PHẦN I: Vài khái niệm và định nghĩa.
Trong đề tài chung "Phật giáo và
tâm linh", trước tiên, cần sơ bộ làm rõ một số khái niệm và định nghĩa.
Tâm linh là gì? Sao không nói một từ quen thuộc hơn là linh hồn, mà các
từ tương đương ở tiếng Anh là Soul và từ tiếng Pháp là ame?
Linh hồn thường được hiểu là nguyên lý
thống nhất của sự sống trong mỗi người chúng ta. Chúng ta tự hỏi, nguyên lý gì
đảm bảo sự sống và sự thống nhất trong cơ thể con người, được cấu tạo bằng
60.000 tỷ tế bào, trong số này 1/120 tức 500 tỷ tế bào bị huỷ diệt và tái sanh
mỗi ngày? Nguyên lý đó phải chăng là linh hồn, hay tâm linh?
Lại thêm một câu hỏi nữa: nguyên lý của
sự sống đó với 60.000 tỷ tế bào cấu tạo nên thân thể con người là một hay là
hai?
Như mọi người đều biết, Descartes, triết
gia Pháp phân biệt minh bạch linh hồn và thân xác vật chất như là hai thực thể
hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng từ Descartes trở đi, đặc biệt là với các ngành y
học, sinh học và tâm lý học cận và hiện đại, hai thực thể linh hồn và thân xác
tương quan chặt chẽ với nhau, đến mức chúng không phải là thống nhất mà
là đồng nhất.
Không tách biệt linh hồn với thân xác
vật chất là một tiến bộ lớn trong nhận thức của con người đối với bản thân
mình.
Goethe, văn hào Đức nổi tiếng, đã nói
một câu thời danh, khẳng định sự đồng nhất đó không những giữa thân xác vật chất
và linh hồn, mà cả giữa nội tâm và ngoại cảnh:
"Tout ce qui est exterieur est
aussi interieur"
Có thể dịch là "Tất cả những gì ở
bên ngoài cũng là ở bên trong" (Xem cuốn "L’ame et la vie". C.
G. Jung.trg 17).
C.G.Jung, là nhà phân tâm học người Thụy
Sỹ, một đồ đệ đồng thời cũng là người kế tục Freud, khi dẫn chứng câu trên của
Goethe, muốn chứng minh là linh hồn không thể nảy sinh từ những yếu tố vật chất
bên ngoài được, mặc dù những yếu tố đó có thể tạo ra cái thân xác vật chất của
con người.
a. Những nhận định của Jung về
linh hồn
Cart Jung, đại biểu nổi tiếng của
ngành tâm lý học được ông mệnh danh là ngành tâm lý học chiều sâu
(psychologie des profondeurs) xác định, linh hồn là một hiện tượng tự nhiên,
trong số các hiện tượng tự nhiên khác…Không có một bệnh nào của thân mà không
có sự tác động của yếu tố tinh thần. Cũng như trong nhiều bệnh rối loạn tinh thần,
cũng có sự tác động của những yếu tố của cái thân vật chất. Thân và tâm
không cách biệt nhau. Cả hai đều cùng một sự sống duy nhất.
Jung phê phán một số các nhà khoa học
phương Tây chỉ thừa nhận các hiện tượng vật chất là có thật, còn các hiện tượng
tinh thần thì họ đánh giá là không thực hay là siêu thực. Jung ca ngợi thái độ
của phương Đông không hẹp hòi như vậy, và khi các nhà minh triết phương Đông đối
diện với những hiện tượng tâm lý như xuất hồn, gọi hồn, nói chuyện với người đã
chết thông qua trung gian, của những người gọi là ông đông bà cốt, thì họ không
có ngạc nhiên như người phương Tây, họ cho rằng, đó là những sự kiện tâm lý đặc
biệt của một số người đặc biệt. Chỉ thế thôi, họ không vội gán cho những sự kiện
những nhãn hiệu như là siêu nhiên, siêu thực v.v…
Jung cho rằng chúng ta chỉ biết được
thế giới trong chừng mực mà cấu trúc sinh vật và tâm lý của chúng ta cho phép.
Tức là có một phần lớn của thế giới và vũ trụ năm ngoài tầm nhận thức và nắm bắt
của chúng ta.
Xử trí những sự kiện và hiện tượng đó
như thế nào, tùy thuộc vào các tôn giáo và các quan điểm triết học khác nhau.
Từ tâm linh, nói chung, có thể được hiểu
theo hai nghĩa.
Nghĩa thứ nhất:
tâm linh chỉ cho cái gì cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm người. Đó là hàm ý
của từ tâm linh, hay linh thiêng. Phật giáo nói chung, ít dùng hay thậm chí
không dùng từ tâm linh. Tôi sở dĩ dùng từ này, một phần vì đó là yêu cầu của
lãnh đạo Cung Văn hóa, e ngại đề tài mà tôi đề nghị "Con người có hay
không có linh hồn. Quan điểm Phật giáo như thế nào?". Có thể họ e ngại vì
từ linh hồn gợi ra một loạt sự việc trong trong những năm gần đây đã rộ lên tại
nhiều nơi ở đất nước ta, như gọi hồn, xuất hồn,nói chuyện với người đã chết
v.v..Những sự việc đó tuy là có thật, hay là có một phần sự thật nhưng rất khó
giải thích về mặt khoa học một cách thỏa đáng, cho nên thà đừng đụng chạm đến
thì hơn.
Tôi chấp nhận ý kiến của Ban lãnh đạo
Cung Văn hóa, vì hai lẽ: Thứ nhất là vì những sự việc trên chỉ quan hệ tới một
số ít người trong xã hội, mà đạo Phật thì quan tâm đến số đông. Đức Phật từng
nói là Ngài xuất hiện là vì hạnh phúc của số đông Chư
thiên và loài người.
Thứ hai,là
vì mục đích của đạo Phật là chỉ bày cho con người nói riêng và chúng sinh nói
chung con đường giác ngộ và giải thoát, con đường đoạn trừ khổ đau, thành tựu
được hạnh phúc và an lạc ở đời này và đời sau. Trong Kinh Di Giáo ghi lại lời
Phật trước khi nhập Niết Bàn, có lời khuyên các đệ tử mình không nên xem tướng
số, làm các chuyện dị lạ v.v…
Hơn nữa, đối với đạo Phật, sự sống là
bất diệt,tuy rằng theo nghiệp tạo ra mà có nhiều cõi sống khác nhau. Thế giới
con người đang sống được sách Phật gọi là Ngũ thú tạp cư địa, nghĩa là nơi
ở xem lẫn của 5 cõi chúng sanh, tức là cõi người, cõi A tu la, cõi
súc sanh, cõi quỷ đói và cõi địa ngục. Trong bốn cõi A tu la, địa ngục, quỷ đói
và súc sanh, mắt người chỉ có thể nhìn thấy và tiếp xúc được với một phần cõi
súc sanh mà thôi. Còn chúng sanh ba cõi kia, thì họ không thấy chúng ta mà
chúng ta cũng không thấy họ.
Ngoài ra,còn có các loài Trời là một
loại chúng sanh cao cấp hơn loài người rất nhiều. Vì những nhân duyên đặc biệt,
họ có thể đến với cõi người, nhưng đó là trường hợp hạn hữu,vì điều kiện không
gian và thời gian giữa cõi người và các cõi Trời khác nhau rất nhiều. Một ví dụ,
cõi Trời Tứ Thiên Vương là cõi Trời thấp nhất trong các cõi Trời, thì một ngày
đêm ở xứ họ đã bằng 100 năm ở cõi người chúng ta rồi.
Vì vậy, nếu chúng ta có yêu cầu họ đến
thăm viếng chúng ta ở cõi người, thì chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Thật ra, những chuyện gọi hồn, xuất hồn
không có gì là mới mẻ. Ở phương Tây, có một thời đã rộ lên phong trào gọi là spiritualism,
có thể gọi là thuật chiêu hồn hay gọi hồn, ngang qua một người
trung gian gọi là medium. Theo quan điểm Phật giáo, sự sống là bất diệt, sống
và chết chỉ là hai mặt, hai phương diện của một nguồn sống vô tận. Do đó, khi
chúng ta nói "Người chết nói chuyện hay giao tiếp với người sống" là
không đúng. Mà phải nói "Người sống ở một cõi sống khác giao tiếp và nói
chuyện với chúng ta là người ở cõi sống này".
Do tầm hiểu biết của con người hạn hẹp,
chúng ta chỉ biết được có cõi sống loài người và một phần của cõi sống các loài
động vật mà thôi.
Có những cõi sống ở xen kẽ với cõi sống
người, nhưng chúng ta không biết, hay là chỉ tiếp xúc được một ngẫu nhiên trong
trường hợp đặc biệt.
b.Từ linh thiêng trong tâm linh có hàm
ý gì đối với các tôn giáo thần quyền?
Phải chăng từ tâm linh có nguồn gốc ở
các tôn giáo thần quyền, với truyền thuyết Thượng Đế tạo ra con người đầu tiên
là Adam bằng đất sét, rồi thổi vào con người đất sét hơi thở của Ngài, và hơi
thở đó chính là linh hồn, là cái thiêng liêng, cái bất tử ở trong con người.
Linh hồn ở trong con người sở dĩ linh
thiêng và bất tử, chính là nó được Thượng Đế tạo ra với hơi thở của Ngài. Do
đó, theo tôn giáo thần quyền, thân người thì có sanh có diệt, có sống có chết
nhưng linh hồn thì sống mãi, bất tử vì làlinh thiêng và là ân huệ của Chúa ban.
Đấy là lý do vì sao một câu chuyện xưa
về sáng thế đã hình dung Thượng Đế như là người thợ gốm thổi hơi thở sống vào
con người bằng đất sét vừa được tạo ra (Sách Sáng thế Genesis 2,7. chuyển dẫn từ
cuốn Từ điển các tôn giáo. Tập I trg 34).
Câu chuyện này giải thích vì sao con
người đầu tiên, theo đạo Thiên Chúa có tên là Adam, có gốc ở từ adamah,
nghĩa là đất. Con người được tạo ra bởi Thượng Đế và theo hình ảnh của Thượng Đế.
Từ tâm linh có thể có nguồn gốc ở đây
chăng?
PHẦN II: Con người hiện đại và nhu cầu
của cuộc sống tâm linh.
Con người hiện đại là một con người đầy
mâu thuẫn. Do kinh tế phát triển, đặc biệt là ở các nước phương Tây, con người
hiện đại trở thành giàu có,rất giàu có. Anh ta có TV, tủ lạnh, xe hơi, xe máy
v.v.. nhà cửa đàng hoàng. Thế nhưng, trái ngược với đời sống vật chất đầy tiện
nghi ở bên ngoài, đời sống nội tâm của anh ta rất là nghèo nàn. Một đời
sống nội tâm ngày càng trống vắng, mà anh ta tìm mọi cách lấp đầy, nhưng không
thể. Không khác gì, đã khát nước mà lại ăn mặn. Đấy là lý do của sự bùng nổ
công nghiệp giải trí trong các nước, đặc biệt là những nước phát triển cao. Đây
cũng là lý do dẫn tới những tệ nạn xã hội, tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Ma túy,
mãi dâm kể cả mãi dâm trẻ em v.v…rất thịnh hành ở các nước giàu có, những nơi
con người có tất cả, chỉ trừ không có hạnh phúc, và đời sống nội tâm trống vắng,
nghèo nàn. Đó là mâu thuẫn thứ nhất, đang làm cuộc sống của con người hiện đại
rối bời, không còn có ý nghĩa gì nữa. Hưởng thụ cũng là một thứ giải trí. Con
người hiện đại là con người hưởng thụ.
"Tôi không cần biết tôi bản thân
là ai nữa, vì luôn luôn tôi bận hưởng thụ" Erich Fromm đã viết như vậy về
con người hiện đại, trong bài "Điều kiện con người hiện nay" (The
present Human condition) (1).
Con người hiện đại chỉ là cái máy hưởng
thụ. Con người hiện đại biến thành con người máy. Đúng là con người máy không
có nổi loạn, nhưng "nó sẽ trở thành những con quỷ, nó sẽ tiêu diệt thế giới
của nó và bản thân nó, vì không thể chịu đựng hơn nữa sự buồn chán của một cuộc
sống vô nghĩa". Erich Fromm đã viết tiếp như vậy về tương lai của xã hội
hiện đại và con người hiện đại. (Xem "The present Human condition",
trg 77).
Và đây là mâu thuẫn thứ hai của
con người hiện đại, một xã hội trong đó, máy móc làm việc thay người. Nhưng bản
thân con người lại biến thành một cái máy, thường là bị chi phối bởi những dục
vọng thấp hèn nhất của con người. Con người máy thật đáng sợ,vì nhàm chán cùng
cực cuộc đời vô nghĩa, có những người chọn lối sống như súc vật!
(1) I have no need to be aware of
myself as myself because I am constantly absorbed with consuming. (Câu chữ Anh
của Fromm đánh giá con người hiện đại. (Xem: Varieties of morden social theory
–Mruitenbeek –The present human condition. Trg 96-97).
" Con người chọn lối sống như súc
vật là để tránh nổi đau khổ làm người". Bác sĩ Samuel Johnson đã trả lời
như vậy, khi được hỏi " Vì sao lại có những con người sống như súc vật?"
(Xem Buddhism and Money–David Leloy. Trang 298–Buddhist Ethics and society).
Còn sau đây là mâu thuẫn thứ ba
của con người hiện đại. Con người hiện đại biết nhiều thứ, và hiểu biết nhanh
chóng với tốc độ điên tử. Biết nhiều và nhanh chóng đến mức không kịp lựa chọn
và tiêu hóa những thông tin dồn dập tới với mình.
Biết nhiều như vậy, nhưng cái cần thiết
thì lại không biết: Con người hiện đại không biết chung sống hòa bình với nhau,
không biết tôn trọng những tín ngưỡng khác mình, những lý tưởng sống khác với
mình, không chịu đựng nổi những phong tục tập quán khác với phong tục tập quán
của mình. Tình hình này dẫn tới những xung đột tôn giáo và sắc tộc triền miên,
dẫn tới một phong trào di tản quy mô chưa từng thấy trong lịch sử. Hiện nay,
theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc đã có tới gần 9 triệu người di tản, và
con số này không ngừng tăng lên hằng năm.
Con người hiện đại bị xâu xé bởi ba
mâu thuẫn trên đây là con người hiện đại đích thực, trên ngay nước Mỹ, được xem
là đất nước hiện đại điển hình. Phần lớn các tài liệu thu thập được về tâm lý
con người Mỹ hiện đại là của các nhà xã hội học Mỹ có tiếng tăm, như Erich
Fromm, David Leloy. Điều lạ là đối với bao nhiêu người trên thế giới, trong đó
có người Việt Nam chúng ta, Mỹ lại là vùng đất hứa!
Theo nhiều tư liệu đáng tin cậy,người
Mỹ đang cố gắng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng "tâm linh" hiện tại bằng
cách khuyến khích phát triển môn tâm lý học và trở về với những giá trị của tôn
giáo và triết thuyết phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Một chứng minh là các thiền sư Tây Tạng
rất được hoan nghênh ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Nhiều trung tâm Thiền
Tây Tạng mọc lên khắp nơi ở Mỹ, Pháp, Anh, Ý và Đức.
Còn ở nước Việt Nam chúng ta thì thế
nào?
Nói chung, cho tới nay, chúng ta chưa
biết tranh thủ lợi thế cơ bản của chúng ta là một nước Á Đông, có vị trí địa lý
nằm giữa hai trung tâm văn hóa của thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc,lại cũng thừa
hưởng được di sản văn hóa của trung tâm văn hóa thế giới thứ ba là Hy Lạp và Cận
Đông, thông qua môi giới của Pháp và nước Liên Xô cũ.
Tất cả vấn đề là khai thác và phát huy
cái di sản văn hóa đó của chúng ta, một di sản văn hóa thật là phong phú và đa
dạng, hơn nữa, trong một quá trình hội nhập lâu dài vào đất nước ta, đã biến
thành bộ phận cấu thành bất khả phân, thành xương và máu thịt của nền văn hóa bản
địa Việt Nam. Bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là một đúc kết tuyệt vời của
di sản văn hóa đó.
Nhưng chúng ta không dừng lại ở tư tưởng
Hồ Chí Minh như là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền lại cho chúng ta. Nhiệm vụ của
con cháu và thế hệ học trò Hồ Chí Minh là tiếp tục phát triển tư tưởng Hồ Chí
Minh lên một trình độ mới, một tầm vóc mới, cập nhật với thời đại mới, đáp ứng
những nhu cầu mới, mà trước kia chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng đối diện. Thí dụ,
rất có thể, để đối trị khả năng thoái hóa của cán bộ và nhân dân, trước sự tràn
nhập của văn minh vật chất phương Tây, chúng ta có thể khai thác nhiều hơn nữa
những giá trị tâm linh của các tôn giáo và triết thuyết phương Đông, đặc biệt
là Phật giáo và triết thuyết của nó.
Với bài nói chuyện "Phật giáo và
tâm linh", tôi sẽ giải thích vì sao con người Việt Nam hiện đại, có thể dựa
vào đạo Phật, những giá trị tâm linh của đạo Phật, để giữ vững bản chất nhân bản
của mình, tránh không bị tha hóa, đồng thời cũng để giữ vững bản sắc truyền thống
văn hóa của dân tộc mình.
Đấy là những gì tôi sẽ nói trong phần
ba: "Phật giáo và con người lý tưởng " và phần bốn " Con
đường thực tế để thành tựu con người lý tưởng của Phật giáo".
III. Phật giáo và con người lý tưởng
a.Tâm linh trong tôn giáo thần quyền
chính là Phật tánh theo quan điểm Phật giáo.
Đạo Phật đề cao con người, tôn vinh
con người ngang hàng với Phật, là bậc toàn thiện và toàn giác, bởi lẽ con người
nào cũng có Phật tánh, tức là tiềm năng thành Phật.
Trong các kinh điển Đại Thừa, con người
được định nghĩa như là vị Phật sẽ thành, còn Phật Thích Ca cũng như các vị Phật
khác trong quá khứ đều là những vị Phật đã thành.
Tôi thấy không cần trích dẫn đâu xa
các kinh sách Phật ở Ấn Độ hay Tây Tạng. Vua Trần Nhân Tông, sau khi xuất gia đã
trở thành sơ Tổ của phái Thiền Trúc Lâm, đã viết những câu đầy khích lệ như
sau, trong bài phú Nôm: "Cư trần lạc đạo":
"Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt,
Chỉn mới hay chính Bụt là ta."
Tất nhiên, đây là một khẳng định có
tính siêu nghiệm, bởi lẽ, trong xã hội hiện thực, thì những con người hiện thực
còn đầy rẫy tham, sân, si và tạo bao nhiêu nghiệp ác.
Nhưng dù sao, một tuyên bố như thế,
phát ra từ một Thiền sư lỗi lạc, đã từng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến oanh liệt
và thành công của quân dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông, một tuyên
bố như thế đã khích lệ hàng vạn, hàng triệu Phật tử Việt Nam, vượt lên trên những
ham muốn thế tục tầm thường, phấn đấu không ngừng để thành tựu lý tưởng cao cả
nhất, thành Phật.
Xã hội tốt đẹp lên nhờ có những con
người có niềm tin như thế. Chân giá trị của Phật giáo nói riêng và các tôn giáo
nói chung là nó hướng con người vươn tới cái toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ,
mà biểu tượng nhân cách hóa chính là Đức Phật cũng như các giáo chủ của các tôn
giáo thế giới khác. Mà không riêng gì các tôn giáo, các tư tưởng gia lớn trên
thế giới, tuy có thể không tin theo một tôn giáo nào nhưng lại tin tưởng ở vai
trò siêu việt của con người trong vũ trụ.
Pascal, triết gia Pháp nổi tiếng ở thế
kỷ XVIII nói: "Người chỉ là cây lau sậy, nhưng là cây lau sậy biết tư
duy"
Khả năng tư duy của con người khiến
cho con người sống và xử sự như là một chủ thể năng động, có tư duy, có sáng tạo
chứ không không thể như một đối tượng chỉ bị sai khiến và chi phối.
Nhà duy vật Các Mác tuy phủ định không
có Thượng Đế, nhưng lại khẳng định và đề cao những giá trị nhân bản bình đẳng
và tự do của con người. Ông kêu gọi phát huy "cái nhân bản chủ yếu nhất"
(The essentiellement humain dans l’homme), ở trong con người.
Ở Ấn Độ, tập Đại sử thi Mahabharata,
biểu hiện tinh thần tiến bộ của Ấn Độ giáo, có lời khẳng định như sau:
"Này, ta bảo cho ngươi biết bí mật
của Brahman,
Là không có gì cao quý hơn con người"
(I tell you this, the secret of
Brahman,
there is nothing higher than man)
(Chuyển từ cuốn "The concept of
man" của Radhakrishman. Trg 9)
Đạo Jain ở Ấn Độ, tuy tuyên bố là có
Thượng Đế, nhưng các tư tưởng gia của đạo lại khẳng định "Thượng Đế chỉ là
sự biểu hiện cao nhất, thánh thiện nhất và đầy đủ nhất những tiềm năng vốn có
trong con người" (Sách đã dẫn. Trg 9)
Nếu những điều đạo Phật, đạo Jain, Ấn
Độ giáo, các tư tưởng gia như Pascal và của Các Mác về bản chất cao quý của con
người là đúng, thì một cách lôgíc và tất yếu, cơ chế tổ chức tối ưu của Nhà nước
và xã hội phải là đảm bảo cho tất cả thành viên trong xã hội những điều kiện tốt
nhất có thể để phát triển tối đa mọi khả năng của mình. Cơ chế tối ưu đó là một
cơ chế dân chủ và tự do.
b. Tác dụng nhiều mặt của cái nhìn
lý tưởng: Người vốn là Phật.
Tất nhiên, cái nhìn của Trần Nhân Tông
đối với con người là một cái nhìn lý tưởng, một niềm tin hơn là một nhân thức
thực tế. Nhưng tuy là một cái nhìn lý tưởng, là một niềm tin, nhưng niềm tin đó
có tác dụng lớn lắm, một khi nó lôi cuốn được nhiều người chấp nhận nó làm lý
tưởng của đời mình:
1/Một là, chúng ta có cái nhìn bình
đẳng đối với mọi người, bởi lẽ mọi người, không kể là sang trọng hay nghèo
hèn, có trí thức hay vô học đều xứng đáng được kính trọng, vì tất cả đều có Phật
tánh, đều là những vị Phật Tương lai.
2/Hai là, chúng ta có cái nhìn
khiêm tốn đối với tự thân chúng ta. Vì sao? Vì lý tưởng thành Phật thì xa vời
vợi, mà con người thật của chúng ta thì quá thấp kém, do đó mà, dù đã hay đang
làm được gì, chúng ta đều thấy chưa đủ, không có gì tự hào và tự mãn.
3/Ba là, bản thân chúng ta phải cố
gắng không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi, để dần dần rút ngắn khoảng cách
giữa chúng ta là con người hiện thực và lý tưởng thành Phật.
4/Bốn là, do cốt lõi của toàn bộ công
phu tu hành là biện tâm, tìm hiểu tâm, cải tạo tâm, cho nên cuộc sống nội
tâm của người Phật tử ngày càng phong phú, cao quý, nó giúp cho con người vượt
cao lên trên những ham muốn thế tục tầm thường của người đời, như ham tiền, ham
danh lợi, ham quyền lực v.v…Một con người như thế, một cán bộ như thế thì đồng
tiền không cám dỗ được, quyền uy không khuất phục được, anh ta sẽ toàn tâm toàn
ý phục vụ dân tộc, đất nước và con người. Các tệ nạn xã hội đặc biệt là tham
nhũng không thể bén gót anh ta được.
Trên đây là trường hợp của Phật giáo.
Chúng ta cũng có thể nói như vậy với các tôn giáo lớn khác. Một ví dụ điển hình
là dân tộc Do Thái. Vì dân tộc Do Thái tin rằng họ là dân tộc được Thượng Đế lựa
chọn (The chosen people), nên họ rất ít phạm các tội hình sự, chứ đừng nói gì
phạm những tội hình sự nặng như giết người, hiếp dâm, cướp của.
PHẦN IV: Con đường thực tế thành tựu
lý tưởng của Phật giáo.
Như chúng ta đều biết, con người lý tưởng
đó chính là Phật, bậc toàn giác và toàn năng. Khác với các tôn giáo thần quyền,
đạo Phật không đòi hỏi tín đồ chỉ một chiều sùng bái Phật và cầu Phật gia hộ,
mà yêu cầu tín đồ phải phấn đấu để trở thành Phật. Và như vua Trần Nhân Tông, vị
Thiền sư lỗi lạc đời Trần, đã chỉ rõ, con người có thể thành Phật, vì con người
vốn là Phật, nhưng chỉ tại mình quên mất gốc mình là Phật cho nên mới đi tìm Phật
ở đâu đâu, trong chùa hay là trên núi. Chân lý này không những từ miệng Thiền
sư Trần Nhân Tông nói ra, mà người bình thường cũng nói, và nói rất là hình ảnh:
"Phật ở trong nhà đi cầu Thích
Ca ở ngoài đường!"
Chỉ cần giải thích thêm một chút, câu
trên sẽ đủ nghĩa. Phật ở trong nhà nghĩa là Phật ở trong tâm mình, Phật
chính là bản thân mình, nhưng bản thân mình lại không biết. Do đó, toàn bộ
phương pháp tu hành của đạo Phật chỉ là một sự trở về, trở về với cái Ta
thật của mình là Phật, trở về với cái tâm chân thật của mình là chân tâm, là
cái tâm vốn giác ngộ và giải thoát.
a) Tâm lặng mà biết thì đó là ông Phật
thật.
Con đường trở về đó như thế nào, thì
Quốc sư Viên Chứng đã nói như sau với vua Trần Thái Tông, khi ông vua này muốn
bỏ ngôi vua để lên núi Yên Tử xuất gia:
Quốc sư Viên Chứng nói: "Sơn bản
vô Phật. Duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị vi chân Phật". Nghĩa là:
"Trong núi vốn không có Phật. Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết,
thì đó là ông Phật thật"
Mấu chốt của toàn bộ sự nghiệp tu hành
chỉ là làm cho tâm bình lặng. Nhưng vấn đề là làm thế nào để cho tâm bình lặng?
Nhưng chúng ta điều biết, tâm của người
bình thường rất động. Vì vậy mà có những ảnh dụ quen thuộc: Tâm viên, ý
mã nghĩa là tâm như con vượn, ý như con ngựa.
Trong kinh Pháp Cú, ở các bài kệ 33,
34, 35, 36 đều có những câu nói lên tình trạng rất động của tâm như sau:
Kệ 33
"Tâm hoảng hốt, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,.."
Kệ 34
"Như cá quănglên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới,
Tâm này vùng vẫy mạnh,.."
Kệ 36
"Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng…"
Trong các bài kệ trên, Đức Phật đã
dùng những hình ảnh rất gây ấn tượng để nói cái tâm vùng vẫy mạnh, như con cá từ
ở trong nước bị quăng lên bờ, nói cái tâm khó thấy, tế nhị chạy quay cuồng theo
dục vọng.
Tuy nhiên, cũng trong các bài kệ trên,
Đức Phật cũng khẳng định khả năng của con người có thể cải tạo tâm, phòng
hộ tâm, điều phục tâm:
"…Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên làm làm tên." (Kệ 33)
Tuy rằng,
"Tâm khó nắm giữ, kinh động,
Theo các dục quay cuồng,
Lành thay điều phục tâm;…"
Tâm điều, an lạc đến." (Kệ 35)
"…Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến." (Kệ 36)
Tinh thần và lời văn các bài kệ trên
đây cho thấy, mặc dù tâm người dao động mạnh như thế, nhưng người có trí vẫn
phòng hộ tâm được, điều phục tâm được, và nhờ sự phòng hộ và điều phục tâm
thành công mà đem lại cho tâm sự an lạc, hạnh phúc.
Vậy thì phòng hộ tâm và điều phục tâm
như thế nào? Kinh sách Phật thường khuyên:
"Chánh niệm tỉnh giác"
Chánh niệm là suy nghĩ và nhớ đúng đắn,
nhớ điều phải, điều lành. Tỉnh giác là tỉnh táo. Tỉnh giác và tỉnh táo có nghĩa
là không được sống mơ hồ hay mơ màng, đầu óc phải luôn tỉnh táo. Còn các thiền
sư Tây Tạng, trong bài thuyết pháp cho người phương Tây, thường dùng một lời
khuyên rất có hình ảnh: Đưa tâm về nhà.
b)Đưa tâm trở về nhà
Một phương pháp để làm cho tâm bình lặng,
theo các thiền sư Tây Tạng hiện đang giảng Phật pháp ở các nước phương Tây là:
"Đưa tâm về nhà"
Câu "Đưa tâm về nhà" của các
thiền sư Tây Tạng có hai nghĩa:
Một là,
tâm người không chịu ở yên trong hiện tại mà hay nghĩ vơ vẫn vào các chuyện đã
xảy ra trong quá khứ, hay các chuyện tương lai chưa xảy ra mà mình mơ ước. Đạo
Phật cho rằng, nghĩ vơ vẩn như vậy là không thực tế, chỉ mất thời giờ và năng
lượng một cách vô ích.
Hai là,
tâm luôn luôn hiện hữu khi chúng ta làm bất cứ một điều gì. Khi nhìn, thì không
phải chỉ nhìn bằng mắt, mà phải bằng cả cái tâm của mình nữa. Khi nói, không phải
chỉ nói bằng mồm, bằng miệng mà còn nói bằng tâm của mình nữa. Thậm chí khi suy
nghĩ, cũng phải có ý thức rõ mình đang suy nghĩ gì.
Qua kinh nghiệm mọi người đều biết là,
nếu nhìn bằng mắt mà tâm để đâu đâu thì không thể nhìn rõ. Phải thấy bằng mắt
và bằng cả cái tâm của mình nữa, thì mới thấy rõ. Có thể đoán, một phần lớn các
tai nạn giao thông xảy ra, là do không phải người lái xe mắt kém, mà chỉ là do
một phút đãng trí, tâm để đâu đâu.
Ông Khổng tử tuy không phải là một Phật
tử, nhưng cũng đã nói: "Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất
văn, thực nhi bất tri kỳ vị"
Nghĩa là: "Nếu tâm không có ở đó,
thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không biết mùi vị".
Cái tâm thức đó, sách Phật gọi là ý
thức hay thức thứ sáu. Nếu tâm thức này mà không sanh khởi và hoạt động
cùng với năm cảm quan đầu, thì nhận thức của năm cảm quan, như mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân sẽ không được minh bạch rõ ràng. Kinh nghiệm này ai cũng biết nhưng
đáng tiếc là không chú ý áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, trong mọi công việc.
Người lái xe bị phạt nếu say rượu trong khi lái xe, nhưng có ai phạt ông giám đốc
bàn công việc làm ăn trên bàn tiệc, vừa uống rượu vừa quyết định những công việc
nhiều khi đáng giá hàng trăm triệu.
c)Tâm luôn luôn nghĩ thiện, nhờ
đó mà lời nói và hành vi đều thiện lành.
Có gì làm cho tâm chúng ta bức xúc, hối
hận nhất bằng những ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện, hại người, hại vật?
cũng không gì làm cho tâm chúng ta bất an bằng những ham muốn không thỏa mãn?
Vì vậy, mà một phương pháp cơ bản để
giữ cho tâm bình lặng là không làm điều ác, không hại người đồng thời cũng
không ham muốn nhiều và biết đủ.
Do vậy, đạo Phật cho ràꮧ, sống đạo đức,
giữ đúng giới luật là điều kiện để thành tựu định tâm, đảm bảo cho tâm được
bình lặng. Hơn nữa, theo đúng luật nhân quả nghiệp báo, kẻ làm điều ác mà không
biết hối cải thì nhất định sẽ rước lấy quả báo ác và đau khổ. Nhưng cái gì thúc
đẩy chúng ta nói điều ác và làm điều ác? Đó chính là tâm chúng ta. Trái lại,
khi chúng ta nói lời thiện và làm điều thiện, thì cũng đều do tâm chúng ta nghĩ
thiện.
Kinh Pháp Cú, hai bài kệ số 42 và 43,
đều rất có ý nghĩa trong việc nêu bật vai trò của tâm trong hành vi thiện ác:
Kệ 42:
"Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân".
Kệ 43:
"Điều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được,
Tâm hướng thiện làm được,
Làm được còn tốt hơn".
Nói tóm lại, tâm của ta có thể là kẻ
thù của chúng ta, nếu chúng ta không biết tu tập tâm, mặc cho tâm nghĩ ác, nghĩ
bậy. Cũng một cái tâm ấy, nếu được tu tập, luôn luôn nghĩ thiện nghĩ lành thì
chính tâm ấy là bạn của ta.
d)Tâm thiện chưa đủ, phải đạt tới
cái tâm vô trú, tâm vô niệm.
Có tâm thuần thiện, không bao giờ nghĩ
tà, nghĩ bậy là chuyện rất tốt rồi, nhưng vẫn chưa đủ. Vì nghĩ thiện, làm điều
thiện chỉ giúp cho chúng ta tránh không tái sanh vào cõi ác, như cõi địa ngục,
cõi quỷ đói, cõi súc sanh, được tái sanh vào các cõi lành, như cõi người và cõi
loài Trời. Nghĩa là, con người thiện vẫn luân hồi, nhưng chỉ luân hồi trong các
cõi lành.
Thế nhưng mục đích cứu kính của đạo Phật
là siêu việt lên trên thiện và ác, đạt tới lý tưởng giác ngộ và giải thoát, đạt
tới cảnh giới toàn giác như Đức Phật vậy.
Phương pháp định tâm, cũng gọi là
phương pháp Thiền, nếu thực hành kiên trì, đúng pháp thì sẽ giúp chúng ta đạt tới
chỗ tâm hoàn toàn không còn vướng mắc, chưa được giải thoát.
Kinh Kim Cang, một Kinh Đại Thừa nổi
tiếng có câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm…"
Nghĩa là tâm vị Bồ Tát tuy đối diện với
sắc, với thanh, hương, vị, xúc tức là với mọi cảnh trần bên ngoài, nhưng không
chấp thủ, không vướng mắc, thật sự xả, và giải thoát. Cái tâm vô trú và không
chấp thủ đó, có sách gọi là cái tâm vô niệm, các tâm dứt bỏ các niệm,
các ý nghĩ, cái tâm hoàn toàn bình lặng và thanh tịnh, lâu dài và ổn định, thì
có thể nói đó là một bước tiến bộ rất lớn trên con đường tu tập để thành tựu
con người lý tưởng, tức là thành Phật.
e)Điều hòa hơi thở,
theo giỏi hơi thở, là phương pháp điều phục tâm rất hữu hiệu.
Phương pháp giản dị này được Phật
Thích Ca dạy cho các đệ tử trong những bày kinh nổi tiếng, hiện nay đang lưu
hành ở các nước châu Á, cũng như ở các nước Âu-Mỹ, như các bày Kinh "Đại
niệm xứ" (Trường bộ) và "Niệm hơi thở vô, hơi thở ra" (Trung bộ).
Hơi thở tuy là một hiện tượng sinh lý,
nhưng lại rất quan hệ đến tâm thức, và ngược lại cũng vậy. Khi ngồi thiền,
chúng ta chỉ cần điều hòa hơi thở, theo giỏi hơi thở ra vào một vài phút, tâm
chúng ta sẽ trở nên bình lặng. Ngay những người mới học hành thiền cũng đều cảm
nhận điều này. Vấn đề là kiên trì. Nếu kiên trì, thì tiến bộ đạt được sẽ rất dễ
thấy, rất đáng khích lệ.
Trên đây là một số phương pháp, được
ghi trong sách và bản thân tôi cũng hằng ngày thực nghiệm, và thấy có kết quả.