Khi người lãnh đạo là Phật tử
Tâm Hòa
20/08/2011 09:35 (GMT+7)


Đạo Phật vốn dĩ không phải là đạo của riêng ai hay của riêng một giai tầng, tổ chức, xã hội, quốc gia nào. Đạo Phật là đạo của tất cả chúng sinh, là đạo của những ai muốn hướng đến thánh thiện cao thượng, đạo của những ai có chí nguyện diệt tận khổ đau tìm ra chân hạnh phúc, là đạo của những ai biết tự hoàn thiện chính mình và làm lợi lạc cho người khác.
 
Đạo Phật cũng không hề phân biệt đối xử, cấm đoán hay chối bỏ bất kỳ một chúng sinh nào, khi mà chúng sinh đó hướng tâm, có lòng quay về nương tựa và phát nguyện thực hành theo giáo pháp của Phật. Vì lẽ đó trong giáo đoàn của Đức Thế Tôn có đầy đủ các thành phần, từ người cũng đinh mạt hạng sống bên lề xã hội, cho đến kẻ giàu sang phú quý, xuất thân từ các giai cấp được cho là cao quý. Bởi lẽ, Ngài chủ trương rằng “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”.
 
Ngài dạy rằng “Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội chỉ là những hàng rào nhân tạo do xã hội dựng ra.” Việc sắp xếp thứ bậc của loài người, theo lời Ngài, chỉ có thể dựa trên phẩm chất giới hạnh của họ mà thôi. Lời dạy đó được xem như là chân lý mà giá trị của nó vẫn tồn tại cho đến bây giờ.
 
Ngày nay đạo Phật đã phát triển sâu rộng, giáo lý của đạo Phật được một số quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ nghiên cứu áp dụng vào trong các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.v.v… tùy theo đặc trưng của từng quốc gia, từng dân tộc. Điển hình là ở những quốc gia Tây phương nơi mà nhiều thế hệ trước đây danh từ “Phật” chưa một ai được biết đến.
 
Trong xu hướng đó, không ít những người lãnh đạo các quốc gia, những doanh nhân, nhân sỹ trí thức có tầm ảnh hưởng lớn đã và đang thực hành giáo pháp của Đức Phật. Họ là những người tiên phong, dám vượt qua rào cản định kiến của xã hội, của những học thuyết giáo điều cổ hủ, để chọn và đi theo lý tưởng cao đẹp của chính mình.
 
Thế nhưng vẫn còn rất nhiều người đang phân vân không biết sẽ như thế nào, sẽ ra sao nếu mình trở thành Phật tử, trong khi vai trò của mình là một người Cán bộ!
 
Trước hết chúng ta nên tìm hiểu thế nào là Cán bộ?
 
Cán bộ được định nghĩa theo lối bình dân, dễ hiểu là “đầy tớ trung thành của nhân dân”. Người Cán bộ lo trước cái lo của nhân dân, vui sau cái vui của nhân dân.
Vậy Cán bộ phải có đức tính như thế nào?
 
Cần, Kiệm, Liêm, Chính là đạo đức căn bản của người Cán bộ
 
(1) Cần - Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.
 
(2) Kiệm - Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều.
 
(3) Liêm - Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu
 
(4) Chính - Mình và người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh.
 
Đời sống mới,
Ngày 20-3-1947, sđd, t.5, tr.104-105.
 
Tiếp theo chúng ta cũng nên tìm hiểu thế nào là Phật tử?
 
Người Phật tử đúng nghĩa là người có tham dự và nhận lễ truyền thọ Tam Quy là Quy y Phật, Quy Y Pháp và Quy Y Tăng, gọi là Quy Y Tam Bảo, nhận Tam Bảo là Thầy. Sau lễ quy y, người Phật tử được thầy truyền thọ Tam Quy đặt cho một pháp danh_danh xưng trong Đạo Phật. Pháp danh này là biểu tượng chính thức của người Phật tử, nói lên sự chấp nhận nương tựa vào Tam Bảo về mặt tinh thần.
 
Đức tính của người Phật tử gồm những gì?
 
Đức tính của người Phật tử được hình thành dựa trên năm giới nguyện đã thọ nhận sau khi Quy Y Tam Bảo. Gì là năm:
(1) Không sát sinh
(2) Không trộm cắp
(3) Không tà dâm
(4) Không nói dối
(5) Không uống rượu, hoặc các chất gây say.
 
Như vậy, ở góc độ nào đó, giữa đạo đức của người Cán bộ, và người Phật tử có vài điểm tương đồng. Tuy nhiên, đạo đức của người Cán bộ chỉ phù hợp trong phạm trù đạo đức của một tổ chức, nếu đem áp dụng rộng rãi thì cần phải có sự điểu chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ, nếu anh làm việc trong tổ chức đó, thì anh còn phải tuân thủ theo nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức mà tổ chức đó đề ra, còn một khi anh không phải là người của tổ chức đó nữa, thì những chuẩn mực trên không có giá trị gì đối với anh.
 
Còn đạo đức của người Phật tử là phạm trù có tính chất bao quát, tuy gói gọn trong năm điều nhưng ý nghĩ của nó vô cùng sâu xa và có thể áp dụng rộng rãi ở khắp mọi nơi, mọi giới trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ: nếu anh là Phật tử, thì năm điều kể trên dĩ nhiên là anh phải thực hành theo, nhưng đối với người không phải là Phật tử cũng có thể thực hành được nếu anh thấy phù hợp và có lợi ích cho bản thân anh. Bởi vì năm điều này phù hợp với giá trị đạo đức của tất cả mọi người, mà theo Nho gia đó là “nhân lễ nghĩa trí tín” hay còn gọi là Ngũ thường. Tuy nhiên nếu phân tích thì ngay cả Ngũ thường của Nho gia cũng không thể nào so sánh được với 5 điều răn của Phật tử. Ví dụ: “nhân” của Nho gia chỉ nói là không được giết người, còn trong đạo Phật “cấm sát sinh” tức là trên từ con người cho đến các loài côn trùng cũng không được phép cố ý giết, bảo người khác giết hay là thấy nghe người khác giết mà vui mừng theo. Chỉ một điều đó thôi cũng cho thấy rằng giá trị đạo đức của Phật giáo mà điển hình là người Phật tử chân chính thì những phạm trù đạo đức khác không thể so lường được.
 
Thế nhưng nếu người Cán bộ, biết kết hợp khéo léo giữa 2 phạm trù đạo đức kể trên, thì không những thăng hoa trong công việc mà ngay cả trong đời sống tâm linh cũng sẽ có tiến triển tốt.
 
Ở đây, đời sống tâm linh chính là nhận thức của người Cán bộ trong tất cả mọi vấn đề. Trong tác phẩm “Một giọt logic” Đại luận sư Pháp Xứng đã viết trong phần mở đầu như sau: “ nhận thức đúng đắn mở đầu cho mọi thành công”. Nhận thức đúng đắn chính là cái tâm của người Cán bộ, mà chỉ khi nào người Cán bộ trở thành người Phật tử thì giá trị và tầm quan trọng của cái tâm mới được phát huy tối đa. Vì sao? Vì Người Cán bộ vẫn còn vướng mắc vào “nhân_ ngã” còn bị kiêu mạn, tham sân si chi phối, và họ không có phương pháp thanh lọc thân tâm một khi vấp phải trở ngại trong cuộc sống. Họ sẵn sàng vì quyền lợi bất chính của cá nhân của tập thể mà làm tổn hại đến lợi ích của người khác hay của tập thể khác. Mặt khác khi người Cán bộ không phải là Phật tử, họ không thể tin và nhận ra được sự chi phối của luật nhân quả, không tin có kiếp trước và kiếp sau, không tin có luân hồi quả báo,... họ bài bác tất cả những điều kể trên với lý do họ cho đây là những điều phi thực tế, chỉ có những tôn giáo thần quyền mới nói và chỉ có những tín đồ ngoan đạo mới tin.
 
Chính từ chỗ nhận thức sai lầm đó đã dẫn họ đi đến những hành động sai lầm. Ví dụ: khi không tin có nhân quả nên họ mặc sức tham nhũng để rồi phải ngồi tù. Đó không là nhân_ quả, thì là gì?. Gieo nhân tham nhũng thì gặt quả vào tù. Có người bảo rằng “làm gì có chuyện kiếp trước kiếp sau”, và thế là họ sống buông thả, hưởng thụ xa hoa phung phí, tiêu hao tài sản, phung phí thời gian và sức khỏe. Đó cũng là lối sống đang thịnh hành trong giới trẻ ngày nay. Ở đây, chúng ta không đi sâu vào vấn đề có luân hồi hay không? Tuy nhiên, cái gì mình không thấy thì không hẳn là không có. Ví dụ: anh nói là anh không tin có luân hồi, vì anh không thấy có kiếp trước và kiếp sau. Vậy tôi nói “ tôi không tin anh có ba mẹ vì tôi không thấy ba mẹ anh hiện diện”. Hay như chúng ta nói “tôi không tin có nước Việt Nam vì tôi chưa bao giờ thấy”. Những lập luận nêu trên quả thật không có căn cứ.
 
Người Cán bộ là Phật tử thì họ sẽ có một nhận thức đúng đắn. Nhận thức đúng đắn sẽ đưa họ từ thành công này đến thành công khác, và lợi ích của họ cũng chính là lợi ích của muôn người. Khi họ nhận thức rằng “Cán bộ là đày t của nhân dân” thì họ sẽ hết lòng phục vụ nhân dân mà không biết mệt mỏi, họ không coi mình là quan trọng, không kiêu căng, ngạo mạn, hách dịch với người dân, không nghĩ mình có quyền hạn mà sách nhiễu người khác. Vì là người Cán bộ Phật tử nên họ tôn trọng tất cả mọi người, xem người khác như cha mẹ nên hết lòng phục vụ mà không hề than van, họ luôn bày tỏ niềm hân hoan khi được phục vụ như phục vụ cho chính bản thân và người thân của họ.
 
Nhận thức đúng đắn của Người Cán bộ Phật tử sẽ cứu họ ra khỏi vũng lẫy của tội lỗi. Vì làm người không ai không tránh khỏi phạm phải lỗi lầm, tuy nhiên khi đã phạm lỗi mà biết hổ thẹn, sửa chữa lỗi lầm thì đó mới là người đáng khen ngợi. Chỉ khi Cán bộ là Phật tử họ sẽ học được đức tính này. Họ nhận thức rằng, cây kim sợi chỉ còn không được lấy (nếu không được sự cho phép của chủ nhân) thì họ sẽ không bao giờ tham nhũng, hoặc nếu vì một phút sa ngã mà họ phạm phải lỗi lầm thì họ sẽ sẵn sàng nhận tội, mà không hề đùn đẩy, chối quanh, hoặc đổ tội cho người khác, vì họ biết “nhân nào quả đó” nếu thoát được tòa án thế gian thì tòa án lương tâm và luật nhân quả nghiệp báo cũng không tha cho họ. Nhận thức được như vậy, Người Cán bộ Phật tử sẽ hạn chế đến mức thấp nhất khả năng phạm phải lỗi lầm.
 
Mặt khác khi Cán bộ là Phật tử, ngoài công việc của người Cán bộ ra họ sẽ dành thời gian cho vấn đề thanh lọc thân tâm, không phung phí thời gian vào những việc vô ích, họ tích lũy kiến thức và làm giàu kinh nghiệm qua việc đọc sách Phật, thực tập thiền định hay các phương pháp thư giản và cân bằng nội tâm sau những giờ làm việc mệt nhọc. Họ ý thức được rằng, công việc của họ thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào việc họ “dụng tâm” tốt hay không tốt vào công việc đó, chính vì thế mà họ xem việc rèn luyện tâm là vấn đề hàng đầu, tập cho tâm có được tình yêu thương mà không có sự phân biệt thân sơ, oán thù. Tập cho tâm có được sự vững vàng khi gặp phải những cám dỗ của vật chất hay gặp những vẫn đề nan giải. Họ biết nhẫn nhục chịu đựng với áp lực công việc vì theo họ làm việc không phải vì tiền lương mà làm việc vì để đem lại lợi ích cho mọi người. Nhờ ý nghĩ đó mà họ không cảm thấy mệt mỏi hoặc bị stress!
 
Người Cán bộ là Phật tử luôn có tâm cầu tiến và ham học hỏi. Ngoài sách vở họ còn biết tìm đến những vị Thầy có kiến thức và đạo đức để trao đổi, học hỏi và tham cứu thêm về những vẫn đề họ đang mắc phải mà tự thân họ không thể giải quyết được. Họ biết khiêm cung, kính nhường và lắng nghe mà không thành kiến, không hề kiêu ngạo khi đối trước một vị Thầy, dù cho tuổi tác của người đó có nhỏ hơn mình.
 
Người Cán bộ Phật tử luôn biết thiểu dục tri túc, sống lối sống lành mạnh, giản đơn và thanh thản. Họ nhận thức rằng vật chất cũng chỉ là miếng mồi mà để đạt được nó con người phải trả bằng máu và nước mắt. Danh thơm tiếng tốt cũng chỉ là sương khói, mà để có được nó thì phải hy sinh đi đạo đức con người. Chính vì thế mà họ hoan hỷ với cuộc sống thanh bần, biết đủ và nếu có dư họ vui lòng chia sẽ đến với những người nghèo khổ hơn họ. Còn và còn rất nhiều những đức tính cao đẹp khác mà chỉ khi nào người Cán bộ trở thành Phật tử mới có thể có được.
 
Có người bảo tôi rằng, sẽ vô cùng viễn vong khi mà những điều này chỉ là trên lý thuyết, làm sao có thể đạt được nó, nếu là một người bình thường, hoặc có chăng chỉ là những người nằm trong chuyện cổ tích của trẻ con.
 
Đúng quả thật là không dể để đạt được điều này, nếu mà chúng ta chỉ nói mà không làm. Không thể nào có được lúa khi mà anh cứ ngồi mãi trong nhà mà không chịu ra đồng cày cấy. Cũng thế nếu không chịu thực hành thì làm sao chúng ta có thể đạt được những điều tốt đẹp nói trên.
 
Những điều này cách đây hơn 2500 đã có một con người đạt được, một con người như bao nhiêu con người khác, người đó không chỉ là một người Cán bộ tầm thường mà là một Vương tử với địa vị cao tột, với đầy đủ gia tài danh vọng. Nhưng nếu người đó không từ bỏ tất cả để sống theo lối sống của người Khất sỹ, thì chắc hẳn sẽ không ai biết và nhắc đến. Đó chính là Đức Thế tôn, bậc Chánh đẳng giác, bậc Thầy của trời người, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
 
Có người sẽ nói “đó là giáo chủ của đạo Phật thì người Phật tử phải có nhiệm vụ tán dương và ca tụng, vả lại hơn 2500 năm trôi qua rồi, liệu ai có thể chứng minh những lời nói trên và con người trên là sự thật”.
 
Điều này cũng không hẳn là phi lý, khi mà những người bị chủ nghĩa vô thần lấy đi hết niềm tin thì không loại trừ họ sẽ nói như thế. Tuy nhiên lịch sử cũng không ít những con người đã đạt đầy đủ phẩm hạnh cao quý nói trên mà mỗi khi nhắc đến không chỉ riêng giới Phật tử và tất cả mọi người đều thán phục, đó chính là vị Vua anh minh, Thiền sư lỗi lạc Trần Thái Tông.          
 
Tiểu sử của Ngài cũng chính là sự minh chứng hùng hồn về một vị Vua trọn việc nước, một vị Thiền sư chứng đắc về đạo.
 
Tuy bối cảnh lịch sử đã làm cho Ngài nhiều phen điên đảo, quyết chí bỏ lên núi để ẩn tu. Nhưng được Thiền sư Trúc Lâm khai ngộ
 
“Sáng hôm sau, Vua lên thẳng đỉnh núi và vào tham kiến Thiền sư Trúc Lâm (có lẽ Thiền sư Đạo Viên).
 
Thấy Trẫm, Quốc sư mừng rỡ. Người ung dung bảo Trẫm:
 
- Lão tăng ở chốn sơn đã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay Bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không?
Trẫm nghe lời thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với thầy rằng:
 
- Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chớ chẳng muốn tìm gì khác.
Thầy đáp:
 
- Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.
(Bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam)
 
Hôm sau, Trần Thủ Độ đem các quan lên núi Yên Tử đón Vua về kinh. Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Thái Tông viết:
 
Thấy Trẫm, Trần Công thống thiết nói:
- Tôi chịu lời ủy thác của Tiên quân, phụng sự nhà vua trong việc làm chủ thần dân. Nhân dân đang mong đợi Bệ hạ như con đỏ trông đợi cha mẹ. Huống chi ngày nay các vị cố lão trong triều đều là họ hàng thân thích, sĩ thứ trong nước ai nấy đều vui vẻ phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết nhà vua là cha mẹ dân. Vả lại Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ chưa ráo, lời dặn dò bên tai còn văng vẳng, thế mà Bệ hạ đã lánh vào chốn núi rừng ẩn cư để cầu thỏa lấy ý chí riêng của mình. Tôi dám nói rằng Bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về. 
 
Trẫm nghe Thái sư và các quần thần bô lão đều không chịu bỏ Trẫm, cho nên mới đem lời Thái sư mà bạch lại với Quốc sư, Quốc sư cầm tay Trẫm mà nói:
 
- Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin Bệ hạ đừng phút nào quên.
 
Bởi vậy Trẫm với mọi người trong triều mới trở về kinh, miễn cưỡng mà lên lại ngôi báu. Ròng rã trong mười năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm lại tụ họp các bậc kỳ đức để học hỏi đạo thiền. Các kinh điển của các hệ thống giáo lý chánh, không kinh nào là Trẫm không nghiên cứu. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang, một hôm đọc đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, buông kinh xuống chiêm nghiệm, bỗng hoát nhiên tự ngộ...
 
Thái Tông là ông vua chăm học, trong bài tựa Kinh Kim Cang Tam-muội ông viết:
 
Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, Trẫm cố học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa biết được bao lăm, cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi còn học kinh Phật.
 
Thái Tông quả là ông vua cần mẫn hiếu học, không buông mình theo dục lạc.
 
Chẳng những thế, Thái Tông lại là ông vua anh hùng. Năm 1257 giặc Mông Cổ xâm lăng đất nước. Thái Tông đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận, có mặt ở cả mọi nơi nguy hiểm, khiến quân sĩ đều nức lòng chiến đấu. Kết quả quân ta đã đánh tan quân xâm lược, giặc Mông Cổ tháo thân chạy về Vân Nam vào đầu năm 1258. Đây là ông vua vừa đạo đức vừa anh hùng, làm sáng rỡ những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.
 
Sau cuộc chiến, đất nước thái bình, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con năm 1258 lên làm Thái thượng hoàng. Từ đây Thái Tông vừa làm cố vấn cho con, vừa lo nghiên cứu tu thiền. Đến lúc vua Trần Thánh Tông đủ sức đảm đang việc nước, ông lui về lập am Thái Vi ở vùng rừng núi Vĩ Lâm cố đô Hoa Lư để an dân lập ấp và tu hành.
 
Thái Tông bệnh, nhân nuôi bệnh cha, Thánh Tông thưa: “Chân không và ngoan không là đồng hay khác?” Thái Tông bảo: “Hư không là một, chỉ vì tâm mình mê ngộ nên có chân và ngoan. Thí như phòng nhà mở cửa thì sáng, đóng cửa thì tối, sáng tối chẳng đồng mà phòng nhà là một.”
 
Hôm sau, Quốc sư Đại Đăng vào thăm thưa: “Bệ hạ bệnh chăng?” Thái Tông nói: “Tứ đại là bệnh, cái này xưa nay sanh tử không can hệ, mà dính kẹt trong bệnh hoạn sao?”
 
Khoảng mấy hôm sau, Thái Tông lặng thinh không nói, đuổi hết kẻ hầu hạ, đem việc nước dặn dò Thánh Tông. Thánh Tông muốn nhờ hai Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên), Đại Đăng nói pháp xuất thế cho Thái Tông nghe. Thái Tông gằn giọng bảo: “Đến trong đây, bớt một mảy tơ dường trên thịt khoét thương, thêm một mảy tơ như trong mắt để bụi. Ba đời chư Phật bốn mắt nhìn nhau, sáu đời Tổ sư thối thân có phần. Dù Phù Vân nói huyền, Đại Đăng thuyết diệu đều là lời thừa, có ích gì đối với cái này?”
 
Nói xong, Ngài lặng lẽ thị tịch, nhằm năm Đinh Sửu niên hiệu Bảo Phù thứ năm, thọ sáu mươi tuổi.
 
Ngài còn lưu lại những tác phẩm:
 
1. Thiền Tông Chỉ Nam
2. Kim Cang Tam-muội Kinh chú giải
3. Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi
4. Bình Đẳng Lễ Sám Văn
5. Khóa Hư Lục
6. Thi Tập.
 
Mượn tiểu sử của vị Vua anh minh, vị Thiền sư lỗi lạc nhà Trần để nêu tấm gương sáng cho những ai còn đang chìm trong bến mê danh vọng, quyền lực và tài sản. Đồng thời cũng khích lệ những người được mệnh danh là “Cán bộ” hãy học và suy tư về hình ảnh thanh thoát nhưng không kém phần lẫm liệt của một vị Vua lịch sử, một con người đã “lo trước cái lo của nhân dân, vui sau cái vui cảu nhân dân” một người thực sự là công bộc trung thành của nhân dân mặc dù trong thời đại lúc bấy giờ Ngài là người nắm quyền sinh sát trong tay. Nhưng Ngài đã thuận theo lòng dân, quay về đóng tiếp vai trò của người “Cán bộ cao cấp”, hết lòng phục vụ vì lợi ích của dân tộc, không tham quyền cố vị và luôn nỗ lực tinh tấn nghiên cứu kinh Phật, thâm nhập giáo lý cao siêu, chứng đắc đạo quả viên mãn.
 
Không những có công đối với quốc gia mà Ngài còn đóng góp không nhỏ vào kho tàng giáo lý của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt nam nói riêng. Thời đại có khác, tâm người cũng khác nhưng Phật tánh thì không hề thay đổi, vì thế hãy nỗ lực tinh tiến để xứng đáng là người “Cán bộ Phật tử” của thế kỷ 21.

Các tin đã đăng: