sự chỉ dẫn của vong thai nhi 3 tháng tuổi, gia đình chị Thắng đã tìm đến phòng số 212, nhà B19, khu Tập thể Kim Liên (Hà Nội) và gặp được nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy. Đó là căn phòng chật hẹp chừng 18m2 nhưng mọi thứ bày biện gọn gàng, ngăn nắp. Sau khi đặt lễ lên bàn thờ, nơi treo ảnh Bác Hồ kính yêu, nhà ngoại cảm mời chị Thắng ngồi trước mặt. Anh hỏi thăm về gia đình chị, về người cha liệt sĩ rồi bảo: “Chị yên tâm! Sẽ tìm được cụ. Nhưng chị có anh trai hoặc em trai không? Nếu có thì gọi đến đây để kết hợp xem sẽ tốt hơn. Bởi đây là vấn đề tâm linh mang tính huyết thống. Thông thường, ở vợ và con trai liệt sĩ thể hiện rõ hơn song phải là những người có tâm, luôn tưởng nhớ tới người đã mất”. Nghe vậy, chị Thắng liền gọi điện cho anh trai cả Vũ Duy Đoàn.

Khi anh Đoàn và chị Thắng ngồi ngay ngắn, nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy bảo hai người vén tóc lên cho gọn gàng rồi chăm chú nhìn vào trán họ. Anh hỏi chị Thắng: “Cụ hy sinh năm nào? Giấy báo tử ghi thế nào?”. Chị Thắng sụt sịt: “Em cũng không biết cụ thể. Chỉ thấy trong giấy báo tử ghi bố em mất ngày 15 tháng 3 năm 1975 tại mặt trận phía Nam thôi và gia đình lấy ngày đó để làm giỗ cho cụ”. Nghe xong, anh Bảy chắp hai tay trước ngực, mặt hướng lên bàn thờ Bác Hồ một cách thành kính, miệng khấn lầm rầm. Chừng 5 phút sau, anh quay sang chị Thắng nói: “Cụ về rồi đấy chị ạ!”. Nói đoạn, anh lấy tờ giấy trắng khổ A3 cùng hộp bút màu bày ra trước mặt rồi lại chăm chú nhìn lên trán hai người. “Thấy rồi. Có mộ anh chị ạ! Mộ chưa quy tập”. Tay vẽ, miệng anh thuyết minh: Đây là dãy núi. Đi qua chiếc cầu bằng cây bắc qua con suối. Đây là đường mòn nhỏ đơn vị hay đi lấy gạo. Cụ không phải mất ngày 15 tháng 3 năm 1975 đâu chị ạ. Chị ghi lại đi. Cụ mất ngày 14 tháng 10 năm 1969 âm lịch ở bản Adiu cơ. Giấy báo tử ghi sai. Nhiều trường hợp như thế này lắm. Giấy báo tử thời chống Pháp ghi chi tiết chứ không như thế này.

Mọi người nhìn vào sơ đồ thấy núi non trùng điệp, ruộng lúa bậc thang, cỏ cây ngút ngàn. Có cầu bắc qua sông, qua suối. (Xem ảnh).


Vẽ xong sơ đồ, anh Bảy bắt đầu điền các ký hiệu, trong đó có cao điểm 463, nơi trạm trung phẫu của đơn vị. Đang cắm cúi viết, nhà ngoại cảm bất chợt dừng bút hỏi: “Anh Tiến này. Em nghe thấy cụ nói điểm cao 463. Không hiểu ở chiến trường, người ta có gọi như thế không nhỉ?”. Ông Tiến bảo: “Có đấy. Điểm cao là quả đồi hay ngọn núi cao nhất. Người ta đặt cho nó một cái tên để phân biệt với những ngọn núi khác. Thông thường, những con số đặt cho điểm cao là chiều cao của ngọn núi. Song cũng có thể chỉ là mã số trong bản đồ quân sự”. Nhà ngoại cảm bảo: “Em nghe không rõ, chỉ thấy cụ nói điểm cao 463 thì điền vào chứ thực tình em không hiểu. Em nghe thấy gì thì ghi vào để lấy tín hiệu. Càng nhiều tín hiệu thì khi tìm càng dễ”. Ngừng lời, anh Bảy lại chăm chú lắng nghe và tiếp tục ghi chép, miệng lẩm bẩm: ông Lai, ông Luật, anh Hạo ở thôn 1, bản Adiu là những người trước kia thường xuyên gặp cụ. Ông Lai có nước da ngăm đen, hàm trên rụng hết không còn một chiếc răng nào. Cứ thế, anh viết lên tấm sơ đồ đã vẽ xong. Cuối cùng, anh khoanh tròn một chấm đen rồi kẻ một đường mũi tên ra ngoài khoảng trống, ghi: phần mộ liệt sĩ Vũ Duy Dư. Anh chấm ba nốt tròn nữa cạnh mộ liệt sĩ rồi cũng ghi chú là 3 ngôi mộ của dân địa phương phía sau. Ngẩng đầu lên, anh Bảy bảo: “Thế là đã rõ rồi. Em chỉ băn khoăn một điều là sao lại có mỗi một mộ liệt sĩ ở đây. Hay những người khác quy tập rồi sót cụ ở lại?”. Ông Tiến hỏi: “Có chắc chắn không? Bảy cố gắng hỏi lại cụ xem”. “Để lát nữa anh ạ. Nếu có thêm tín hiệu em sẽ tiếp tục ghi. Anh chị cứ yên tâm, em sẽ làm hết sức chi tiết cho gia đình”. Chiêu một ngụm nước, anh Bảy chậm rãi nói: “Anh ạ! Bản đồ thế này là rõ lắm rồi”. Vừa nói, Bảy vừa lấy tờ giấy trắng khác tiếp tục ghi chép những thông tin mới. “Mộ cụ chôn ngay gần đường mòn mà đơn vị vẫn đi lấy gạo qua. Đồng đội của cụ có đánh dấu một tảng đá to cạnh đấy. Mộ ở cạnh một gốc cây cụt. Cốt còn nhưng ít lắm. Có một bát cơm đã hoá thạch, một lọ thuốc ký ninh, bên trong là tờ giấy ghi địa chỉ nhưng mờ hết rồi. Có hộp dầu cao hổ đút ở túi ngực. Cụ không phải hy sinh trong trận đánh đâu. Cụ là bác sĩ phải không ạ?”. Chị Thắng ngồi bên trả lời: “Vâng! Bố em ở nhà là y sĩ”. Anh Bảy bảo: “ừ! Đúng rồi. Cụ mất lúc 14h. Khi đang mổ cho thương binh thì có một vệt sáng từ máy bay lao xuống làm sập cái nhà phẫu. Chỉ có mình cụ mất thôi. Cạnh cụ còn có chị Lý là y tá vẫn sống, quê ở Quảng Trị và hai người nữa”. Anh Bảy ngừng viết, nhìn kỹ vào khuôn mặt anh Đoàn, chị Thắng, bảo: “Em nhìn thấy cụ rồi. Cụ giống chị, trắng, cao chứ không giống anh Đoàn có đúng không?”. Cả hai anh em đều gật đầu xác nhận đúng. Chừng hơn một tiếng đồng hồ, tấm sơ đồ được vẽ xong. Ông Tiến hỏi thêm, nếu gia đình đi tìm theo sơ đồ này thì cần phải làm những thủ tục gì? Bảy bảo: “Tốt nhất trước khi đi, gia đình gọi điện báo cho em biết, em sẽ hướng dẫn cho. Em vẫn chỉ dẫn qua điện thoại cho nhiều gia đình mà kết quả vẫn tốt”. Là người đã từng sống và chiến đấu trong chiến trường nên khi nhìn tấm bản đồ, ông Tiến biết việc đi tìm chẳng đơn giản chút nào. Ông tha thiết đề nghị anh Bảy bớt chút thời giờ đi cùng đoàn. Thật may, anh Bảy nhận lời. Cả nhà đều vui mừng, nhất là chị Thắng, mặt mũi rạng rỡ hẳn lên. Trên đường về nhà, chị luôn miệng trầm trồ, xuýt xoa: “Lạ nhỉ?! Không hiểu tại sao anh ấy lại biết rõ thế nhỉ?”. Từ hôm ấy, tất cả ráo riết chuẩn bị chờ ngày lên đường tìm cha.

Các tin đã đăng: