Phật Giáo và nền hòa bình thế giới
06/06/2010 00:13 (GMT+7)

Phật giáo và nền hòa bình thế giới là một trong những vấn đề quan trọng trong thời hiện đại mà chúng ta cần quan tâm, nhất là Liên Hiệp Quốc đã đánh giá cao về cuộc đời và lời dạy của Đức Phật, mới có Lễ Vesak được Giáo hội chúng ta và Liên Hiệp Quốc cùng tổ chức để kỷ niệm ngày Đản sanh của Đức Phật  Hà Nội.

 Thực tế cho thấy nhân loại ngày nay đang kỳ vọng Phật giáo sẽ có những đóng góp nhất định cho nền hòa bình toàn cầu. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ về lời dạy cao quý của Đức Phật để ứng dụng và đạt được kết quả tốt đẹp trong cuộc sống tu hành của chính mình, cũng như góp phần cho việc xây dựng nền hòa bình chung của trái đất này.

 Là đệ tử Phật, chúng ta luôn ghi nhớ lời Phật dạy rằng tâm của con người là quan trọng, vì tâm có thể mang lại sự an lạc và cũng có thể mang đến khổ đau cho bản thân của mỗi người, đồng thời ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Loài người từ khi có mặt trên trái đất, vì không ý thức được tác động quan trọng của tâm, nên cứ phát triển tâm theo hướng bất thiện, nghĩa là khởi lên tham vọng cá nhân, muốn chinh phục người khác, chinh phục xã hội và cả thiên nhiên. Chính tâm tham lam ích kỷ này đã gây ra muôn vàn khổ đau cho loài người và tất cả hữu tình chúng sinh trên trái đất này.

Vì thương xót ý nghĩ sai lầm và việc làm tội lỗi của chúng sinh trong Nhà lửa tam giới, Đức Phật đã hiện thân trên thế gian này để cứu giúp mọi người thoát khỏi cuộc sống mê lầm và khổ đau.

Những người không biết nói rằng Đức Phật là người mới tu thành Phật. Nhưng Đức Phật đã khẳng định trong kinh Pháp Hoa rằng: "Trời, Người, A tu la cho rằng Ta xuất thân từ cung dòng họ Thích đến cội bồ đề gần thành Già Da mà thành Vô thượng Chánh đẳng giác, nhưng thật sự từ ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp..."

Như vậy, Đức Phật đã thành Phật từ lâu xa, vì thương chúng sinh mà Ngài thị hiện vào loài người, mang thân người và tu thành Phật. Cốt lõi bên trong của Ngài là Phật với đời sống vĩnh hằng bất tử ở thế giới Thường Tịch Quang, nhưng Ngài vào sống trong loài người để cứu độ họ. Phải biết rằng tất cả mọi người cùng sống trên trái đất này, tuy bề ngoài cùng có thân người, nhưng phần cốt lõi bên trong của mỗi người đều khác nhau. Có người cốt lõi là Bồ tát tái hiện lại thế gian này để cứu giúp chúng sinh, có vị trụ Thánh quả vì thương nhân gian mà tái sinh trên cuộc đời. Cũng có người mang thân người nhưng cốt lõi là ác ma hay quỷ thần. Nếu là ác ma tái sinh, họ chỉ sống theo tham vọng, muốn làm chúa tể sai khiến mọi người và thống trị xã hội, nên họ đã giết hại không biết bao nhiêu chúng sinh. Có người vì lòng sân hận ngút trời đã gây khổ đau cho vô số người và cho chính họ.

Chúng ta thấy dòng lịch sử khổ đau luôn tiếp diễn dưới gót giày của những nhà chinh lược khét tiếng tàn bạo từ thời Alexandre đại đế, cho đến Tầng Thủy Hoàng, rồi Hitler, rõ ràng những người này hiện hữu trên cuộc đời chỉ để gieo rắc nỗi kinh hoàng, nỗi khổ đau và mang đến chết chóc cho nhân loại, để thỏa mãn tâm khát máu và lòng cuồng vọng của họ muốn làm bá chủ cả thể giới này.

Thực tế cho thấy văn minh con người càng cao thì nỗi khổ càng lớn, mà nhiều người lại lầm tưởng sự văn minh sẽ giúp cho con người hết khổ. Thử nghĩ xem ở thời thượng cổ, đời sống con người chẳng có chút văn minh nào cả, họ đánh nhau bằng tay, hay bằng vũ khí thô sơ thì chỉ gây thương tích hơn là mất mạng. Khi con người văn minh hơn, chế tạo đao kiếm đánh nhau giữa các bộ tộc cho đến thời kỳ hình thành các quốc gia đánh dấu sự tiến bộ văn minh cao hơn nữa của con người, thì số người bị thảm sát và thương tật trong chiến tranh đã lên đến hàng triệu. Và đến thời kỳ đương đại được coi là tột đỉnh của nền văn minh nhân loại, với vũ khí tối tân như bom nguyên tử, hay vũ khí hạt nhân , thì sự sống của cả nhân loại mong manh như sợi chỉ mành treo chuông. Sự sống và cái chết của con người dễ dàng như trở bân tay, văn minh càng cao khổ đau càng lớn là vậy.

Đức Phật ra đời trong thời kỳ phong kiến, quyền hạn trong tay vua chúa và họ toàn quyền định đoạt cuộc sống của con người. Vua chúa đã nhân danh Thượng đế thống trị con người. Đức Phật vì thương xót loài người mà Ngài sanh lại thế gian này đề giải tỏa khổ đau cho loài người.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng ở trong tam giới thật sự không có sinh tử, không có khổ đau; kinh Bát Nhã cũng nói rằng thật tướng các pháp không có sinh tử Niết bàn, nhưng vì vô minh vọng kiến của con người khiến cho họ có các ham muốn khác nhau, mới tạo ra các tội sai biệt và tội trước làm nhân cho tội sau sanh ra, cứ như thế mà mỗi một kiếp sống, tội lỗi của con người lại tăng thêm, thì tự làm khổ mình và làm khổ cho người khác. Không ai khác, chính chúng ta tự tạo khổ đau cho mình và mọi người để rồi cùng trôi lăn trong dòng sinh tử luân hồi vô tận. Bao giờ con người đoạn trừ được ba món độc trong lòng là tham sân si, mới nhận ra được sự thật của cuộc sống là không có sinh tử, không có khổ đau.

 

Đức Phật đã trải thân thể nghiệm và chứng đắc điều này. Ngài dạy rằng con người vì tham lam, ích kỷ đã tạo nghiệp ác và nghiệp cũ chưa trả xong lại tiếp tực tạo nghiệp mới, nên phải gánh lấy hết khổ đau này đến khổ đau khác lớn hơn. Theo Phật, nếu chúng ta đoạn trừ một phần tham dục sẽ cắt đứt được một phần khổ đau thì được một phần an lạc.

Thật vậy từ xa xưa cho đến ngày nay, lời dạy của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị. Tham vọng của con người quá lớn, nên đã khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, đến độ các tổ chức thế giới hiện nay đã phải báo động rằng thế giới của chúng ta sắp bị hủy diệt nếu con người không biết ngừng lại những việc làm gây tác hại như vậy. Ngừng lại bằng cách nào?

Hãy thử áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống. Khóa tu của chúng ta đang làm điều này và sẽ chứng minh cho xã hội thấy rằng nhu cầu vật chất của chúng ta không cần nhiều như người ta tưởng. Đơn giản như một bữa ăn của người giàu có tốn kém quá nhiều, cũng đã góp phần vào việc khai thác cạn kiệt tài nguyên trên trái đất này. Thực tập lời Phật dạy, bữa ăn ưa của chúng ta trong khóa tu này không quá mười ngàn đồng, tức không đến nửa Đô la, nếu so với người tiêu đến một trăm hay một ngàn Đô la cho bữa ăn, chúng ta đã giảm được một trăm lần, hay một ngàn lần trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ngày nay khoa học đã chứng minh những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể con người trong một ngày chỉ cần khoảng 100 gram chất bột, 50 gram chất đạm và một số khoáng chất là đủ bảo đảm sự sống của con người. Các vị thiền sư đã thể hiện điều này, một ngày chỉ ăn một bữa vẫn duy trì được sức sống mà còn khỏe mạnh hơn người bình thường. Bữa ăn chay thanh đạm như vậy đã hiển nhiên chứng tỏ cho mọi người thấy việc ăn uống không đòi hỏi nhiều như người ta nghĩ. Thực tế cho thấy giới y học trên thế giới đã lên tiếng báo động về bệnh béo phì ờ những người ăn quà nhiều, dư thừa chất đạm, chất đường và bệnh sanh ra thì phải cân tiền chữa trị, phải chi tiêu tốn kém hơn, trong khi năng suất làm việc lại bị giảm sút vì bệnh hoạn chi phối. Một khi sự tiêu xài tốn kém nhiều hơn để thỏa mãn đời sống vật chất của con người mỗi ngày lớn hơn nữa, tất yếu dẫn đến sự góp phần vào việc khai thác tài nguyên tăng thêm.

Như trên đã nói, trên bước đường tu, về nhu cầu thiết thực cho cuộc sống hàng ngày là ăn uống, chúng ta đã chứng tỏ cho mọi người thấy được rằng việc tiêu xài rất đơn giản, không tốn kém nhiều, tránh được sự lãng phí tối đa và không cần khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi. Việc ăn uống cầu kỳ và tốn kém nhiều, nhưng ăn không bao nhiêu mà số thừa thải bỏ đi rất nhiều. Nếu không tiêu pha vô lý như vậy, sẽ không cần phải khai thác tài nguyên nhiều để cung cấp cho sự đòi hỏi vô bổ này và không đòi hỏi nhiều thì các cuộc tranh chấp cục bộ giữa cá nhân với nhau, giữa bộ tộc với nhau, giữa các quốc gia với nhau, cho đến tranh chấp toàn cầu sẽ không xảy ra.

Đức Phật dạy rằng loài người vì miếng ăn mà tranh giành và giết hại nhau. Khi còn là Thái tử, Ngài đã động lòng thương xót khi trông thấy luống cày của nông dân đã cắt đứt biết bao nhiêu con trùng thành nhiều mảnh. Thiền sư Vạn Hạnh cũng nói đến sự sát hại của con người gây khổ đau cho muôn loài chúng sinh qua bài kệ:

Hằng ngày trong bát canh ăn

Oán sâu như biển hận bằng non cao

Muốn hay binh lửa thế nào

Lắng nghe quán thịt tiếng gào đêm thâu.

Vào thời Lý ở nước ta, nhà vua đã ra lệnh không được sát sanh vào ngày 15 và mùng 1 mỗi tháng, đã cứu sống nhiều loài súc sinh và không gây ô nhiễm môi trường do việc nuôi giết súc vật gây ra. Rõ ràng lời dạy của Đức Phật và chư vị Thiền sư được áp dụng trong cuộc sống đã mang đến cho xã hội những kết quả tốt đẹp.

Đối với Tỳ kheo, trước nhất hạn chế tối đa việc ăn uống, một ngày chỉ ăn một lần vào đúng ngọ. Phật giáo Nguyên thủy vẫn còn giữ gìn nghiêm ngặt truyền thống này. Ngoài ra, tu sĩ còn hạn chế vấn đề mặc. Phật dạy Tỳ kheo chỉ có một y một bát, nơi lạnh thì cho phép có ba y và một bát. Như vậy, Tỳ kheo cũng hạn chế việc tiêu thụ y đến mức tối đa; khi y cũ xả bỏ, mới được có y mới .

Ngay nay nhiều người ăn mặc phung phí, quần áo dư thừa, chưa hư, thậm chí chưa mặc đến hay chỉ mặc qua một lần, đã mua sắm thêm, mà mua sắm thật nhiều thì phải làm nhiều và cũng kích động cho sự sản xuất tăng thêm; sản xuất tăng thì việc khai thác tài nguyên thiên nhiên càng mau cạn kiệt hơn. Hệ quả tất yếu là xảy ra tình trạng xung đột giữa các quốc gia, cho đến xung đột thế giới. Lịch sử đã cho thấy nguyên nhân của cuộc Đệ nhất thế chiến và Đệ nhị thế chiến đều phát xuất từ các nước Tư bản tranh giành nhau khai thác các vùng có tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chiếm lãnh thị trường tiêu thụ. Và hai cuộc chiến tranh thế giới đã tiêu diệt trên bốn chục triệu người và hàng trăm triệu người khác phải gánh chịu thương tật, mất mát, khổ đau. Nếu con người biết hạn chế ăn mặc sẽ giảm được sự xung đột, không tranh chấp cục bộ hay toàn cầu và hòa bình chắc chắn có ngay trước mắt.

Đức Phật dạy hàng Phật tử ăn mặc đơn sơ chẳng những tránh được việc tranh giành giết hại, giảm bớt được sự tàn phá môi rường một cách vô lý, mà quan trọng hơn nữa, còn có nhiều thì giờ dành cho việc thực tập giáo pháp, để cuộc sống được giải thoát và có ý nghĩa.

Ngày nay vật giá leo thang vì người ta tiêu thụ dầu hỏa quá nhiều, và mọi thứ đều bị lệ thuộc vào giá dầu hỏa. Chúng ta đã biết dầu hỏa không phải là nguồn tài nguyên vô tận, vậy mà có rất nhiều việc không cần thiết người ta cũng tiêu xài. Thử một ngày không sử dụng điện, không đ ô tô, bớt tiêu thụ dầu hỏa xem sao. Nếu cứ theo đà tiêu thụ dầu hỏa càng ngày càng nhiều hơn, nguồn cung ứng thiên nhiên tất yếu mau bị cạn kiệt và không còn dầu hỏa nữa, thì điều gì sẽ xảy ra trên trái đất này, quả là không lường được.

Sinh hoạt của Phật tử trong đời sống hằng ngày nếu biết tiết giảm sẽ góp phần duy trì được tuổi thọ của trái đất chúng ta tốt đẹp hơn và dài lâu hơn, cho đến hạn chế được những cuộc xung đột tàn khốc giữa cá nhân, giữa các khu vực và trên toàn cầu.

Ngoài ăn mặc, Phật tử cũng không nên tham cầu nhà ở, mà cần hạn chế tối đa. Người xưa đã nói nhà rộng trăm gian, một người cũng chỉ ngủ trên một cái giường bốn mét vuông là đủ. Thiết nghĩ việc hạn chế vấn đề xây dựng nhà ở cũng cần thiết. Đất không thể mở rộng thêm được, nhưng nếu số nhà ở xây dựng mỗi ngày cứ tăng thêm, cuối cùng không còn đất để sản xuất lương thực, chưa nói đến việc xây dựng tràn lan sẽ gây ra vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, thì rõ ràng hậu quả tai hại không phải là nhỏ.

Phật tử tu hành nếu biết sống tri túc, sẽ có được đời sống an lạc; lâu nay cứ tưởng vật chất phải có nhiều, nhưng nay nghe Phật dạy, đã giác ngộ thì nhu cầu cuộc sống của chúng ta cũng không nhiều. Và lâu nay, người ta quen kích cầu để tăng sản xuất, nhưng ngày nay Phật tử đã ý thức được rằng không nên tham cầu quá đáng, từ đó chẳng những không kích cầu mà lại tự hạn chế nhu cầu. Các Phật tử ngẫm nghĩ xem chúng ta làm được vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng biết sống thì cũng nuôi sống được bản thân mình và gia đình; trong khi người giàu có kiếm được vài chục triệu đồng một tháng cũng tiêu xài hết, thì cuộc sống của họ cũng chẳng hơn gì mình và mình cũng chẳng kém gì họ, mà so cho cùng tâm hồn chúng ta được thảnh thơi an lạc hơn họ nhiều và chúng ta phát huy được trí giác, đó là kho báu vô giá mà những người sống triền miên với vật chất không bao giờ với tới được.

Và xa hơn, trên bước đường tu thể hiện tinh thần Phật dạy, chúng ta hạn chế nhu cầu để tăng mức cung thì mình được sanh phước. Riêng tôi, thuở còn là du học Tăng ở Nhật Bản; vào thời đó mỗ i sinh viên chỉ được đổi chính thức 150 đô 1a, nhưng các sinh viên nhà giàu xài không đủ, cha mẹ họ phải tìm cách mua thêm Mỹ kim cho con họ tiêu xài. Còn tôi mỗi tháng chỉ tiêu 60 đô la và dành thì giờ đọc sách nghiên cứu, trong khi các sinh viên thuộc gia đình giàu có được cha mẹ cho nhiều tiền thì họ lao vào những thú vui trác táng, không còn thì giờ học, nên cuối năm kết quả học tập rất kém.

Theo tôi, nếu biết sống tiết giảm, dù có ít tiền cũng được thặng dư; còn sống theo tham vọng thì bao nhiêu cũng phung phí hết và càng có nhiều tiền lại càng dễ chơi bời đọa lạc.

Người tu tập giảm việc ăn mặc ở, thể hiện nếp sống thanh đạm, không tranh chấp với người khác và xã hội. Tâm chúng ta được an bình sẽ ảnh hưởng cho người xung quanh cảm thấy nhẹ nhàng, nên họ cũng không tranh chấp với ta, vì ta không hề tranh với họ. Có thể nói tâm an thì xã hội an và sự bình an cao nhất là Niết bàn, nghĩa là tâm an trú trong sự thanh tịnh giải thoát, lòng chúng ta không đặt nặng ở vật chất, nên vật chất ít hay nhiều, chúng ta vẫn an lạc, đó là Niết bàn ngay trong cuộc sống mà kinh điển gọi là hữu dư y Niết bàn.

Xa hơn nữa, Đức Phật chỉ dạy chúng ta tạo dựng một cuộc sống cao thượng để làm nền tảng cho xã hội phát triển theo hướng tốt đẹp trang nghiêm như thế giới Phật gọi là Cực lạc, hay Tịnh độ của chư Phật. Đó chính là mục tiêu mà hàng đệ tử Phật hướng đến cho chính mình, hướng đến cho xã hội và chúng ta hướng dẫn mọi người hiểu được tinh thần Phật dạy để tâm an, trí sáng và mang đến hòa bình cho nhân loại trên trái đất này.  

(̣̣Vi tính: phatphap.wordpress.com)

(Khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 26, tại chùa Phổ Quang ngày 25-5-2008)

 

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: báo Giác Ngộ số 452 & 453

Các tin đã đăng: